(CHG) Được sử dụng thực phẩm ngoại nhập chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước "ma trận" thực phẩm nhập khẩu như hiện nay, cần có những biện pháp quyết liệt kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
Cảnh giác với thực phẩm nhập khẩu “giá rẻ”
Không ít các bà nội trợ đang rất tin tưởng, truyền tai nhau về những địa chỉ bán thực phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Đức… qua các kênh bán hàng online, cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhập khẩu. Những sản phẩm này tuy có giá thành cao, nhưng được người bán hàng cam kết là hàng ngoại nhập xịn, đảm bảo chất lượng.
Cũng có những địa chỉ bán hàng nhập khẩu với giá siêu rẻ. Phổ biến nhất là các loại hoa quả nhập khẩu. Ví dụ, quả cherry có giá hơn 300.000 đồng/kg, nho Mỹ có giá 100.000 – 120.000 đồng/kg, cam Úc có giá 70.000 - 80.000 đồng/kg. Nếu người mua thắc mắc tại sao lại có giá siêu rẻ như thế, người bán sẽ trả lời họ là đầu mối hoặc nhập hàng tại nguồn, không qua trung gian nên giá siêu rẻ cho người mua hưởng lợi.
Một số mặt hàng tươi sống như sườn bò nhập khẩu giá rẻ, cốt lết, dẻ sườn bò Astralia có giá từ 130.000 – 180.000 đồng/kg, thậm chí có thể rẻ hơn nếu người mua “nhập hàng số lượng lớn”. Cá hồi phi lê Na Uy cũng được rao bán với giá chỉ hơn 100.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty Hải sản Hoàng Gia cho biết, các loại hải sản nhập khẩu bán tại Việt Nam đã rẻ hơn so với trước đây, trung bình khoảng từ 5 - 15%. nguyên nhân chính là do các nước xuất khẩu vẫn đang triển khai các chính sách kích cầu. Chi phí vận chuyển logistics cũng giảm giúp giá thành sản phẩm hạ so với nhiều năm trước.
Việt Nam là nước tiêu thụ hải sản Na uy lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng sản lượng năm 2022 là khoảng 50.000 tấn. Riêng mặt hàng cá hồi Na Uy, năm 2022, tăng trưởng đến 49% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các loại động vật có vỏ như tôm, nghêu, sò, ốc... cũng tăng trưởng 9% so với năm 2021.
Ông Michael Young, Chủ tịch Hiệp hội Thịt bò Canada thông tin: “Năm 2021, Canada đã xuất khẩu được vào Việt Nam hơn 12.100 tấn, tăng 92% so với năm 2020, tương đương 85,4 triệu đô la Canada, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu sản phẩm thịt bò vào Việt Nam tăng trưởng 24% về khối lượng và 15% về giá trị. Việt Nam cũng là 1 trong 2 thị trường nhập khẩu thịt bò Canada lớn nhất khu vực Đông Nam Á".
Thương mại song phương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng từ hơn 4 tỷ USD năm 2011 lên hơn 9 tỷ USD vào năm 2021.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu nông sản và thực phẩm lớn thứ 8 của Mỹ. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ vào Việt Nam đã vượt kim ngạch của cả năm 2021 là 3,1 tỷ USD. Những sản phẩm nông sản của Mỹ được người Việt Nam đón nhận rộng rãi như thịt bò, trái cây tươi, thịt gà...
Những phân tích khả quan từ thị trường cũng không thể lý giải được độ “siêu rẻ” của các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu nghe thì rất hấp dẫn và có lợi cho người mua nêu trên.
Khảo sát giá ở một số địa chỉ uy tín, nhập khẩu sản phẩm có thương hiệu từ nước ngoài, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu, thì giá thịt bò thượng hạng từ Nhật Bản có giá 500.000 - 800.000 đồng/kg. Tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, giá thịt bò nhập khẩu trung bình từ 260.000 - 350.000 đồng/kg tùy loại. Cá hồi nhập khẩu có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Thịt ba chỉ bò Mỹ cắt lát là 115.000 đồng/gói 500g.
Bò Mỹ nhập khẩu được bán với giá rẻ tràn lan trên mạng xã hội.
Được sử dụng thực phẩm ngoại nhập chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Theo nguyên tắc của thị trường, người tiêu dùng sẽ lựa chọn ưu tiên các sản phẩm có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân. Tuy nhiên, với những sản phẩm ngoại nhập có giá “siêu rẻ” thì phần lớn sẽ là hàng quá hạn sử dụng, làm lại hạn sử dụng, nhập lậu hoặc hàng trôi nổi dán mác nhập khẩu.
Người tiêu dùng cần lưu ý, sản phẩm nước ngoài muốn lưu hành tại Việt Nam phải là sản phẩm nhập khẩu hợp pháp. Đơn vị nhập khẩu phải có công bố tiêu chuẩn chất lượng của Cục An toàn thực phẩm, tức là phải tiến hành đầy đủ các công đoạn kiểm nghiệm chất lượng, thành phần thì mới được phép nhập khẩu. Sản phẩm nhập khẩu phải có tem phụ bằng tiếng Việt, trong đó có nêu rõ đơn vị nhập khẩu, hướng dẫn sử dụng, các thông số được chuyển từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, ghi rõ thành phần, hướng dẫn sử dụng... mua ở đơn vị nhập khẩu nào.
Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo triển khai và tăng cường phối hợp về việc tuân thủ quy định về chất lượng, đo lường và ghi nhãn hàng hóa đạt được những kết quả tích cực nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong năm 2022, công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Qua kiểm tra, đánh giá, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa ghi nhận, nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Phổ biến là các hành vi như không ghi nhãn hoặc có nhãn hàng hóa nhưng ghi sai nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định. Mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng các hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.
Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ của lực lượng thanh tra ngành khoa học và công nghệ từ Trung ương đến địa phương, kịp thời giải đáp vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình triển khai các cuộc thanh tra.
Bộ sẽ phối hợp giải quyết kịp thời những chồng chéo trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo hướng tập trung rà soát các văn bản chính sách, quy trình quản lý thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước để phát hiện và khắc phục kịp thời sơ hở trong cơ chế quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.
Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu.
Đồng thời, tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia.
Lườn ngỗng nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ được chào bán trên mạng.
Điểm chính của Dự thảo là nêu rõ trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo 3 phương thức: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.
Kiểm tra chặt là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp: 1 - Hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó; 2 - Hàng hóa có cảnh báo, có yêu cầu đặc biệt của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất; 3 - Hàng hóa thuộc diện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; hàng hóa có rủi ro cao, dấu hiệu vi phạm.
Kiểm tra thông thường là kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm, áp dụng đối với hàng hóa giống hệt đã có 03 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra chặt (trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện kiểm tra chặt và kiểm tra giảm).
Kiểm tra giảm là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu, áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong những trường hợp: 1 - Hàng hóa giống hệt đã có 03 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra thông thường; 2 - Hàng hóa đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; 3 - Được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trogn các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.
Về trách nhiệm kiểm tra nhà nước, Dự thảo quy định, cơ quan kiểm tra được bộ quản lý ngành, lĩnh vực giao/chỉ định hoặc cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra chặt, thông thường.
Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng trừ phương tiện nhập khẩu, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.
Sử dụng thông tin truy xuất nguồn gốc, thông tin về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan các nước để phân tích, đánh giá rủi ro của hàng hóa, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.
Kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan hải quan là cơ sở để người khai hải quan thực hiện thủ tục hải quan.
Với những quy định chặt chẽ nêu trên và sự tham gia tích cực của các bên liên quan, vấn đề an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ, giúp người tiêu dùng không mất tiền oan giữa "ma trận" hàng thực phẩm nhập khẩu như hiện nay./.
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết