(CHG) Theo quy định hiện nay về kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu, phương thức kiểm tra hàng hóa giảm được rất nhiều thủ tục. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về kiểm tra giảm đang gặp nhiều khó khan, do thiếu thông tin, cơ quan Hải quan không đủ cơ sở để xác định các lô hàng đủ điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm. Lực lượng chức năng cần đổi mới, cải cách việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện, tạm giữ nhiều mặt hàng thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Hiện nay, Nghị định 15/2018/NĐ-CP (Nghị định 15) về an toàn thực phẩm đang có các quy định về cải cách kiểm tra chuyên ngành rất lớn, cụ thể như cắt giảm lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, áp dụng phương thức kiểm tra giảm, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện đang có những bất cập như chưa triển khai được phương thức kiểm tra giảm.
Theo tính toán của Bộ Y tế, với quy định tại Nghị định 15, số lượng lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ giảm được 95-98%. Thực tế việc thực hiện quy định về kiểm tra giảm theo quy định tại Điều 19 Nghị định 15 gặp nhiều khó khan, do cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, được các bộ chỉ định không cung cấp thông tin về hàng hóa, được áp dụng phương thức kiểm tra giảm cho cơ quan Hải quan.
Cơ quan Hải quan không đủ cơ sở để xác định các lô hàng đủ điều kiện được áp dụng phương thức kiểm tra giảm theo khoản 1 Điều 17 của Nghị định 15. Theo đó, hiện các lô hàng thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm (trừ đối tượng được miễn kiểm tra) vẫn phải thực hiện kiểm tra khi nhập khẩu.
Như vậy, cùng một mặt hàng nhập khẩu giống nhau, mỗi nhà nhập khẩu đều phải thực hiện thủ tục kiểm tra. Bên cạnh đó, đã có quy định về thưa nhận hàng hóa được sản xuất từ cơ sở uy tín, chất lượng nhưng chưa triển khai. Tại Nghị định 15 quy định hàng hóa được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000m IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương, được áp dụng phương thức kiểm tra giảm.
Tuy nhiên, đến nay các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa cung cấp danh sách hàng hóa được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng này, hoặc tương đương để cơ quan Hải quan có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngoài ra còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong kiểm tra an toàn thực phẩm với kiểm dịch. Hiện nay, nhiều mặt hàng vừa thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương và Bộ Y tế quản lý, vừa thuộc diện phải kiểm dịch động vật/thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và thuộc Danh mục dược liệu do Bộ Y tế quản lý.
Theo Bộ Tài Chính, thực trạng nêu trên đặt yêu cầu cần chuẩn hóa, cải cách toàn diện các quy định về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, đối với hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm trong tổng thể thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính và Chính phủ điện tử, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm ngày giáp Tết.
Tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, đã đưa ra những quy định cải cách thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm.
Mục tiêu của dự thảo nhằm kế thừa các cải cách tốt, của hoạt động kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình, thủ tục tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức theo hướng doanh nghiệp chỉ đăng ký kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm trên NSW, các cơ quan chức năng và tổ chức chứng nhận sự phù hợp kiểm tra thông báo trên NSW, kết quả đạt yêu cầu thì hàng hóa được thông quan, các cơ quan nhà nước thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật của các đối tượng tham gia vào quá trình kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, gồm: Các cơ quan kiểm tra, cơ quan Hải quan, cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định, hoặc được công nhận phù hợp ISO 17025; cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính, chi phí lưu kho, bãi và thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm; bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng.
Tại dự thảo Nghị định quy định, thủ tục tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm được đơn giản hóa, người nhập khẩu chỉ phải thực hiện đối với hàng hóa lần đầu nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hàng hóa đã được cấp mã số tự công bố sản phẩm được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra.
Khi nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm trên NSW, doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định, hoặc được công nhận để kiểm nghiệm đối với hàng hóa phải lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Dự thảo Nghị định cũng cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ đăng ký kiểm tra, cụ thể: Bỏ danh mục hàng hóa (Packing list); bỏ quy định chứng từ phải được hợp pháp hóa lãnh sự; đối với hàng hóa được áp dụng phương thức kiểm tra giảm, người nhập khẩu hàng hóa chỉ cần khai mã số tự công bố sản phẩm trên tờ khai hải quan, không phải nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1445/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.
Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (Chương trình hành động) nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã được nêu tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Với Chương trình hành động đó, sẽ có nhiều sản phẩm được nhập khẩu vào nước ta, vấn đề này sẽ đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để đưa ra đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thiết thực hơn để bảo vệ người tiêu dùng, kiên quyết ngăn chặn các loại thực phẩm “bẩn”, thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lọt vào thị trường nội địa.
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết