(CHG) Thuốc Nam là những bài thuốc trải qua việc sử dụng thực tế trong dân gian rồi đúc rút lại kinh nghiệm và được truyền miệng cho nhau từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác mà không có ghi chép rõ ràng. Chính vì thế, nhiều người tin vào “kinh nghiệm” mà sử dụng tùy tiện các loại thuốc Nam dẫn đến việc trì hoãn điều trị hoặc nguy hại hơn là dùng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến gây hại cho cơ thể.
Hình ảnh minh hoạ về thuốc nam.
Thuốc Tây chưa xong, chuyển sang thuốc Nam
Ngày 4/12/2022, bé trai T.X.H (6 tuổi, ở Hà Nội) vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt. Gia đình cho biết, suốt 2 tháng qua, khi trẻ có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân, gia đình đã cho điều trị bằng thuốc Nam kết hợp với châm cứu. Tuy nhiên, bệnh của trẻ không thuyên giảm và mệt mỏi, tiểu ít, tăng cân nhanh bất thường. Sau khi khám và làm xét nghiệm cho bệnh nhi, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng thận hư tiên phát, điều trị theo phác đồ của hội chứng thận hư tiên phát không đơn thuần. Điều may mắn, dến 6/12/2022, tình trạng trẻ đã dần ổn định.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi N.A (15 tuổi, ở Thanh Hóa) vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn. Gia đình cho biết, trước đây 2 tháng, phát hiện chân con bị phù, bố mẹ cháu A đã cho con đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội và nhận được chẩn đoán là hội chứng thận hư. Gia đình cho cháu A về bệnh viện địa phương điều trị. Tuy nhiên, tự nhận thấy kết quả điều trị cho con chưa được như mong muốn nên gia đình đã tự ý chuyển sang dùng thuốc Nam và thuốc Bắc.
Sau khi dùng thuốc Nam và thuốc Bắc khoảng 2 tháng, sức khỏe cháu A ngày càng yếu, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Ngày 4/12, cháu A bị suy hô hấp, tăng huyết áp, phải thở oxy để chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Trẻ được lọc máu, làm các xét nghiệm và chạy thận cấp cứu ngay trong đêm.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ, 32 tuổi, nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, da niêm mạc nhợt, đau bụng thượng vị nhiều, buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày. Bệnh nhân được khám và làm các xét nghiệm, nội soi dạ dày có hình ảnh viêm trợt dạ dày, nội soi đại tràng bình thường, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng chưa phát hiện bất thường. Kết quả xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu nhẹ, có dấu hiệu cho thấy tình trạng ngộ độc kim loại nặng (chì). Bệnh nhân có tiền sử có dùng nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc khác nhau.
Tự sử dụng thuốc nam một học sinh phải đi cấp cứu, nguy hại đến sức khoẻ.
Cứ chấn thương là đắp lá thuốc Nam
Hiện nay, trung bình mỗi tháng khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân bị chấn thương do sử dụng lá cây rừng chữa chấn thương tại nhà.
Bệnh nhân Thào A Chỉ (10 tuổi, ở bản Nậm Vạc 2, xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, 2/3 trên cánh tay phải trở xuống bị tím đen, bốc mùi hôi thối. Sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán cánh tay phải của bệnh nhân đã hoại tử hoàn toàn, xương cùi chỏ bị lòi ra và nhiễm trùng huyết rất nặng. Cùng với đó, do bệnh nhân đã được bó bột bằng lá cây rừng vào vết thương hở nên bị viêm tắc mạch nuôi cánh tay, hoại tử phần mềm và sưng to đến mức vỡ, loét, tiên lượng rất xấu.
Bố của A Chỉ là Thào A Mềnh cho biết: Trong thời gian đi chăn trâu, do nô nghịch với các bạn, cháu nhảy từ trên lưng trâu xuống và bị ngã dẫn đến gãy cánh tay phải, chảy nhiều máu. Tôi đã vào rừng hái lá cây băng bó cho cháu. Khi băng bó xong, tôi thấy cháu không còn kêu đau, ăn uống bình thường. Tôi nghĩ là không sao và cũng do bận đi làm nương nên tôi không đưa cháu đi bệnh viện khám. Khoảng hai hôm sau, tôi thấy tay cháu sưng to, bốc mùi hôi, tôi mới đưa cháu đi bệnh viện để khám, điều trị. Đến bệnh viện thì tình trạng của cháu đã rất nguy kịch.
Bệnh nhân Hạ A Chù (bản Phìn Ngan Sin Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường) bị bỏng cánh tay trái do đắp lá cây được hái trên rừng. Mẹ của bệnh nhân cho biết, nghỉ hè, bệnh nhân ở nhà chơi cùng các bạn trong bản, không may bị ngã. Mẹ của A Chù vào rừng hái lá về giã và đắp lên tay cho con. Lúc đầu, vết thương của bệnh nhân có giảm đau, nhưng sau đó ngày càng sưng to và phồng rộp lên như mụn nước. Gia đình đưa cháu đến bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy kín lồi cầu trong xương cánh tay trái, bó bột và điều trị phỏng nước. Sau gần 1 tuần được bác sĩ điều trị tích cực đến nay, sức khỏe cháu đã ổn định.
Chưa hết, nhiều người chia sẻ, truyền tai nhau trong các hội nhóm mạng xã hội về việc sử dụng thuốc nam để điều trị ung thư. Rất nhiều người bệnh ung thư đã tin tưởng và chuyển sang uống thuốc nam để điều trị.
Bệnh nhân C.T.T, (39 tuổi) vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La trong tình trạng đầu vú lở loét, bốc mùi hôi thối do đắp thuốc nam điều trị ung thư vú. Bệnh nhân đã phát hiện mắc u vú trái hơn một năm trước và được bác sĩ tư vấn nhập viện phẫu thuật cắt tuyến vú trái. Nhưng bệnh nhân xin ra viện và về nhà đắp thuốc nam. Sau một thời gian đắp thuốc, khối u ngày càng to và biến dạng sùi loét và chảy máu nhiều, làm cho sức khỏe của bệnh nhân giảm sút dần, ăn uống kém và sút cân. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành cắt bỏ khối u vú trái, nạo vét hạch và chuyển vạt da tự thân che phủ tổn thương.
Tại Bệnh viện K (Hà Nội), các bác sĩ cũng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý bỏ điều trị, về nhà chữa trị theo cách dân gian. Trường hợp bệnh nhân M (37 tuổi, Nam Định) là một điển hình. Chị M được phát hiện ung thư phổi ở bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, chị M không đi Bệnh viện K khám và điều trị mà chuyển sang mua thuốc nam của thầy lang ở Hòa Bình để sử dụng. Sau gần 1 năm, các cơn ho của chị M xuất hiện nhiều hơn, đau lưng ngày càng nhiều. Chị M đến bệnh viện K khám thì được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4, đã di căn nhiều nơi.
Theo các chuyên gia, việc thuốc nam chữa khỏi được bệnh ung thư là chưa có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, người dân vẫn tin dùng dẫn đến việc điều trị muộn.
Theo các chuyên gia đây là những thông tin sai lệch, hiện nay trên thế giới chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh các loại thuốc nam có hiệu quả trong việc điều trị căn bệnh này.
(Còn tiếp)
3
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết