(CHG) Trong năm 2022, khu vực phía Nam là một điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại với gần 14.000 vụ bị phát hiện và xử lý vi phạm. Những ngày giáp Tết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại càng diễn ra phức tạp hơn, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn để bảo vệ người tiêu dùng có một cái Tết an toàn, tiết kiệm.
Lực lượng chức năng khu vực phía Nam tăng cường kiểm tra hàng giả, gian lận thương mại.
Kiểm tra 21.508 vụ, xử lý 13.516 vụ vi phạm
Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác phối hợp giữa 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức vừa qua, ông Hồng Văn Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Trong năm 2022, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp, hàng hóa được phát hiện chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, hàng thiết yếu tiêu dùng, xe đạp điện, xe máy điện, phụ tùng xe, sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước cấm nhập khẩu...
Theo báo cáo, lực lượng quản lý thị trường 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kiểm tra 21.508 vụ, xử lý 13.516 vụ vi phạm, phạt hành chính tổng số tiền trên 141 tỷ đồng. Trong đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường TP. HCM kiểm tra 12 cửa hàng kinh doanh tại chợ Tân Thành (TP. HCM). Nhận định ban đầu, phần lớn hàng hóa kinh doanh tại đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki. Ước tính số lượng vi phạm lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.
Liên tiếp những ngày vừa qua, lực lượng chức năng các tỉnh biên giới Tây Nam đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi các đối tượng buôn lậu đang tuồn vào nội địa tiêu thụ. Tại biên giới Long An, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu qua biên giới của tỉnh có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Điển hình như vụ việc các lực lượng mật phục trên tuyến đường KT3, thuộc địa bàn xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng đã bắt giữ 2 xe ô tô tải do 2 đối tượng đã vận chuyển 200 bao đường cát do nước ngoài sản xuất (loại 50kg/bao), tương đương 10.000kg. Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 đối tượng điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc toàn bộ số đường cát trên.
Vào ngày 20/11, tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát đường thủy Hồng Ngự, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện phương tiện vỏ lãi composit có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra hiệu kiểm tra. Tuy nhiên, các đối tượng đã không chấp hành hiệu lệnh, điều khiển phương tiện chạy vào bờ bỏ trốn, để lại chiếc xuồng máy cùng hàng hóa. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện, trên chiếc vỏ lãi có 2.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, gồm 750 bao Jet và 1.750 bao Hero. Trước đó, chỉ trong vòng 4 ngày, từ ngày 18 - /22/8, Cục Hải quan Đồng Tháp đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu về Việt Nam, bắt giữ gần 6.500 gói thuốc lá.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước cho biết: Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đang triển khai kiểm tra đối với 64 tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, qua kiểm tra, các đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã tiến hành lập biên bản tịch thu và tiêu hủy 306kg thịt gia súc, gia cầm; 720 lon nước ngọt, 835 sản phẩm bánh kẹo, 2.250kg đường cát, 240 chai rượu trắng... không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Thông tin về tình hình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở sản xuất phân bón, 446 cơ sở kinh doanh phân bón và 408 cơ sở hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2022, qua các đợt kiểm tra, phát hiện 124/143 vụ việc vi phạm. Cục đã tiến hành xử phạt hành chính trên 1,1 tỷ đồng. Trong đó, lượng phân bón lưu thông trên thị trường hiện nay không đảm bảo theo quy chuẩn chất lượng và hàng giả chiếm tỷ lệ khá cao có 17/66 mẫu vi phạm được lấy ngẫu nhiên qua kiểm tra, chiếm 25,75%.
Khu vực phía Nam là địa bàn trọng điểm về thuốc lá lậu.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán an toàn
Các tỉnh Long An, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang là những địa bàn trọng điểm về hàng lậu, có dấu hiệu gia tăng như thuốc lá, đường cát, pháo lậu... nên cần phải tập trung, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm này.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường: Hiện, việc nhức nhối nhất được ghi nhận là giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh (quận 1, quận 3, quận 5, quận Tân Bình) hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu hàng cao cấp vẫn được bày bán công khai, cho thấy sự xem thường pháp luật của các tiểu thương là điều không thể chấp nhận được. Sắp tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh vấn đề này.
Nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi; không chỉ xuất hiện tại các chợ, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn mà hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được đưa về đến tận các chợ nông thôn, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất... Nhiều mặt hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai qua các trang mạng xã hội cũng phần nào gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng của các đơn vị quản lý thị trường.
Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có sự biến động về nguồn cung, do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, nên một số thương nhân đầu mối không đủ nguồn xăng dầu cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp tạm nghỉ do hết xăng dầu, có trường hợp vẫn mở cửa bán nhưng hết xăng hoặc hết dầu, chỉ bán theo định mức.
Để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu liên tục, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bám sát địa bàn, kiên quyết xử lý những cửa hàng xăng dầu cố tình đóng cửa hoặc trì hoãn việc nhập hàng, đồng thời bắt buộc các trạm xăng dầu phải hoạt động theo đúng thời gian quy định.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị 20 Cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam những ngày cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 cần tiếp tục tăng cường phối hợp để giải quyết các vụ việc phát sinh; đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây ninh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phối hợp, tạo điều kiện cho các Cục Quản lý thị trường ở các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định thị trường trong nước, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh. Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó chủ yếu là tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Với việc chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng tăng trong dịp Tết (chất nổ, pháo nổ, vũ khí, hàng hóa vi phạm môi trường, thuốc lá, rượu bia gia cầm, thực phẩm...) sẽ là những hoạt động tích cực của các lực lượng chức năng để tạo điều kiện cho người dân được đón Tết an toàn, tiết kiệm.
4
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết