Cần cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt


(CHG) Liên tiếp những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh tại Hà Nội và TP. HCM bất ngờ nhận được thông báo từ người tự xưng là "thầy giáo", "bác sĩ" nói "con đang phẫu thuật cấp cứu", yêu cầu chuyển tiền nhanh để cứu con. Đã có không ít người "sập bẫy", chuyển hàng trăm triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng. Phải đến khi bệnh viện, các phụ huynh mới biết mình đã bị lừa.

Trên toàn quốc liên tục xảy ra các vụ lừa đảo phụ huynh chuyển khoản vì "con đang cấp cứu".
Không chỉ người dân, thời gian qua, nhiều bệnh viện cũng trở thành nạn nhân khi bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng dùng các chiêu thức giả mạo con dấu, giấy tờ bệnh viện đưa thông tin trên mạng xã hội kêu gọi từ thiện... để chiếm đoạt tiền của những người hảo tâm.
Lợi dụng lòng nhân ái để lừa đảo
Bằng việc đánh vào lòng nhân ái, trắc ẩn của mỗi người, các đối tượng đã thêu dệt nên những câu chuyện bi đát, nhằm kêu gọi sự ủng hộ, từ thiện. Thậm chí, chúng còn làm giả giấy tờ, con dấu của bệnh viện để củng cố lòng tin của mọi người nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản. 
Trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM kể, mới đây một đối tượng có nickname là Hoàng Trung đã đăng thông tin trên nhiều hội, nhóm của các trang mạng xã hội với nội dung bi thương về việc con mình vừa tử vong vào ngày 9/3 và đăng số điện thoại, tài khoản ngân hàng để kêu gọi mọi người chuyển tiền giúp đỡ.
Nhiều nhà hảo tâm đã liên hệ với
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM để xác minh. Bệnh viện đã kiểm tra và xác định hoàn toàn không có bệnh nhi có tên Hoàng Quốc Thái (con Hoàng Trung) điều trị tại bệnh viện như thông tin Hoàng Trung đăng tải. 
“Theo giấy chứng nhận mà các nhà hảo tâm cung cấp để nhờ xác minh, chúng tôi khẳng định bệnh viện không có mẫu giấy này. Đối tượng lừa đảo đã mạo danh cả con dấu của bệnh viện và chữ ký của Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1. Phần xác nhận của Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp có chữ ký cùng họ tên của ThS.BS Huỳnh Minh Thu nhưng BS Minh Thu làm ở Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Nhi đồng 2”, BS Trương Hữu Khanh cho biết.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM (ngày 6/1) cũng đã đưa ra cảnh báo về tình trạng giả mạo giấy tờ của bệnh viện để kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội.
Với chiêu thức đưa thông tin lên mạng xã hội facebook kêu gọi từ thiện, tài khoản có tên Lê Bích (là mẹ của bệnh nhi) chia sẻ thông tin trên nhóm Facebook người dân Đông Thanh - Cần Giuộc với nội dung mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để phẫu thuật cho con. Dưới bài viết là thông tin cụ thể về số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của người tên Lê Thị Ngọc Bích.
Trước sự việc trên, Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM khẳng định, đây không phải thông tin hay giấy báo chi phí mổ của Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM cung cấp. Bệnh viện cũng đã xác minh danh sách bệnh nhân toàn bệnh viện và không có bệnh nhân này. Thông tin chia sẻ giả mạo và sai sự thật này nhằm mục đích gì bệnh viện hoàn toàn không rõ…

Làm giả con dấu, giấy tờ bệnh viện kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản.
Kịch bản mới “chuyển tiền cứu con”
Gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng khi liên tiếp các vụ việc lừa đảo nhắm tới phụ huynh học sinh. Kịch bản thông thường là báo tin con của họ bị tai nạn nguy kịch cần phải chuyển tiền ngay để được phẫu thuật kịp thời. Đã có không ít phụ hung bị lừa mất số tiền lớn.
Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCMcho biết, gần đây, đơn vị ghi nhận sự việc nhiều phụ huynh tại TP. HCM đến bệnh viện để tìm con bị “chấn thương sọ não” từ cuộc gọi báo của “giáo viên”. “Qua xác minh, không có bệnh nhân nào có họ tên, trường hợp cấp cứu trùng với các thông tin từ cuộc gọi. Tuy nhiên, đa số các phụ huynh đều được bên “giáo viên” yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để bác sĩ mổ gấp. Số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng”, ông Hiển cho hay.
Trường hợp đầu tiên là ông N.Đ.N. (ngụ phường 7, quận Tân Bình) hớt hải đến bệnh viện tìm con cấp cứu “chấn thương sọ não”. Ông N. cung cấp thông tin con mình là bé N.V.M.K. (sinh năm 2011), đang học một trường quốc tế ở quận 7. Phụ huynh này được thầy giáo báo con té ở trường chấn thương sọ não, chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP .HCM, yêu cầu gia đình chuyển tiền nhanh để bác sĩ mổ gấp. Ông đã chuyển khoản 200 triệu đồng cho người tự xưng là thầy giáo báo tin cho ông.
Một phụ huynh khác ở phường Tân Thới Hòa (Bình Dương) có con đang học tại một trường THCS ở Tân Phú, đã chuyển 50 triệu đồng cho đối tượng tự xưng là “thầy giáo” báo tin để con kịp phẫu thuật.
Để nhanh có được lòng tin của phụ huynh, các đối tượng liên tục hối thúc phụ huynh chuyển tiền để con được phẫu thuật ngay. Ví dụ như: “Chi phí đóng tiền tạm ứng của cháu là 20 triệu”, “Chị ơi, bây giờ bệnh viện cần máy móc thiết bị tiên tiến và chi phí phát sinh phẫu thuật là 50 triệu đồng”, “Sao rồi chị ơi, nhanh lên bác sĩ đang hối”, “Chị ơi, bây giờ cháu đang mất máu nhiều quá, bệnh viện không đủ máu, cần chuyển máu từ bệnh viện khác chi phí mất 100 triệu đồng”, “Em run lắm chị ơi”...
Trước tình trạng nhiều kẻ gian tung tin giả về tình trạng sức khỏe để lừa đảo, Sở Y tế TP. HCM đề nghị người dân gọi qua số đường dây nóng của Sở Y tế 0967.77.10.10 hoặc 028.3930.7916 và báo cho công an, đường dây nóng bệnh viện để được hướng dẫn, giải quyết.
Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM khuyến cáo, nếu gặp trường hợp báo con em bị tai nạn, phụ huynh có thể liên hệ đến tổng đài qua số điện thoại 028.3855.4137, nhấn phím 0. 

Cảnh giác với các chiêu trò tinh vi
Phụ huynh thiếu bình tĩnh, dễ tin người cũng một phần do hạn chế từ quy định không sử dụng điện thoại từ phía nhà trường. Thông thường, trong trường học, học sinh không được sử dụng điện thoại, giáo viên không nghe điện thoại trong giờ giảng dạy. Các số điện thoại “nóng” thì chủ yếu được đặt ở phòng bảo vệ hoặc phòng thư viện và thường không được nghe máy thường xuyên. Quy định này khiến việc xác minh tức thời của phụ huynh đối với nhà trường là rất khó.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia tội phạm học, TS Đào Trung Hiếu cho biết, để phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo với chiêu thức ngày càng tinh vi, giữa nhà trường và gia đình học sinh cần tăng cường sự liên lạc, trao đổi thông tin thông qua đường dây nóng, để phụ huynh học sinh có thể cập nhật tình hình của con ở trường. Lưu ý khi lên lớp giáo viên thường không bắt máy, nên phải có những số máy thường trực luôn ở trạng thái chờ kết nối, tức là đường dây nóng với nhà trường.
Các lớp học, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nâng cao ý thức bảo mật thông tin, đề phòng bị hack điện thoại, hoặc vô tình lộ lọt thông tin cá nhân, danh sách lớp học. Phụ huynh cần cập nhật thường xuyên tình hình an ninh trật tự để biết các thủ đoạn phạm tội mới. Tình huống nhận được cuộc gọi báo tin con bị tai nạn, cần hỏi rõ họ tên, chức vụ của người cung cấp thông tin. Sau đó, gọi điện cho nhà trường, hoặc giáo viên, hoặc cho con mình (nếu con có điện thoại) để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.
Ông Tặng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn cần tăng cường việc bảo mật thông tin người bệnh đang điều trị tại các khoa, phòng, tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.
Sở Y tế TP. HCM khuyến cáo người dân, nhất là các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trước những thông tin giả mạo của các đối tượng nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Khi gặp tình huống được thông báo về việc học sinh bị tai nạn đang được cấp cứu, yêu cầu người nhà phải chuyển gấp tiền để đóng viện phí… phụ huynh cần báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp, xác minh, giải quyết, không nên chuyển tiền ngay cho đối tượng lừa đảo.
Các đơn vị y tế trên địa bàn cần tăng cường việc bảo mật thông tin người bệnh đang điều trị tại các khoa, phòng, nhằm tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo. Khi phát hiện việc giả mạo thông tin, giấy tờ liên quan đến việc điều trị bệnh cho bệnh nhân tại đơn vị, đề nghị các cơ sở báo cáo ngay về Thanh tra Sở Y tế và Công an TP. HCM để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Người dân cảnh giác với những những chiêu trò lừa đảo mạo danh bệnh viện.
Không chỉ ở TP. HCM, nhiều phụ huynh Hà Nội cũng nhận được cuộc gọi “con cấp cứu”. Như trường hợp một phụ huynh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, quận Đống Đa, nhận cuộc gọi báo con đang cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cần chuyển tiền phẫu thuật gấp.
Bà Đào Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (tối 14/3) cho biết, sau khi nhận cuộc gọi nói chính xác thông tin trường lớp, họ tên của con, phụ huynh này đã gọi giáo viên chủ nhiệm. Trường cử người lên lớp và xác nhận em này vẫn học bình thường, kịp thời ngặn chặn sự việc.
Ngay lập tức, trường thông báo cho tất cả giáo viên chủ nhiệm về chiêu lừa này, đề nghị giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình, đồng thời gửi tin nhắn cảnh báo tới phụ huynh. “Chúng tôi cũng khuyến cáo phụ huynh khi tham gia các hội nhóm thì không nên chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh con cái. Biết đâu đó là cơ hội cho kẻ xấu trục lợi”, bà Cúc nói.
Trong khi đó, hai phụ huynh Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, cũng nhận được cuộc gọi tương tự. Người gọi xưng là giáo viên của trường, đang đưa con họ vào bệnh viện cấp cứu. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cho hay, may mắn là cả hai phụ huynh đều gọi cho giáo viên và không bị lừa.
Được biết, liên tiếp những ngày qua, phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành như Gia Lai, Đà Nẵng… cũng nhận được các cuộc gọi tương tự. Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đã đồng loạt gửi thông báo lưu ý các nhà trường và phụ huynh về chiêu lừa này.
Các đối tượng xấu đã sử dụng nhiều chiêu trò, kịch bản dàn dựng tinh vi đánh vào lòng tin, nỗi lo lắng của các phụ huynh để lừa đảo. Dư luận đang rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc để truy bắt, triệt phá những băng nhóm, đối tượng lừa đảo đang gây hoang mang dư luận để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
 
Ngày 14/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản số 677/SGDĐT-CTT-KHCN gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cùng hiệu trưởng các trường học thuộc Sở về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đơn vị, nhà trường cần quán triệt đến cha, mẹ học sinh toàn trường: Trường hợp nhận được cuộc gọi hoặc nhắn tin từ số máy lạ thông báo về việc học sinh là con em của gia đình bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện, cần bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, phụ huynh liên hệ ngay với nhà trường để xác minh thông tin chính xác và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.
Còn lại: 1000 ký tự
Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.

Xem chi tiết
Gia Lai: Đội Quản lý thị trường số 8 quyết tâm thực hiện mục tiêu “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”

(CHG) Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đội QLTT số 8 thường xuyên tích cực tham gia, phối hợp 08 đoàn liên ngành trên địa bàn 02 do UBND huyện Mang Yang và UBND huyện Đak Đoa mục tiêu “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên” bị thu giữ

(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.

Xem chi tiết
2
2
2
3