(CHG) Cứ vào thời điểm cuối năm, hoạt động kinh doanh rượu lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng lại xuất hiện trở lại. Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, phương tiện vận tải… và đã thu giữ được nhiều loại rượu chất lượng kém, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh rượu nhập lậu.
Xác định rượu kém chất lượng là vấn đề khó khăn?
Thời điểm cận Tết, rượu là một trong những mặt hàng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng đem lại lợi nhuận lớn cho các đối tượng khi buôn bán rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình như Đội Quản lý thị trường số 7 Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Đội 4 Phòng PC05 Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh rượu thủ công tại số nhà 20BT2, khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Lực lượng chức năng phát hiện 510 lít rượu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 13/9, Đội 4 Phòng cảnh sát môi trường phối hợp với Đội QLTT số 11, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông và Đội Kiểm Lâm đã tiến hành kiểm tra căn hộ tầng 9 và tầng 26 chung cư The Pride (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2 kho rượu ngâm động vật hoang dã không rõ nguồn gốc, thu giữ hơn 100 bình rượu các loại. Đoàn kiểm tra đã ra quyết định xử phạt 193 triệu đồng đối với 2 chủ cơ sở này về các hành vi vi phạm liên quan.
Triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh rượu tại 2 cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn vào ngày 1 và 2/12. Lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở này đang kinh doanh rượu trắng đựng trong chai, với tổng số lượng 90 lít. Tại thời điểm kiểm tra, chủ 2 cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của lô rượu trên.
Vừa qua, tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm", bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, rượu là sản phẩm truyền thống, không thể thiếu được trong những dịp Tết đến xuân về. Đối với người dân Việt Nam, lượng tiêu thụ rượu trong mỗi dịp Tết đều tăng lên. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm pháp luật trong các dịp Lễ, Tết cũng có xu hướng tăng lên.
Những sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, nồng độ Methanol vượt ngưỡng cho phép, rượu nhập khẩu không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm... sẽ gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất kinh tế, ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp hoạt động chân chính.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồ uống phi chính thức đã và đang gây tổn thất tới 751 triệu đô, xấp xỉ khoảng 17 nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Đây là một con số rất lớn. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và nguồn gốc các loại rượu bên cạnh đảm bảo an toàn thực phẩm, đồ uống để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, còn là việc làm gián tiếp hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính.
Cần tăng cường quản lý rượu ngâm, không rõ nguồn gốc. Ảnh: VTV
Tăng cường quản lý chất lượng rượu
Với chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý Nhà nước luôn tăng cường công tác quản lý rượu dịp cuối năm. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương cho biết: Thời gian vừa qua, mặt hàng rượu nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung là lĩnh vực được Bộ Công thương chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước tình hình ngộ độc rượu có dấu hiệu gia tăng, nhất là vào những dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gồm các đơn vị quản lý thị trường các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu.
Trong quá trình thực hiện kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh hiểu được tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Từ đó, hạn chế các hành vi vi phạm trong việc sản xuất và kinh doanh rượu.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng tuyên truyền cho người dân nên mua những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Lê khuyến cáo, người tiêu dùng không nên lạm dụng rượu thủ công tự nấu để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì, sản phẩm rượu thủ công đôi khi lẫn những tạp chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lê, vào những dịp cao điểm, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm Quốc gia đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra cũng như chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc, trong đó có Tổng cục Quản lý thị trường. Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường cùng một số đơn vị khác của Bộ Công thương đều tham gia và tiến hành kiểm tra, giám sát với các hoạt động cung cấp thực phẩm.
Để đẩy lùi vấn nạn rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch giao cho 63 tỉnh, thành tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là lĩnh vực như rượu, bia, nước giải khát; cũng như tiến hành kiểm tra kiểm soát chặt các mặt hàng liên quan đến thực phẩm như thịt gia súc, sản phẩm về nông nghiệp... để đảm bảo cho người dân đón Tết an lành, mạnh khỏe.
Được biết, Bộ Công thương thành lập 2 đoàn kiểm tra, một đoàn do Vụ khoa học Công nghệ - đơn vị đầu mối về an toàn thực phẩm của ngành công thương và một đoàn do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì để triển khai công tác kiểm tra, giám sát thị trường về vấn đề an toàn thực phẩm
Để giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc xảy ra với doanh nghiệp và người tiêu dùng, các cơ quan chức năng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm, nhất là đối với mặt hàng rượu - cần tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm mà đơn vị sản xuất ra. Đồng thời người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi mua rượu ở thời điểm “cuối năm Tết đến” để bảo đảm an toàn sức khỏe.
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết