(CHG) Nhiều đại gia bất động sản tìm cách “lách luật” thông qua việc gom cổ phiếu của các tổ chức tín dụng, với mục đích “thò chân cáo” đưa đại diện của doanh nghiệp mình vào ban lãnh đạo rồi từng bước chi phối và điều hành hoạt động của ngân hàng. Điều này dấy lên lo ngại vốn sẽ chảy vào “sân sau” đại gia?
Một điểm giao dịch của ngân hàng TPBank. (Ảnh nguồn: Internet)
Liệu có đầu tư chéo TPBank – DOJI Group – Vietcombank?
Câu chuyện CEO của doanh nghiệp bất động sản hoặc liên quan tham gia điều hành hoạt động ngân hàng không còn xa lạ. Thực tế khách quan đã chứng minh hệ lụy tiêu cực của mối quan hệ thặng dư sở hữu chéo này. Trong giai đoạn trước, cũng chính từ mối quan hệ sở hữu chéo, đã dẫn đến nhiều ngân hàng thương mại phải tái cơ cấu, và đã có những ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng… đây là câu chuyện buồn và cũng là bài học đắt giá mà ngành tín dụng cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có nhìn nhận sâu sắc, khách quan để tránh vết xe đổ.
Nhưng một thực tế khách quan hiện nay đang diễn ra, đang có những CEO của doanh nghiệp bất động sản, hoặc liên quan đã tích cực tham gia vào ban lãnh đạo của ngân hàng thương mại, với mục đích điều hành hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Liệu có xảy ra việc vốn tín dụng sẽ lòng vòng rồi chảy vào doanh nghiệp sân sau? Đây là câu hỏi lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh tiền tệ quốc gia, rất cần Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ nhìn nhận thấu đáo vấn đề, để đưa ra giải pháp điều hành linh hoạt…
Trước khi trở thành CEO của ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng chiến thuật gom cổ phiếu của tổ chức tín dụng, sau khi gom cổ phiếu đủ tỷ lệ, doanh nghiệp bất động sản hoặc liên quan sẽ công khai đưa người của doanh nghiệp ngồi vào "ghế nóng" của ngân hàng thương mại.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB, cũng là cổ đông lớn của Nettra và Nettra cũng là cổ đông lớn của VIB. (Ảnh minh họa: Nguồn Intetnet)
Những trường hợp doanh nhân ngồi 2 ghế có thể kể đến bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), bà Nga cũng là Chủ tịch Tập đoàn BRG. Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế (VIB), hiện ông Sơn cũng đang kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại hệ thống Quốc tế (Nettra) có trụ sở chung với tòa nhà Hội sở VIB. Nettra cũng là địa chỉ mà ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB là cổ đông lớn, ngoài ra Nettra cũng là cổ đông lớn của ngân hàng VIB…(1)
Mối quan hệ DOJI - TPBank - Vietcombank đang bị đồn đoán đầu tư chéo. (Ảnh minh họa nguồn: Internet)
Hay như trường hợp ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn DOJI. Ông Phú cũng đang nắm giữ vai trò là Chủ tịch TPBank. Tuy nhiên, điều khá thú vị là TPBank chưa, hoặc không hề cấp vốn cho DOJI Land (doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái do ông Phú là Chủ tịch). Ngược lại, DOJI Land lại là khách hàng quen thuộc của Vietcombank trong một thời gian dài. Mới đây, DOJI Land cũng ký hợp đồng hợp tác với BIDV. Giới thạo tin về tài chính cho rằng, liệu có xảy ra câu chuyện đầu tư chéo thông qua những mối liên hệ TPBank – DOJI Group (DOJI Land) – Vietcombank hoặc BIDV?
Câu chuyện bà Bùi Thị Thanh Hương, từng giữ vị trí Tổng Giám đốc Sun Group, đã được Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - NVB) bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này chưa hết nóng... thì đến lượt dàn lãnh đạo cấp cao của Sunshine cũng được bổ nhiệm là CEO của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long (Kienlongbank – KLB).
Bầu Thụy (Thaiholdings) và những liên hệ LienVietPostBank. (Ảnh minh họa nguồn: Internet)
Những ngân hàng như TPBank, KienLongBank, NCB, VIB, SeABank chỉ là những ví dụ điển hình cho “ma trận” sở hữu chéo giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại. Hiện trên thị trường vẫn còn rất nhiều mối quan hệ sở hữu chéo như thế, không “ồn ào” nhưng đầy khốc liệt, đó là câu chuyện về “dân chơi” âm thầm gom cổ phiếu Sacombank và câu chuyện Bamboo Capital với Eximbank, hoặc Thaiholdings với LienVietPostBank, hay Mik Group với VPBank...
Doanh nghiệp bất động sản vay vốn từ ngân hàng gặp khó với Thông tư 22/2019/TT-NHNN kể từ ngày 1/1/2020 khi xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản.
Cụ thể, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn giai đoạn từ ngày 1/1 - 30/9/2020 là 40%, từ 1/10/2020 - 30/9/2022 là 37%, từ ngày 1/10/2022 là 30%. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước không ngoài việc kiểm soát những hoạt động tín dụng có tính chất rủi ro cao và doanh nghiệp địa ốc buộc phải tìm nguồn vốn khác bổ sung.
Lo ngại vốn từ tổ chức tín dụng chảy vào “sân sau”?
Theo giới tài chính, do gặp khó khi xoay vốn và nhu cầu vốn lớn để triển khai dự án, nên có lẽ các doanh nghiệp bất động sản lớn luôn mong muốn có tập đoàn tài chính ở phía sau như ngân hàng hay công ty chứng khoán, để thuận lợi hơn cho nhu cầu vốn của chính các doanh nghiệp bất động sản này khi thực hiện dự án.
Các doanh nghiệp bất động sản thường không có đủ vốn để phát triển dự án. Chủ yếu nguồn vốn đến từ việc huy động, vay và phát hành trái phiếu. Huy động từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu hay các quỹ đầu tư rất hạn chế, khoảng 70 - 90% các dự án bất động sản tại Việt Nam phụ thuộc vào nguồn vốn vay chủ yếu là ngân hàng... từ lý do mạnh mẽ đó, đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp bất động sản tìm cách để có thể “sở hữu” được một tổ chức tín dụng.
Ngược về quá khứ, chuyện đại gia bất động sản sở hữu tổ chức tín dụng đã từng diễn ra, như Tập đoàn Thiên Thanh với người sáng lập là ông Phạm Công Danh mua lại 10% vốn của TrustBank năm 2012. Sau đó vào năm 2016, ông Phạm Công Danh đã bị tòa án tuyên phạt 10 năm tù về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" và 20 năm tù về tội "Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tổng cộng hình phạt là 30 năm tù. Hay như Sacombank với Trầm Bê, Oceanbank với Hà Văn Thắm, hoặc ACB với ''bầu'' Kiên.
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh. (Nguồn: Internet)
Mối quan hệ thân thiết giữa các tập đoàn bất động sản và ngân hàng làm dấy lên lo ngại về tình trạng vốn tín dụng chảy vào "sân sau" của lãnh đạo nhà băng. TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, đã từng đưa ra nhận định đáng chú ý, khi cho biết mức độ cho vay của các ngân hàng đối với công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao kỷ lục trong lịch sử.
Theo ông Nghĩa, dòng tín dụng của ngân hàng đang tập trung vào các "sân trước, sân sau", chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Con số các ngân hàng cho vay ở các tập đoàn "sân sau" lớn đến mức đáng báo động và chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức vẫn đúng theo Luật của các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại. (2)
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước thường xuyên khẳng định vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm mạnh.
Tuy nhiên, lo ngại về tình trạng vốn ngân hàng chảy vào sân sau của các doanh nghiệp liên quan đến lãnh đạo ngân hàng bắt đầu ''dậy sóng'' trở lại khi tình trạng các ''đại gia'' bất động sản gia tăng ảnh hưởng tại nhà băng trong thời gian gần đây./.
Tài liệu
1: https://tienphong.vn/lo-dien-ong-chu-moi-cua-ngan-hang-vib-post646681.tpo
2: https://bnews.vn/lo-ngai-dong-tin-dung-ngan-hang-chay-vao-san-sau-bat-dong-san/237160.html
84
Cần có biện pháp chặn đà tăng giá các mặt hàng thiết yếu sau bão lũ!
(CHG) Có thể nói, sau đợt bão lũ vừa qua ở nhiều tỉnh phía Bắc đã bị thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tình hình phục hồi sản xuất, chăn nuôi đang được triển khai tích cực và đang có hiệu quả nhờ có sự giúp sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi lớn, kịp thời và chung tay giúp đỡ, ủng hộ của đồng bào cả nước.
Xem chi tiết