(CHG) Các đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật sẽ thường hoạt động lén lút, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Thế nhưng, tại đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng mang thương hiệu Thế giới Mẹ và Bé Hải Yến thì ngược lại: “chình ình” hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm được bày bán (mặc dù đơn vị này chỉ cách Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ vài ba Km).
Ngập tràn hàng hóa vi phạm
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nhập khẩu bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về dán nhãn phụ tiếng Việt lên sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường. Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc, được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Đồng thời, bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng Thế giới Mẹ và Bé mang thương hiệu Hải Yến, địa chỉ 363 Châu Phong, Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, nhiều cá nhân, doanh nghiệp… vẫn đang cố tình vi phạm. Điều đó có thể gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho người tiêu dùng, thậm chí có thể tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt nguy hiểm, nếu đối tượng tiêu dùng đó lại chính là các bà bầu và trẻ em.
Trước nỗi lo trên, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Việt Trì đã thông tin tới Quỹ chống hàng giả (bằng hình ảnh, video, sản phẩm) việc đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng dành cho mẹ bầu và em bé mang thương hiệu Hải Yến (địa chỉ cơ sở 1, địa chỉ 335 Châu Phong, thành phố Việt Trì; cơ sở 2, địa chỉ 363 Châu Phong, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) kinh doanh nhiều sản phẩm có dấu hiệu vi phạm và vi phạm các quy định pháp luật. Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả (CHG).
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Quỹ Chống hàng giả, phóng viên Tạp chí CHG đã tiến hành khảo sát tại hai địa điểm kinh doanh mang thương hiệu Hải Yến (cả hai địa điểm trên chỉ cách Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ vài km) và nhận thấy hàng hóa tại đây chủ yếu phục vụ cho nhóm đối tượng tiêu dùng là mẹ bầu và em bé: thực phẩm chức năng, Vitamin các loại, bỉm, sữa bột, bình đựng sữa, đồ ăn dặm, bánh ăn dặm, đồ chơi, quần áo, phụ kiện thời trang… Nhiều sản phẩm trong số này có chữ nước ngoài, thế nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Một số sản phẩm là thời trang, phụ kiện thời trang được làm từ bông, vải sợi... ngoài việc có chữ tượng hình (giống chữ Trung Quốc) và không có nhãn phụ tiếng Việt, những sản phẩm này gần như không thể hiện hợp quy trên nhãn hàng hóa.
Một số sản phẩm là đồ chơi dành cho đối tượng là trẻ nhỏ, thế nhưng việc thông tin bằng tiếng Việt về thành phần cấu tạo sản phẩm, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, thông tin cảnh báo sản phẩm... không được thể hiện. Sẽ thật nguy hại nếu những sản phẩm trên chứa các chất độc hại như chì, thủy ngân, Asen, Stibium, Bari, Cadimi, Crom, Clo, Lưu huỳnh...
Điều nguy hại tại chính hai đơn vị kinh doanh trên, chính là việc chình ình những chai thuốc tân dược Prospan được trưng bày tại những vị trí mà người tiêu dùng dễ dàng nhận biết để chọn mua.
Đơn vị Hải Yến có đủ điều kiện kinh doanh thuốc tân dược Prospan?
Việc một đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng dành cho mẹ và bé, ngang nhiên kinh doanh các sản phẩm thuốc tân dược, liệu có đúng với các quy định của pháp luật? Ngược lại, nếu người tiêu dùng chọn mua sản phẩm thuốc tại đây, về sử dụng quá liều (nhất là thuốc dành cho trẻ em), phản ứng phụ hoặc những biến chứng ngoài ý muốn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Có thể thấy, những thông tin trên khiến người tiêu dùng nghi ngờ tại đơn vị Hải Yến kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng hóa có dấu hiệu về gian lận thương mại... thậm chí là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam (Gucci, Adidas, Nike, Puma...) là hoàn toàn có cơ sở.
Để đưa thông tin khách quan, đa chiều về việc đơn vị Hải Yến kinh doanh hàng hóa dành cho mẹ và em bé có dấu hiệu vi phạm và vi phạm các quy định của pháp luật, ngày 25/6/2024 phóng viên đã chuyển những thắc mắc của người tiêu dùng tới đơn vị này. Tuy nhiên, đến nay đã gần hai tháng, đơn vị quản lý vận hành thương hiệu Hải Yến vẫn không hồi âm.
Vẫn biết, trong kinh doanh, giá trị thặng dư, cũng như sự phát triển của doanh nghiệp cần phải song hành cùng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc đơn vị quản lý vận hành thương hiệu Hải Yến lựa chọn “im lặng là vàng” sau khi đón nhận những thông tin tiêu cực của người tiêu dùng gửi gắm qua Tạp chí CHG, liệu có còn coi “khách hàng là thượng đế”(?)
Trước đó, ngày 25/6/2024, phóng viên đã chuyển những thông tin trên tới ông Phạm Quang Hiền, phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, ông Hiền cho biết: “Chúng tôi sẽ cho thẩm tra xác minh, kiểm tra và xử lý vụ việc (nếu có)”.
Thấy gì sau báo cáo đã kiểm tra từ phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ
Ngày 01/08/2024, Tạp chí CHG có nhận được công văn số 224/QLTTPT-TTPC với nội dung: “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã có văn bản chỉ đạo Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường triển khai các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra các đối tượng kinh doanh, xây dựng phương án kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Trong công văn, phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đã thẩm tra, xác minh 13/13 cơ sở”, trong đó “Số cơ sở vi phạm phải xử lý là 04 cơ sở (Nhà sách Zozo; Linh Bee; nhà sách Zozo Việt Trì; Hệ thống cửa hàng Thảo Chi), với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 22.500.000 đồng. Trị giá hàng vi phạm buộc tiêu hủy (không rõ nguồn gốc xuất xứ) là 17.070.000 đồng”.
Bên cạnh đó, trong công văn, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Các vụ việc tuy không lớn, không phố biến...” (?)
Thực tế, trước và sau khi nhận được công văn từ Cục Quản lý thị trường gửi đến Tạp chí CHG 1 đến 2 ngày, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Việt Trì vẫn thường xuyên gửi thông tin đến Quỹ chống hàng giả về nhiều đơn vị kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm các quy định của pháp luật, trong đó có 13 đơn vị kinh doanh nói trên (vẫn đang ngập tràn hàng hóa vi phạm).
Bên cạnh đó, ngày 03/08/2024, phóng viên Tạp chí CHG đã khảo sát 3/4 đơn vị mà phía Quản Lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra, xử phạt và thu giữ hàng hóa cùng đánh giá kết quả: “Các vụ việc tuy không lớn, không phố biến...”. Thực tế, tại đơn vị kinh doanh Linh Bee, số 35A đường Nguyễn Du, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì; Nhà sách Zozo Việt Trì, số 432 đường Nguyễn Tất Thành, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì; Hệ thống cửa hàng Thảo Chi (03 cửa hàng), đường Nguyễn Tất Thành, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, vẫn ngập tràn hàng hóa vi phạm pháp luật trong việc ghi nhãn sản phẩm. Nhiều hàng hóa trên nhãn gốc chi chít chữ nước ngoài (chữ tượng hình, giống chữ Trung Quốc và chữ Nhật Bản), không thể hiện bất kỳ thông tin nào tiếng Việt. Đối với những sản phẩm được làm từ bông vải sợi, hầu hết đều không thể hiện hợp quy trên nhãn hàng hóa.
Điều vô cùng nguy hại, tại 03 đơn vị mà phía Cục Quản lý thị trường cho rằng đã kiểm tra và có kết quả vi phạm, hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam vẫn “nhơn nhơn” trên giá kệ như đang coi thường, thách thức những người thực thi pháp luật nơi đây (!)
Bên cạnh đó, theo thông tin từ người tiêu dùng, phóng viên tiếp tục khảo sát tại Trung tâm giày thời trang Cường Thủy (2323, Đại Lộ Hùng Vương, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì), một trong 9 đơn vị (trong đó có cả đơn vị Hải Yến) mà trong công văn Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho rằng “Đã thẩm tra, xác minh” (chưa trả lời cụ thể là có vi phạm hay không), tình trạng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và vi phạm tại đây vẫn diễn ra công khai. Trong đó, hàng hóa vi phạm về nhãn, hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu... là phổ biến. Riêng với các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam có phần thuyên giảm, số lượng và chủng loại không còn được trưng bày nhiều như lần khảo sát trước
Nếu căn cứ theo thông tin do người tiêu dùng cung cấp, cũng như kết quả của quá trình khảo sát bởi phóng viên Tạp chí CHG, thì công văn trả lời của Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ liệu đã đúng bản chất của vấn đề (?)
Bài viết không mang tính quy chụp, một chiều, phiến diện, bài viết đưa thông tin khách quan, đa chiều, những mong đóng góp thêm tiếng nói trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Dẫu biết, có thể trước khi thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý của phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ, các đơn vị trên đã kịp cất giấu hàng hóa vi phạm, sau khi kết thúc kiểm tra họ lại mang ra kinh doanh... đó là chuyện rất có thể xảy ra.
Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường ngoài việc thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý, thì công tác kiểm soát (hậu kiểm) đóng vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện rõ tính minh bạch, nghiêm minh, cũng như sự quyết tâm trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và hàng hóa gian lận thương mại.... Vì vậy, rất mong phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ nghiêm túc thực hiện khâu hậu kiểm một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ... tránh buông lỏng quản lý, bỏ lọt hành vi vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
(CHG) Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 26/11/2019, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và được thực hiện trong vòng 3 năm.
Xem chi tiết(CHG) Cục thuế TP.HCM quyết định xử phạt hành chính về thuế đối với công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức (TDW) do có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021.
Xem chi tiết(CHG) Tổng cục Thuế gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp ngăn chặn, xử lý thông tin rao bán hoá đơn điện tử trên không gian mạng.
Xem chi tiết(CHG) Cục Thuế Đà Nẵng vừa công khai hàng loạt các doanh nghiệp trên địa bàn bị cưỡng chế thuế. Số tiền thuế các doanh nghiệp nợ và cưỡng chế trong tháng 4/2023 từ vài triệu tới hàng chục tỷ đồng.
Xem chi tiết(CHG) Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sân chơi bình đẳng. Tuy nhiên, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp sử dụng “chiêu trò” để nhằm gia tăng sự ảnh hưởng, đi ngược lại với chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có vấn đề quảng cáo “chui” – quảng cáo không phép…
Xem chi tiết