Cẩn trọng hàng lậu mang “vỏ bọc” xách tay, hàng cũ


(CHG) Rất nhiều thương nhân bán lẻ hàng điện tử đẩy mạnh kinh doanh hàng xách tay, hàng mở seal full box hoặc hàng cũ qua sử dụng. Hoạt động này đang trở thành mảnh đất màu mỡ để hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng lậu và bán hàng không hóa đơn phát triển…


Điện thoại Samsung xách tay được Hùng Mobile quảng cáo rao bán trên trang chủ.

Hàng xách tay xuất hiện tại nhiều hệ thống bán lẻ
Trước kia, việc bán hàng điện tử dưới vỏ bọc hàng xách tay, hoặc hàng đã qua sử dụng chỉ những thương nhân nhỏ lẻ thực hiện kinh doanh. Nhưng ngày nay mảnh đất màu mỡ này cũng đang dần được những thương nhân có thương hiệu uy tín trên thị trường tham gia vào. Chỉ khác một điều là các thương nhân lớn này khi bán hàng mở seal hoặc hàng cũ ra thị trường vẫn có chính sách bảo hành đối với sản phẩm.
Có thể thấy, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thấp, hàng nhập lậu không chỉ dưới vỏ bọc hàng xách tay, mà còn được đặt thêm tên mới khá “kêu” gồm: Bản Quốc tế, Like New, hàng mở seal full box, hàng cũ 99,99%... nhằm hút được nhiều người tiêu dùng nhất có thể và hạn chế việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc tránh né việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)…


Sản phẩm điện thoại Samsung không phải hàng chính hãng Samsung Việt Nam được rao bán công khai.

Theo một so sánh nhỏ trên https://www.thegioididong.com/ cho thấy, hàng Like New có nhược điểm là khó có thể kiểm tra được tình trạng thực sự của sản phẩm nếu người mua không có đủ kiến thức và chuyên môn về mặt hàng này; chịu một số hư hỏng vì hàng không thể nào như sản phẩm mới hoàn toàn được; người mua dễ bị lừa và dính phải hàng kém chất lượng với giá cao…
Cũng theo https://www.thegioididong.com/: Do hàng xách tay là một dạng hàng hóa trốn thuế nên không được bày bán rộng rãi với số lượng lớn như hàng chính hãng. Vì vậy, chế độ bảo hành hàng xách tay kém thậm chí là không có do các trung tâm bảo hành không nhận bảo hành hàng xách tay để hạn chế hàng bị phân phối sai thị trường của hãng. Do đó, người mua chỉ có thể liên hệ đến cửa hàng bán sản phẩm đã mua nếu có bất kỳ vấn đề phát sinh trong thời gian bảo hành.(1) 

Việc thu cũ đổi mới của Viettel store không giới hạn xuất xứ, nhìn ở góc độ tích cực đây là điều kiện để thu hồi hàng lậu, hàng kém chất lượng… có nguy cơ thành rác điện tử nguy hại. Nhưng ở góc độ ngược lại, có thể là kẽ hở cho hàng không nguồn gốc, xuất xứ, hàng lậu xuất hiện.

FPT Shop quảng cáo bán hàng xách tay trên trang chủ rẻ hơn tới 4.000.000 đồng.

Khảo sát đối với các thương hiệu lớn như CellphoneS; Viettel Store; FPT Shop… cho ra kết quả khá tương đồng, những thương nhân này ngoài việc kinh doanh các sản phẩm mới chính hãng, có thương nhân tham gia kinh doanh thêm các sản phẩm hàng cũ, hàng mở seal full box, hoặc quảng cáo bán hàng xách tay…


iPhone cũ bán tại CellphoneS có giá khá mềm.

Mua hàng xách tay, người mua có nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái vì mặt hàng này thường rất ít khi có giấy tờ kèm theo. Trên thực tế, khá nhiều người bán nhập các món hàng giả từ bên kia biên giới và lên mạng rao bán là hàng xách tay với mức giá thấp để đánh lừa người tiêu dùng.

Điện thoại Samsung xách tay Hàn Quốc được một đơn vị bán lẻ điện thoại quảng cáo bán công khai.

Việc buôn bán hàng xách tay, hàng mở seal, hoặc hàng cũ thường là cơ hội kiếm đậm đối với thương nhân, đặc biệt là đối với những thương hiệu lớn. Nhưng Ngân sách Nhà nước gần như thu được 0 đồng từ hoạt động kinh doanh này, do rất ít doanh nghiệp xuất hóa đơn VAT để mục đích che giấu nguồn gốc hàng hóa, hoặc có xuất hóa đơn VAT nhưng chưa chắc đã hợp pháp vì phải phù hợp với nguồn hàng đầu vào.
Phạt nặng nhưng vẫn kinh doanh vì siêu lợi nhuận
Ví dụ về kinh doanh hàng xách tay thu lợi nhuận cao đối với mặt hàng iPhone, tại thời điểm tháng 9 năm 2022, mẫu điện thoại mới nhất của Apple là iPhone 14 được bán ra trên toàn cầu, tại thị trường Việt Nam phiên bản iPhone 14 Pro với dung lượng 128GB có giá 40 triệu đồng, trong khi đó iPhone 14 Pro Max có cùng bộ nhớ ở mức 50 triệu đồng.
Tại thời điểm, mức giá của sản phẩm này theo đường xách tay ở Việt Nam vẫn đang trên “đỉnh”. Làm thử một phép so sánh giữa iPhone 14 xách tay và hàng chính hãng được bán ra vào cuối tháng 10/2022 sẽ thấy sự chênh lệch đáng kể. Theo đó, mẫu iPhone 14 Pro với dung lượng 128G có giá 31 triệu đồng và iPhone 14 Pro Max dung lượng 128G có giá 34 triệu đồng. Vậy khoản lời của dân buôn hàng xách tay dao động từ 9 - 16 triệu đồng, đây là khoản lợi nhuận không hề nhỏ đối với một sản phẩm khi về Việt Nam. Để né “luật”, các thương nhân thường dùng các câu từ như bản quốc tế, hàng qua sử dụng, hàng mở seal full box…
Theo quy định các mặt hàng điện tử như điện thoại, máy tính
xách tay bị liệt kê vào danh mục hàng hóa nhập lậu, người bán cố tình kinh doanh mặt hàng này có thể bị xử phạt lên tới 100 triệu đồng.


Hệ thống bán lẻ điện thoại di động Hùng Mobile bán điện thoại Samsung HongKong không phải hàng chính hãng Samsung Việt Nam.

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 15/10/2020, người có các hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt một cách nghiêm khắc. Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hàng hóa nhập lậu được hiểu là những hàng hóa thuộc danh mục cấm, hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa nhập lậu còn là hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục. Bên cạnh đó, hàng hóa nhập lậu còn được hiểu là hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ, hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không hợp pháp.
Người kinh doanh, vận chuyển các loại hàng này còn bị tịch thu tang vật. Trong trường hợp tang vật có trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nhiều lần, người kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị tịch thu phương tiện vận chuyển theo quy định về hình thức xử phạt bổ sung ở Khoản 4, Điều 15 của Nghị định này.
Theo các chuyên gia, mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Việc tăng mức xử phạt này sẽ không có nhiều tác dụng đối với việc kiểm soát kinh doanh hàng xách tay, bởi với lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm này từ những cơ sở lớn, số lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần số lợi nhuận mang lại”. (2) 


Sản phẩm điện thoại Samsung Hàn Quốc không phải chính hãng SamSung Việt Nam được rao bán trên Mobile City.

Theo ông Trần Văn Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, để quản lý hoạt động kinh doanh hàng xách tay hiệu quả hơn, cần ngăn chặn từ gốc. Biên giới siết chặt kiểm tra thì hoạt động kinh doanh hàng lậu, trốn thuế trong nội địa giảm mạnh.
Theo quản lý thị trường các địa phương, cái khó hiện nay với hàng xách tay, nhập lậu là phải làm rõ yếu tố biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) mới khởi tố được, còn khi hàng chở về lưu trong kho thì hầu như chỉ xử phạt hành chính. Ngoài ra, việc xử phạt hiện nay gặp khó, đặc biệt vi phạm trong kinh doanh hàng xách tay do người bán thường thuê điểm kinh doanh nên đến khi ra quyết định xử phạt hành chính thì các cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng đi trốn. Trường hợp này, nếu tòa án tuyên bố mất tích thì mới tịch thu hàng hóa, còn không phải đi xác minh rất phức tạp. (3)

Cơ sở Hùng Mobile bán hàng cho khách nhưng xuất phiếu nội bộ.

Do đó, chuyên gia kiến nghị, một mặt cần nâng cao xử phạt, mặt khác, cần các giải pháp kiểm soát chặt hơn với các tài khoản bán hàng online và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bởi thực tế, việc kinh doanh hàng xách tay hiện nay vẫn được giao dịch chủ yếu qua quảng cáo miệng, hàng hóa không thể được chứng minh là chính hãng. Trong khi đó, dưới các khung khổ hội nhập, hàng nhập khẩu chính hãng về Việt Nam sẽ ngày càng có giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm vì được kinh doanh, xuất nhập khẩu bởi các doanh nghiệp uy tín. Vì thế, để không gián tiếp tiếp tay cho các vi phạm, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm cho bản thân và gia đình. Thay vì chọn hàng xách tay, hãy lựa chọn và sử dụng hàng nhập khẩu uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình./.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những mặt hàng “tự phong” có nguồn gốc nước ngoài, hàng cũ 99,9%, hàng mở seal nhưng fullbox hiện đang được nhiều thương nhân bán trực tiếp tại các cửa hàng cửa hiệu, hoặc bán hàng online có thể là những mặt hàng tiêu dùng đã sử dụng; hàng hóa nhập lậu… đối với trường hợp thương nhân chỉ xuất phiếu kho, phiếu nội bộ mà không xuất hóa đơn cho khách hàng, đồng thời, giao dịch qua tài khoản cá nhân dẫn tới việc che giấu và giảm kê khai thuế đầu ra là trái quy định của pháp luật.
Nếu cơ quan thuế phát hiện hành vi này sẽ bị xử lý về hành vi trốn thuế, tùy theo mức thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính theo quy định.

(Còn nữa)
-----------------

1. https://www.thegioididong.com/tin-tuc/dien-thoai-hang-xach-tay-lieu-co-tot-va-ngon-bo-re-823574
2. https://nhandan.vn/kinh-doanh-hang-xach-tay-van-tap-nap-kho-kiem-soat-post622497.html.
3. https://tuoitre.vn/hang-xach-tay-doi-pho-quy-dinh-moi-20201010195416708.htm.

Còn lại: 1000 ký tự
An Giang: Kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Xem chi tiết
Kiên Giang: Truy cứu trách nhiệm hình sự vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định chuyển hồ sơ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm về buôn lậu để truy cứu trách nhiệm hình sự có giá trị 146 triệu đồng.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Xử phạt gần 50 triệu đồng kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra, phát hiện vi phạm kinh doanh thực phẩm bổ sung do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, xử phạt với số tiền 23,5 triệu.

Xem chi tiết
Kiên Giang: Xử phạt 140 triệu đồng kinh doanh trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định xử phạt với số tiền 140 triệu đồng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm về trưng bày để bán trang sức có gắn nhãn hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Xử phạt 80 triệu đồng kinh doanh vàng không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra về kinh doanh mua bán vàng trang sức, phát hiện tại 02 doanh nghiệp không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, xử phạt với số tiền 80 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3