“Loạn giá”
Theo tài liệu Báo Công Thương có được, năm 2023, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) trúng liên tiếp 2 gói thầu mua sắm thiết bị đến từ 2 chủ đầu tư là Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Thanh Nhàn - đều là hai bệnh viện lớn của Hà Nội. Nhà thầu có trách nhiệm cung cấp loại thiết bị có cùng tên gọi, chủng loại, công dụng và thông số kỹ thuật giống nhau, nhưng lại có giá thành chênh lệch rất lớn!?
Theo đó, ngày 14/8/2023, ông Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ký ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm bóng điện chiếu sáng”. Công ty Rạng Đông đã trúng thầu cung cấp 3.500 chiếc đèn led tube T8 1200/20W, với giá 98.000 đồng/chiếc, tương đương tổng giá trị 343 triệu đồng.
Trước đó không lâu, ngày 3/7/2023, ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn ký quyết định lựa chọn Công ty Rạng Đông là bên cung cấp 1.617 chiếc đèn led tube T8 1200/20W cho đơn vị thông qua gói thầu "Mua sắm các loại bóng đèn phục vụ công tác sửa chữa thay thế".
Việc mua sắm một mặt hàng không mấy giá trị sẽ không đáng chú ý, nếu như mức giá mà Bệnh viện Thanh Nhàn "gật đầu" với Công ty Rạng Đông lên tới 145.540 đồng/chiếc, nghĩa là cao hơn gần 50% so với giá mua của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Cùng một loại đèn led nhưng Rạng Đông mua sắm cho Bệnh viện Thanh Nhàn giá cao hơn nhiều so với bệnh viện khác |
Đây là độ "vênh" rất lớn giữa hai cơ sở bệnh viện có cùng địa chỉ ở trung tâm thành phố Hà Nội. Khối lượng sản phẩm không quá cồng kềnh nên các chi phí vận chuyển hoặc chi phí khác sẽ chẳng có sự khác biệt nhiều.
Rõ ràng một điều công tác chấm thầu, định giá sản phẩm tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang có vấn đề, thiếu hiệu quả trong việc tiết kiệm cho nguồn vốn ngân sách nhà nước. Mà trách nhiệm chính ở đây dành cho Viện trưởng, người trực tiếp giám sát, kiểm tra và rà soát toàn bộ nội dung liên quan đến gói thầu.
Chưa dừng lại ở đó, tình trạng “loạn giá” bán của Công ty Rạng Đông không phải hiếm. Ở tỉnh Khánh Hòa, Viện Hải dương học là một trong những chủ đầu tư thân thiết của Công ty Rạng Đông, hai bên thường giao dịch với nhau thông qua các gói thầu cung cấp đèn led chuyên dụng trong nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt. Là mối quen, nhưng giá mua của Viện Hải dương học so với giá bình quân trên thị trường chẳng những không rẻ hơn, mà còn đắt hơn tương đối nhiều.
Điển hình tại gói thầu "Mua sắm hệ thống đèn led và phụ kiện” thuộc dự án “Xây dựng mô hình sử dụng đèn led chuyên dụng cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng đánh bắt ở vùng biển khơi" năm 2023, Công ty Rạng Đông trúng thầu cung cấp 300 thiết bị đèn led 300W chiếu mạn (Model DC04L-300W) với giá 5.324.000 đồng/sản phẩm.
Đèn led đánh cá Rạng Đông được Công ty TNHH chiếu sáng LEDMART bán trên thị trường có giá bán ra thấp hơn nhiều giá trúng thầu của Rạng Đông |
Quan sát mức giá bán tại một số đơn vị chuyên phân phối sản phẩm của Công ty Rạng Đông, ví dụ trên website của Công ty TNHH Chiếu sáng LedMart - "nhà buôn" này lại niêm yết gia sản phẩm thiết bị đèn led 300W chiếu mạn (Model DC04L-300W) chỉ là 3.842.300 đồng (sau giảm giá), thấp gần 1,5 triệu đồng/chiếc so với mức giá mua của Viện Hải dương học.
Giả sử Công ty TNHH Chiếu sáng LedMart mới là doanh nghiệp trúng thầu, và với mức giá niêm yết công khai trên website như vậy, Viện Hải dương học đã có thể giảm tải đến gần 450 triệu đồng cho ngân sách nhà nước. Những chi tiết như vậy khiến công chúng đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt khi Viện Hải dương học vốn là "địa chỉ kinh tế" quen mặt đối với Công ty Rạng Đông, nhiều mặt hàng với chủn loại đa dạng đã được hai bên mua bán trong những năm qua.
Trúng thầu "sát giá"
Tìm hiểu kỹ hơn về những gói thầu mà Công ty Rạng Đông tham gia, khá nhiều lần doanh nghiệp trúng thầu với mức giá cao tối đa, rất có lợi cho nhà thầu nhưng có phần thiệt thòi cho ngân sách nhà nước. Những "món hời" thường đến từ các chủ đầu tư có thời gian gắn bó lâu dài với Công ty Rạng Đông, như Viện Hải dương học hay Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, Trung tâm khuyến nông - xúc tiến Công Thương...
Ngày 16/11/2022, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, ông Hồ Văn Thệ ký Quyết định số 615 phê duyệt cho Công ty Rạng Đông trúng gói thầu "Mua hệ thống đèn led chuyên dụng cho nghề lưới".
Theo đó, Công ty Rạng Đông trúng thầu với giá bằng đúng giá dự toán của gói thầu là 1.776.000.000 đồng. Và, Rạng Đông cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ tham gia dù mặt hàng chào mua khá phổ biến trên thị trường, không ít nơi đang bày bán.
Yêu cầu đối với đèn led đánh cá 300W chiếu mạn trong E-HSMT tương tự với với đặc tính kỹ thuật của sản phẩm Đèn led Đánh cá 300W do Rạng Đông sản xuất |
Cùng chung diễn biến tương tự, gói thầu số 02 - MSHH - UNDP "Mua sắm đèn chong thanh long" do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư có giá dự toán hơn 3,5 tỷ đồng. Gói thầu này cũng chỉ có một mình Công ty Rạng Đông dự thầu và bỏ giá rất sát, chỉ thấp hơn chưa tới 100.000 đồng.
Họ vẫn nghiễm nhiên giành được hợp đồng cung cấp 97.743 bóng đèn led chong thanh long, dù tỷ lệ tiết kiệm tiệm cận mức 0%. Giới nhà thầu đồn đoán, Công ty Rạng Đông dễ dàng thắng thầu là vì các gói thầu mua sắm trên đây đều có yêu cầu kỹ thuật sản phẩm "na ná" với sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, tạo lợi thế lớn cho họ.
Điều này cũng đã từng có tiền lệ khi trong hồ sơ mời thầu các gói thầu mà Công ty Rạng Đông đã trúng tại các chủ đầu tư nêu trên, một số hàng hóa, thiết bị cần mua sắm có yêu cầu kỹ thuật được nêu tại chương V (E-HSMT) có thông số tương tự đặc tính kỹ thuật các sản phẩm do Rạng Đông sản xuất. Không loại trừ khả năng, đơn vị tư vấn khi lập E-HSMT đã có sự ưu ái nhất định cho nhà thầu.
Điều 12 Nghị định 63/NĐ-CP có nêu: "Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng". Mới đây, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đã được ban hành kèm theo Phụ lục 09 chi tiết các nội dung trên.
Kê khai hồ chưa chuẩn xác?
Bên cạnh đó, khảo sát một số gói thầu khác mà Công ty Rạng Đông tham dự tại Hà Giang, Hòa Bình... một chi tiết cho thấy doanh nghiệp khá "cẩu thả" khi lập và nộp hồ sơ dự thầu. Trong phần hồ sơ nhân sự, không ít lần Công ty Rạng Đông kê khai nhân sự chủ chốt là 2 kỹ sư thân tín, bao gồm ông Lê Đức Anh (sinh ngày 23/9/1987) và ông Đinh Văn Sáng (sinh ngày 30/6/1993). Tại một số gói thầu tổ chức vào năm 2023, Công ty Rạng Đông nêu số năm kinh nghiệm trong công việc cho hai cá nhân trên là 5 năm (với ông Lê Anh Đức) và 3 năm (với ông Đinh Văn Sáng).
Từ 2020 - 2023, nhà thầu Rạng Đông đều kê khai 2 nhân sự chủ chốt Lê Đức Anh và Đinh Văn Sáng với số năm kinh nghiệm như nhau? |
Vậy nhưng, trước đó tại thời điểm dự thầu các năm 2019 - 2020, hai nhân sự này cũng được kê khai số năm kinh nghiệm giống như năm 2023. Vậy, sự sai sót này là vô tình hay hữu ý? Liệu có hay không việc Công ty Rạng Đông chủ đích kê khai thiếu trung thực về thời gian kinh nghiệm đối với hai nhân sự chủ chốt này trong các gói thầu họ tham gia? Theo quy định pháp luật, dù với bất cứ mục đích nào, sai sót này cũng là một vi phạm cần xử lý và doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với hành động này.
Là doanh nghiệp đại chúng, có lượng cổ đông lớn nên trách nhiệm của ban lãnh đạo Công ty Rạng Đồng càng lớn hơn bao giờ hết. Đó là uy tín trước hàng nghìn cổ đông cá nhân, tổ chức, thậm chí là bộ mặt của giới kinh doanh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Một hành động nhỏ nhưng có thể gây thiệt hại lớn cho nhiều người liên quan.
Công ty Rạng Đông còn là thương hiệu gắn liền với quá trình lịch sử phát triển của đất nước, từng đứng trong hàng ngũ doanh nghiệp nhà nước với tầm ảnh hưởng lớn.
Sau giai đoạn cổ phần hóa, Công ty Rạng Đông đến nay còn là số hiếm khi sở hữu cổ đông độc nhất vô nhị trên thị trường chứng khoán, khá thú vị khi cổ đông lớn nhất nắm trên 40,52% vốn điều lệ tương đương 9,5 triệu cổ phần lại chính là Công đoàn của công ty. Theo sau là Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc gia (NSI) với 12,6%; bà Lê Thị Kim Yến (cựu Thành viên Hội đồng quản trị) với 11,1% và ông Lê Đình Hưng (em trai bà Yến, Thành viên Ban kiểm soát) với 9,26%.
Về hoạt động kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, doanh nghiệp thu về 2.831 tỷ đồng từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí giá vốn tăng cao là nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 7% và đạt 195 tỷ đồng trong quý này.
Báo cáo tài chính quý I cho biết, tổng nợ phải trả của Công ty Rạng Đông đã tăng 19% sau 3 tháng đầu năm 2024, nhảy vọt lên 5.671 tỷ đồng, gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn sẽ cần thanh toán trong thời hạn dưới 1 năm. Đáng lo ngại là về số nợ vay ngắn hạn, là nợ mất lãi cao đang tiếp tục tăng 12% lên gần 3.500 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 62% tổng số nợ.
Số nợ đáng báo động này có khoảng cách rất xa so với số vốn điều lệ của Công ty Rạng Đông (235,4 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ngoài vốn điều lệ, còn được cộng với thặng dư vốn cổ phẩn (1.077 tỷ đồng), quỹ đầu tư phát triển (674,6 tỷ đồng), quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (461 tỷ đồng) và lợi nhuận lũy kế 720 tỷ đồng, qua đó tăng lên 3.168 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa "quân bình tỷ số" so với gần 3.500 tỷ đồng nợ ngắn hạn kia.
Nguồn: Công thương
(CHG)Từ năm 2021 đến tháng 10/2024, Công ty TNHH Văn phòng phẩm Tuấn Như do ông Lê Công Tuấn làm Giám đốc đã kinh doanh, bán buôn các mặt hàng văn phòng phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng giá trị hàng hóa hơn 171 tỷ đồng và có hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền trốn thuế hơn 5,8 tỷ đồng.
Xem chi tiết(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.
Xem chi tiết