(CHG) Để hàng lậu, hàng giả trà trộn vào thị trường, nền kinh tế nước ta không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư sản xuất và kinh doanh, khiến các doanh nghiệp nội bị mất thị trường, và cơ hội đầu tư từ nước ngoài.
Hiện nay hàng giả, hàng nhái vẫn đang tràn lan trên thị trường là thực tế mà bất cứ ai cũng nhận thấy. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do luật pháp còn nhiều kẽ hở, cùng với sự bất cập trong cơ chế quản lý đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luồn lách khắp nơi trên thị trường.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Công tác quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Phương tiện kỹ thuật cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả, nhất là đối với các thương hiệu hàng hóa ngoại nhập, không có nhà sản xuất tại Việt Nam để xác định.
Quản lý thị trường Hoà Bình tổ chức trưng bày hàng thật - hàng giả để người dân biết
Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng. Và trước việc các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật là nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất, trong khi người tiêu dùng chưa được trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp nên làm cho việc đưa ra ánh sáng công lý đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng quả là điều không hề dễ dàng.
Đáng lưu ý, phải kể đến sự góp phần không nhỏ của người tiêu dùng khi còn nhiều người chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường bỏ qua khi phát hiện hàng giả.
Hiện nay, tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái..., nhưng hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp, do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chủ yếu tập trung vào chống, nhất là trong khâu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái...
Do vậy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng khá khó khăn, phức tạp, khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”, đây là việc làm đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Luật gia Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP.HCM cho rằng, bên cạnh việc thực thi pháp luật phải triệt để, nghiêm minh, các doanh nghiệp phải có kế hoạch bảo vệ sản phẩm của mình và nhất là người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời thực hiện nghĩa vụ của mình khi phát hiện hàng giả, hàng lậu.
Hàng lậu, hàng giả đang là một vấn nạn nhức nhối trên toàn thế giới, không riêng gì tại Việt Nam. Trong phạm vi quốc gia, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt, và điều quan trọng, người tiêu dùng chính là tất cả người dân sinh sống trên đất nước. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, chắc chắn là quyền của người tiêu dùng được pháp luật quy định bị vi phạm. Người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại rất nhiều, không chỉ về tài chính mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Sản phẩm tại Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức hồi tháng 11/2022.
Trước hết, việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ đem đến sự phiền toái, bực bội cho người sử dụng vì không đáp ứng được yêu cầu tính năng của sản phẩm theo đúng mục đích của người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua, rồi có khi không dùng được thì buộc phải bỏ đi và phải chi tiền mua cái khác. Đó là đối với các sản phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt. Nếu là thuốc hay thực phẩm thì nguy hại tới sức khỏe của người dùng. Hàng giả, hàng lậu là một dạng lừa đảo mà người tiêu dùng là nạn nhân. Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng vì giá rẻ, thiếu kiến thức phân biệt hàng giả, hàng lậu nên vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường.
Về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, Việt Nam đã có pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hơn 20 năm, từ Pháp lệnh năm 1999 rồi đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời năm 2010 với những quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng với vai trò và chức năng gắn kết giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người tiêu dùng, mà còn tạo điều kiện giúp doanh nghiệp chân chính bảo vệ thương hiệu, sản phẩm và phát triển kinh doanh.
Luật sở hữu trí tuệ ra đời từ năm 2005, đã được sửa đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế, và nhiều văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến việc phòng, chống, xử phạt hành vi làm hàng giả, hàng lậu mà nếu được áp dụng chặt chẽ thì sẽ góp phần ngăn chặn rất nhiều tệ nạn hàng giả, hàng lậu.
Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, trong đó có lý do là nhân lực quản lý không đủ để kiểm soát thị trường rộng lớn. Thêm vào đó, chế tài sử phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả. Chính vì thế, công tác bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.
Theo đó, người tiêu dùng phải thực thi nghĩa vụ của mình theo đúng qui định pháp luật, khi phát hiện hàng giả, hàng lậu, hàng nhái thì phải có nghĩa vụ thông báo cho doanh nghiệp sản xuất hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Nhà sản xuất hoặc nhà phân phối khi nhận được thông tin của người tiêu dùng, phải có động thái tích cực, tìm hiểu, khảo sát và thông báo chính quyền để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, trừng phạt. Không vì e ngại chi phí phát sinh mà bỏ qua, khiến người tiêu dùng chán nản, quay lưng với nghĩa vụ của mình.
Quan trọng nhất vẫn là sự tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, tìm đến nơi, truy đến cùng và nghiêm túc thực thi pháp luật đối với những người làm ăn bất chính. Đây chính là điều thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng và doanh nghiệp qua đó làm “chùn bước” những kẻ vi phạm pháp luật đói với những kẻ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Mặt khác, có tình trạng rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được hàng hóa nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không thể xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam. Chưa kể, không ít doanh nghiệp lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả, nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.
Cho đến nay, không thể phủ nhận tình trạng khi phát hiện hàng giả, khi mua lầm hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng không biết kêu ca với ai, không biết báo cho ai, mà có báo rồi thì cũng không thấy xử lý.
Theo Luật gia Phan Thị Việt Thu: Việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện kiên quyết hàng đầu. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Quan trọng là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Đồng thời tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa sản phẩm giả thâm nhập hệ thống phân phối; có sự phối kết hợp chặt chẽ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về các sản phẩm giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để, không vì giá trị nhỏ mà bỏ qua.
Việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo qui định pháp luật, kịp thời đưa ra những hình thức khuyến khích, cùng những phần thưởng thích đáng dành cho người tiêu dùng phát hiện hàng giả... thông báo, hướng dẫn để người tiêu dùng nắm bắt, định kỳ tổ chức rà soát thị trường để phát hiện hàng giả. Sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người tiêu dung, cùng với sự hỗ trợ thích đáng của pháp luật, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ không còn cơ hội “tác oai tác quái” trên thương trường như hiện nay.
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết