Dấu mốc lịch sử và quyết sách đột phá của tỉnh Quảng Ninh hướng đến xây dựng tập đoàn truyền thông đa phương tiện vững mạnh


CHG - Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1276-QĐ/TU, ngày 18-12-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, về việc thành lập Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình cơ quan báo chí, truyền thông hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước - đã tiếp tục khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Mô hình Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh là dấu ấn riêng có, quyết sách mang tính đột phá nhằm hướng đến việc xây dựng tập đoàn truyền thông vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tham quan, đọc các tờ báo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ tại hội sách, báo xuân Giáp Thìn 2024_Nguồn: baoquangninh.vn

Những dấu ấn lịch sử của báo chí cách mạng ở Quảng Ninh

Thời gian qua, báo chí cách mạng ở Quảng Ninh luôn thể hiện vai trò tuyến đầu trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Quảng Ninh phát huy truyền thống người dân Vùng Mỏ, luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ ngọn lửa Báo Than và những tờ báo cách mạng của công nhân Vùng Mỏ, đến Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là những mốc son trong lịch sử gần một thế kỷ vừa qua. 

Cuối năm 1928, ngay trong ngày thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, những người cộng sản đầu tiên ở Vùng Mỏ đã quyết định xuất bản một tờ báo lấy tên là Báo Than, viết trên nửa trang giấy thếp học trò khổ nhỏ, phát hành trong công nhân mỏ để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng. Với sự kiện xuất bản Báo Than, Quảng Ninh là một trong những địa phương sớm nhất có báo chí cách mạng, chỉ 3 năm sau khi Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta ra đời. Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng Báo Than thực sự là nguồn lửa cách mạng được những chiến sĩ yêu nước nhóm lên, tỏa sáng và trao truyền cho thế hệ sau.

Kế thừa và phát huy truyền thống Báo Than, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến khu 3 được thành lập, gồm các tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và một số tỉnh phía Bắc, ít tháng sau ra báo mang tên Quân Bạch Đằng. Ngoài ra, còn có tờ Tin tức Hải Ninh ở tỉnh Hải Ninh được in bằng hai thứ tiếng Việt - Hán, tờ Hải Ninh giải phóng bằng chữ Hán xuất bản tại huyện Bình Liêu - căn cứ kháng chiến của tỉnh Hải Ninh khi đó. Khu vực tỉnh Quảng Yên có Báo Quảng Yên, gồm 4 trang, do Ty Tuyên truyền và Văn nghệ Quảng Yên xuất bản. Tại Đặc khu Hòn Gai khi ấy có các tờ báo Vùng Than, Thợ mỏ… Khi tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hồng Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng, tờ Báo Vùng Mỏ ra đời, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam khu Hồng Quảng. Trải qua các thời kỳ, báo chí cách mạng ở Quảng Ninh đã phát triển liên tục, là công cụ tuyên truyền đắc lực của Đảng, Nhà nước, là phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội và là diễn đàn rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo chí Vùng Mỏ_Nguồn: baoquangninh.vn

Tháng 10-1963, tỉnh Quảng Ninh được thành lập dựa trên việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Tháng 12-1963, Tỉnh ủy Quảng Ninh có quyết nghị đổi tên tờ Báo Vùng Mỏ thành Báo Quảng Ninh - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Ngày 2-1-1964, Báo Quảng Ninh ra số đầu tiên, khởi đầu mỗi tuần một số (khổ 54x79cm), 4 trang in một màu bằng máy in thủ công, sau đó tăng dần lên 3 số/tuần. Kỹ thuật in báo khi đó vẫn là sắp chữ chì và phải gửi sang nhà in để chế bản. Đến năm 1968, tờ tin Vùng Mỏ của ngành than lại sáp nhập về Báo Quảng Ninh. Tuy tác nghiệp trong điều kiện kháng chiến khó khăn, nhiều khi phải sơ tán tránh bom đạn, nhưng báo phát hành không bị gián đoạn. Các bài viết của Báo Quảng Ninh khi đó mang đậm khí thế lao động, sản xuất và chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của Vùng Mỏ. Từ năm 1984, Báo Quảng Ninh ra thêm tờ thứ 7 in hai màu. Đến năm 1998 ra mắt ấn phẩm Quảng Ninh đặc san gồm 32 trang, sau đổi thành Quảng Ninh hằng tháng. Nhiều bài báo giàu tính phản biện, giành được những giải thưởng cao tại các giải báo chí toàn quốc và giải báo chí của tỉnh Quảng Ninh hằng năm.

Nếu như trước kia, việc chế bản báo phải chuyển ra nhà in, đến năm 2000, Báo Quảng Ninh đã thực hiện chế bản báo ngay tại tòa soạn, tiết kiệm rất nhiều thời gian ra báo. Báo Quảng Ninh đã liên tục tăng kỳ xuất bản từ 3 lên 4 kỳ/tuần vào năm 2001, 6 kỳ/tuần vào năm 2002 và 7 kỳ/tuần vào năm 2003, chính thức trở thành nhật báo. Đặc biệt, để thích ứng với xu thế của một tòa soạn đa phương tiện, năm 2006, Báo Quảng Ninh điện tử chính thức ra đời. Đến năm 2011, nâng cấp giao diện báo điện tử hiện đại hơn, khai trương chuyên trang Thời sự online; đồng thời xuất bản thêm phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung Quốc trên báo điện tử. Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, từ tháng 4-2011, Báo Quảng Ninh hằng ngày tăng từ 4 lên 8 trang, đồng thời sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo hướng hiện đại. Báo đã được phát hành tới tất cả các đảng bộ, chi bộ cơ sở trên toàn tỉnh. Báo Quảng Ninh điện tử là một trong những tờ báo điện tử của báo Đảng địa phương có lượng truy cập lớn.

Trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, tròn một năm sau ngày giải phóng Vùng Mỏ, tháng 4-1956, dưới sự viện trợ và giúp đỡ của Liên Xô, Đài Truyền thanh Hòn Gai được xây dựng. Cũng từ đây, một trang mới trong lịch sử báo chí Vùng Mỏ được mở ra, đặt nền móng cho loại hình báo chí mới chính thức xuất hiện bên cạnh báo giấy truyền thống. Đúng 8 giờ, ngày 2-9-1956, buổi tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu. Trên hệ thống loa truyền thanh Hòn Gai vang lên tiếng nói tường thuật trực tiếp buổi lễ kỷ niệm 21 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội. Ngay chiều hôm đó, bản tin đầu tiên của Đài được thực hiện. Sau bản tin đầu tiên, Đài đều đặn truyền thanh 15 phút tin tức từ 5g15 - 5g30 hằng ngày, ngay trước bản tin đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếp đó các Đài Truyền thanh Cẩm Phả, Quảng Yên, Tiên Yên, Móng Cái đi vào hoạt động. Đến năm 1959, ba Đài Truyền thanh Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Yên được hợp nhất thành Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng.

Tháng 10-1963, khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, Đài Truyền thanh Quảng Ninh ra đời. Đài cũng vinh dự là đơn vị trang âm trong các buổi lễ mít tinh của quân dân Vùng Mỏ đón Bác Hồ. Trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1972, Mỹ ném bom bắn phá ác liệt miền Bắc, Đài đã phải sơ tán về nhiều địa điểm, như trong hang núi Bài Thơ, núi Hạm, Đèo Bụt. Dẫu vậy, tiếng loa truyền thanh vẫn đều đặn vang lên trong bom đạn, kịp thời đưa thông tin đến nhân dân, thể hiện sự quả cảm của những người làm báo cũng là người chiến sĩ khi ấy. Năm 1972, máy bay Mỹ ném 4 quả bom trúng trụ sở Đài ở Bến Đoan, 3 cán bộ, nhân viên của Đài đã anh dũng hy sinh.

Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, năm 1976, Đài Truyền thanh Quảng Ninh được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển giao Đài A4 với máy phát sóng có công suất 10kW. Từ đây, Đài có tên mới là Đài Phát thanh Quảng Ninh. Trong bối cảnh đất nước thống nhất, toàn dân hăng hái lao động, sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc cần có truyền hình để phục vụ nhu cầu thông tin ở một tỉnh có ngành công nghiệp than phát triển và có nhiều tiềm năng về du lịch như Quảng Ninh là rất lớn. Khi đó, miền Bắc mới chỉ có Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhưng do khoảng cách địa lý nên nhiều nơi ở Quảng Ninh không bắt được sóng VTV. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thời kỳ này đã đặt quyết tâm phải xây dựng được hệ thống truyền hình của tỉnh. Đúng 19 giờ, ngày 2-9-1983, chương trình Truyền hình Quảng Ninh chính thức phát sóng buổi đầu tiên trên kênh 12VHF, một kỳ tích làm nức lòng người dân đất mỏ. Với sự kiện này, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc có chương trình truyền hình, tức là chỉ phát sóng chương trình truyền hình sau Đài Truyền hình Việt Nam. Đài Phát thanh Quảng Ninh được đổi tên thành Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh (QTV). Đội ngũ kỹ thuật cũng dần làm quen với cách vận hành hệ thống dựng hình Umatic của Nhật Bản, bộ máy phát hình Thompson công suất 1kW của Pháp để phục vụ cho các buổi phát hình thời kỳ đầu. Đài cũng đã xây dựng trạm chuyển tiếp truyền hình trên núi Na (thuộc xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên) với máy phát UHF60 để thu chương trình truyền hình Việt Nam truyền về Đài cột 5, chuyển tiếp cho nhân dân Quảng Ninh được xem. Sau đó là các cuộc chuyển tiếp trọn vẹn Giải vô địch bóng đá thế giới tại Italia năm 1990. Trong điều kiện chưa có xe truyền hình lưu động, nhưng nhờ sự sáng tạo, linh hoạt, ngày 25-4-1995, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh lần đầu tiên thực hiện truyền hình trực tiếp cuộc mít-tinh kỷ niệm 40 năm giải phóng Vùng Mỏ tại sân vận động Hòn Gai, tiếp đó là cuộc mít-tinh kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tại Cung Văn hóa lao động Việt Nhật.

Sau gần 20 năm chuyển tiếp và phát chèn trên kênh 7 của Đài Truyền hình Việt Nam, ngày 19-5-2001, truyền hình Quảng Ninh lần đầu tiên được tách lập thành một kênh riêng, đồng thời tăng dần thời lượng phát sóng từ 1h lên 8h/ngày, 10h/ngày và đến năm 2006 là 17h/ngày. Đây chính là điều kiện quan trọng để QTV tạo ra những thay đổi đột phá về nhiều mặt.

Giai đoạn này, Truyền hình Quảng Ninh có thêm nhiều chương trình mới, tăng tần suất các bản tin Thời sự, ra mắt bản tin Thời sự quốc tế, bản tin tiếng Anh. Đài đã đăng cai tổ chức thành công Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 2003 (Giải Sao mai). Đến năm 2005, đăng cai tổ chức Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 24, Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2007. Cùng với đó là chiến lược thu hút quảng cáo thông qua các hội nghị khách hàng, phát triển kinh tế báo chí, mở rộng hợp tác quốc tế với Đài Phát thanh nhân dân Quảng Tây (Trung Quốc).

Năm 2008, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh chính thức ra mắt trang thông tin điện tử tại địa chỉ http://qtv.vn, góp phần mở rộng kênh thông tin, tuyên truyền cho Đài. Đến cuối năm 2009, QTV đã có mặt trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước và được phát qua vệ tinh Vinasat-1, nâng thời lượng phát sóng lên 24h/ngày. Đến nay, QTV đã hiện diện trên tất cả các hạ tầng truyền dẫn phát sóng và cả trên nền tảng internet. Sự ra đời của kênh QNR2 (kênh văn hóa - du lịch - đối ngoại) mang tên “Giai điệu Hạ Long’’ vào năm 2013, phát song song với kênh QNR1 (kênh thời sự chính trị tổng hợp) đánh dấu bước chuyển của phát thanh Quảng Ninh theo xu thế tất yếu của báo chí thế giới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tặng bức trướng cho Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh_Nguồn: baoquangninh.vn

Quyết sách đột phá hướng đến xây dựng tập đoàn truyền thông vững mạnh

Từ ngày 1-1-2019, theo Quyết định số 1276-QĐ/TU, ngày 18-12-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (QMG) chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan, đơn vị thông tin báo chí gồm Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh (thuộc văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) và Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). QMG là bước ngoặt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với mô hình tổ hợp báo chí, truyền thông đa loại hình, đa nền tảng, đa phương tiện cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây cũng là mô hình cơ quan báo chí hợp nhất đầu tiên được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến thí điểm thành lập.

QMG hiện là mô hình cơ quan báo chí, truyền thông đa loại hình, đa nền tảng, đa phương tiện cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, với những bước thành công đầu tiên trong việc chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình truyền thống tại địa phương. QMG duy trì ổn định các sản phẩm đa phương tiện ở 4 loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử), gồm: Báo in Quảng Ninh hằng ngày, báo in Quảng Ninh cuối tuần, Báo Hạ Long, Đặc san Hoa Sen, Báo Quảng Ninh điện tử; 2 kênh truyền hình; 2 kênh phát thanh. Nội dung báo chí xuất bản trên một hệ sinh thái số, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thông qua nền tảng ứng dụng App QN-Media và trên nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội, như Youtube, Fanpage - QMG Tin tức Quảng Ninh 24/7, Tiktok, Zalo.

Ngoài dòng sản phẩm báo chí đa loại hình, đa nền tảng, đa phương tiện, QMG đã đồng hành trong các chiến dịch truyền thông cho nhiều sự kiện lớn của tỉnh và các sự kiện của quốc gia, khu vực, quốc tế được tổ chức tại Quảng Ninh. Riêng năm 2023, kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm đã thực hiện 12 chiến dịch truyền thông với hơn 3.500 tác phẩm báo chí trên các hạ tầng; sản xuất series phim tài liệu, phim truyện truyền hình, MV ca nhạc về tỉnh… tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, đồng thời khẳng định năng lực của trung tâm trong thực hiện các nhiệm vụ mới. Việc hợp nhất 4 cơ quan truyền thông riêng lẻ giúp tinh gọn bộ máy, giảm 8 đầu mối cấp phòng, 8 trưởng phòng, 17 người so với thời điểm thành lập. Mô hình tổ chức theo hướng ngày càng khoa học và hiệu quả, theo quy trình - chu trình sản xuất đồng bộ, gồm: Khu vực trung tâm và các khối chức năng. Với mô hình 1 khu vực trung tâm và 3 khối chức năng, QMG bảo đảm 4 mảng chính trong mô hình tòa soạn số, bao gồm: Sản phẩm/dịch vụ, nghiệp vụ chính, công chúng/ khách hàng và tài chính; trong đó có 2 khối sản xuất gắn với sản phẩm đầu vào và đầu ra. 

Bên cạnh đó, QMG đã đầu tư mạnh cho việc số hóa dữ liệu, xây dựng khối dữ liệu và các dịch vụ dùng chung trong tòa soạn, đầu tư nền tảng kỹ thuật - công nghệ, cùng với việc quyết liệt trong đào tạo phóng viên đa phương tiện, đào tạo đội ngũ nhà báo tiên phong, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những tấm gương điển hình, truyền cảm hứng, trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, QMG tổ chức hiệu quả việc số hóa và xây dựng lớp dữ liệu dùng chung, đa dạng hóa sản phẩm báo chí số, từ đó tối ưu hóa nguồn lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ quan. Để thực hiện triệt để việc sắp xếp lại, đổi mới bộ máy tổ chức theo Đề án số 47-ĐA/BCĐ về tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm truyền thông tỉnh, từ 22 đầu mối cấp phòng, Trung tâm rút gọn xuống còn 14 đầu mối, định hình rõ nhiệm vụ từng phòng. Việc thành lập QMG là sự cụ thể hóa của tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 3-4-2019, của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhấn mạnh, cần chú trọng “phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ và thông tin, truyền thông thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ thông tin internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế”(1). Từ khi thành lập đến nay, ban lãnh đạo QMG đã từng bước tháo gỡ khó khăn, thách thức để định hình hướng tới một mô hình tập đoàn truyền thông cấp tỉnh, giữ được sự đoàn kết, thống nhất trong đội ngũ những người làm báo.

Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước (Trong ảnh: Phóng viên, kỹ thuật viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tác nghiệp tại một sự kiện)_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Trên cơ sở định hướng phát triển Trung tâm trở thành một tập đoàn truyền thông hiện đại, uy tín, có tầm ảnh hưởng rộng ở khu vực phía Bắc, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác truyền thống như Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Tây, Tập đoàn Truyền thông Nhật báo Quảng Tây (Trung Quốc), Đài Phát thanh - Truyền hình Gangwon (Hàn Quốc); mở rộng hợp tác với các tập đoàn truyền thông uy tín khác của thế giới... Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Quảng Ninh ra với bạn bè thế giới, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, trao đổi nghiệp vụ, cùng hướng tới một nền báo chí hiện đại trong kỷ nguyên truyền thông số.

Thứ hai, từng bước thực hiện chuyển đổi số gắn với việc số hóa toàn bộ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phần mềm lưu trữ tư liệu hiện đại để tất cả phóng viên, biên tập viên dễ dàng tra cứu và chia sẻ dữ liệu cho các hạ tầng. Đồng thời đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống thiết bị sản xuất, phát sóng phát thanh - truyền hình, nâng cấp toàn diện Báo Quảng Ninh điện tử; tập trung khai thác trên các nền tảng số và bắt đầu có được nguồn thu từ đó. Một trong những thách thức đặt ra trong giai đoạn đầu thành lập Trung tâm là các phóng viên ở từng loại hình báo chí phải tự học hỏi, trau dồi chuyên môn để có thể tác nghiệp được đa nền tảng, đáp ứng yêu cầu của mô hình cơ quan báo chí mới.

Thứ ba, cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí, xuất bản trong tình hình mới. Chú trọng đầu tư, xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ phóng viên đa phương tiện nhằm phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, xuất bản trên mặt trận tư tưởng; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, phục vụ công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng. Trong giai đoạn chuyển đổi số, có rất nhiều cơ hội và thách thức đặt ra đối với mô hình cơ quan báo chí hợp nhất, các tòa soạn hội tụ - nhất là mô hình hướng đến tập đoàn truyền thông. Một trong những thách thức lớn đó là thay đổi tư duy của lãnh đạo, sự hiểu biết về công nghệ, dữ liệu của tòa soạn, chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm. 

Hành trình cống hiến bền bỉ của thế hệ những người làm báo Quảng Ninh từ quá khứ đến hiện tại chính là sức mạnh nội lực để Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh làm tốt hơn nữa vai trò “thư ký của thời đại”, khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy không ngừng của xã hội thông tin sôi động, trong đó báo chí cách mạng luôn đóng vai trò khơi nguồn, định hướng dư luận quan trọng nhất. Những người làm báo Quảng Ninh là những chiến sĩ tiên phong trong chuyển đổi số báo chí, góp phần thúc đẩy những giải pháp đột phá cho báo chí địa phương theo hướng chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại./.

---------------------------

(1) Xem: Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 3-4-2019, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, https://chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=196672&tagid=2&type=1

 

Nguồn: Tạp chí cộng sản

Còn lại: 1000 ký tự
Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN kể từ sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Bài nghiên cứu "Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường ASEAN kể từ sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)" do Lê Thị Mai Hương (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Nghiên cứu động lực ảnh hưởng đến việc áp dụng đổi mới sáng tạo mở của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam

Đề tài Nghiên cứu động lực ảnh hưởng đến việc áp dụng đổi mới sáng tạo mở của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam do Nguyễn Thị Lan Anh1 - Nguyễn Thị Thư1 - Nguyễn Đức Toàn1 - Dương Thị Trâm Anh1 - Đào Mai Khánh1 - ThS. Trịnh Thị Nhuần2* (1Sinh viên Lớp K58A1 - Đại học Thương mại - 2Giảng viên Viện Quản trị kinh doanh - Đại học Thương mại) thực hiện.

Xem chi tiết
Đẩy mạnh hoạt động TikTok trong quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam

Bài báo nghiên cứu "Đẩy mạnh hoạt động TikTok trong quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Nam" do ThS. Bùi Thiện Đức Thịnh - ThS. Lê Đỗ Thiên Trúc (Trường Đại học Sài Gòn) thực hiện.

Xem chi tiết
Khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19

CHG - Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đất nước là vấn đề cấp thiết, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mọi quốc gia, ở mọi thời đại. Đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; để tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn hẹp, cần có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội cho quá trình này.

Xem chi tiết
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Đại hội XIII của Đảng

​CHG - Trước những thành tựu, thách thức và cơ hội phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp. Thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp được Đại hội XIII của Đảng đề ra tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ hội viên nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xem chi tiết
2
2
2
3