(CHG) Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, TP. Hà Nội đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 15% so với năm ngoái. Chiều ngày 3/11, UBND TP. HCM cũng đã tổ chức họp báo giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến các đơn vị chức năng cung ứng hàng hóa dịp Tết 2023 và cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Đẩy nhanh cung ứng nguồn hàng trong dịp Tết
Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, kinh tế Thủ đô đang phục hồi, ổn định, đời sống người dân được cải thiện. Do đó, dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Khả năng cung ứng một số nhóm hàng thiết yếu cần chuẩn bị phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2023 cho khoảng 10,75 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thủ đô sẽ đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với Tết năm 2022).
Trong đó, nhóm hàng cần bảo đảm nguồn cung trong dịp Tết gồm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, trứng gà, trứng vịt, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi và các mặt hàng có nhu cầu cao trong Tết như măng, miến, mộc nhĩ, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh…
Hàng hóa phục vụ Tết được bày bán tại 28 trung tâm thương mại; 132 hệ thống siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm; 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… trên địa bàn Thủ đô.
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hà Nội có khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu; 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.
Ngoài ra, Hà Nội dự kiến cũng sẽ tổ chức hơn 40 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Thành phố cũng sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết nguyên đán; “Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2022”; triển khai các sự kiện của thành phố thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình OCOP trên địa bàn. Đặc biệt là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, chủ động về hàng hóa, ổn định giá cả để góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết…
Thành phố sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các tỉnh, thành phố tham gia cung ứng nông sản, thực phẩm và xúc tiến thương mại, mở các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô trong dịp Tết năm 2023.
Sở Công thương Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.
Hàng bình ổn sẽ chiếm đến 43%
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ trọng tâm phải đảm bảo nguồn cung, lưu thông, tiếp nhận, vận hành hiệu quả các hệ thống phân phối để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân.
“Hiện ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ, kế hoạch của UBND thành phố đã ban hành; đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định để phục vụ cho người dân. Theo kế hoạch, lượng hàng hóa bình ổn thị trường trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến đáp ứng từ 25-43% nhu cầu thị trường”, ông Lê Huỳnh Minh Tú thông tin.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng, nổi bật là đợt 2 chương trình “Shopping Season 2022” với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân” sẽ diễn ra từ 15/11 đến 15/12/2022 và hội chợ hàng tiêu dùng cuối năm.
Mặt khác, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Sở cũng sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm ta, quản lý thị trường; không để xảy ra việc đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Chuẩn bị cung ứng hàng hóa những tháng cuối năm (Ảnh minh họa).
Giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 đạt 486.364,8 tỷ đồng, tăng 1,5 % so với tháng 9/2022. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 1,2%, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và lương thực, thực phẩm (tăng 1,3-2,1%), riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 2,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch đều giảm tương ứng 2,1% và 8,6%; dịch vụ khác tăng 6,3%. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 tăng 17,1% (tháng 10/2021 giảm 6,7% do ảnh hưởng của dịch Covid-19).
Trong bối cảnh quốc tế có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng có nhiều khó khăn thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế.
Đối với các địa phương theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, Tết sắp tới. Khai thác tối đa thị trường nội địa đang phục hồi tốt, qua đó, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Đối với việc bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong dịp cao điểm lễ, Tết để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới.
Bài 2: Đảm bảo cung ứng hàng hoá, tránh lạm phát cuối năm
4
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết