(CHG) Thời điểm cuối năm, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ tăng cao. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng đã tung ra thị trường những sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” mỹ phẩm organic chiết xuất thiên nhiên hoặc mỹ phẩm có thương hiệu danh tiếng “lừa đảo” người tiêu dùng.
Cẩn trọng khi mua mỹ phẩm "ngoại" được quảng cáo trên mạng.
Lật tẩy các kho mỹ phẩm giả
Thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc da giả là mặt hàng bán chạy thứ 5 trong số các mặt hàng lưu hành hiện nay.
Các sản phẩm làm đẹp thường xuyên bị làm giả gồm đồ trang điểm, dầu dưỡng tóc, dầu gội, sữa dưỡng thể, sữa tắm, xà phòng, kem dưỡng da mặt, serum, màu tóc và bột tan. Các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm giả thường chứa các thành phần chất lượng thấp, có hại nhưng giá cả lại rất thấp so với những mặt hàng mỹ phẩm chính hãng.
Ngày 31/12, Đội Cảnh sát về kinh tế, chức vụ Công an huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm của bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên (thôn 7, xã Ea Đar, huyện Ea Kar).
Tổ công tác phát hiện tại cơ sở đang tàng trữ số lượng lớn mỹ phẩm như kem dưỡng da, dầu gội thảo dược, kem chống nắng, kem trị mụn… cùng nhiều chai, thùng, can nhựa đựng các loại chất lỏng, bột, dung dịch và nhiều tem, nhãn, bao bì, máy móc dùng để sản xuất mỹ phẩm.
Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên. Cơ sở này hoạt động từ tháng 3/2022 và để sản xuất mỹ phẩm, chủ cở sở là bà Nguyễn thị Mỹ Duyên đã lên mạng tìm mua những nguyên liệu giá rẻ, trôi nổi trên thị trường, sau đó dùng máy móc pha chế, sang chiết, đóng gói dãn nhãn mác “Mỹ phẩm Mỹ Duyên Organic” với những loại sản phẩm như: Kem chống nắng makeup Suncream, kem White Skin Cream, kem phục hồi VIP, Detox thanh lọc, bộ sản phẩm Skun Pell, dầu gội thảo dược...
Từ những nguyên liệu, hóa chất trôi nổi trên thị trường, bà Duyên đã pha chế, sang chiết, đóng gói rồi dán mác “Mỹ phẩm Mỹ Duyên Organic”. Thông qua mạng xã hội Facebook, bà Duyên bán lại cho khách hàng là các cơ sở làm đẹp, tiệm spa, khách lẻ trên toàn quốc.
Tại Bắc Ninh, chỉ trong 2 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện 2 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng quy mô lớn, thu giữ hàng trăm ngàn sản phẩm vi phạm. Điển hình là kem trang điểm HIISEES, kem tẩy da chết HEYXI, nước hoa Hanlu, dầu gội đầu JIORNIEE, son VONGEE do Trung Quốc sản xuất, kem trắng da V7 Dr.JART+ do Hàn Quốc sản xuất). Lô hàng có trị giá trên 561 triệu đồng.
Đến ngày 8/8/2022, Đội số 3 Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với Đội số 2 và Công an tỉnh Bắc Ninh bất ngờ kiểm tra kho hàng tại khu Tam Lư, phường Đồng Nguyên, TP. Từ Sơn. Chủ hộ kinh doanh là ông Nguyễn Xuân Thuyết (phường Tương Giang, TP. Từ Sơn). Lực lượng chức năng phát hiện kho hàng chứa 41.500 sản phẩm chủ yếu là nước hoa, tinh chất dưỡng da, kem dưỡng trắng V7 Dr.Jart+, sữa rửa mặt, kem chống năng, dung dịch chấm mụn... do Hàn Quốc sản xuất nghi có dấu hiệu nhập lậu. Tổng giá trị số hàng vi phạm trên 3,9 tỷ đồng.
Cũng theo nhu cầu mua nước hoa của người tiêu dùng, hiện nay, thị trường có nhiều loại nước hoa được quảng cáo là hàng auth, auth like chính hãng của nhiều thương hiệu danh tiếng. Tuy nhiên, giá những sản phẩm này chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 so với sản phẩm chính hãng từ nhà sản xuất. Điển hình là vụ bà Tạ Thị Quỳnh Anh – là chủ hộ kinh doanh có tên Quỳnh Quỳnh bị tịch thu và tiêu hủy số lượng hàng hóa vi phạm và bị phạt 51,25 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời gian 2 tháng tại Đồng Nai. Bà Tạ Thị Quỳnh Anh đã vi phạm pháp luật với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái (mặt hàng chai nước hoa giả nhãn hiệu Chanel và Gucci) tuồn ra ngoài thị trường, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Càng cận Tết, lợi dụng tâm lý khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh hàng online đã dùng nhiều mánh khóe để tiêu thụ hàng giả. Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ từ thương mại điện tử, phương thức mua bán không tiếp xúc, thanh toán qua internet dễ dàng, nhiều đối tượng mua hàng trôi nổi không có tem nhãn thông qua mạng xã hội facebook, sau đó dán tem, đóng chai nhái hàng thật bán ra thị trường.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều kho chứa mỹ phẩm giả.
Làm thế nào để mua mỹ phẩm thật?
Hiện nay, các đối tượng làm hàng giả ngày càng thích nghi với môi trường thương mại mới. Các đối tượng lợi dụng những đợt giảm giá lớn trên các sàn thương mại điện tử, để tung ra sản phẩm giả với mức giá hấp dẫn, nhằm tìm cách để bán số lượng lớn.
Theo các khảo sát thực tế, người tiêu dùng càng ngày càng có ý thức và hiểu rõ hơn về thương hiệu, đồng thời, có kiến thức nhận diện hàng giả và hàng thật. Tuy nhiên, giữa “ma trận” hàng giả như hiện nay, người tiêu dùng cần làm thế nào để mua được hàng “thật” .
Với công nghệ sản xuất và in ấn tân tiến, các cơ sở làm giả có thể bắt chước các sản phẩm hoàn thiện, in hộp, nhãn, mã và bao bì nguyên bản. Điều này rất khó để người tiêu dùng có thể phát hiện và phân biệt được hàng thật, hàng giả. Như vậy, cần phải có kiến thức về hàng thật, hàng giả và “nhạy bén” với những tín hiệu hấp dẫn mà thường các chủ hàng sẽ đưa ra, để đánh vào lòng tham của người tiêu dùng.
Trước tiên là vấn đề giá cả của mặt hàng mỹ phẩm. Có thể khẳng định rằng, những sản phẩm mỹ phẩm có giá quá rẻ so với giá của nhà sản xuất thường là hàng giả, hàng nhái. Bởi ngay cả khi các cơ sở kinh doanh có giảm giá sâu, có mức chiết khấu tới 50-70% giá bán so với sản phẩm chính hãng, thì đó cũng rất có thể là hàng giả hoặc hàng cận date.
Nếu nghi ngờ sản phẩm đến tay là hàng giả, người tiêu dùng có thể phản ánh với dịch vụ khách hàng của thương hiệu. Căn cứ vào các số liệu ghi trên nhãn, dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà sản xuất, có thể xác định đúng sản phẩm là thật hay giả. Bên chăm sóc khách hàng của nhãn hàng cũng có thể yêu cầu khách hàng gửi cho họ món hàng nhái vừa mua phải để kiểm định sản phẩm, từ đó có cảnh báo cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cũng có thể tự kiểm chứng món hàng mỹ phẩm muốn sở hữu bằng cách so sánh với thông tin chi tiết của sản phẩm đồng loại trên trang web chính thức của nhà sản xuất.
Nếu mua hàng mỹ phẩm qua các sàn thương mại điện tử mà gặp phải hàng giả, người tiêu dùng có thể khiếu nại với bên dịch vụ khách hàng để đơn vị này rà soát, điều tra về nhà cung cấp dịch vụ, từ đó rất có thể người mua sẽ được hoàn lại tiền.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể sử dụng phương pháp xác thực sản phẩm chính hãng bằng công nghệ chống hàng giả. Thông thường các giải pháp chống hàng giả bằng công nghệ cao sẽ được in dưới dạng tem chống hàng giả, hoặc in trực tiếp lên bao bì sản phẩm.
Các lớp chống giả có thể bao gồm một hoặc nhiều công nghệ như truy xuất nguồn gốc QR Code, công nghệ SMS, công nghệ nước, công nghệ 5S,..
Ngay cả khi mua trực tiếp sản phẩm tại cửa hàng, đại lý, người tiêu dùng cũng cần thận trọng vì người bán hàng có thể trà trộn hàng thật, hàng giả do lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả rất lớn. Do đó, dù có phải trải qua những đợt nộp phạt vi phạm hành chính do bị phát hiệu kinh doanh hàng giả, người bán vẫn có thể tiếp tục tái diễn hành vi mua bán sản phẩm giả.
Cách dễ nhất để mua mỹ phẩm thật là hãy mua tại các cửa hàng chính hãng. Nếu người tiêu dùng có bất cứ thắc mắc gì hoặc gặp bất cứ vấn đề gì khi sử dụng sản phẩm, bạn hoàn toàn có thể phản ánh tới nhãn hàng để được hỗ trợ đổi trả hoặc bồi hoàn. Tuy là giá thành của sản phẩm sẽ cao hơn so với “quảng cáo” từ nhiều nguồn bên ngoài nhưng bạn hoàn toàn có lợi về việc “bảo hành” sản phẩm.
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng không nên ham rẻ, sính ngoại giá rẻ và tin vào “hiệu quả tức thì” của sản phẩm để mua về sử dụng mỹ phẩm giả. Hậu quả của việc làm này, có thể là một hành trình “chữa bệnh” tốn kém tại các Bệnh viện chuyên khoa.
Bên cạnh các biện pháp nêu trên, người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp rất cần sự quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc triệt phá, xử lý nghiêm khắc trước pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái - trong đó có cả hoạt động kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm - qua đó ngăn chặn được hiệu quả vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ được đông đảo người tiêu dùng.
11
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết