(CHG) Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên phạm vi cả nước đã trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Số tiền nợ đóng bảo hiểm cộng dồn theo thống kế lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội mới phạt hành chính, nên chăng cần "mạnh tay" hơn nữa với hành vi trốn đóng bảo hiểm?
Người lao động tại TP. HCM xếp hàng để đòi bảo hiểm xã hội.
Nợ tiền bảo hiểm xã hội lên tới hàng chục tỷ đồng
Theo thống kê số tiền nợ đóng bảo hiểm tại một số doang nghiệp trên toàn quốc được cộng dồn theo tháng lên tới hàng chục tỷ đồng.
Điển hình như tại tỉnh Tây Ninh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, đã phối hợp với các sở, ngành và Công an tỉnh Tây Ninh xử lý 243 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 28,6 tỷ đồng.
Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài từ 3 tháng trở lên. Trong số 243 doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp chậm đóng từ tháng 2/2017 như Công ty cổ phần Sorbitol Pháp - Việt (xã Tân Hội, huyện Tân Châu) nợ bảo hiểm xã hội hơn 4,2 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhiều đơn vị chậm đóng kéo dài như: Công ty TNHH dịch vụ vận tải Sao Đỏ chi nhánh Tây Ninh (phường 3, TP. Tây Ninh) nợ từ tháng 7/2018, tổng cộng trên 1,2 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV HADA Tây Ninh (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) nợ từ tháng 9/2021, tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.
Hay như Chi nhánh Công ty cổ phần cổ phần Lavifood - Nhà máy Tanifood (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) nợ từ tháng 11/2021, tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng. Công ty TNHH Kỹ thuật D&D (khu chế xuất Linh Trung 3, thị xã Trảng Bàng) nợ từ tháng 2/2022, tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Công ty TNHH Kovina Fashion (khu công nghiệp Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng) nợ từ tháng 4/2022 với số tiền trên 3 tỷ đồng…
Việc các doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng. Trong khi đó, mỗi tháng người lao động vẫn bị doanh nghiệp khấu trừ khoản trích đóng các loại bảo hiểm. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và Công an tỉnh Tây Ninh thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xử lý đối với 243 doanh nghiệp đang nợ kéo dài.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội TP. HCM đã công bố danh sách 976 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 6 tháng và nợ từ 300 triệu đồng trở lên, tổng nợ hơn 1.321 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong danh sách này có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nợ bảo hiểm xã hội cả chục tỷ đồng.
Đơn cử, Công ty CP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (63 Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh) nợ hơn 11,2 tỷ đồng, số lao động 93 người, số tháng nợ 36 tháng. Công ty CP TVTMDV địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận) nợ hơn 14,4 tỷ đồng, số lao động 73 người, số tháng nợ 50 tháng…
Đặc biệt hơn, có rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hơn chục tỷ đồng nhưng hiện tại chỉ có vài người lao động. Công ty CP Vận Tải Dầu khí Việt Nam (quận 3) nợ hơn 18,3 tỷ đồng, số lao động 2, số tháng nợ 106 tháng. Công ty CP đầu tư và xây dựng số 8 (quận Bình Thạnh) nợ hơn 9 tỷ đồng, số lao động 11, số tháng nợ 107 tháng. Công ty CP Dược phẩm Duy Tân (quận Phú Nhuận) nợ hơn 12 tỷ đồng, số lao động 32 người, tháng nợ 39 tháng. Công ty TNHH Asia Garment (quận Tân Bình) nợ hơn 9,4 tỷ đồng, số lao động 8 người, số tháng nợ 41 tháng.
Ngoài ra, theo thống kê cũng có khá nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội lên đến vài chục tỷ đồng như công ty CP DV Bưu chính viễn thông Sài Gòn (quận 1) nợ hơn 33 lao động 107 người, số tháng nợ 50 tháng. Công ty CP TMDV Thiếu Nhi Mới (quận 1) nợ hơn 30,6 tỷ đồng, số lao động 141 người, số tháng nợ 28 tháng.
Bảo vệ quyền lợi người lao động
Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì hành vi trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động là có thể xử lý hình sự.
Tuy nhiên, có thể nói thời gian qua tình trạng chây ỳ, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn diễn ra khá nghiêm trọng. Điều đáng nói là không chỉ ở lĩnh vực kinh tế tư nhân mà còn ở các nhiều lĩnh vực, khu vực kinh tế khác. Nhiều vụ việc diễn ra phức tạp, tụ tập đông người đòi quyền lợi đã gây mất an ninh trật tự xã hội, đặc biệt hành vi này là đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động được pháp luật bảo vệ.
Có nhiều trường hợp chỉ khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản hoặc ngừng sản xuất, kinh doanh khi đi giải quyết chế độ thì người lao động mới biết mình bị nợ hoặc chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Hệ quả của việc người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội là rất lớn, bởi khi đó họ sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là họ sẽ không được hưởng lương hưu... Thậm chí, nhiều người lao động hoàn toàn có thể "trắng tay" sau thời gian dài lao động, đóng góp cho doanh nghiệp.
Mặc dù gần đây, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, đề ra nhiều biện pháp để chấn chỉnh, xử lý… nhưng vẫn không có nhiều chuyển biến. Nhiều vụ việc trốn, chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra với thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn và quyền lợi của người lao động tiếp tục bị xâm phạm, bị thiệt thòi rất lớn. Bên cạnh đó, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội khác như người dân mất niềm tin vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nên không khuyến khích, vận động được mọi người tham gia bảo hiểm xã hội; góp phần ngăn chặn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không chỉ là vi phạm pháp luật đơn thuần, mà là hành vi tội phạm khá rõ ràng. Bởi với hành vi này, chủ doanh nghiệp đã ngang nhiên tước đoạt quyền lợi về nhân thân chính đáng, sát sườn của người lao động. Thực chất đây không khác gì hành vi chiếm đoạt tài sản, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động.
Thiết nghĩ, đã đến lúc phải đưa tất cả những vụ việc cố ý chây ỳ, trốn trách việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ra truy cứu, xem xét trách nhiệm hình sự của các chủ doanh nghiệp và những người liên quan. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn được nợ bảo hiểm xã hội, theo đó các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội quá thời gian quy định thì bị tước giấy phép hoạt động. Ví dụ, cho phép nợ bảo hiểm xã hội trong vòng 1 năm, nếu vượt quá thời gian thì buộc phải ngừng hoạt động.
Bởi vi phạm về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động gây hệ lụy rất lớn không chỉ cho họ và gia đình, mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội. Việc xử lý nghiêm hành vi này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, hạn chế những tác động tiêu cực đối với hệ thống an sinh xã hội mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm về sau./.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã bổ sung vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội quy định rõ hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 43. Theo đó, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm 3 hành vi cụ thể:
Một là: Người sử dụng lao động không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 luật này; tức là sau 5 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động.
Hai là: Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định tại Khoản 6 Điều 40 luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng theo quy định.
Khoản 6 Điều 40 quy định thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động. Cụ thể là ngày thứ 10 của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 4 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; ngày cuối cùng của tháng thứ 7 của chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Ba là: Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Sau khi bổ sung điều khoản mới trong luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp. |
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết