(CHG) Sau khi tiếp nhận thông tin từ Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại, các cơ quan chức năng huyện Yên Phong đã vào cuộc, thẩm tra, xác minh, kiểm tra sự việc.
Ngày 11/4 và ngày 16/4, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) có bài viết: “Nguy cơ tiềm ẩn từ những chiếc quạt do Công ty Cơ điện Yên Phong sản xuất” và bài “Dấu hiệu vi phạm pháp luật của “Vua Quạt” Yên Phong” thông tin tới độc giả một số dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh quạt điện của đơn vị này. Cùng với đó là những lời lẽ bôi nhọ, vu khống, bịa đặt, xúc phạm danh dự tới phóng viên, cơ quan báo chí, cũng như lời nói làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh các chiến sỹ công an và cơ quan chức năng khi đang làm nhiệm vụ của hot Tiktoker “Vua Quạt” - ông Trần Đình Tiệp.
Phóng viên Tạp chí CHG đã có buổi trao đổi thông tin với UBND huyện Yên Phong cùng đại diện các đơn vị liên quan
Ngày 17/4, phóng viên Tạp chí CHG đã có buổi trao đổi thông tin với UBND huyện Yên Phong cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Tại buổi trao đổi, Ông Hà Xuân Thắng - Phó Đội trưởng Đội QLTT phụ trách địa bàn cho biết: Đội QLTT Số 2, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh được phân công quản lý địa bàn, tôi mới về nhận công tác tại đây vào cuối năm 2022, cho nên thời gian trước đó tôi chưa nắm được. Còn đến thời điểm tôi phụ trách thì tôi có nghi ngờ do nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân... Tuy nhiên, đơn vị trên rất khó tiếp cận để tiến hành thẩm tra, nên xác minh vụ việc chưa được tiến hành. Chúng tôi mới dừng ở việc tuyên truyền, chưa báo cáo với Cục Quản lý thị trường và UBND huyện (?).
Liên quan đến tài khoản “Vua Quạt” thường xuyên livestream trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, giới thiệu, tư vấn cho người tiêu dùng về các sản phẩm quạt, sau đó thực hiện việc “chốt đơn” trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Chi Cục thuế huyện Yên Phong có nắm bắt được vụ việc? Đơn vị quản lý thuế địa bàn đã tiến hành thu thuế đối với cơ sở sản xuất này bao giờ chưa?
Trả lời những câu hỏi trên, ông Dương Văn Độ - cán bộ Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn, Yên Phong (phụ trách 7 xã, trong đó có xã Yên Phụ và xã Hòa Tiến) cho biết: “Do khu vực này có nhiều đơn vị thuê nên chúng tôi không biết được ở đây có cơ sở sản xuất quạt. Còn việc liên quan đến Công ty TNHH Cơ điện Yên Phong, tôi không phụ trách doanh nghiệp nên tôi không thể nắm được và sẽ trả lời sau”.
Cũng ở câu hỏi trên, ông Kiều Ngọc Chỉnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến và ông Nguyễn Đình An - cán bộ địa chính xã thông tin thêm: “Do cổng của xưởng sản xuất nằm trên địa phận xã Yên Phụ nên chúng tôi không biết ở đây có hoạt động sản xuất quạt diễn ra”.
Cũng tại buổi làm việc, ông Hà Xuân Thắng - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, phụ trách địa bàn thông tin tới phóng viên: Sau khi tiếp nhận thông tin từ phía Tạp chí CHG, cơ quan chức năng huyện Yên Phong đã tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc.
Lực lượng QLTT tỉnh Bắc Ninh cùng Công an huyện đã tiến hành kiểm tra đơn vị sản xuất quạt do hot Tiktoker “Vua Quạt” làm chủ
Ngày 16/4 - 17/4, Lực lượng QLTT tỉnh Bắc Ninh cùng Công an huyện đã tiến hành kiểm tra đơn vị sản xuất quạt do hot Tiktoker “Vua Quạt” làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ: 43 chiếc quạt ghi nhãn Cơ điện Yên phong; 790 mô-tơ điện; 1200 tụ điện để sản xuất quạt điện (không có cánh quạt) (?).
Hàng hoá được niêm phong và chuyển về Đội QLTT số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng thông tin thêm: Đối tượng dùng rất nhiều thủ đoạn để trốn tránh, không hợp tác, dùng người thân dể gây áp lực, chống đối... trong quá trình kiểm tra và thu giữ hàng hóa vi phạm.
Theo thông tin của phóng viên CHG, trong suốt quá trình kiểm tra, Tiktoker “Vua Quạt” không có mặt tại đơn vị sản xuất Cơ điện Yên Phong.
Việc hot Tiktoker “Vua Quạt” sản xuất, kinh doanh quạt trong thời gian dài, không khai báo thuế, không có đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn... Đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Việc sản xuất, kinh doanh những chiếc quạt có dấu hiệu kém chất lượng, không có chứng nhận của các cơ quan chức năng, sẽ khiến những rủi ro về an toàn tính mạng của người sử dụng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bắc Ninh là một trong những địa phương được Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại ‘điểm tên” trong Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389. Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 đưa ra giải pháp rất rõ ràng, cụ thể: “Xây dựng các phương án, kế hoạch xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các vụ việc gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, nổi cộm; xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của các ngành, lực lượng chức năng, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn quản lý, phụ trách...”.
Thông tin từ các cơ quan chức năng huyện Yên Phong cho thấy, những dấu hiệu vi phạm của đơn vị trên đã diễn ra trong một thời gian dài, tuy nhiên, chưa được xử lý và ngăn chặn triệt để nên đã dẫn đến sự việc nêu trên.
“Sự việc trên là một bài học đối với toàn bộ nội dung quản lý nhà nước của huyện... Bên cạnh đó, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, làm rõ các kiến nghị, đề xuất riêng đối với trường hợp này... Liên quan đến nội dung vu khống, bịa đặt, xúc phạm danh dự, sau khi công an huyện xác minh làm rõ hành vi thì UBND huyện sẽ vào cuộc, xử lý việc vi phạm phát ngôn này (của “Vua Quạt”), UBND huyện sẽ đề nghị Sở Thông tin Truyền thông căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để áp đặt các điều khoản, để xử lý triệt để...”, ông Ngô Quý Tùng - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện chia sẻ.
7
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết