Đắk Lắk: Cơ quan chức năng khẩn trương xác minh những dấu hiệu vi phạm tại thiên đường thời trang Tứ Huynh Đệ


(CHG) Thời gian qua, người tiêu dùng liên tục “tố” Thiên đường thời trang Tứ Huynh Đệ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu: Giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng nhập lậu; hàng gian lận thương mại... Mặc dù Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã chuyển thông tin trên tới đơn vị trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (QLTT) từ rất lâu, thế nhưng đến nay đã hơn 2 tháng phía đơn vị này vẫn chưa hề thẩm tra, xác minh vụ việc.
Hiện nay trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng hóa gian lận thương mại dù được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự chung tay vào cuộc từ trung ương đến địa phương. Nhưng trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả này còn rất cam go, khốc liệt khi chúng ta phải đối mặt càng nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu mua sắm tăng cao những tháng cuối năm và trong các dịp lễ lớn trước, trong và sau tết của người dân, nhiều gian thương đã tận dụng thời điểm này để tập kết hàng hóa, đặc biệt hàng kém chất lượng nhằm tuồn ra thị trường để thu lợi bất chính. Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa gian lận thương mại trên thị trường, ngày 30/11/2024, Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành Kế hoạch số 133/KH-BCĐ389 năm 2024 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đơn vị Tứ Huynh Đệ vẫn “chình ình” vi phạm sau hơn 2 tháng phóng viên Tạp chí CHG chuyển thông tin tới lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk.
Kế hoạch đó là kim chỉ nam để các Cục QLTT hành động một cách kịp thời, quyết liệt, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường trong những tháng cuối năm, giúp quyền lợi người tiêu dùng thêm phần đảm bảo.
Thực tế, có những Cục QLTT và các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt, thậm chí xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thế nhưng, cũng có những Cục QLTT hoặc đơn vị trực thuộc vẫn còn chưa sát sao trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin do cơ quan báo chí, người dân cung cấp. Điều đó khiến việc triển khai và thực hiện Kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên chưa được hoàn thành và tác động tiêu cực tới đời sống tiêu dùng của người dân.
Lấy sự việc Tạp chí CHG có chuyển nội dung liên quan tới dấu hiệu vi phạm và vi phạm của một số đơn vị trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột tới đơn vị trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk (sau khi được Quỹ Chống hàng giả bàn giao thông tin), trong đó có đơn vị kinh doanh Thiên đường thời trang Tứ Huynh Đệ (địa chỉ tại 329 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột). Những tưởng phía đơn vị trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk khẩn trương vào cuộc thẩm tra, xác minh và xử lý những nội dung do cơ quan báo chí chuyển tới. Thế nhưng, điều khiến không ít người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh này bức xúc, sau 2 tháng đón nhận thông tin, hàng hóa nơi đây vẫn “chình ình” vi phạm.
Theo khảo sát thực tế, đơn vị kinh doanh trên có vị trí vô cùng đắc địa, nằm trên tuyến phố chính của trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, với mặt tiền rộng, hàng hóa phong phú, đa dạng, được bày bán tới sát gần lề đường đi bộ của người dân. Điều đặc biệt, đơn vị này chỉ cách Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk chưa đầy 3km, thế nhưng dường như đơn vị kinh doanh trên có "thủ thuật" khiến cơ quan chức năng nơi đây khó nhận biết những điểm bất thường (?)


Hàng hoá bày bán tại đơn vị Tứ Huynh Đệ không có tem phụ tiếng Việt đối với hàng nhập khẩu; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và các nội dung bắt buộc khác.
Theo quan sát của phóng viên, sản phẩm hàng hóa tại đây chủ yếu là các sản phẩm liên quan đến các mặt hàng thời trang như: quần - áo; giày dép; mũ thời trang các loại; phụ kiện thời trang... Một số sản phẩm trên nhãn có chữ nước ngoài, thế nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, điều đó gây khó khăn cho người tiêu dùng trong quá trình chọn mua và sử dụng sản phẩm.
Ngoài ra, không ít sản phẩm tại đây vi phạm liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa như: thiếu thành phần (hoặc thành phần định lượng); thiếu hướng dẫn sử dụng; thông tin cảnh báo... và hợp quy của sản phẩm (bắt buộc thể hiện đối với các sản phẩm bông, vải, sợi).
Điều lấy làm lạ, số lượng “hàng hiệu” của các hãng: Nike, Adidas, Burberry, Gucci, Chanel, Dior... có giá rẻ bất thường, chỉ từ 49 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng và được công khai bày bán, khiến không ít người tiêu dùng hoài nghi: những sản phẩm trên liệu có chính hãng?
Để đưa thông tin khách quan, đa chiều, ngày 11/09/2024, phóng viên có truyền tải một số thắc mắc của người tiêu dùng tới Thiên đường thời trang Tứ Huynh Đệ. Tại đây, quản lý của đơn vị cho biết: “Người đại diện đi vắng”, đồng thời tiếp nhận giấy giới thiệu, cùng nội dung trao đổi thông tin từ phóng viên Tạp chí CHG.
Trước đó, ngày 30/08/2024, phóng viên đã trao đổi thông tin trên tới ông Nguyễn Công Quân, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1, phụ trách địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Ông Quân cho biết: “Sẽ chuyển giao cho lực lượng QLTT phụ trách địa bàn thẩm tra xác minh và xử lý nếu có vi phạm”.


Hàng hoá vi phạm quy định tem, nhãn mác và không nơi sản xuất, nguồn gốc xuất sứ.
Ngày 10/12, trao đổi qua điện thoại 098839xxxx, người đàn ông tên Duy nhận là chủ của cơ sở kinh doanh “Tứ Huynh Đệ STORE”, ông này cho rằng: “Hàng hóa mình bán là hàng hóa giá bình dân, hàng tàu mình không có nhập, hàng hóa đa phần được mua từ các xưởng gia công nhỏ lẻ, giá thành giao động từ 15.000 VNĐ đến 20.000 VNĐ, quần Jeans, áo sơ mi những xưởng lớn thì vẫn có hóa đơn. Những hàng hóa nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như: Nike, Adidas, Gucci, Dior… bày bán tại cửa hàng do lấy hàng “Sale” với số lượng lớn, nó lẫn lộn vào mình không quản lý hết được”.
Nhằm giải đáp những nghi vấn: có hay không việc cơ quan chức năng nơi đây sau khi đón nhận thông tin (dù đã hơn 2 tháng từ cơ quan báo chí) không xử lý vụ việc, "cất xó" một góc, phóng viên đã trao đổi với ông Y Duê Êban, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1, phụ trách địa bàn (qua điện thoại), ông Y Duê cho biết: “Cơ sở Tứ Huynh Đệ năm ngoái đã xử lý rồi. Với thông tin (của phóng viên Tạp chí CHG) về những dấu hiệu sai phạm của đơn vị kinh doanh Tứ Huynh Đệ, đội đã đưa vào danh sách để kiểm tra và trình lãnh đạo. Tuy nhiên vẫn đang đợi lãnh đạo phê duyệt” (!)


Hàng hoá dép, phụ kiện thời trang (ví da, mũ, đai lưng) được bày bán tại đơn vị “Tứ Huynh Đệ Store” không có hoặc thiếu tem nhãn mác và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam: Nike, Adidas, Gucci, Dior...
Việc Đội QLTT phụ trách địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột để xảy ra những dấu hiệu vi phạm và vi phạm tại đơn vị Tứ Huynh Đệ và một số đơn vị khác mà không có hướng kịp thời xử lý, chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy khó lường. Trước mắt, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt hại. Tiếp đó là tổn hại trực tiếp tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính bởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của đơn vị này. Bên cạnh đó, ngân sách của địa phương sẽ bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp này có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Bởi vậy, cần lắm Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk khẩn trương vào cuộc thẩm tra, xác minh và kiểm tra, xử lý (nếu có vi phạm) đơn vị trên. Cũng như làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu địa bàn khi để xảy ra vụ việc.
Trong công tác đấu tranh Phòng Chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại là công tác đấu tranh cấp thiết, đặc biệt khi số lượng hàng hoá cuối năm tăng cao cùng đa dạng nhiều mặt hàng. Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cần quyết liệt hơn trong vai trò thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và nghiêm túc thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cần chủ động xây dựng kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình địa bàn, đơn vị, địa phương mình để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Giúp ổn định thị trường, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Còn lại: 1000 ký tự
Tiền Giang: Xử lý 01 cơ sở kinh doanh điện thoại, linh kiện điện tử,…

(CHG) Trong các ngày 29/10, 06/11 và 19/11/2024, Đội QLTT số 1 (phụ trách địa bàn thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành) đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện 04 cơ sở kinh doanh vi phạm trên nền tảng điện tử…

Xem chi tiết
Tiền Giang: Công an phát hiện 19.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu

(CHG) Ngày 13/11/2024, trao đổi với PV, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết vừa tạm giữ đối tượng vận chuyển 19.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu…

Xem chi tiết
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas

(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Xem chi tiết
Đắk Lắk: Công an huyện Ea Súp phát hiện, tạm giữ đối tượng mua bán giấy phép lái xe giả

(CHG) Công an huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện, bắt quả tang đối tượng mua giấy phép lái xe giả về bán cho người dân.

Xem chi tiết
Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm

(CHG) Cục QLTT Tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện Kế hoạch số 476/KH-QLTTĐNo Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.Nhằm đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn toàn Tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3