(CHG) Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5.000 điểm mỏ và có khoảng 60 khoáng sản các loại. Trong đó nhiều khoáng sản có trữ lượng lớn như bauxit, apatit, than, đất hiếm và granit, cùng nhiều loại có giá trị cao như titan, vàng, cao lanh...
Cân đối giữa khai thác với dự trữ
Ngày 1/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là cơ bản hoàn thành công tác điều tra địa chất, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng phần đất liền; điều tra địa chất, khoáng sản vùng biển ven bờ, hải đảo; phát hiện, điều tra khoáng sản vùng biển sâu, xa bờ; điều tra các điều kiện địa chất khác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dự trữ khoáng sản quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.
Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2045 đối với các khoáng sản: Than, urani, titan - zircon, đất hiếm, apatit, đồng, niken, thiếc, bauxit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản chiến lược, quan trọng, quy mô lớn (urani, đất hiếm, apatit, bauxit, titan, than, cát trắng, đá hoa trắng) làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Quyết định số 334/QĐ-TTg cũng nêu rõ, việc rà soát, khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (than, apatit, cromit, chì - kẽm, titan, bauxit, sắt laterit, đá hoa trắng, cát trắng, đất hiếm) phải trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành; cân đối giữa nhu cầu sử dụng theo quy hoạch và dự trữ lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Hoạt động thăm dò tuân thủ theo quy hoạch, phù hợp với tiềm năng từng loại khoáng sản.
Về công nghiệp khai khoáng, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tuân thủ quy hoạch, sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp với tiềm năng từng loại khoáng sản; thu hồi tối đa thành phần có ích, kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Đối với các loại khoáng sản có quy mô, trữ lượng lớn, tập trung, dự án khai thác mỏ phải gắn với dự án chế biến sâu sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Nghiên cứu, sử dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ để bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Sử dụng khoáng sản phải đảm bảo cân đối, hài hòa giữa xuất khẩu, nhập khẩu, trước hết đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến, chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định, đảm bảo hiệu quả kinh tế…
Cao lanh còn được ví như vàng trắng.
“Kho báu” vàng trắng cao lanh
Cao lanh được ứng dụng trong công nghiệp để cải thiện độ bền, bóng, độ sáng và độ trắng của nhiều loại sản phẩm. Hiện nay, trữ lượng chính của cao lanh là ở Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ. Ngành xây dựng trên toàn cầu phát triển là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu về đồ gốm sứ chất lượng cao, kéo theo sự tăng trưởng của thị trường cao lanh.
Năm 2019, quy mô thị trường cao lanh toàn cầu đạt 4,76 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 3,5% từ 2020 - 2027.
Các công ty hàng đầu trên thị trường đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua quan hệ đối tác chiến lược dưới hình thức mua bán và sáp nhập, điều này được cho là sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường.
Theo các chuyên gia, do nguyên liệu mang tính chất kỹ thuật cao, giá trị kinh tế lớn, ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất nên cao lanh còn được ví như vàng trắng.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản cao lanh. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cùng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện năm 2008, cao lanh có mức phân bố khá rộng rãi và phổ biến ở nhiều nơi trên lãnh thổ nước ta, tập trung chủ yếu ở các khu vực: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trên cơ sở các kết quả điều tra thăm dò địa chất và thực trạng công tác khai thác cao lanh tính đến năm 2008, Việt Nam có trữ lượng cao lanh khoảng 267 triệu tấn ở 67 tụ khoáng và mỏ đã được phát hiện, tìm kiếm hoặc thăm dò.
Với số lượng tài nguyên và trữ lượng cao lanh nêu trên, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguyên liệu cao lanh ở vùng châu Á - Thái Bình Dương và chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ - nghiên cứu nhận định.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), giá cao lanh thành phẩm nói chung là khoảng 160USD/tấn, cao nhất trong số các loại đất sét phổ thông được thống kê trong nghiên cứu.
Như vậy, với trữ lượng 267 triệu tấn cao lanh (ước tính), Việt Nam đang sở hữu "mỏ vàng trắng" có giá trị khoảng 43 tỷ USD./.
Một số mỏ cao lanh lớn ở Việt Nam được tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên gồm: Mỏ Minh Tân (Hải Dương), Thạch Khoáng (Vĩnh Phúc), Pren (Lâm Đồng), Tán Mài (Quảng Ninh)… nổi tiếng nhất vẫn là mỏ cao lanh Trúc Thôn (Hải Dương) được dùng để sản xuất gốm sứ Bát Tràng... |
(Còn nữa)
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết