(CHG) Trong chiến lược tiếp thị, doanh nghiệp chắc chắn sẽ thu thập khối lượng dữ liệu người dùng rất lớn. Để khai thác khối dữ liệu này một cách hiệu quả, trước hết doanh nghiệp phải triển khai các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.
Cần bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.
Giải pháp để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới
Trước xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam, doanh nghiệp cần xem xét 6 khuyến nghị nhằm mang lại tác động hiệu quả cao.
Một là chiến lược tạo khác biệt. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển danh mục sản phẩm và các tính năng phù hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chuyển dịch từ trạng thái “ứng phó” trong thời kỳ Covid-19 sang trạng thái “dẫn đầu” để tạo tiền đề cho sự khác biệt lớn hơn.
Hai là cần chú trọng tới yếu tố ESG-Bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ trong việc thu thập, báo cáo và truyền thông về tính bền vững, đề cao tính chân thật và minh bạch trong kinh doanh để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Ba là tiếp cận khách hàng dựa trên dữ liệu. Doanh nghiệp cần chuyển hướng tập trung từ “khách hàng” sang “người tiêu dùng”; Thiết lập các đặc quyền truy cập thông tin cho người tiêu dùng; Có cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi tiêu dùng tại mỗi thời điểm khác nhau để mang đến các thông điệp và ưu đãi có hiệu quả thông qua chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu.
Bốn là cần xây dựng chuỗi cung ứng tương lai. Doanh nghiệp đầu tư vào việc dự báo các kết quả và khả năng tác động trong bối cảnh biến động đa kênh. Qua đó, có thể đưa ra các quyết định kịp thời nhằm đạt được lợi thế. Cụ thể như đưa ra các quyết định rõ ràng trong việc đổi mới, phân loại và thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường dựa trên chiến lược tạo khác biệt.
Năm là khuyến khích sự đổi mới. Doanh nghiệp cần tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng cho nhân viên, khuyến khích sự đổi mới trong cách thức làm việc, nhằm phá vỡ các rào cản trong việc ra quyết định và hệ thống hoá sự thay đổi một cách cấp tốc.
Sáu là chuyển đổi số để giảm chi phí. Doanh nghiệp đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng, vận dụng trong quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn và khả năng phục hồi trước sự biến động, đón đầu xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới, bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả.
Ông Rakesh Mani Phó Tổng Giám đốc – lãnh đạo thị trường Tiêu dùng Đông Nam Á – Công ty Tư vấn PwC Đông Nam Á – cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung cao độ và chủ động linh hoạt trong giai đoạn biến động. Điều này đòi hỏi họ phải có cái nhìn sắc bén để nhận biết sự khác biệt trên thị trường, đồng thời hiểu rõ nhu cầu mua hàng và các kênh mua sắm, lập kế hoạch và dự báo kinh doanh, thực tế chuỗi cung ứng cũng như lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang mua hàng theo phương thức đa kênh thì doanh nghiệp cũng phải có khả năng bán hàng và giao tiếp với khách hàng thông qua nhiều kênh tại bất cứ thời điểm nào.
Hiện tại, 52% trang web thương mại điện tử có khả năng hoạt động đa kênh. Các công ty có chiến lược đa kênh mạnh mẽ sẽ giữ được gần 89% khách hàng của họ.
Việc chú ý đến những xu hướng đang phát triển có thể giúp ích hiệu quả cho lợi nhuận của doanh nghiệp thương mại điện tử trước bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Ảnh minh họa.
Bảo vệ kho dữ liệu khách hàng
Ngày 29/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đây là văn bản quy định nhằm bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam. Đồng thời, đề án này nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến cùng với quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.
Đề án Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đã đưa ra 06 giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, bao gồm:
1. Hoàn thiện quy định pháp lý về thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
3. Nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
4. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
5.Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể thamg gia hoạt động thương mại điện tử.
6. Hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Trong năm 2023, Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là hành lang pháp lý có độ tin cậy cao để bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử. Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử, sẽ là căn cứ pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực hoạt động thương mại điện tử, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng .
Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương tới địa phương đã được hình thành đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Với những nội dung còn tiềm ẩn những yếu tố khó thực hiện, hiện Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội để sửa đổi.
Được biết, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2025 với đa dạng các hoạt động hướng tới người tiêu dùng. Với hệ thống luật pháp ngày một hoàn thiện, đây sẽ là công cụ hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay./.
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết