(CHG) Qua nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã có cảnh báo về việc mua thiết bị y tế trực tuyến.
Máy đo tiểu đường thường được người dân mua tự sử dụng tại nhà.
Mua thiết bị y tế trực tuyến có nên hay không?
Qua thời kỳ dịch bệnh Covid-19 căng thẳng, nhiều người dân vẫn duy trì thói quen mua sắm trực tuyến, trong đó có việc mua các thiết bị y tế để sử dụng tại nhà.
Trên các sàn thương mại điện tử, trang thông tin bán hàng, mạng xã hội, không khó để có thể tìm kiếm thông tin, lựa chọn và chốt đơn đặt hàng về nhà các thiết bị y tế “phổ thông” như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, máy khí dung... Tuy nhiên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ghi nhận một số trường hợp khiếu nại việc đặt mua thiết bị y tế có chất lượng thấp, không thể đo các chỉ số sức khỏe hoặc không hiệu quả trong việc chữa trị triệu chứng bệnh, nhưng không được đổi/trả.
Qua xác minh, Cục phát hiện trong quá trình đặt hàng, website bán thiết bị y tế không yêu cầu đăng nhập, thay vào đó yêu cầu người dùng cung cấp thông tin như: Họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ. Sau khi hoàn thành, một cửa sổ pop-up sẽ hiện ra, thông báo “đã đặt hàng thành công”, ngoài ra không có các thông tin khác. Người tiêu dùng cũng không nhận được xác nhận đơn hàng qua điện thoại hay email. Từ vụ việc trên, người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý khi phản ánh, khiếu nại do không cung cấp được bằng chứng đã mua hàng tại website thương mại điện tử.
Để không bị “tiền mất, tật mang” khi mua thiết bị y tế qua mạng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dùng nên mua hàng tại sàn/website thương mại điện tử đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương với hình ảnh logo thông báo tới Bộ Công Thương ở cuối màn hình giao diện. Khi bấm vào logo sẽ được chuyển hướng tới website Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương (http://online/gov/vn), trong đó thể hiện thông tin của sàn/website thương mại điện tử.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo, người tiêu dùng cần lựa chọn sàn thương mại điện tử, trang web thực hiện đầy đủ các bước cho phép người tiêu dùng đặt hàng. Cụ thể, yêu cầu đăng nhập/đăng ký khi mua hàng (đây là cơ sở để người tiêu dùng xem lại các đơn hàng đã thực hiện). Tiếp đến là thể hiện thông tin đơn hàng sau khi người tiêu dùng đặt hàng thành công như: Mã đơn hàng, thông tin người bán, thông tin người mua, đơn vị vận chuyển, thời gian dự kiến nhận hàng. Cuối cùng là gửi tin nhắn, email đến người tiêu dùng thông báo về việc đã đặt hàng thành công.
Khi nhận hàng, người tiêu dùng nên xem xét kỹ biên lai giao nhận của đơn vị vận chuyển, đặc biệt là phần thông tin người bán. Nếu thông tin người bán trên biên lai không khớp với sàn/website thương mại điện tử, người tiêu dùng nên từ chối nhận hàng.
Người tiêu dùng nên tìm hiểu, tham khảo kỹ từ bạn bè, người thân, thông tin trên mạng về sàn/website thương mại điện tử, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trước khi thực hiện giao dịch. Người dùng cần nhanh chóng phản ánh và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị y tế giải quyết các yêu cầu khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, cần liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Nên cẩn trọng khi mua thiết bị y tế để sử dụng. Ảnh minh hoạ.
Lựa chọn sản phẩm thiết bị y tế gia đình hiệu quả
Để lựa chọn sản phẩm thiết bị y tế gia đình hiệu quả, người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm như sau:
Thứ nhất, hãy lựa chọn kênh bán hàng uy tín: Hiện nay, thị trường thiết bị y tế gia đình rất sôi động với nhiều kênh bán hàng khác nhau. Rất nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình và có thói quen ra quyết định mua sắm nhanh chóng ngay trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quá phụ thuộc vào các kênh mua sắm online khi mua sắm thiết bị y tế. Bởi, bạn cần được trải nghiệm thực tế sản phẩm để cảm nhận rõ nét mức độ phù hợp của sản phẩm đó. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần được tư vấn chi tiết về chức năng và cách sử dụng sản phẩm trước khi tự dùng tại nhà. Một số sản phẩm thiết bị y tế cần phải được trải nghiệm trước khi mua như đai lưng cột sống, tăm nước, bàn chải điện hoặc máy tạo oxy, máy xông khí dung...
Thứ hai, cần lựa chọn sản phẩm có thông tin đầy đủ, dễ tiếp cận. Trên bất kỳ kênh bán hàng nào, các thông tin về sản phẩm đều phải đầy đủ và dễ hiểu. Cụ thể như sản phẩm phải có đầy đủ một số thông tin cơ bản như: Tên và mã sản phẩm; xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm; tính năng, công dụng, mục đích sử dụng; cách thức sử dụng sản phẩm; Chế độ bảo hành và hậu mãi; Giá thành sản phẩm; Các chương trình khuyến mãi hiện hành. Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ nhận định sản phẩm có phù hợp với bản thân và gia đình hay không để quyết định đặt mua hay không đối với sản phẩm.
Thứ ba là niêm yết giá công khai. Dù mua bán bất cứ sản phẩm nào, người tiêu dùng cũng nên so sánh giá giữa các nhà bán khác nhau, nhằm giúp loại trừ các sản phẩm có giá quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu rõ về mức giá và những khuyến mãi đi kèm tại thời điểm bạn muốn mua sản phẩm. Không nên quyết định mua sản phẩm có giá thấp nhất mà chưa lý giải được lý do tại sao sản phẩm ở khung giá đó. Nhiều nhà bán hàng đã tự động cắt bớt một trong số sản phẩm phụ đi kèm sản phẩm chính nhằm giảm giá thành. Tuy nhiên, các sản phẩm phụ này lại là phần thay thế hoặc gia tăng tính năng của thiết bị.
Thứ tư, chế độ giao hàng và bảo hành hậu mãi cần chuyên nghiệp. Người tiêu dùng cần phải xét đến dịch vụ giao hàng và chi phí vận chuyển, hình thức thanh toán, chế độ bảo hành để đảm bảo sản phẩm mình nhận được là sản phẩm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, chế độ giao hàng và bảo hành cũng phản ánh nhà bán có thiết lập dịch vụ chuyên nghiệp hay không, có tin cậy được hay không.
Thứ năm, hãy lựa chọn nhà phân phối uy tín. Sau tất cả, người tiêu dùng cần phải quan tâm tới nhà bán hàng cho mình qua các chi tiết như địa chỉ bán hàng, hệ thống chi nhánh, trung tâm bảo hành để tiện trong việc mua sắm hoặc đổi trả, sửa chữa. Trong trường hợp cần thiết, người tieu dùng có thể trải nghiệm sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng để có thể ra quyết định mua sắm chính xác hơn.
Như vậy khi cần sử dụng các thiết bị y tế tại nhà, người tiêu dùng cần đến mua tại các cơ sở uy tín và lựa chọn sản phẩm mà có đầy đủ các thông tin rõ ràng, tránh mua phải hàng giả "tiền mất tật mang".
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết