(CHG) Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2022 của Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, sáng 10/11, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trên thực tế, thời gian qua, khi xây dựng khung pháp luật về thương mại điện tử, Việt Nam đã tiếp thu các nguyên tắc, nội dung cơ bản của Luật Mẫu về thương mại điện tử cũng như Luật Mẫu về chữ ký điện tử do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) ban hành.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Lê Hải Đường chủ trì hội thảo.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, một số đại biểu nêu rõ, các vấn đề pháp lý về thương mại điện tử như: việc quy định rõ các vấn đề pháp lý đối với các nội dung giao dịch thương mại qua các phương tiện điện tử; quy định kỹ thuật về chữ ký điện tử nhằm bảo đảm tính xác thực, toàn vẹn, bảo mật của thông tin được trao đổi trong thương mại điện tử; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng; xử lý vi phạm và tội phạm trong thương mại điện tử đều đã được ghi nhận và quy định trong pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam. Ngoài ra, cũng đã quan tâm đến cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại điện tử và tạo dựng được các quy định về cơ chế giải quyết tương đối phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, các đại biểu cho rằng, để thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần thiết phải tham khảo kinh nghiệm pháp luật quốc tế và một số quốc gia về vấn đề này, từ đó đưa ra các yêu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử ở Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo.
Các đại biểu cũng kiến nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng mua bán dịch vụ quốc tế giao kết qua phương tiện điện tử đối với cả thương mại hàng hóa quốc tế và thương mại dịch vụ quốc tế trong khu vực. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế kiểm tra chặt chẽ để xác minh tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và chữ ký số. Việc xây dựng cơ chế này là cấp bách đối với các nhà làm luật Việt Nam để bảo đảm an toàn của giao dịch điện tử hay giúp các cơ quan có thẩm quyền kiểm định độ tin cậy của thông điệp dữ liệu khi xác định thông điệp dữ liệu có giá trị chứng cứ hay không trong hoạt động tư pháp.
Một nội dung quan trọng nữa được các đại biểu lưu ý là bổ sung, hoàn thiện quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, nhận thức và ý thức pháp luật của các chủ thể trong quan hệ thương mại điện tử.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/hoan-thien-phap-luat-ve-thuong-mai-dien-tu-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0-i306935/
2