Muôn hình vạn trạng vi phạm núp bóng review phim
Không có nhiều thời gian để theo dõi các bộ phim truyền hình dài nhiều chục tập trong, vài năm trở lại đây, chị Thu Hường ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương chọn lướt mạng xem các video ngắn. Nếu lỡ xem một bộ phim nào đó dở dang nhưng tò mò về cái kết của phim, chị và nhiều bạn bè chung sở thích cũng tìm đến các video này. Thuận lợi hơn nữa là chỉ cần tìm xem một video trên mạng, chị sẽ tự động được giới thiệu nhiều các kênh, video có nội dung tương tự nên không phải mất nhiều công sức tìm kiếm để tham khảo nhằm chọn lựa cho mình những bộ phim phù hợp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị và nhiều “tín đồ” của loại hình giải trí này vô cùng khó chịu vì fanpage đăng tải nhiều trích đoạn phim nhưng không tiết lộ tên phim hay kênh phát hình phim chính thức. Vì vậy, người xem thường là để giải trí, giết thời gian, thỏa mãn trí tò mò chứ không thể xem phim như một tác phẩm trọn vẹn.
Cũng đến với các video “dán nhãn” review phim nhằm tiết kiệm thời gian và tranh thủ giải trí, chị Huyền Nhung ở Long Biên, Hà Nội cho biết mặc dù đã lường trước tình huống chủ nhân của các kênh có thể chia sẻ các tiêu đề giật gân để câu khách, nhưng không ít lần, chị bấm vào video xem xong vẫn thấy mình như vừa bị lừa vì nội dung một đằng còn lời giới thiệu ban đầu trên video lại một nẻo? Nhiều video ghi là review phim với những giới thiệu sốc, sến để câu khách như: “Vừa bị bạn trai đá, cô gái may mắn cua được tổng tài”; “Thiếu nữ bị cha mẹ ép bán cho ông chú tàn tật, chịu đủ mọi dày vò và cuộc lột xác ngoạn mục”; “Nỗi nhục nhã khi sống với mẹ kế”; “Ác quỷ đã yêu Lọ Lem ngay từ cái nhìn đầu tiên trong đám đông và tán tỉnh cô ấy”; “Vợ vừa qua đời, anh rể liền hốt luôn em gái vợ”; “Vua khỉ siêu tiến hóa thành người”…
Cũng than trời vì review phim bình luận nhảm, có khi dẫn dắt người xem theo hẳn một hướng trái ngược hoàn toàn với tư tưởng, chủ đề của bộ phim, anh Phan Việt còn cho biết, ngôn ngữ được nhiều youtuber, tiktoker sử dụng khi bình luận một tác phẩm nghệ thuật nhưng rất phản cảm, phản văn hóa, nhiều khi thô tục. Điều đáng lo là những video này lại thu hút khá nhiều thanh thiếu niên. Anh và nhiều phụ huynh có các con đang trong “tuổi ăn, tuổi lớn” lo ngại, nếu không kiểm soát được, việc các con xem các video này mỗi ngày sẽ làm hỏng thẩm mỹ của trẻ. Hành vi cắt xén không thương tiếc những tác phẩm điện ảnh, kể theo kiểu “diễn nôm”, thậm chí “bôi bẩn” tác phẩm qua các video giật gân, câu khách bất chấp, chỉ nhằm mục đích kiếm tiền đang gây ô nhiễm môi trường mạng cũng như gây ảnh hưởng rất lớn tới người tiếp nhận nó, nhất là với đối trượng trẻ.
Bức xúc nhưng… đành chịu?
Chia sẻ quanh câu chuyện này, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Lương Đình Dũng nửa đùa nửa thật nói rằng, đã có lúc anh “muốn đấm thẳng vào mặt” chủ của nhiều sản phẩm review phim bẩn. Nam đạo diễn cho biết, phim “578: Phát đạn của kẻ điên” là tâm huyết của anh và ê kíp sáng tạo nhiều năm. Ngoài phát hành trong nước, nhà sản xuất hướng tới thị trường quốc tế.
Thế nhưng, khi vừa công chiếu, nhiều sản phẩm bình luận ác ý, theo hướng vùi dập không thương tiếc tác phẩm. Trong khi đó, một tác phẩm điện ảnh được coi là một sản phẩm cụ thể của một đơn vị cụ thể. Vì vậy, khi đưa ra rạp thì cũng cần phải được bảo vệ một cách đúng mực, đúng quy định pháp luật mà không phải bất kỳ cá nhân, hay tổ chức nào cũng có thể xâm phạm một cách dễ dàng, kể cả bằng ngôn từ. Việc khen chê bừa bãi, thiếu cơ sở gây tổn thất về kinh tế nghiêm trọng tới tác phẩm, tác giả nhưng chưa bị xử lý đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Môi trường truyền thông mạnh ai nấy làm, thiếu sự kiểm soát đã tạo ra sự lộn xộn trong việc quảng bá, gây khó khăn cho các nhà làm phim mới nổi hoặc mới làm phim.
Nhà sản xuất bức xúc nhưng…đành im lặng, bỏ qua. Lý do là một bộ phim được chiếu ngoài rạp không dài. Nhà sản xuất, nhất là nhà sản xuất phim độc lập, những người mới tham gia sản xuất phim không rành rẽ về pháp luật thường lo ngại việc bỏ công sức nhiều ngày thu thập chứng cứ, tìm được đúng các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng “được vạ má sưng”, vì đối tượng chưa bị xử lý thì thời điểm vàng trong phát hành phim cũng đã vụt qua mất.
Biên kịch Vũ Liêm thì cho rằng, bản chất review phim là để công chúng tham khảo trước khi quyết định xem một bộ phim nào đó. Với người làm phim, ở chiều tích cực, review phim cũng là một cách để thu hút khán giả tìm xem phim. Tuy nhiên, các review phim bẩn đang làm méo mó hoạt động này. Ngoài việc phát tán nội dung, dù là các trích đoạn phim, nhưng không được sự cho phép của các chủ sở hữu là vi phạm bản quyền. Chưa kể, một bộ phim là tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, kể câu chuyện với nhiều lớp lang. Đây là thành quả sáng tạo nhiều tâm huyết của cả một tập thể những người làm nghệ thuật. Khi xem các trích đoạn, tóm tắt, người xem không thể cảm nhận, thưởng thức được vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm, những giá trị chân, thiện, mỹ mà những người làm phim gửi gắm, chuyển tải qua tác phẩm…
Cần nhiều giải pháp hệ thống, tổng hợp
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một thứ văn hóa có thể tạm gọi là “văn hóa Tiktok”. Ở đó, dưới tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường, đặc điểm riêng của công nghệ khiến cho nhiều người trở nên đam mê với việc đưa những thông tin hời hợt, gây sốc, tạo hiếu kỳ để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng, đặc biệt là những người trẻ.
Khi công nghệ này lại giúp cho họ kiếm được lợi ích từ những lượt like, share, follow, cộng với việc cạnh tranh của các tiktoker, youtuber với nhau, và việc dễ dãi trong thị hiếu của công chúng, buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, chưa chú ý đầy đủ ở cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội, khiến hiện tượng sai lệch, phản cảm trong tiktok càng trở nên nguy hiểm. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều tiktoker tìm mọi cách thức, lợi dụng mọi sự kiện để thu hút sự quan tâm của công chúng trên mạng. Review phim bẩn, review phim trá hình là một ví dụ như thế.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng khẳng định, các video review phim nói trên vi phạm bản quyền. Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả độc lập với tác phẩm gốc, kể cả khi tác phẩm gốc không được bảo hộ quyền tác giả. Khi các video review phim trá hình có sử dụng hình ảnh, âm thanh, lời thoại của tác phẩm phim gốc để tạo ra một tác phẩm phái sinh mới mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm gốc là vi phạm quyền sao chép, quyền phân phối, quyền truyền đạt công cộng, quyền biểu diễn và quyền tái hiện của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm gốc. Về mặt phát triển sáng tạo nghệ thuật, các video review phim bẩn cũng có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến doanh thu của nhà làm phim, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sản xuất, phát triển các tác phẩm phim mới. Bên cạnh đó, nhiều video chỉ đơn thuần là tóm tắt lại nội dung tác phẩm phim gốc, khiến cho khán giả không có hứng thú tìm hiểu thêm về tác phẩm.
“Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các nhà làm phim và các nền tảng mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm bản quyền tác phẩm phim. Các nhà làm phim cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền tác giả, đồng thời có những biện pháp để ngăn chặn việc vi phạm bản quyền tác phẩm của mình. Các nền tảng mạng xã hội cần có những quy định, chính sách chặt chẽ hơn để kiểm soát các video review phim, ngăn chặn việc phát tán các video review phim bẩn. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người xem, đặc biệt là đối tượng người trẻ, về tác hại của các video này. Người xem cần có ý thức lựa chọn những video review phim chất lượng, có nội dung tích cực, lành mạnh”, ông Sơn nói.
Những loại review kiểu đó khiến cho người tiếp nhận nó trở nên lười suy nghĩ, lười tư duy, và thật vô cùng tệ hại đối với chính những bộ phim mà nó đề cập đến, bởi bao nhiêu công sức đầu tư về cả tư duy lẫn nghệ thuật của cả đoàn làm phim, cả bộ phim coi như vứt!
Các bản review bẩn thường sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, dung tục, tác động tiêu cực về mặt nhận thức, thẩm mỹ của người xem, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Trẻ em có thể học theo những ngôn từ, hành vi thiếu chuẩn mực, dẫn đến lệch chuẩn về đạo đức, lối sống. Việc đặt tiêu đề giật gân, câu khách, có khi trái ngược toàn hoàn với nội dung phim, khiến người xem bị hiểu sai về nội dung tác phẩm. Đây là những hành động hết sức phản cảm, tạo nên những hình ảnh xấu xí, để lại môi trường độc hại trên mạng xã hội.
Nguồn: Báo Công an Nhân dân
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết