(CHG) Những tháng cuối năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh. Ảnh minh hoạ.
Sức mua tăng trở lại vào dịp cuối năm
Nếu như thời điểm này năm trước, cả nước vừa bước qua giai đoạn dịch Covid-19 nên sức mua của thị trưởng ở mức chạm đáy, thì 10 tháng của năm 2022, thị trường bán lẻ đã từng bước sôi động trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá về sự phục hồi, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách mở cửa, các gói kích cầu cũng như các công cụ trợ lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng như giảm thuế VAT đã giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế lấy lại cân bằng nhanh chóng.
Tập đoàn Masan cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù khó khăn nhưng doanh thu thuần của Masan vẫn đạt 55.546 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Dựa trên kết quả hoạt động trong 9 tháng qua và đà tăng hiện tại, năm 2022, Masan dự kiến đạt doanh thu 75.000 - 80.000 tỷ đồng.
Công ty CP Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, cụ thể tính riêng quý gần nhất, tổng doanh thu thuần hợp nhất của chủ chuỗi trung tâm thương mại đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lãi ròng của Vincom Retail đạt 1.944 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải về kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, lãnh đạo Vincom Retail cho biết, trong năm 2022, các thương hiệu lớn đã đồng loạt khai trương tại các trung tâm thương mại Vincom như Trung Nguyên Legend, Uniqlo..
Phân tích nguyên nhân khiến tổng mức bán lẻ tăng mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng đã tác động đến tốc độ tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa. Từ những triển vọng trên, có thể dự báo, cả năm nay, mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14 - 17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng 3 tháng còn lại của năm sẽ tăng cao hơn quý II, quý III năm 2022.
Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều xem cuối năm là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.
Đại diện Công ty Cổ phẩn báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thông tin, kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ do đơn vị vừa thực hiện cho thấy 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch Covid-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Công ty Nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield (C&W) cũng nhận định, những tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện lễ hội mua sắm, khuyến mãi hấp dẫn như Black Friday, Lễ độc thân 11/11, Giáng sinh, Tết... sẽ tạo ra “làn sóng mua sắm” với số lượng đơn hàng về phụ kiện trang trí, thời trang, thực phẩm như bánh kẹo và nước uống, mỹ phẩm, điện tử, công nghệ, hàng tiêu dùng...
Ảnh minh hoạ.
Tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm
Tổng cục QLTT vừa ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Kế hoạch nhằm quán triệt và tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch, công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT và các cơ quan liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của QLTT.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật..
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho người dân.
Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt nhất là các địa bàn trọng điểm tại các tỉnh biên giới, các thành phố lớn.
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính và phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm sắm Tết Nguyên đán năm 2023.
3
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết