(CHG) Những thương hiệu nổi tiếng được bày bán tại chuỗi hệ thống chuỗi “Subin Boutique” với giá thành “siêu rẻ” khiến không ít người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột hoài nghi: Liệu đây có phải hàng chính hãng?
Chuỗi cơ sở kinh doanh SuBin với nhiều dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng hóa thời trang.
Vấn nạn hàng giả hàng nhái là đề tài đã "cũ” tuy nhiên, thị trường hàng giả, hàng nhái vẫn “nóng” lên từng ngày, đặc biệt trong những dịp lễ lớn và những tháng cuối năm. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân các gian thương tập trung nguồn hàng lớn nhằm “tuồn” ra thị trường với mục đích thu lợi bất chính. Đặc biệt tại những thành phố đang trên đà phát triển điển hình như thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Cụ thể, thời gian qua người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thường xuyên thông tin tới Quỹ Chống hàng giả (bằng video, hình ảnh) về một số đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng có dấu hiệu vi phạm và vi phạm các quy định của pháp luật, trong đó điển hình là chuỗi thời trang Subin Boutique. Tại đây nhiều hàng hóa có dấu hiệu: không rõ nguồn xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa gian lận thương mại... và hàng hóa vi phạm các quy định trong việc ghi nhãn sản phẩm.
Nhận thấy những thắc mắc của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới công cuộc đấu tranh, phòng và chống đối với vấn nạn hàng nhập lậu, gian lận thương mại… của tỉnh Đắk Lắk, Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) nhằm trao đổi thông tin tới cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cũng như đăng tải thông tin.
Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu tiếng.
Khảo sát thực tế tại ba địa điểm kinh doanh mang thương hiệu Subin Boutique (địa chỉ 18 Trần Phú, 41 Trần Phú, 36 Nguyễn Đức Cảnh, P. Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), phóng viên nhận thấy tại đây chuyên kinh doanh các mặt hàng thời trang, và phụ kiện thời trang nam nữ như: quần - áo; mũ thời trang; thắt lưng; kính mắt; giày - dép; túi sách... phụ kiện thời trang. Nhiều sản phẩm tại đây được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng: Gucci, Chanel, Burberry, LV, Jordan, Nike, Adidas, Louis Vuitton....là những thương hiệu được bảo trợ tại Việt Nam nhưng có giá bán chỉ từ hai trăm năm mươi nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng.
Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về tem nhãn, giả mạo nhãn hiệu tiếng.
Một số sản phẩm trên nhãn gốc thể hiện chữ nước ngoài, tuy nhiên, không thể hiện nhãn phụ tiếng Việt. Điều đó gây khó khăn cho người tiêu dùng chọn mua và sử dụng sản phẩm.
Khi thắc mắc về giá của những sản phẩm được gắn mác “hàng hiệu” đang bày bán tại đây, một nhân viên tư vấn, giới thiệu sản phẩm của đơn vị cho biết: “Cửa hàng bên em chỉ bán hàng Quảng Châu (Trung Quốc), không bán hàng chính hãng”.
Như vậy, những nghi ngờ của người tiêu dùng về việc đơn vị quản lý và vận hành hệ thống kinh doanh mang thương hiệu SuBin Boutique có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, gian lận thương mại... và hàng hóa vi phạm các quy định về việc ghi nhãn là hoàn toàn có cơ sở.
Để có thông tin khách quan và đa chiều cũng như hiểu rõ hơn về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của hàng hóa, nhằm bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, ngày 21/10/2024 phóng viên có chuyển những thắc mắc của người tiêu dùng tới đơn vị quản lý, vận hành thương hiệu chuỗi thời trang Subin Boutique, những mong phía doanh nghiệp đưa ra thông tin thỏa đáng.
Thế nhưng, việc tạo ra giá trị thặng dư của doanh nghiệp là yếu tố phải đạt được bằng mọi giá, cho nên thắc mắc của người tiêu dùng chỉ là "thứ yếu", không đáng lắng nghe, không cần trả lời, bởi vậy đến nay sau hơn hai tháng doanh nghiệp này vẫn chọn giải pháp "im lặng" (?)
Bên cạnh đó, cũng nội dung trên, ngày 18/11/2024 phóng viên đã liên hệ tới ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đăk Lắk thì được ông này trả lời "Để anh gửi số điện thoại đội 1 cho em liên lạc ".
Ngày 29/11, trao đổi với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1 cho biết “Sẽ cho anh em thẩm tra, xác minh và xử lý”.
Xét ở góc độ khác, phóng viên cũng là người tiêu dùng, bởi vậy những nỗ lực truyền tải thông tin, đưa các thắc mắc tới cơ quan chức năng, tới doanh nghiệp những mong được nhận lại sự phản hồi thỏa đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người cán bộ với quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý, đến nay Đội Quản lý thị trường số 1 lại "bỏ sót" thông tin, chưa kịp thời xử lý dứt điểm (?)
Điều này càng có cơ sở khi ngày 16/12/2024, Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội Quản Lý Thị Trường số 1 cho biết: “Đang cho thẩm tra, xác minh và đang làm theo quy trình. Hiện tại đang là cuối năm, đang tổng kết nên rất chi là nhiều việc, chuẩn bị kế hoạch cho năm 2025 nữa” (!)
Có thể thấy thách trách nhiệm của Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu và gian lận thương mại... là rất lớn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có sự quyết tâm và nỗ lực từ cả phía cơ quan chức năng cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.
Bởi vậy, đừng để công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại... giống kiểu "đau đẻ còn chờ sáng trăng" (!)
Trong một lần trả lời phỏng vấn Tạp chí CHG về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, Ông Nguyễn Khắc Ngân, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả từng chia sẻ: “Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính:
Tại điều 2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, làm muối và người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh không cố định hoặc làm những dịch vụ có thu nhập thấp và không phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định, mà có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định này, sẽ bị xử phạt như với cá nhân vi phạm.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi vi phạm về nhãn hàng hóa có thể lên đến 120.000.000 đồng. Trong một số trường hợp, vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục; bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm”. |
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết