(CHG) Tại một cuộc hội thảo của Cục Xuất bản, in và phát hành, các chuyên gia đã đưa ra thông tin: Chỉ 3% người đọc Việt Nam quan tâm nhận biết sách giả - sách thật. Dù đây chỉ là con số ước chừng, nhưng câu chuyện về giải pháp nào để hạn chế sách giả, sách lậu trên thị trường vẫn chưa hề có hồi kết.
Các lực lượng chức năng đã thu giữ tem làm giả cho sách lậu.
Tem công nghệ
Tem chống hàng giả hiện nay còn gọi là tem chống giả công nghệ. Chúng được tích hợp những công nghệ chống giả đặc biệt mà với những thiết bị máy móc thông thường không thể sao chép.
Mỗi công nghệ chống giả đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Thế nên, khi áp dụng công nghệ chống giả cho tem, vẫn tồn tại những rủi ro nhất định. Nếu giá trị của sản phẩm lớn thì các đối tượng vẫn cố gắng làm giả cả tem chống giả.
Vào tháng 10/2021, tại Hội thảo “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng, chống in lậu” do Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, giới xuất bản đã bàn nhiều cách sử dụng các loại tem điện tử, tem thông minh trong công tác phòng, chống sách lậu.
Ồn Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, in và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho biết, tem công nghệ không chỉ đơn giản là bảo vệ thị trường, đây là bước ngoặt để phát triển thị trường.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã sử dụng tem Hologram (tem 7 màu) từ nhiều năm nay. Sau khi đặt in hàng triệu bản, in xong tự dán tem vào sách. Cuốn sách nào không có tem lọt ra ngoài thị trường thì truy ra nhà in; từ đó kiểm soát được việc in nối bản. Đây được coi là phương án khá hiệu quả.
Tuy nhiên tem Hologram có nhược điểm là người dùng khó phân biệt được bằng mắt thường, dẫn tới đơn vị làm sách giả có thể giả cả tem. Điều này khiến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuyển sang sử dụng tem công nghệ.
Tem công nghệ có 5 thông tin và 4 lớp bảo mật. 5 thông tin trên tem công nghệ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: Dấu hiệu nhận biết tem (được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím); số serial (16 ký tự) để định danh sản phẩm; trang web để truy xuất thông tin tem; mã QR trỏ vào đường link truy xuất tem; mã bí mật phủ nhũ (16 ký tự) dành cho người dùng để xác thực (chỉ dùng 1 lần).
4 lớp bảo mật trên tem sách gồm: Lớp bảo mật một là hình dạng, hoa văn và một số đặc điểm bí mật ẩn giấu trong tem; lớp bảo mật hai là dấu hiệu nhận biết tem được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím; bảo mật 3 là số serial (quét mã QR để truy cập trang web tcg-nxhgd.vm); lớp bảo mật 4 là mã số dưới lớp phủ nhũ (khi cào nhũ ra, người dùng nạp dãy số được phủ nhũ để xác thực sản phẩm và truy cập vào sản phẩm giá trị gia tăng).
Ứng dụng Vietcheck của Công ty Mã hóa Việt Nam có thể tích hợp 6 lớp bảo mật (mã tin nhắn phủ cào, mã vạch ID, QR code phủ cào, mã hóa dữ liệu ẩn in chìm chống sao chép trong tem, số serial, mã vô hình là dữ liệu không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Giải pháp dán tem điện tử mới chỉ tập trung ở sách giáo khoa. Nhiều đầu sách, loại sách khác chưa được đầu tư, do chi phí đầu tư cao.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng xây dựng phần mềm mã QR code trên sách có số bản in lớn (trên 5.000 bản), thường là sách pháp luật, giáo trình, bộ sách lớn. Tuy nhiên, việc dán tem 7 màu hay tem QR code hiện nay chưa thể đưa lên dây chuyền, vẫn do nhân công dán. Lý do là vì sách có độ dày mỏng khác nhau, mỗi đầu sách có kích cỡ, quy chuẩn khác nhau nên vẫn phải dán thủ công.
Thực tế thị trường cho thấy, ngành xuất bản có loại tem chống giả nào thì đối tượng lừa đảo sẽ có hình thức làm giả tương ứng. Chưa kể, ngay bản thân của những “con tem” thật cũng có những nhược điểm cản trở người tiêu dùng thực hiện thao tác “chứng thực” cho sách thật.
Để chạm vào được lớp chống giả của tem rất khó, do còn lớp màng keo ở bên ngoài để bọc sách. Muốn cào tem để quét mã vạch kiểm tra thật – giả, người tiêu dùng phải mở lớp bọc sách, cào tem và rút thiết bị ra quét tem thật hay giả. Mua sách qua sàn thương mại điện tử thì không làm được việc này.
Việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trong khi xác thực sách thật – giả ngay tại cửa hàng bày bán sách cũng gặp khó khăn. Một khi đã thực hiện cào tem – quét mã thì cuốn sách vừa được kiểm tra đã trở thành “sách cũ” – không thể bán hoặc chỉ bán với giá của sách cũ. Điều này gây khó khăn cho chủ cửa hàng. Hơn nữa, lực lượng chức năng cũng không thể kiểm tra tất cả các cuốn sách được bày bán để xác nhận sách thật, sách giả. Trong trường hợp, người bán trộn sách giả vào sách thật thì lực lượng chức năng cũng không thể kiểm tra ra được.
Công nghệ tem chống giả vẫn phải triển khai thực hiện và “cải tiến” để chống lại việc làm giả tem thật. Từ nhiều năm nay, Nhà xuất bản Trẻ đã triển khai việc dán tem sách và cứ 6 tháng lại thay mẫu tem mới. Tại Hội nghị nêu trên, ông Hoàng Anh Hào, đại diện NXB Trẻ cho biết, đơn vị cũng có tem phủ thông minh, nếu độc giả nhắn tin theo mã sẽ nhận được tin nhắn tương tác là đúng sách thật, kèm theo đó là điểm thưởng tích lũy để sau đó độc giả lại tiếp tục sử dụng điểm mua sách.
Trên thực tế, việc sách giả, sách lậu, ở nhiều hình thức khác nhau vẫn còn tiếp tục xâm lấn thị trường. Nhất là trong bối cảnh giao dịch thương mại điện tử đang phát triển vượt bậc như hiện nay.
Hàng loạt sách giả đang được vận chuyển bị phát hiện.
Điều chỉnh kịp thời những bất cập trong hệ thống pháp luật
Để chống lại nạn sách giả, nếu chỉ sử dụng các giải pháp mang tính kỹ thuật vừa nêu thì e rằng, cuộc chiến vẫn không có hồi kết. Xét cho cùng, việc dán tem chống giả chỉ giúp bảo vệ các nhà xuất bản trong vấn đề xác định hàng thật, hàng giả trên thị trường; giúp lực lượng chức năng xác định hàng thật, hàng giả để xử lý các hành vi gian lận theo quy định của nhà nước; giúp người tiêu dùng mua được hàng thật với chất lượng tốt.
Hiện nay, các đơn vị làm sách cũng nỗ lực thực hiện tuyên truyền cho người tiêu dùng về việc mua và sử dụng sách thật, với mục tiêu ủng hộ sách nhà xuất bản, bảo vệ bản quyền tác giả, và đảm bảo sở hữu những cuốn sách chất lượng tốt. Chưa có thống kê thực tế về hiệu quả của các chương trình tuyên truyền này, nhưng phải công nhận rằng, những hoạt động nhằm triển khai hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn và sở hữu các ấn phẩm “thật”, đang có tác động tích cực tới người tiêu dùng.
Cuộc chiến sách thật, sách giả vẫn chưa thể có hồi kết, còn là do chế tài xử lý vi phạm của nhà nước vẫn chưa thực sự đủ mạnh, tạo ra hiệu quả răn đe. Theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xuất bản, hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả hoặc in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên chỉ bị phạt tối đa là 30 triệu đồng cho mỗi hành vi. Ngoài ra, đơn vị có hành vi trên bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp đã thu được. Nếu quy mô sản xuất, buôn bán số lượng lớn, có tổ chức thì mới tiến tới khung xử lý hình sự.
Như vậy, so với lợi nhuận từ việc kinh doanh sách lậu, số tiền phạt trên là không xứng đáng. Việc xác định được số lợi hợp pháp thu được từ hoạt động này cũng vô cùng khó khăn do các vấn đề về hóa đơn, chứng từ.
Cuộc chiến với sách giả, sách lậu diễn ra dai dẳng đã khiến nhiều NXB, doanh nghiệp phát hành sách chán nản. Mặc dù có sự can thiệp và hỗ trợ của nhà nước, nhưng khung pháp lý đối với vấn đề này còn chưa thực sự hiệu quả. Những tổ chức, cá nhân kinh doanh sách giả, sách lậu vẫn tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí, ngay sau khi bị xử phạt.
Xã hội đã và đang dần hình thành tâm lý công nhận “sách giả, sách lậu” như một loại hàng hóa. Điều này gây áp lực lớn đối với tác giả, khi mà sản phẩm sáng tạo của bản thân không được “kiểm soát” hợp lý, đúng pháp luật, không thu được nguồn lợi nhuận bản quyền chính đáng.
Chưa kể, sách giả, sách lậu sẽ giết chết “sách thật” ngay từ trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Ngành xuất bản, theo đó, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Do đó, Chính phủ, các ban ngành đoàn thể có liên quan và chính ngành xuất bản cần nghiên cứu, đưa ra các phương án sửa đổi, bổ sung những bất cập trong hệ thống pháp luật trong lĩnh vực xuất bản. Ít nhất, khung hình phạt dùng để xử lý sai phạm trong xuất bản cần phải được áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tế hơn. Hoặc, bổ sung các điều luật phù hợp vào Bộ luật Hình sự.
Đồng thời cũng cần mở rộng phạm vi, quyền hạn của lực lượng chức năng trong lĩnh vực chống hàng giả, hàng lậu xuất bản phẩm.
Việc quản lý sản xuất cần chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành nhằm kịp thời phát hiện những “lỗ hổng” để các đối tượng lợi dụng làm giả.
Việc giảm giá thành sản phẩm cũng là một giải pháp cần được nghiên cứu kỹ, cẩn trọng và từng bước thích nghi với nhiều phân khúc khách hàng tiêu dùng. Hiện nay, nhu cầu đọc sách của người dân thì tăng nhưng thu nhập bình quân so với mức tiêu dùng còn thấp. Các giải pháp về giá thành cũng phải được quan tâm đầy đủ như là một cách để giữ chân người tiêu dùng ở lại với sách thật, hàng thật.
Đến đây, cần khẳng định lại một lần nữa, câu chuyện sách thật, sách giả chưa đến hồi kết. Tuy nhiên, cùng với giải pháp từ Chính phủ, nhà sản xuất thì người tiêu dùng cũng cần có nhận thức đúng đắn về việc lựa chọn, sử dụng sách thật. Đó mới là giải pháp căn cơ để sách giả không còn chỗ tồn tại trong xã hội.
2
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết