(CHG) Thuốc lá điện tử đã và đang gây ra nhiều nguy hiểm cho người hút. Đáng báo động là tỷ lệ hút thuốc lá lại gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Báo động về sự nguy hiểm từ thuốc lá điện tử
Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến thuốc lá điện tử đang khiến người dân lo lắng. Nhất là khi có nhiều người trẻ đã phải nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê, nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao vì dùng thuốc lá điện tử.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, một bệnh nhân nữ 14 tuổi đã nhập viện trong tình trạng hôn mê, kích thích nhiều, tím tái, đồng tử giãn. Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp và tử vong cao. Bác sĩ chuẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine. Bệnh nhân được cấp cứu và xử lý truyền dịch, thở oxy...
Theo người nhà bệnh nhân, nữ sinh này cùng nhóm bạn được cho 1 loại thuốc lá điện tử. Sau khi hút thử, nữ sinh này xuất hiện tình trạng co giật, sau đó mất ý thức và hôn mê.
Từ đầu tháng 8/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.
Nữ sinh 20 tuổi điều trị tại bệnh viện.
Vào đêm 25/7, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cũng đã tiếp nhận nữ sinh 20 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội nhập viện trong tình trạng tím tái, vã mồ hôi, chân tay lạnh, suy hô hấp, đồng tử giãn tối đa, huyết áp tụt sâu, mạch nhanh, nguy cơ ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ nhanh chóng bóp bóng, đặt nội khí quản thở máy cho bệnh nhân. Sau khi huyết áp và mạch tăng trở lại, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Khai thác từ người bạn đi cùng được biết, nữ sinh trước đó đã sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo khuyến cáo của TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, thanh thiếu niên tuyệt đối không sử dụng thuốc lá điện tử vì trong đó có rất nhiều thành phần chất tạo mùi, khói, tạo hơi… các chất này khi đốt cháy có thể gây ưng thu, tổn thương phổi.
Chưa kể trong thuốc lá điện tử còn có các thành phần phụ gia thay đổi theo thời gian, thị hiếu, thậm chí phối trộn cả ma túy nên rất nguy hiểm. Nếu chẳng may sử dụng thuốc lá điện tử thấy có các dấu hiệu tiếp xúc chậm, lơ mơ, khó thở, có dấu hiệu ngộ độc, bất thường về sức khỏe cần phải đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
Đáng báo động hơn, tình trạng bán thuốc lá điện tử cho học sinh diễn ra nhiều hơn, với thủ đoạn tinh vi hơn. Điển hình như trên địa bàn TP. Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng một số học sinh có biểu hiện bất thường sau khi sử dụng thuốc lá điện tử gây xôn xao dư luận. Để ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép.
Ngày 28/9, Công an xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh) đã bắt quả tang N.P.H (SN 2004, trú phường Đại Nải, TP. Hà Tĩnh) có hành vi mời bán thuốc lá điện tử cho một số học sinh tại khu vực số nhà 42, đường Nguyễn Phan Chánh ở thôn Kinh Nam, xã Thạch Hưng. Tang vật bị thu giữ bao gồm 30 bộ thuốc lá điện tử các loại
Sang ngày 29/9, Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP. Hà Tĩnh đang tuần tra tại khu vực nút giao thông đường Trần Phú giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh) thì phát hiện D.T.B (SN 1998, trú xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh) có dấu hiệu khả nghi nên yêu cầu kiểm tra. Lúc này, đối tượng đang vận chuyển 20 bộ thuốc lá điện tử.
Tại cơ quan công an, cả đối tượng H. và B. đều khai chủ yếu bán thuốc lá điện tử qua mạng xã hội. Toàn bộ số sản phẩm trên đều được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ. Hiện Công an TP. Hà Tĩnh đang lập hồ sơ để xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo nghiên cứu, thuốc lá điện tử có chứa nhiều loại hương liệu độc, các sản phẩm này đều có chứa chất nicotine là chất gây nghiện, rất có hại cho sức khỏe của người hút và những người xung quanh. Sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, lối sống của giới trẻ, học sinh, nhất là hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo học sinh không nên sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử gây hại cho sức khoẻ
Cần kiểm soát, xử phạt tình trạng hút thuốc lá điện tử
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 27/12 tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã thực hiện một số chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá như: Thuế thuốc lá; Cảnh báo sức khỏe; Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; Xây dựng môi trường không khói thuốc; Truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá.
Chúng ta đã đạt được một số kết quả về giảm tỷ lệ hút thuốc như: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm: Nơi làm việc giảm 13,3%; trường học giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; tại gia đình giảm 13.2%.
Đặc biệt trong học sinh lứa tuổi từ 13-17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50%. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ hút thuốc lá điện tử lại gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Trong giai đoạn từ 2019-2021, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở học sinh (13-15 tuổi) đã tăng từ 2,6% lên 3,5%; với người trưởng thành từ 15-24 tuổi (năm 2020 so với năm 2015) tăng 18 lần (từ 0,2% lên 3,6%).
Bà Thu Hương cho rằng: Với sự gia tăng của các sản phẩm thuốc lá mới như hiện nay thì những kết quả Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ.
Liên quan tới vấn nạn lạm dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, Ths.BS.Nguyễn Hữu Hoàng, Giảng viên Trung tâm giáo dục Y học, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây, trên thị trường xuất hiện các loại thuốc lá điện tử, Shisha, loại hình gây nghiện đang tác động nặng nề tới sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Nguy hại hơn là các sản phẩm này đang được quảng cáo với những hình ảnh đa dạng, bắt mắt, hấp dẫn giới trẻ trên mạng xã hội với định hình phong cách thời thượng, dẫn dắt tới lối sống mới, hiện đại. Đây là vấn đề đáng báo động trong cộng đồng.
Thuốc lá điện tử được xem là một dạng của thuốc lá, nên việc mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử phải đáp ứng các điều kiện như khi kinh doanh mua bán thuốc lá. Hiện nay, chưa có quy định nào điều chỉnh cụ thể về thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, sự xuất hiện ngày một nhiều và đa dạng của các loại thuốc lá điện tử có tác động không nhỏ tới người dùng. Mặt hàng này, hầu hết được nhập lâu, xách tay và bán qua mạng xã hội.
BS.Nguyễn Hữu Hoàng khẳng định: Thuốc lá điện tử tạo ra một nhóm nghiện thuốc lá mới, nghiện nhận thức, nghiện hành vi, nghiện thực thể với một tốc độ nhanh hơn, dễ dàng hơn và nặng nề hơn.
Trên thực tế, hiện nay, thuốc lá thế hệ mới, ngoài thuốc lá điện tử còn có thuốc lá nung nóng. Trên thế giới có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm bán hoàn toàn đối với các loại thuốc lá điện tử; 03 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm bán sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa nicotine; Ít nhất có 08 quốc gia và vùng lãnh thổ chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép, và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ. Đây cũng được xem là quy định cấm bán bởi không có nhà sản xuất nào được cấp giấy phép chứng nhận thuốc lá điện tử là dược phẩm hoặc biện pháp hỗ trợ cai nghiện.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn có bản chất gây lệ thuộc chất gây nghiện nicotine, ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và tạo thế hệ những người hút thuốc lá mới. Việc cho phép sản phẩm này trên thị trường sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng (nhất là ở giới trẻ), đồng thời, kìm hãm nỗ lực cai nghiện thuốc lá hoàn toàn của người đang hút thuốc và có nhu cầu bỏ thuốc, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực thực hiện WHO FCTC về phòng chống tác hại thuốc lá.
Đến thời điểm này, các loại thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Vì vậy, WHO cùng với các tổ chức y tế khuyến nghị, cần duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán, để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu thuốc lá, quảng cáo và bán các sản phẩm này, để giảm thiểu tối đa sự tiếp cận và sử dụng của giới trẻ.
4
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết