(CHG) Thời điểm cận Tết, lợi dụng tâm lý muốn trang hoàng nhà cửa bằng các loại cây cảnh, có những người bán hàng đã thực hiện một vài “thủ thuật” nhằm lừa dối người mua để bán được những cây cảnh với giá cao hơn giá trị thật của cây.
Hình ảnh cây táo giả được thực hiện bằng cách gắn những quả táo lên cây hoa dâm đã từng phổ biến những năm trước. Ảnh Internet.
Bực mình khi mua phải cây “rởm”
Thời điểm những ngày cận Tết Nguyên đán, trên các hội nhóm trồng cây, chơi cây cảnh và mua bán cây cảnh, các thành viên liên tiếp cảnh báo cho nhau về những vụ việc liên quan đến cây “rởm”. Điển hình là trường hợp chủ hàng rắp tâm gắn hoa giả, quả giả bằng keo để làm cho những cây cảnh cần bán trở nên “đột biến” với hình thức xum xuê hoa trái, nhằm đánh lừa người mua.
Khi mang về đến nhà, các loại hoa giả, nụ giả hay quả được gắn keo lên cây sẽ héo dần và rụng hết. Lúc này, người mua không thể mang cây ra để bắt đền người bán và cũng không có bằng chứng gì để chứng minh người bán đã lừa đảo mình. Kết quả là niềm vui chơi cây thì mất, mà người lỡ mua phải cây “rởm” thêm nỗi bực dọc vào người.
Theo phân tích của những người hiểu biết về những chiêu trò “nâng cấp” cho cây cảnh “rởm”, những cây cảnh càng có giá bán cao, thì người bán hàng càng có nhiều chiêu thức “làm hàng rởm”. Đó là những trò như gắn keo, gài cành, ghép gốc... miễn sao có thể lừa được mắt người mua là đạt được mục đích. Chỉ sau vài ngày về nhà chủ mới, những cành cây được gắn keo, ghép gốc, gài cành… sẽ héo rũ và chết dần. Nếu may mắn, gia chủ kịp đổi cây khác ngay trước thềm năm mới. Còn nếu không phát hiện ra, rất có thể ngay sớm mùng một hoặc trong những ngày đầu năm mới, cây của gia chủ sẽ trở nên “tan hoang” bởi hoa, trái, cành cây cảnh héo úa, tàn lụi. Điều này dẫn đến sự không trọn vẹn, ngược với mong đợi về sự bình an, thuận lợi, may mắn của gia chủ vào dịp bắt đầu năm mới.
Chị N. (Kim Liên, Hà Nội) quyết định mua cây khế về trồng trong sân nhà. Người bán giới thiệu cho chị một gốc khế già, đã tạo dáng thế rất đẹp và nhiều quả to nhỏ khác nhau. Không những thế, gốc khế được giới thiệu còn có nhiều lộc non và hoa. Về phong thủy, đây là cây đẹp, mang lại nhiều may mắn cho gia chủ với giá 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù chị N. làm theo hướng dẫn của người bán cây, nhưng cây vẫn từ từ héo rũ; quả khế rụng dần, hoa khế cũng không còn thấy trên cành. Nghi ngờ rằng mình đã mua phải cây giả, chị K. kiểm tra và xác định những quả khế và hoa bị gắn bằng keo 502, còn lộc non thì là ghép cành. Chị gọi người bán đến trả cây nhưng tất nhiên, họ không nhận lại cây và đổ lỗi do chị N đã không chăm sóc cây theo đúng hướng dẫn. Tranh luận mãi không ích gì, chị N đành ngậm ngùi mua một cây khác kẻo “mất lộc” trong nhà.
Ông Trương Như Hải, Hội sinh vật cảnh Hà Nội chia sẻ: Cách nhận biết những cây có quả giả là trái cây thường gắn khá thấp, gần với gốc, trái tì xuống đất để tránh rụng. Những trái gắn cao hơn thường là phải có phần cành đỡ. Dù vậy, người mua chỉ cần đưa về đến nhà một thời gian ngắn là trái sẽ rụng dần.
Nếu như trước đây, người mua thường gặp trường hợp rủi ro khi mua cây của những người bán cây rong, chở bằng xe máy hoặc xe ba gác đi khắp các ngõ ngách. Thì nay, người mua cũng có thể bị lừa ở những chợ cây mọc tạm bên đường. Chợ này thường là một số người bán rong tự tụ tập thành một khu vực. Hoặc cũng là do một chủ cây chở bằng xe thùng đi bán tại nhiều điểm khác nhau. Hết ngày hoặc hết buổi, những người bán này sẽ di chuyển sang địa điểm khác. Người mua cây có muốn kiện hay bắt đền cũng không thể gặp mà bắt đền được.
Cây sung bon sai được gắn bằng keo 502.
Kinh nghiệm để mua cây thật
Người xưa chơi cây cảnh chú trọng đến 4 yếu tố: nhất hình (dáng), nhì thế, tam chi, tứ diệp. Ta dễ bắt gặp những loại cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương (quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh).
Ngày nay, do điều kiện phát triển về kinh tế, văn hóa, sự giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau dẫn tới có nhiều trường phái chơi cây cảnh khác nhau. Nhiều người tìm đến thú chơi cây cảnh vì tính thẩm mỹ, tính ứng dụng của cây cảnh trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Về cơ bản, tiêu chuẩn để lựa chọn một cây cảnh đẹp là cây khỏe, lá xanh mướt và bóng, quả đẹp, hoa đẹp. Nếu có cả lộc non và hoa thì càng tốt. Cây nên có phần gốc lớn, cành nhánh rõ ràng, có chồi non.
Để tránh bị mua phải “hàng giả”, người mua cây cảnh cần có chút hiểu biết về các trường phái cây cảnh để nhận biết những dấu hiệu chứng tỏ người bán đã “làm giả” cây. Ví dụ, đối với cây chơi gốc, bên cạnh việc giá bán cao, cây sẽ có sự cân đối với đường kính gốc và các cành chính. Nếu thân cây to mà cành bé thì thường là cành gắn. Gốc cây có nổi phần rễ cây lên khỏi miệng chậu thì là cây thật. Trên vỏ cây, nếu có những phần rêu mốc thì phải là mọc tự nhiên.
Người mua cây phải dựa trên những đặc điểm tự nhiên của từng loài để lựa chọn cây. Cây có quá nhiều quả, quả đều nhau, không có loại xanh, chín xen kẽ thì rất nhiều khả năng người bán hàng đã gắn quả. Ví dụ thường gặp đối với trường hợp này là cây bưởi, đu đủ, sung, khế...
Khi mua cây, người mua cũng cần kiểm tra phần gốc và bầu đất của cây. Có nhiều cây khi đánh lên đã bị cắt hết rễ, rồi cắt tỉa lại cành và cắm vào bầu đất. Nhiều trường hợp cây ghép thân từ cành thật nhưng ghép vào gốc của loại khác. Khi vào chậu, chỉ sau một thời gian cây sẽ nhanh chóng bị héo và chết. Nếu không quan sát kỹ, người mua rất dễ bị lừa.
Những cây rễ trần và những cây đánh cả bầu được bán khá nhiều, rất khó phán đoán về chất lượng. Nếu hệ rễ cây không được tươi, mầm không mập thì không nên chọn mua. Cây giống đánh cả bầu đất, phải quan sát có rễ mới hay không, nếu sờ vào thấy rễ nát, màu nhợt nhạt thì không nên chọn.
Tốt nhất là người mua cây nên đến tận nhà vườn hoặc các địa chỉ bán cây uy tín, lâu năm để mua trực tiếp. Hoặc nếu đến chợ cây, người mua cần trang bị những hiểu biết cơ bản về các loại cây cảnh để nhanh chóng nhận ra những chiêu thức tinh vi của người bán cây.
Người mua cây cũng cần nắm bắt và hiểu được tập tính của cây hoa cảnh xem có phù hợp với điều kiện môi trường xung quanh nhà hay không. Không nên chọn mua hoa cây cảnh một vụ rồi bỏ đi. Những cây bóng mát, cây công trình, cây trồng biệt thự và cây trồng trong nhà cũng nên tuân thủ theo điều kiện nơi trồng và thổ nhưỡng.
Người mua cây nên đi cùng những người có kinh nghiệm về cây cảnh để cùng lựa chọn cây phù hợp, đặc biệt là những cây có giá bán cao. Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác để tránh bị lừa tiền và “phiền lòng” trong những ngày đầu năm mới.
Hiện chưa có chế tài xử phạt nào đối với những kẻ có hành vi bán “cây giả” như những trường hợp vừa nêu để xử lý những kẻ rắp tâm lừa dối người yêu thích cây. Nhưng việc làm giả các chi tiết cây cảnh cho “bắt mắt” hơn nhằm mục đích “nâng” giá bán là điều có thật. Bản chất của việc làm này là lừa dối người mua, nhằm mục đích trục lợi là điều không thể chối cãi. Và hành vi lừa dối nêu trên không phải là việc đơn lẻ, đột xuất… mà đang “phát triển” trở thành hiện tượng lừa dối công khai để “móc túi” những người yêu thích cây cảnh. Thiết nghĩ, pháp luật cũng không nên bỏ qua những hành vi lừa dối nêu trên, để bảo vệ người tiêu dùng.
10
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết