Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống hàng lậu, hàng giả


(CHG) Vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan thị trường, đặc biệt là ở kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang là vấn đề khiến cơ quan chỉ đạo 389 quốc gia và doanh nghiệp chân chính đau đầu, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để chặn cửa vấn nạn này...


Làm nhái bánh trứng Tipo.

Thị trường nhức nhối nạn hàng lậu, hàng "nhiều không"
Ngày một phức tạp thực trạng hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong đời sống, đặc biệt là trên không gian mạng, nạn làm giả và nhập lậu hàng hóa đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ ngày một tinh vi và phức tạp. Nhiều giải pháp đã được triển khai, tuy nhiên, đến nay, hiệu quả vẫn chưa thật sự được như mong đợi.  
Nền kinh tế số, mô hình bán hàng đa kênh đã góp phần tạo nên một thị trường kinh tế rộng lớn, phong phú và đôi khi có những biến động ngoài dự đoán. Lợi dụng kênh bán hàng đa kênh, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không hóa đơn hợp pháp... được nhiều thương nhân đưa vào thị trường tiêu thụ, nhằm mục đích kiếm lợi bất chính từ việc tiêu thụ hàng hóa “nhiều không”...


Sản phẩm nhái nước ngọt C2 (ảnh trái).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2022, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Kinh doanh TMĐT thời gian qua phát triển mạnh mẽ, phản ánh khách quan về nhu cầu hàng hóa và thị trường… Tuy nhiên, đây cũng là môi trường cho nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu thẩm thấu sâu vào thị trường.
Khảo sát đối với sàn TMÐT như Lazada, Shopee hay các trang cá nhân trên facebook, người dùng dễ dàng tìm thấy những sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng như điện thoại, máy tính, hàng thời trang, nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh… những sản phẩm này đều có giá rất thấp, thấp hơn rất nhiều về giá so với hàng được các hãng công khai trên các trang chủ.
Khảo sát nhỏ về giá sản phẩm nước hoa trên các sàn TMĐT và trên nền tảng mạng xã hội, của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Hermès, Gucci… hay giầy Nike, Adidas có giá chưa đến 200.000 đồng, trong khi giá hàng chính hãng cao hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, kết quả khảo sát đối với nhiều sản phẩm như: quần áo, kính mắt, đồng hồ, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… in chữ hoặc logo thương hiệu của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới… được rao bán với giá rẻ "không tưởng" so với hàng chính hãng.
Có thể thấy, khá phổ biến tình trạng nhiều gian hàng thuộc sàn thương mại vi phạm khi quảng cáo sai sự thật và gây hiểu nhầm về xuất xứ hàng hóa cho khách hàng… Nguy hại hơn là rất nhiều đơn vị kinh doanh thương mại điện tử không có địa chỉ, số điện thoại liên lạc cụ thể, kho hàng không cố định, chỉ thông tin giao dịch và bán hàng cho khách, sau đó có thể đánh sập trang để xóa dấu vết…
Sự tiện dụng, nhanh chóng, tiện lợi... của TMĐT, được người tiêu dùng đánh giá khá cao. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng vẫn quan ngại về việc mua phải sản phẩm kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu, hoặc không hài lòng về mức giá niêm yết trên các kênh mua sắm dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh… thực tế là đã có trường hợp khi hàng được giao lại không thể sử dụng được, hoặc không đúng với những gì khách hàng đã chọn mua online trước đó...


Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bán hàng trên không gian mạng là người bán và người mua không gặp mặt trực tiếp, việc giao dịch hàng hóa thông qua các nền tảng mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT, quá trình đóng gói, vận chuyển hàng hóa được thông qua kênh logistics… vì vậy, người mua hàng khó kiểm tra hàng hóa về nguồn gốc, xuất xứ, các tiêu chuẩn chất lượng về hàng hóa có liên quan… do đó, nếu xảy ra vấn đề về hàng hóa trong quá trình sử dụng, người dùng khó có thể khiếu nại để đòi quyền lợi…
Thường thấy các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong khi đó, các chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, thậm chí là học sinh, sinh viên...

 Ngày 23/9/2022, Cục Quản lý thị trường TP. HCM tạm giữ lô điện thoại di động iPhone 14 trị giá 1,6 tỷ đồng không hóa đơn, chứng từ. 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, Gian lận thương mại và Hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), tình hình buôn bán hàng giả trong hoạt động TMÐT có xu hướng tăng do nguyên nhân chủ yếu là hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Phần lớn sản phẩm bị làm giả, làm nhái đều tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, thuộc mọi lĩnh vực gồm thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử… Tùy vào loại sản phẩm bị làm giả mà mức độ gây thiệt hại sẽ khác nhau, trong đó, nghiêm trọng hơn cả là gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Mặt khác, theo ý kiến của các doanh nghiệp, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ "giết chết" các doanh nghiệp chân chính đồng thời quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hiện nay tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không giảm, nhất là các loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, khi số vụ bị lực lương chức năng phát hiện và triệt xóa của năm sau thường tăng hơn năm trước.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chống hàng lậu, hàng giả
Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á của Google dự báo, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia. Tổng doanh thu kinh tế Internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt 57 tỷ USD. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2023, hoạt động kinh tế trên đà phục hồi sau Covid-19, giao thương với Trung Quốc được khơi thông, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, góp phần tăng doanh thu bán lẻ tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu. Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô khoảng 250 tỷ USD, tạo không gian tăng trưởng rộng lớn cho TMĐT. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ lên trên 20%.
Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, tuy nhiên, đi kèm sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không hóa đơn hợp pháp cũng ngày một gia tăng và diễn biến ngày một phức tạp… vậy giải pháp nào để có thể hạn chế được vấn nạn này?
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều đơn vị đã tập hợp đội ngũ cán bộ khoa học tâm huyết, đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp chống hàng giả mang tính pháp lý để bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp và tập đoàn trong và ngoài nước, bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số... như hệ thống mã QRcode, ứng dụng chống hàng giả công nghệ cao trên tem, bao bì; phần mềm chống hàng giả tích hợp quản trị sản phẩm, hàng hóa...


Lô sữa nhập lậu không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chi khá nhiều tiền vào việc làm tem chống hàng giả, đầu tư các sản phẩm công nghệ nhận diện hàng hóa chính hãng, SMS, truy xuất nguồn gốc… Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ việc cho thấy chính tem chống hàng giả cũng bị làm giả… do đó, phải đưa ra được giải pháp chống hàng giả có tính bước ngoặt, giúp doanh nghiệp không tăng chi phí nhưng vẫn chống được hàng giả.
Ông Lợi đưa ra gợi ý, nên chăng theo hướng giống như mã số định danh và được cơ quan pháp luật bảo vệ… nếu làm được như vậy thì sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa; thuận lợi cho công tác quản lý, và người tiêu dùng chỉ cần nhìn bằng mắt thường có thể nhận biết được sản phẩm nào là chính hãng, nên việc làm giả cũng vì thế mà hạn chế rất nhiều do không dám làm giả…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực TMÐT, để chống được hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên TMĐT việc áp dụng chuyển đổi số trong chống hàng giả là một trong những bước đi quan trọng để doanh nghiệp nâng cấp công nghệ chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và loại bỏ các loại hàng hóa giả mạo, hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp thông qua các công cụ, giải pháp chống hàng giả nền tảng số được đồng bộ với dữ liệu của doanh nghiệp sẽ giúp kiểm soát được lưu thông hàng hóa trên thị trường, truy vết đường đi của sản phẩm, truy xuất thông tin bán hàng, nhanh chóng phát hiện các trường hợp bị giả mạo, cũng như có các căn cứ để giải quyết khi các sự cố xảy ra. Do đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu, song song với sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt từ chính các cơ quan quản lý thì nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng lậu mới có chiều hướng thuyên giảm.
Ðể góp phần giải quyết nạn làm giả hàng hóa, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu… ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào môi trường
TMĐT và trong các khâu sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa là một yêu cầu cấp thiết. 
Bên cạnh đó việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chống giả sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa; thuận lợi cho công tác quản lý, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống gian lận thương mại, giúp các cơ quan thực thi truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác, phát hiện, loại bỏ những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng./.

Còn lại: 1000 ký tự
Viện IMRIC Hội nghị đầu năm và ra mắt CLB doanh nhân

(CHG) - Ngày 20/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) đã tổ chức Hội nghị tân Xuân Giáp Thìn. Đồng thời ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ.

Xem chi tiết
Cơ hội khám phá Munich với giá vé ưu đãi từ Vietnam Airlines

(CHG) - Hôm nay 21/3), hân dịp mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Munich, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ưu đãi cho 3 chuyến bay đầu tiên trong tuần đầu khai trương với mức giá chỉ từ 10.725.000 VNĐ/chiều (đã bao gồm thuế, lệ phí).

Xem chi tiết
Vietnam Airlines và tỉnh Sơn La ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện

(CHG) - Hôm 20/3, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và UBND tỉnh Sơn La chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2028.

Xem chi tiết
TP.HCM: Cơ quan chức năng tiếp tục thu giữ hàng ngàn sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ

(CHG) - Thông tin từ Cục quản lý thị trường Tp.HCM cho biết, sau khi ra quân đồng loạt kiểm tra một số cửa hàng bán và kinh doanh phụ kiện điện thoại trên đường 3/2, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng loạt sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
Bay nội địa dịp hè 2024 chỉ hơn 1 triệu đồng cùng Vietnam Airlines

(CHG) - Từ ngày 05/03/2024 đến ngày 15/03/2024, Vietnam Airlines triển khai tới khách hàng chương trình ưu đãi giá vé lớn nhất năm: “Chào Hè” 2024 cho các hành trình bay nội địa và quốc tế.

Xem chi tiết
2
2
2
3