Buổi lễ có sự tham dự của Ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả; Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả; Ông Nguyễn Tri Thắng, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả; Ông Bùi Hữu Toàn, Cục Trưởng Cục Hành Chính Quản Trị II, Văn Phòng Chính Phủ; Phó GS.TS Nguyễn Văn Cường, Phó Cục Trưởng Cục Hành Chính Quản Trị II, Văn phòng Chính Phủ; TS Trương Đức Thành, Vụ Trưởng Kiểm Toán Nhà Nước khu vực 9; Ông Cao Hồng Hưng, Phó Chánh văn phòng, Thành Uỷ TP HCM.

Toàn cảnh buổi Lễ Công bố thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF
Buổi lễ cũng có sự góp mặt của các lãnh đạo cơ quan báo chí, các chuyên gia, và hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Phát biểu khai mạc Lễ Công bố Quyết định thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả chia sẻ, chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, khi hàng hóa, thương hiệu và dịch vụ vượt qua mọi biên giới. Nhưng đi kèm với đó là sự bùng phát của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ Chống hàng giả chia sẻ tại buổi lễ
Bà dẫn chứng báo cáo của Bộ Công Thương, mỗi năm, hàng giả gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Không chỉ là những chiếc túi xách, quần áo, mà nguy hiểm hơn còn có thuốc chữa bệnh giả, sữa bột cho bà bầu, cho trẻ em giả, thực phẩm chức năng giả...
Có thể thấy rằng, hàng giả, hàng nhái đang bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành hàng thực phẩm, thời trang, thực phẩm chức năng, dược phẩm và mỹ phẩm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thương hiệu và người tiêu dùng. Thương mại điện tử đã trở thành một kênh phát tán chủ yếu của các sản phẩm giả mạo.
Vấn nạn này không còn là chuyện đơn thuần về kinh tế mà là câu chuyện về pháp luật, về đạo đức kinh doanh và niềm tin của xã hội. Nếu như trước đây, hàng giả thường thô sơ, dễ nhận biết, thì ngày nay – với sự hỗ trợ của công nghệ in ấn, sản xuất và phân phối tinh vi, hàng giả có thể giống đến 90-95% hàng thật, thậm chí lọt vào cả hệ thống bán lẻ chính thống, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, chính vì thế, Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF chính thức được thành lập theo Quyết định số 10/QĐ-HĐQL-ACF ngày 20/09/2024 của Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả; với sứ mệnh trở thành lá chắn vững chắc, người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF không chỉ là một tổ chức kỹ thuật chuyên môn, mà là biểu tượng của sự hợp lực giữa công nghệ, pháp luật, truyền thông, cộng đồng, hướng tới mục tiêu: bảo vệ giá trị thật, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Hoài tin tưởng, Quỹ Chống hàng giả và Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF sẽ là người bạn đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh – nơi thương hiệu được bảo vệ, giá trị thật được tôn vinh, bảo vệ người tiêu dùng và sự trung thực, công bằng trong kinh doanh.

Ông Phạm Lộc Ninh - Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và gian lận thương mại phát biểu tại buổi lễ
Cũng tại buổi lễ, ông Phạm Lộc Ninh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại cũng khẳng định việc thành lập Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF là rất cần thiết với thực tế hiện nay.
Ông cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ không ít vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng quy mô lớn, từ đường dây sản xuất sữa giả quy mô hàng trăm tỷ đồng tại Hà Nội, đến thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả bị phát hiện với khối lượng hàng tấn tại Thanh Hóa. Đặc biệt, giao dịch hàng giả qua livestream TikTok và mạng xã hội tăng mạnh, với một số tài khoản bán hàng có lượt theo dõi lên đến hàng trăm nghìn người, nhưng không đăng ký kinh doanh và bán hàng không rõ nguồn gốc.
Theo ông, bên cạnh việc xử lý hàng giả bằng chế tài, cần có thêm sự phối hợp liên ngành, các giải pháp công nghệ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, giám sát lưu thông, cũng như một chiến lược truyền thông đủ sâu sắc để nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần “người tiêu dùng thông thái”.
Ông Phạm Lộc Ninh chia sẻ: “Với sự ra đời của các tổ chức như Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF tôi tin rằng sẽ có những chuyển biến hiệu quả trong việc phối hợp tuyên truyền, phản ánh, xác minh thông tin, phát hiện và kịp thời đưa ra ánh sáng những hành vi vi phạm Pháp luật liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại bảo vệ quyền, lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
Cũng trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF và các doanh nghiệp. Thông qua việc ký kết, Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF cam kết phối hợp chặt chẽ trong công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.
Theo đại diện một doanh nghiệp tham gia ký kết, sự xuất hiện của một đơn vị chuyên môn như Trung tâm ACF là “hết sức cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh thị trường hiện nay” giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển, góp phần tạo lập môi trường thương mại lành mạnh, minh bạch.