(CHG) Thời gian qua, dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục cảnh báo nhiều loại thực phẩm chức năng bị quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng xã hội, nhưng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính chất hỗ trợ chữa bệnh vẫn luôn được quảng cáo là “công dụng thần kỳ”, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh. Đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng và vi phạm pháp luật.
Vẫn liên tục quảng cáo sai sự thật
Thời gian qua, Bộ Y tế liên tục công bố thông tin xử phạt những cơ sở, sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng thổi phồng công dụng, quảng cáo sản phẩm có tác dụng như thuốc, nhưng không phải là thuốc. Dù vậy, hiện tượng này dường như chưa có dấu hiệu dừng lại?
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, các nghệ sĩ, ca sĩ cũng tham gia vào các hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng... như "thần dược". Họ đóng vai là người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng và trong thời gian ngắn sau đó thì lại mắc nhiều bệnh khác để quảng cáo cho loại thực phẩm chức năng khác nhằm chữa bệnh.
Đây là những quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm; quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; sử dụng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ để quảng cáo.
Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2020, từ xác minh của Cục, cơ quan chức năng đã xử phạt 46 cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền 2,2 tỷ đồng; năm 2021 xử phạt 28 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và năm 2022 xử phạt 28 cơ sở với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Cục An toàn thực phẩm đã cung cấp chủ thể 29 website vi phạm quảng cáo, trong đó có cá nhân, công ty phần mềm, có tên miền ẩn giấu thông tin chủ thể, có tên miền chưa cấp phát sử dụng… cho cơ quan chức năng xử lý.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đề nghị tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo. Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo các sản phẩm không phải là thuốc, nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thuốc chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị. Bên cạnh đó, cần vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế và mua thuốc tại các cơ sở thuốc đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra, thậm chí chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tiếp tục cảnh báo nhiều loại thực phẩm chức năng bị quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng xã hội.
Cụ thể, website https://trungtamthuoc.com/medispores-biota và một số địa chỉ khác quảng cảo sản phẩm Medispores Biota có tác dụng bổ sung lợi khuẩn, cải thiện tình trạng rối loạn hệ khuẩn đường ruột, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cho cơ thể; khắc phụ các phản ứng có hại do dùng khánh sinh… Nội dung này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo tại các địa chỉ: https://www.hangucplaza.com/; http://ausmart.vn/ đang quảng cáo sai quy định 9 loại thực phẩm bảo vệ sưc khỏe gồm các sản phẩm: Life-Spase broad Spectum Probiotic, Life –Space Probiotic Powder For Baby, Life –Space Probiotic Powder For Children, Life –Space Shape B420 Probiotic, Life –Space Bowel Biotic, Life – Space Immune Support Probiotic, Life –Space Triple Strength Probiotic, Life –Space Children IBS Support Probiotic, Life-Space IBS Support Probiotic. Đây chủ yếu là các sản phẩm men vi sinh được quảng cáo duy trì sức khỏe hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột…
Cục An toàn thực phẩm cũng vừa đưa ra cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe STOLE NAGA và NUTRICARE BLOOD SUGAR quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật. Thời gian qua, thực phẩm bảo vệ sức khỏe STOLE NAGA được quảng cáo trên Shopee gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sản phẩm STOLE NAGA do Công ty cổ phần phát triển Long Vương (trụ sở chính tại số 230, tổ 5, cụm Bồ đề, phố Quan Nhân, huyện Thanh Xuân, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Còn tại địa chỉ http://trungsoncare.com cũng đang quảng cáo thực phẩm chức năng NUTRICARE BLOOD SUGAR có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Tương tự, tại các website bán hàng online như: https://nhathuocminhchau.com; lazada; https:parapharmacy.vn/product… cũng đang quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật. Cục An toàn thực phẩm xác định link tại các trang web này vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo về các sản phẩm trên mạng xã hội để mua và sử dụng, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế. Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành.
Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ https://vfa.gov.vn và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
Cảnh báo về thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Vừa qua, lực lượng chức năng các địa phương trên toàn quốc đã liên tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực y tế, qua đó phát hiện ra nhiều cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Điển hình như tại tỉnh Long An, Cục Quản lý thị trường tỉnh này cho biết, thực hiện việc tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực y tế đối với các cơ sở kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, từ ngày 02 - 10/02/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 đã kiểm tra các điểm kinh doanh thuốc tân dược trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ.
Kết quả, phát hiện 9 cơ sở không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược, 1 cơ sở không treo biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ: “Sản phẩm này không phải là thuốc” đối với trường hợp có kinh doanh thêm thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật. 10 cơ sở này bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/09/2020 của Chính phủ với tổng số tiền phạt là 79 triệu đồng.
Trước đó, cuối năm 2022, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường Hà Nội triệt phá thành công đường dây buôn hàng giả là thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng - giảm cân, tăng cường sinh lý, an thần, thu giữ gần 1.000 hộp thực phẩm chức năng giả mạo.
Công an quận 8, TP. HCM cũng triệt phá đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả, bắt 7 đối tượng liên quan đồng thời thu giữ gần 20.000 sản phẩm thuốc tân dược giả mạo nhiều nhãn hiệu.
Lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện ra cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Ngày 23/02/2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại P2.11.12, Park2, khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Lực lượng chức năng phát hiện gần 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng, tương đương hàng triệu viên các loại hình. Tất cả các viên thuốc được đựng trong túi nilon, trên túi có ghi chữ nước ngoài.
Chủ của lô hàng được xác định là bà N.T.K.A. (sinh năm 1991, trú tại một căn hộ thuộc Park 9, khu đô thị Times City). Bước đầu, bà A. khai nhận, đây là các loại thuốc về lợi tiểu và liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên, bà A. không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng phải mất rất nhiều thời gian để xác minh và kiểm tra được đối tượng bởi sự tinh vi trong cách thức giao dịch. Đối tượng thường xuyên thay đổi các địa điểm chứa, trữ hàng hóa để tránh sự chú ý của người dân cũng như cơ quan chức năng. Mọi sự dịch chuyển đều diễn ra nhanh chóng và chuyên nghiệp bằng cách đóng thùng, sử dụng thang máy và xe tải chờ sẵn ở tầng hầm rồi chuyển sang địa điểm khác.
Ngoài ra, đối tượng thường sử dụng các căn hộ cao cấp làm điểm tập kết hàng hóa. Mọi thông tin, giao dịch chốt đơn đều được thực hiện thông qua mạng xã hội Facebook với tên “Kiều Anh Nguyen (Elly San)” và vận chuyển thông qua ship code nên rất khó kiểm soát.
Được biết, đây là một vụ việc điển hình của Đề án Chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, do lực lượng quản lý thị trường đang triển khai thực hiện.
(Còn tiếp)
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết