(CHG) Vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là nỗi lo đối với các chủ thể quyền mà còn là thách thức lớn đối với công tác đấu tranh của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, thu giữ gần 3 tấn nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng trong tháng 2/2023.
Vấn nạn hàng “rởm”
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, kể từ 8/1/2023, sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid”, nội địa bắt đầu sôi động trở lại, đã xuất hiện nhiều loại hàng hóa nhập lậu, diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện xử lý gần 2.000 vụ liên quan đến hàng hóa nhập lậu, với đa dạng chủng loại hàng hóa vi phạm.
Đơn cử như tại thị trường Hà Nội, lực lượng Quản lý thị trường đã bắt giữ hàng chục nghìn bao thuốc lá; tại TP. HCM bắt giữ hơn 10.000 điếu xì gà và nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Còn trên tuyến miền Tây Nam bộ (Sóc Trăng, An Giang) và tuyến miền Trung (Quảng Trị) vẫn còn diễn ra tình trạng nhập lậu đường cát. Trong đó có nhiều vụ lực lượng chức năng bắt giữ từ hàng chục tấn đến hàng trăm tấn đường cát.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, bên cạnh hàng lậu, vấn nạn hàng giả đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Qua phản ánh của các chủ thể quyền, chủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường Việt Nam còn diễn ra phổ biến. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu lớn đến từ các nước Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) được sản xuất ngay ở trong nội địa. Riêng trong lĩnh vực này, 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm. Trong đó, có nhiều hàng hóa vi phạm là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng.
Mới đây, trong buổi ký kết biên bản hợp tác với Tổng cục Quản lý thị trường, Giám đốc Kinh doanh dòng sản phẩm CERAN-R khu vực châu Á của SCHOTT AG Katja cho biết, SCHOTT AG cam kết trong việc bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, do được sản xuất từ các vật liệu kém chất lượng và quy trình sản xuất không đảm bảo, các sản phẩm giả mạo thương hiệu SCHOTT AG thường có chất lượng, tuổi thọ và độ bền kém. Hơn nữa, các sản phẩm giả mạo còn có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng khi không đảm bảo tính an toàn. Do vậy, sự hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường và SCHOTT AG sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước nguy cơ mua phải những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo thương hiệu.
Cũng giống như đại diện SCHOTT AG, Giám đốc Đối ngoại của Tập đoàn LEGO Đỗ Việt Tùng lo ngại, doanh số bán ra rất lớn của LEGO trên thị trường đồ chơi, cộng với giá thành cao nên dẫn đến việc các sản phẩm LEGO bị làm giả, làm nhái trở nên phổ biến. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đồ chơi xếp hình LEGO diễn ra rất phức tạp và với quy mô lớn trong nhiều năm. Các sản phẩm xâm phạm đa dạng về mặt chủng loại, kênh phân phối, tiêu thụ. Việc buôn bán, kinh doanh các sản phẩm này có thể cấu thành các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, xâm phạm quyền tác giả và cạnh tranh không lành mạnh.
Phối hợp chia sẻ thông tin
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hiệu trí tuệ, ông Trần Hữu Linh cho biết, thời gian qua với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tại nhiều tỉnh, thành phố, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, phối hợp kiểm tra liên ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là xử lý các loại hàng hóa liên quan việc xác định tiêu chuẩn, chất lượng. Lực lượng Quản lý thị trường sẵn sàng chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình điều tra, xử lý nhằm rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra. Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.
Cũng liên quan đến công tác đấu tranh chống hàng giả, đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết, các lực lượng chức năng cần phối hợp chia sẻ thông tin về phương thức thủ đoạn, nhất là phát hiện những mặt hàng vi phạm mới để nâng cao hiệu quả công tác này. Hơn nữa, các lực lượng cần đẩy mạnh đào tạo để nâng cao kỹ năng xử lý các vụ việc vi phạm; tổ chức các hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ gắn với các tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện những bất cập, những chính sách còn chồng chéo, kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng nặng hình thức xử phạt để tăng tính răn đe đối tượng vi phạm./.
Quý 1/2023, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 1.908 vụ việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu; 7.227 các hành vi gian lận thương mại khác; 1.021 hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 82,4 tỷ đồng. |
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/chia-se-thong-tin-chong-hang-gia-hang-vi-pham-so-huu-tri-tue-174427.html
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết