(CHG) Can thiệp vào tài khoản, tự động đặt lệnh rồi đánh cháy tài khoản của người dùng, đó là thủ đoạn mà sàn ngoại hối VANTAGE sử dụng để lừa đảo các nhà đầu tư rồi chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Sàn ngoại hối VANTAGE có địa chỉ tại website: https://www.vantagemarkets.com/vi-vn/who-is-vantage, văn phòng giao dịch của sàn ngoại hối này tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh, còn văn phòng đào tạo tài chính tại phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Trên trang web này giới thiệu: "Sàn VANTAGE là nhà môi giới đa tài sản, từng đoạt giải thưởng và có trụ sở chính tại Sydney, với hơn 10 năm kinh nghiệm trên thị trường và hoạt động tại 172 quốc gia. Với hơn 1.000 nhân viên tại hơn 30 văn phòng trên toàn cầu, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn đạt được thành công nhanh hơn và đơn giản hơn".
Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận chưa cấp phép cho sàn ngoại hối VANTAGE được hoạt động tại Việt Nam. Hay nói cách khác, sàn này đang hoạt động chui, bất hợp pháp.
Giao diện của sàn ngoại hối VANTAGE hoạt động trái phép tại Việt Nam.
Chị N.T.H (Hà Nội) cho biết, khi mở tài khoản và giao dịch tại sàn ngoại hối VANTAGE, chị đã bị mất trắng số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong quá trình giao dịch, chị đã xác minh một số nhà đầu tư sàn LCM VANTAGE và nhận thấy sàn này làm việc không trung thực bằng việc thao túng, can thiệp vào tài khoản của nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phía sàn VANTAGE cũng không chứng minh được dòng tiền của nhà đầu tư không được chuyển ra nước ngoài mà lại chuyển vào các tài khoản cá nhân của người Việt Nam.
“Việc biên độ giãn cách lên đến 800 điểm là một điều chưa từng có. Đây là trách nhiệm của sàn VANTAGE khi tài khoản giao dịch của tôi không hoạt động, không đặt lệnh trong vòng 10 phút, nhưng khi tôi kiểm tra lại thì tài khoản của tôi bỗng dưng bị âm 1.300 USD. Chính vì thế tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của sàn VANTAGE”, chị H. nói.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, thủ đoạn của những công ty này là gắn mác các sàn chứng khoán phái sinh, nghe như được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, nhưng thật ra đều hoạt động bất hợp pháp. Trong số các công ty được cấp phép đề giao dịch phái sinh tại Việt Nam không có tên công ty nào như trên.
Theo quy định của Nhà nước, các công ty chứng khoán phái sinh phải được cấp phép, nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề mới được tư vấn cho nhà đầu tư. Nhưng có nhiều tổ chức lừa đảo dựng lên những công ty hoạt động môi giới bất hợp pháp, nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Mặc dù những giao dịch này là ảo, nhưng người chơi nộp tiền thật và không hề biết môi giới là ai thì đó là lừa đảo. Những đường dây này đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Ban đầu họ sẽ cho nhà đầu tư có lãi nhỏ sau đó mới kêu gọi nạp vốn lớn và đánh cháy tài khoản.
Mới đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Công an Hà Nội đã triệt phá 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép với quy mô hàng trăm tỷ đồng, gồm: Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss. Chúng đã thu hút được 12.000 tài khoản tham gia với số tiền đầu tư là 4,3 triệu USD. Ngoài 4 sàn giao dịch, đường dây này còn xây dựng và quản trị 15 website khác được sao chép gia diện tương tự các sàn Forex.
Theo cơ quan công an, với những sàn giao dịch trái phép này, nhóm tội phạm sẽ “nắm đằng chuôi”, cấp cho mình nhiều quyền để “khống chế” tài khoản của khách hàng. Chúng có thể tự ý thay đổi số dư tiền trên tài khoản, kéo dài độ trễ lệnh, làm giãn khoảng cách giữa mua và bán, thậm chí đánh “cháy” tài khoản của khách hàng.
Cơ quan công an cảnh báo, tại Việt Nam, mọi hình thức kinh doanh sàn giao dịch kiểu Forex và quản trị, môi giới loại hình này là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý. Người tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo kiểu này là đang tiếp tay cho hoạt động phạm pháp, nên cũng có thể bị xử lý.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã nhiều lần cảnh báo người dân không tham gia giao dịch chứng khoán tại các sàn ngoại hối chưa rõ thông tin, đồng thời phối hợp với cơ quan công an để truy tố hình sự những sàn ngoại hối quốc tế bất hợp pháp chiếm doạt tài sản của nhà đầu tư.
1
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết