Thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường


(CHG) Hiện nay, hầu như các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả, từ thực phẩm chức năng, thuốc bổ đến các thuốc chữa bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc kháng virus… Với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ hiện nay, các đối tượng buôn bán thuốc giả có thể sản xuất được các loại thuốc giả với hình dáng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật mà các bệnh nhân rất khó phát hiện.
Cục Quản lý Dược liên tục xử phạt các công ty kinh doanh thuốc chất lượng kém.
Liên tục phát hiện thu hồi thuốc kém chất lượng, thuốc giả
Ngày 27/03 vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty RX. Manufacturing Co., Ltd (Thái Lan), đại diện chấp hành quyết định xử phạt là Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Úc châu (quận Phú Nhuận, TP. HCM) 80.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 11 lô thuốc Myomethol, số giấy đăng ký lưu hành VN-17397-13 với lý do đã sản xuất thuốc vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật.
Thuốc Myomethol chứa hoạt chất Methocarbamol 500mg, thuộc nhóm thuốc giãn cơ, tăng trương lực cơ. Thuốc được chỉ định ở người bệnh bị đau lưng cấp tính do co thắt cơ xương, co thắt cơ, gãy xương hoặc trật khớp, co thắt cơ do chấn thương hoặc kích ứng thần kinh, sau phẫu thuật chỉnh hình, vẹo cổ...
Ngoài ra, Công ty Thương mại Dược phẩm Úc Châu do không cập nhật tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định của pháp luật đối với thuốc Myomethol, nên còn bị Cục Quản lý Dược phạt số tiền 50 triệu đồng.
Trước đó, ngày 23/03, Cục Quản lý Dược đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Stallion Laboratories Pvt. Ltd với mức phạt là 120 triệu đồng. Đại diện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công ty Stallion Laboratories Pvt. Ltd là văn phòng đại diện tại TP. HCM (phường Phú Mỹ, quận 7). 
Công ty này đã sản xuất lô thuốc Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg) vi phạm chất lượng mức độ 2 và thuốc có thay đổi lớn so với hồ sơ đăng ký (đã được phê duyệt) nhưng chưa được phê duyệt nội dung thay đổi theo quy định.
Ngoài số tiền xử phạt 120 triệu đồng, Cục Quản lý Dược cũng buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc Rabesta 20 (Rabeprazol natri 20mg) vi phạm chất lượng. Loại thuốc này được chỉ định sử dụng cho người trưởng thành bị trào ngược dạ dày thực quản gây viêm loét.
Ngày 09/03/2023, Cục Quản lý Dược vừa có Công văn số 2205/QLD-CL về việc thông báo thu hồi thuốc Locobile-200 (Celecoxib 200mg) để điều trị các triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp, giảm cơn đau cấp và đau bụng kinh do không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu đồng đều khối lượng.
Viên nang cứng Locobile-200 (Celecoxib 200mg) do Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India) sản xuất, Công ty TNHH Dược phẩm Á Mỹ (373/1/4A đường Lý Thường Kiệt, phường 9, quận Tân Bình, TP. HCM) nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu đồng đều khối lượng, được xác định là vi phạm mức độ 3.
Cùng ngày, tại Bình Dương, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã phối hợp Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra đột xuất một kho hàng tại khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An. Lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng chứa số lượng lớn thực phẩm chức năng, thuốc tân dược nghi giả mạo nhãn hiệu. Qua kiểm đếm có hơn 2.460 viên thuốc tân dược dạng viên nén, nhãn hiệu Fugacar loại 500mg/viên (trên bao bì thể hiện xuất xứ tại Thái Lan) cùng 5.082 tem chống giả; 2.700 viên thực phẩm chức năng (cường dương) có nhãn gốc bằng tiếng Ả Rập và hơn 70.200 bao cao su các loại xuất xứ Thái Lan. Tổng giá trị hàng hóa ước tính hơn 1,33 tỷ đồng. Số thuốc trên không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của sản phẩm.
Công an tỉnh Bình Dương đã lập biên bản và niêm phong toàn bộ số hàng hóa để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc. Đây là kho chứa thuốc tân dược, thực phẩm chức năng vi phạm với số lượng lớn tại Bình Dương mà lực lượng công an, quản lý thị trường phát hiện và bắt giữ từ đầu năm đến nay.
Được biết, trong tháng 02/2023, Cục Quản lý Dược cũng liên tục gửi công văn tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo về việc thu hồi nhiều sản phẩm, điển hình như thuốc nhỏ mắt Tobradico (Tobramycin (dưới dạng Tobramycin sulfat) 15mg/5ml) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Dung dịch nhỏ mắt Tobradico (Tobramycin (dưới dạng Tobramycin sulfat) 15mg/5ml), số GĐKLH: VD-19202-13, số lô: 0031022, NSX: 02/10/2022, HD: 02/10/2024 do Công ty cổ phần Dược Khoa sản xuất.
Mẫu thuốc do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy tại Công ty TNHH Đại Bắc (quầy 214, tầng 2, Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội). Mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Thử vô khuẩn. Mẫu thuốc Dung dịch nhỏ mắt Tobradico vi phạm chất lượng mức độ 2.
Cục Quản lý Dược cũng đã phát đi công văn gửi tới các Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Cục Quản lý Dược nhận được một số thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thạch Thất; Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam; Công ty TNHH Novartis Việt Nam; Văn phòng đại diện F.Hoffmann-La Roche Ltd tại Hà Nội, Văn phòng đại diện Les Kaboratoires Servier tại Hà Nội về việc phát hiện một số lô thuốc giả, nghi ngờ bị giả mạo, không rõ nguồn gốc thông tin ghi trên nhãn…
Những hiện tượng nêu trên cho thấy, hiện tượng thuốc kém chất lượng, thuốc giả đã xuất hiện nhiều trên thị trường trong khoảng từ đầu năm 2023 đến nay, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng… người sử dụng sẽ gặp phải những hậu quả nguy hại khôn lường, do không chữa được bệnh mà trong nhiều trường hợp còn không kiểm soát được các tác dụng phụ...
Hình ảnh những sản phẩm thuốc kém chất lượng bị Cục Quản lý Dược "tuýt còi".
Những hệ lụy từ thuốc giả, thuốc kém chất lượng
PGS. Nguyễn Đăng Hòa (Đại học Dược Hà Nội) cho biết, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng phải thuốc giả, cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong.
Theo cảnh báo của PGS. Nguyễn Đăng Hòa, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10. Trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Phản ứng dị ứng và biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy là các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng của cơ thể.
Thuốc giả có thể gây chết người, do thuốc không chứa dược chất hoặc không đủ hàm lượng, nên khi dùng thuốc giả người dùng thuốc sẽ không những không khỏi bệnh mà bệnh càng nặng hơn. Nguy hại hơn, khi thuốc giả chứa sai hoạt chất mà hoạt chất độc hại có thể khiến người bệnh tử vong.
Thuốc không chứa thành phần hoạt chất hoặc chứa các chất hóa học khác không có hiệu lực điều trị bệnh. Ngoài ra, sử dụng thuốc giả đẩy mạnh quá trình phát triển bệnh tật khi cả bác sĩ và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc. Một số thuốc sản xuất tại cơ sở không hợp vệ sinh chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc.
Điều đáng lo ngại là hoạt chất chứa trong thuốc giả không có tác dụng chữa bệnh. Đối với người tăng huyết áp, đái tháo đường hay những người mắc bệnh mạn tính nói chung gần như phải dùng thuốc suốt đời. Thế nhưng, nếu người bệnh dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng thì tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy hại hơn, hoạt chất, thậm chí tá dược chứa trong thuốc kém chất lượng không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Thuốc kháng sinh kém chất lượng, không đủ hàm lượng hoạt chất, khi dùng không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, vi khuẩn trở thành chủng đề kháng mà kháng sinh đã sử dụng không còn tác dụng đối với chủng này nữa. Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng cao.
Nghiêm trọng hơn, thuốc giả không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của nhà sản xuất, của các hãng dược phẩm chân chính.
(Còn tiếp)
Còn lại: 1000 ký tự
Thanh Hóa: Triệt phá dây sản xuất, buôn bán hàng chục nghìn sản phẩm chống đột quỵ giả

(CHG) Thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả qui mô lớn. Đã cung ứng ra thị trường hơn 20.000 hộp viên, với giá trị tương đương khoảng 50 tỉ đồng.

Xem chi tiết
Quảng Nam: Tịch thu số lượng lớn hàng hóa nhập lậu đang trên đường đi tiêu thụ

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra phương tiện xe ô tô tải, phát hiện số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, với tổng trị hàng hóa vi phạm là 43.940.000 đồng.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Xử phạt một doanh nghiệp vi phạm kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh có hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, với số tiền xử phạt 30.000.000 đồng.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Kinh doanh online hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, bị xử phạt trên 100 triệu đồng

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, với số tiền 102,5 triệu đồng.

Xem chi tiết
Cà Mau: Kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý vàng. Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau thực hiện kiểm tra phát hiện doanh nghiệp kinh doanh có dấu hiệu vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của CHANEL được bảo hộ.

Xem chi tiết
2
2
2
3