Truy quét "vương quốc" hàng nhái Saigon Square: Các thương hiệu lớn như Chanel, Hermes, Louis Vuiton... nói gì?


(CHG) Vấn nạn hàng hóa nhái nhãn mác, hình ảnh của một số thương hiệu lớn tại Saigon Square đã được một số nhãn hàng phản ánh từ lâu song không được xử lý dứt điểm.

Doanh nghiệp sốt sắng, Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh trả lời... còn xem xét

Trong các ngày vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường thành lập 6 tổ kiểm tra đột xuất Trung tâm thương mại Saigon Square phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh đang buôn bán túi xách, ví, thắt lưng, bông tai và các sản phẩm ba lô, túi xách, ví, thắt lưng giả mạo thương hiệu Chanel, Prada, Guchi, Hermes, Louis Vuiton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc, Coach, Valentino...

Một vấn đề được dư luận đặt câu hỏi là tại sao "vương quốc" hàng giả, hàng nhái này đã tồn tại hàng chục năm, qua nhiều lần kiểm tra, "đột kích" nhưng vẫn tồn tại. Ngoài câu hỏi về trách nhiệm quản lý địa bàn của Đội 4 và cấp thẩm quyền cao hơn thì vấn đề đặt ra là các thương hiệu lớn, nhiều thương hiệu toàn cầu có đại diện tại Việt Nam có "lên tiếng" và có trách nhiệm bảo vệ hàng hóa, thương hiệu của chính mình không? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ với đại diện rất nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.

Qua trao đổi với Báo Công Thương, một số đơn vị đang bảo hộ các nhãn hiệu lớn kể trên tại Việt Nam đã có những chia sẻ về sự việc. Đơn vị đang bảo hộ nhãn hiệu Ysl, Gucci, Michael Kors cho biết: Phía doanh nghiệp đã nắm được thông tin việc Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức truy quét và phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square đang kinh doanh các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn mác, thương hiệu mà đơn vị đang bảo hộ.

Lô hàng mang mác nhãn hiệu nổi tiếng Louis Vuitton, Gucci, Dior... tại Trung tâm thương mại Saigon Square (Ảnh: QLTT TP. Hồ Chí Minh).

Đại diện đơn vị bảo hộ thương hiệu Gucci cũng cho biết: “Đối với việc các ki ốt tại Trung tâm thương mại Saigon Square buôn bán hàng hóa giả nhãn mác của Gucci, đơn vị đã kiến nghị từ rất lâu. Thậm chí, từ lúc đơn vị chưa được bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam đã kiến nghị cho lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM. Phía Quản lý thị trường TP.HCM vẫn trả lời doanh nghiệp đã xử lý triệt để hàng hóa, nhưng cũng chưa “triệt để lắm”.

Trong khi đó, đại diện Công ty Tư vấn sở hữu trí tuệ IPT, đơn vị đang bảo hiệu các nhãn hiệu lớn như Chanel, Hermes, Louis Vuiton, Valentino, Burberry, Cartier… chia sẻ: Đơn vị đã nhiều lần gửi công văn tới các cơ quan chức năng. Sau đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM trả lời vẫn đang xem xét, triển khai. Cục Quản lý thị trường còn cho biết đã gửi văn bản và giao cho phía Đội Quản lý thị trường số 4. Đến nay, doanh nghiệp vẫn đang phải chờ Đội Quản lý thị trường số 4 phản hồi kết quả. Gần nhất là vào tháng 8 - 9, phía đơn vị bảo hộ nhãn hiệu đã gửi công văn yêu cầu có phúc đáp nhưng Cục chỉ trả lời đang còn xem xét.

Trước đó, dịch Covid-19 hoành hành nên phía đơn vị không khiếu nại nhưng sau đó, hàng giả bày bán nhiều nên bắt đầu gửi công văn ý kiến tới Cục Quản lý thị trường từ tháng 5. Tuy nhiên, sau mấy tháng, Cục chưa trả lời nên đơn vị phải tiếp tục gửi công văn yêu cầu phúc đáp. Vậy nhưng, Cục vẫn trả lời đang còn xem xét”, đại diện đơn vị bảo hộ cho biết.

Đại diện các thương hiệu lớn: Bị xâm hại nhưng lại thờ ơ và "né tránh" thông tin cho báo chí?

Phóng viên Báo Công Thương tiếp tục liên hệ với đại diện doanh nghiệp bảo hộ các nhãn hiệu lớn khác như: Christian Dior, Nike, Conversce, Louis Vuitton (LV). Tuy nhiên, các đơn vị này đều có dấu hiệu “né tránh” bằng việc hứa hẹn sẽ trả lời sau. Song 2 ngày trôi qua, phía các đơn vị này vẫn không đưa ra được câu trả lời cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình, cao hơn là của cả cộng đồng.

Đại diện đơn vị bảo hộ nhãn hiệu Gucci - đơn vị duy nhất trả lời phóng viên về những kiến nghị đề xuất tiếp theo sau khi Tổng cục QLTT triệt phá các cơ sở vi phạm thì cho biết: Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện hàng giả, hàng nhái thương hiệu tại Trung tâm thương mại Saigon Square thì đơn vị đã, đang hỏi phía nhãn hiệu xem có tiếp tục kiến nghị gì không và vẫn phải chờ phía nhãn hiệu có câu trả lời. Hiện, liên quan đến sự việc, phía đơn vị bảo hộ nhãn hiệu vẫn đang phối hợp với quản lý thị trường để giám định, xác nhận, thẩm tra hàng giả.

Trước sự việc chậm lên tiếng, hoặc không lên tiếng của các doanh nghiệp khiến dư luận cho rằng, phải chăng các đơn vị đang bảo hộ nhãn hiệu cũng không mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi “sát sườn”, chính đáng của mình mà chỉ “phó mặc” cho các cơ quan chức năng? Việc chậm trễ lên tiếng không chỉ làm ảnh hưởng tới thương hiệu của doanh nghiệp mà qua đó còn khiến nhận thức của người tiêu dùng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái chậm thay đổi.

Lực lượng QLTT quyết tâm truy quét tới cùng hàng giả, hàng nhái tại Saigon Square
Những ngày qua, lực lượng QLTT đã liên tục kiểm tra, phát hiện, triệt phá các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Thậm chí, dù là ngày nghỉ, song lực lượng QLTT vẫn tiếp tục ra quân với phương châm “mở ki ốt nào là làm ki ốt đó” để tiếp tục phát hiện, kiểm đếm hàng hóa vi phạm, không cho hàng giả còn chỗ đứng tại nơi được gọi là “biểu tượng mua sắm” của Sài thành. Quyết tâm của lực lượng QLTT là sẽ phải “lập lại trật tự”, triệt xóa bằng được “thủ phủ” hàng giả tại đây.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp bảo hộ các nhãn hiệu phải là những người có tiếng nói để “hòa chung”, tạo sức mạnh tổng thể để đấu tranh đến cùng với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ được quyền lợi của chính mình, chứ không thể “bàng quan” hay “phó mặc”, coi như đó là việc làm của cơ quan quản lý Nhà nước. Quyền lợi, thương hiệu bị ảnh hưởng mà các doanh nghiệp còn chậm trễ lên tiếng thì thử hỏi đến khi nào người tiêu dùng mới thay đổi nhận thức bài trừ sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc và chỉ tin dùng các sản phẩm chính hãng?

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square và một số các tụ điểm khác là vấn đề “nhức nhối”, cần phải có sự chung tay, đồng thuận của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và chính các doanh nghiệp. Hàng giả, hàng nhái chỉ thật sự không còn chỗ đứng khi ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng còn cần phải có tiếng nói cụ thể của các doanh nghiệp và phải thay đổi từ nhận thức đến hàng động.

Ý kiến ngụy biện sau phát biểu đầy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Người bán hàng giả nếu bị phát hiện thì đã có luật để xử lý. Còn người mua cố tình sử dụng hàng giả có vi phạm hay không là câu hỏi mà đại biểu này đặt ra. Đại biểu nhấn mạnh: "Thực tế, nhiều hàng giả thương hiệu nổi tiếng được bán công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư nhưng trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua".

Lạ lùng thay, sau phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm trên, trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều ý kiến ngược chiều, biện minh cho hàng nhái như "hàng nhái không có lỗi vì phù hợp khả năng kinh tế của người nghèo", "chống buôn lậu phải từ sản xuất hàng giả, hàng nhái"...

Đây là những lập luận mang tính chất ngụy biện bởi pháp luật Việt Nam đã có quy định về xử lý hành vi người cố tình tiêu thụ hàng giả và hiện nay, những quy định của pháp luật cần phải tăng cường hơn nữa, tiệm cận với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, nhất là Công ước Bern về sở hữu trí tuệ.

Còn ở nước ngoài, hành vi này bị nhiều nước xử lý nghiêm minh. Theo Trung tâm Tiêu dùng châu Âu ECC, du khách đến những quốc gia sau sẽ gặp rắc rối nếu mang theo hoặc mua hàng giả. Tại Pháp, nếu mang hàng giả đến nước này và bị phát hiện, du khách có thể bị phạt số tiền cao gấp đôi giá trị thật của món đồ đó. Mức phạt tối đa là 300.000 Euro. Việc dùng hàng giả có thể khiến khách phải đối mặt với án tù 3 năm. Nếu bị phát hiện nằm trong đường dây buôn bán hàng giả, án tù lên đến 10 năm.

Còn tại Áo, số tiền phạt có thể lên đến 15.000 Euro. Tuy nhiên, nếu bạn bị lừa mua phải hàng giả trên mạng, sẽ không bị phạt. Du khách nhập cảnh vào Bỉ nếu mang theo các món hàng không phải chính hãng hoặc đạo nhái thương hiệu của người khác có thể bị phạt từ 500 Euro đến 100.000 Euro. Các băng đĩa ca nhạc, phim lậu nếu mang vào nước này bị phát hiện, du khách cũng chịu trách nhiệm tương tự. Cảnh sát Italy có thể phạt khách du lịch lên tới 11.000 Euro nếu phát hiện người đó có hành vi mua bán hàng giả từ những nhà cung cấp bất hợp pháp. Hải quan Croatia có thể phạt 15.000 Euro cho hành vi này.

Thiết nghĩ, vụ việc QLTT triệt phá "vương quốc" hàng nhái Saigon Square cùng phát biểu đang được sự quan tâm của nữ đại biểu Quốc hội có lẽ cũng là những sự kiện cần được dư luận xã hội nhìn nhận, phân tích thỏa đáng để từ đó tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, phát huy tốt hơn vai trò các cơ quan chức năng để cả xã hội chung tay đẩy lùi hàng giả, hàng nhái!

Nguồn: https://congthuong.vn/truy-quet-vuong-quoc-hang-nhai-saigon-square-cac-thuong-hieu-lon-nhu-chanel-hermes-louis-vuitonnoi-gi-225968.html

Còn lại: 1000 ký tự
Bắc Ninh: Tịch thu gần 3.000 linh kiện quạt điện nhập lậu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng và tịch thu gần 3.000 linh kiện quạt điện nhập lậu tại Cơ sở sản xuất, kinh doanh quạt điện của ông T.Đ.T.

Xem chi tiết
Gia Lai: Xử phạt 02 cơ sở kinh doanh phân bón trái phép

(CHG) Lực lượng năng tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, với số tiền 25.000.000 đồng.

Xem chi tiết
Quảng Bình: Phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng bình vừa tiến hành kiểm tra đối với 01 hộ kinh doanh các sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu trên mội trường internet.

Xem chi tiết
Đà Nẵng: Kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất đối với 01 cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm 33,08 triệu đồng.

Xem chi tiết
Quảng Trị: Xử phạt và tịch thu 5 tấn đường cát trắng nhập lậu

(CHG) Ngày 02/5/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, với số tiền 70 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3