(CHG) Thời gian vừa qua, tình trạng tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cho vay trực tuyến đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
Mạo danh các công ty, ngân hàng tại Việt Nam để lừa đảo
Tìm kiếm theo cụm từ “vay tín chấp online”, có thể thấy hàng loạt ngân hàng TMCP bị mạo danh như Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, TPBank và các công ty tài chính có thật tại Việt Nam.
Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn mạo danh, dẫn dụ người vay tiền sập bẫy lừa đảo như tạo lập website, ứng dụng, chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất đặc biệt thấp.
Các đối tượng lừa đảo lập hàng nghìn tài khoản Facebook với các nguồn thông tin giả mạo rồi tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp (chỉ 1%/tháng), thủ tục vay đơn giản, không cần gặp trực tiếp; nợ xấu vẫn vay được; không thế chấp, không thẩm định, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và có tài khoản ngân hàng/thẻ ATM là có thể vay được tiền...
Biểu hiện rõ nhất của các hoạt động lừa đảo này là các đối tượng để cho người muốn vay tiền phải tự làm hồ sơ vay tiền trực tuyến, sau đó yêu cầu người vay phải chuyển một khoản tiền nhỏ khoảng từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng phục vụ hỗ trợ xác minh và duyệt khoản vay.
Khi có người vay tiếp cận, các đối tượng sẽ dẫn dụ, yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, như: họ tên, số điện thoại, ảnh chụp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ảnh chụp chân dung… phục vụ làm hồ sơ vay.
Sau khi dụ người vay chuyển tiền phục vụ hỗ trợ xác minh, duyệt khoản vay, các đối tượng tiếp tục viện dẫn hàng loạt lý do khoản vay không được giải ngân xuất phát từ lỗi khai hồ sơ của người vay (như khai sai tên người hưởng thụ, đổi cách viết tên người hưởng thụ từ chữ in thường sang in hoa, không đủ điều kiện vay, thừa hoặc sai một số trên số căn cước công dân…).
Từ đó, chúng yêu cầu người vay phải nộp thêm các khoản tiền để bảo đảm khoản vay hoặc khắc phục lỗi hệ thống; hứa hẹn sẽ hoàn trả lại số tiền đã gửi cho khách hàng sau khi khoản vay được giải ngân.
Tuy nhiên, khi người vay chuyển tiền vào số tài khoản của các đối tượng cung cấp, các đối tượng sẽ lập tức chiếm đoạt và ngắt liên lạc.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, bị hại không những bị mất tiền mà còn bị mất toàn bộ thông tin danh tính cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác, ví dụ như: Đăng ký SIM không chính chủ, đăng ký mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử phục vụ các hoạt động lừa đảo, rửa tiền, cá độ trực tuyến.
Nhiều thủ đoạn mạo danh các ngân hàng để lừa đảo.
Người dân cần làm gì tránh “sập bẫy” lừa đảo?
Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn.
Người vay tiền cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền bằng cách: Kiểm tra mã số thuế, địa chỉ, người đại diện công ty, gọi điện thoại đến các số đường dây nóng, chăm sóc khách hàng của các công ty, kiểm tra kỹ các đường link trang web trước khi truy cập. Nên tư vấn thêm ý kiến của người thân có nhiều kinh nghiệm trước khi làm các thủ tục vay.
Người dân không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, hình ảnh nhận diện khuôn mặt…) khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ. Nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện ngân hàng VPBank cũng cảnh báo, việc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo hướng dẫn khách hàng đăng ký khoản vay tín chấp đã và đang có chiều hướng gia tăng
Để tránh “sập bẫy” kẻ gian, người dân nên tìm hiểu rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng, đồng thời cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn. Nhân viên ngân hàng không được phép thu hộ/đóng hộ bất kỳ khoản tiền nào cho khách.
Ngoài ra, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ nhằm tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép; không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác./.
Đủ kiểu mạo danh ngân hàng để lừa đảo
Theo MB Bank, nhiều đối tượng sử dụng hình ảnh đại diện giả mạo của ngân hàng để gửi tin nhắn cho khách hàng qua Zalo, mạng xã hội nhằm chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng, đồng thời yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một tài khoản khác do đối tượng này cung cấp.
Sau khi đã nhận được khoản tiền này, đối tượng sẽ chặn liên lạc với khách hàng, số điện thoại cung cấp ngoài vùng phủ sóng… "Dù các ngân hàng thường xuyên đăng cảnh báo trên trang web chính thức; gửi tin nhắn, e-mail đến các khách hàng; tăng cường thông tin qua điện thoại từ trung tâm chăm sóc khách hàng về thủ đoạn lừa đảo… nhưng những chiêu trò trên vẫn có tác dụng với một số khách hàng chưa nâng cao ý thức cảnh giác" - đại diện Ngân hàng MB nêu.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, không ít người bán hàng trên mạng đang vô tình trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Thủ đoạn phổ biến của kẻ gian là gọi điện cho người bán hàng online, xưng là nhân viên của ngân hàng và đọc đúng 100% giao dịch của khách hàng trong ngày hôm đó lẫn số thẻ rồi yêu cầu gửi mã OTP để xác định một khoản tiền nào đó đang bị treo trên tài khoản… Nhiều khách hàng cả tin về việc sẽ nhận được khoản tiền giao dịch đang bị treo trên tài khoản hoặc quá lo sợ khi bị dọa "công an, tòa án" đang điều tra nên đã cung cấp mã OTP cho kẻ gian. Techcombank cảnh báo khách hàng mua bán giao dịch trực tuyến không nên đưa các thông tin giao dịch lên mạng.
Các ngân hàng khuyến cáo, chủ tài khoản không cung cấp các thông tin bảo mật E-banking và nội dung tin nhắn thông báo từ ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng... Nếu khách hàng nhận được một cuộc gọi lạ, tự xưng là nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân để nâng cấp hệ thống bảo mật tài khoản; để nhận thẻ tín dụng miễn phí; giải ngân một khoản vay đang cần hoặc để nhận được một khoản tiền treo sắp chuyển vào tài khoản… thì tất cả là lừa đảo. |
16
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết