(CHG) Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2021/NĐ- CP về quản lý vật liệu xây dựng. Nghị định này quy định về quản lý phát triển, sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng vào công trình xây dựng an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.
Ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản
Theo Nghị định 09/2021/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước theo quy định pháp luật về đầu tư, pháp luật về khoa học và công nghệ và pháp luật khác có liên quan. Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình hạn chế, xóa bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Nghị định nêu rõ: Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trong quá trình thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Cụ thể như sau:
Lấy ý kiến Bộ Xây dựng đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nhóm A, dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất vật liệu xây dựng mới hoặc sử dụng công nghệ mới, dự án đầu tư có công trình đặc biệt, cấp 1 ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng hoặc được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên.
Lấy ý kiến Sở Xây dựng địa phương nơi thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư còn lại không thuộc trường hợp quy định. Nội dung lấy ý kiến bao gồm: Đánh giá sự phù hợp về nguồn nguyên liệu sản xuất của dự án so với quy hoạch khoáng sản làm làm vật liệu xây dựng. Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án thông qua các chỉ tiêu về tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, tác động môi trường, quy mô đầu tư thời hạn và tiến độ thực hiện dự án.
Phát triển vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Về sử dụng vật liệu và cấu kiện xây dựng trong công trình xây dựng, Nghị định nêu rõ: Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng khi sử dụng trong công trình xây dựng phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tuân thủ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có). Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình sử dụng vật liệu xây dựng công trình sử dụng vật liệu không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng sản xuất trong nước đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành thay thế Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 16/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
Kiểm soát chặt chẽ, chống việc lợi dụng tăng giá vật liệu xây dựng
Với những biến động chung của nền kinh tế thế giới cũng như tại Việt Nam, khiến giá vật liệu xây dựng tăng vọt khó giảm trong thời gian dài, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như người dân có nhu cầu xây dựng sử dụng nguyên vật liệu trên khắp cả nước.
Cụ thể, năm 2022, giá thép tăng khoảng 10%, cát tăng khoảng 52,1%, xi măng tăng 12,2%, đá xây dựng tăng 11,5%... so với giá vật liệu năm 2021. Nguyên nhân dẫn đến là do nguồn nguyên liệu tự nhiên dùng để sản xuất vật liệu xây dựng như cát sông, đất sét… đang dần cạn kiệt, quá trình cắt giảm số lượng cơ sở sản xuất gạch nung truyền thống để giảm ô nhiễm môi trường và các nguyên nhân khác làm ảnh hưởng như giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, giá vận chuyển…
Lợi dụng tình trạng cầu vượt cung và việc các ngành chức năng công bố giá vật liệu xây dựng chưa theo kịp biến động giá từng ngày ngoài thị trường, một số cơ sở, doanh nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng đã có hành vi tăng giá, trục lợi khiến công tác lập, quản lý chi phí gặp nhiều khó khăn, đẩy nhà thầu vào rủi ro khi giá vật liệu xây dựng bùng phát tăng tại thời điểm thực hiện dự án, công trình xây dựng.
Sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản (Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Để giải quyết vấn đề khó khăn về giá vật liệu xây dựng, tại Thông báo số 249/TB-VPCP ngày 17/8/2022 cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc giảm các mặt hàng, dịch vụ, giá vật liệu xây dựng, chống việc lợi dụng tăng giá, ép giá, nâng giá…
Hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý là từ 1.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hoá đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ).
Thời gian tới, thị trường vật liệu xây dựng có khả năng nhiều biến động, do nhu cầu xây dựng tăng cao, đây là điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh lợi dụng tăng giá cung ứng vật liệu xây dựng để trục lợi. Do đó, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng, chọn đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng có uy tín và thường xuyên tham khảo chỉ số giá vật liệu xây dựng trên Cổng thông tin điện tử các sở, ban, ngành để chủ động trong quá trình thi công, xây dựng. Đồng thời, phát huy phong trào toàn dân phát hiện, mạnh dạn tố giác các cá nhân, tổ chức có hành vi tăng giá vật liệu xây dựng bất hợp lý nhằm thu trục lợi đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật./.
( Còn tiếp)
27
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết