Chủ nghĩa xã hội - con đường duy nhất đúng để đạt được tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam
Bằng tổng kết lịch sử phát triển của thế giới đương đại cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định một cách rất khoa học về con đường duy nhất đúng cho sự phát triển của đất nước - đó là con đường xã hội chủ nghĩa. Đồng chí nhấn mạnh: nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc(1).
Theo đồng chí Tổng Bí thư, ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa. Vào những năm cuối thế kỷ XX, mặc dù trên thế giới, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị đổ vỡ một mảng lớn, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa không còn, phong trào xã hội chủ nghĩa lâm vào giai đoạn khủng hoảng, thoái trào, gặp nhiều khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(2).
Từ sự khái quát con đường tất yếu đúng đắn, đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới(3).
Như vậy, chủ nghĩa xã hội chính là con đường duy nhất đúng để nhân dân ta đi đến cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó là sự thực! Cũng chính trong tác phẩm của mình, đồng chí Tổng Bí thư đã khái quát về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và con đường tư bản chủ nghĩa. Đồng chí chỉ ra, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước(4). Mặc dù vậy, chủ nghĩa tư bản không thể tự nó giải quyết được một cách triệt để nhiều mâu thuẫn, nhiều tình huống “phát triển xấu” do chính sự phát triển của bản thân chủ nghĩa tư bản sinh ra. Đồng chí Tổng Bí thư khái quát: Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội(5).
Thực tiễn phát triển theo lối tư bản chủ nghĩa đó, hiển nhiên không thể đem lại tương lai chắc chắn cho nhân dân thế giới. Thấu hiểu một cách sâu sắc xu hướng thời đại, bản chất con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản, đồng chí Tổng Bí thư khái quát: Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản(6).
Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận và bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ xã hội, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có(7). Thực tế, đây chính là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội; và, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chính là con đường duy nhất đúng để đạt được những giá trị đó trong hiện thực đời sống của nhân dân.
Phát triển kinh tế tri thức - một trong những nội dung của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Từ chỗ khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội một cách khoa học, đúng đắn, khách quan nêu trên, đồng chí Tổng Bí thư đưa ra giải pháp mang tính phương pháp luận để chỉ dẫn cho việc thực hiện con đường đó. Đồng chí chỉ rõ: Để thực hiện thực được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện(8).
Như vậy, phát triển kinh tế tri thức là một trong những nội hàm mang tính nhiệm vụ tất yếu phải thực hiện trong tiến trình phát triển xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây cũng chính là nội hàm của sự hiện thực hóa cách thức vừa kết hợp giữa yêu cầu phát triển phù hợp với quy luật khách quan, vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam trong tiến trình phát triển. Sở dĩ như vậy là vì, lịch sử phát triển lực lượng sản xuất thế giới đã đạt đến trình độ cho phép thúc đẩy sự hình thành và phát triển của kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức, đến lượt nó, trở thành yêu cầu đối với sự phát triển của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh ngày nay. Sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam không thể nằm ngoài quỹ đạo phát triển chung về lực lượng sản xuất của loài người. Phát triển kinh tế tri thức trở thành nội hàm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành phương thức phát triển tích hợp từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến tới xây dựng nền tảng vật chất của chủ nghĩa xã hội.
Kinh tế tri thức, với bản chất là thành tựu của sự phát triển lực lượng sản xuất của nhân loại; đồng thời, kinh tế tri thức cũng là thành tố tạo động lực thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất mới của các quốc gia trên thế giới. Do đó, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong xây dựng nền tảng kinh tế - vật chất nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ở Việt Nam.
Với trình độ phát triển còn thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp của Việt Nam, việc thực hiện thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa không ngừng lực lượng sản xuất, từ đó tạo tiền đề để hoàn thiện các quan hệ sản xuất theo hướng tiến bộ là yêu cầu cấp thiết. Để đáp ứng được yêu cầu đó, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa tuân thủ các quy luật phát triển chung của thế giới, đồng thời phải gắn với điều kiện, trình độ đặc thù của Việt Nam. Phương thức để giải quyết tốt mối quan hệ đó, cần thích ứng kịp thời với những xu hướng phát triển mới nhân loại, của lực lượng sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, phát triển kinh tế tri thức là xu thế tất yếu và trở thành hiện thực trong bối cảnh hiện nay trên phạm vi thế giới. Do đó, việc phát triển kinh tế tri thức thực sự phải là nội hàm của công cuộc xây dựng cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tinh thần này thể hiện trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư thể hiện tư duy lý luận vừa sâu sắc, vừa sáng tạo trong vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới. Sự sáng tạo này không những thể hiện sự đúc kết một cách cô đọng những trải nghiệm lãnh đạo thực tiễn của người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng ta, mà còn thể hiện sự kiên định một cách khoa học, sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng trong việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện mới của Việt Nam.
Giá trị định hướng trong công cuộc hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Từ phân tích trên đây, có thể rút ra các giá trị định hướng quan trọng trong quan điểm về phát triển kinh tế tri thức đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tất yếu được đặt trong bối cảnh phát triển của nhân loại.
Như đã chỉ ra, chủ nghĩa tư bản vẫn còn dư địa phát triển, tuy vậy, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là điểm dừng cuối cùng của lịch sử xã hội của loài người. Những bất công, nhiều tình huống phát triển xấu trong lòng chủ nghĩa tư bản mà tự phương thức sản xuất này không thể giải quyết được xuất hiện ngày càng phổ biến hơn. Thực tế đó cho thấy, lịch sử nhân loại tất yếu sẽ tiếp tục vận động để tiến tới phương thức sản xuất mới văn minh, tiến bộ hơn. Nghĩa là, con đường xã hội chủ nghĩa là tất yếu đối với lịch sử nhân loại. Mặc dù vậy, trên con đường tất yếu đó, việc hiện thực hóa những giá trị tiến bộ, văn minh của con đường xã hội chủ nghĩa lại phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa tuân thủ quy luật phát triển chung của thế giới với điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia. Trình độ lực lượng sản xuất nào kéo theo quan hệ sản xuất đó. Vì vậy, khi trình độ lực lượng sản xuất còn ở mức độ thấp, sự tất yếu khách quan phải thực hiện thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất để từ đó tạo tiền đề hoàn thiện quan hệ sản xuất là mệnh lệnh của công cuộc phát triển. Yêu cầu đó đòi hỏi đặt sự phát triển, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh phát triển chung của nhân loại. Kinh tế tri thức là kết quả và động lực cho trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất thế giới. Do đó, việc phát triển, hiện thực hóa những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần phải đặt trong xu thế tất yếu của thế giới. Đây là hàm ý sâu sắc trong quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư khi đề cập việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ hai, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đòi hỏi giải quyết tốt mối quan hệ giữa tuân thủ các quy luật chung với không xa rời những điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Trình độ văn minh của một quốc gia luôn đòi hỏi sự kế thừa thành tựu của văn minh nhân loại. Muốn vậy, sự phát triển đó phải tuân thủ những quy luật phát triển chung mà lịch sử nhân loại đã tạo ra. Việc tách khỏi xu thế phát triển khách quan của thế giới sẽ làm cho công cuộc phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa gặp nhiều khó khăn, trắc trở hơn. Vì suy cho cùng, xã hội chủ nghĩa không thể tự nhiên có được trong thời gian ngắn, càng không thể đạt được khi phủ định những thành tựu văn minh nhân loại đã đạt được. Do đó, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình kế thừa có chọn lọc những thành tựu văn minh mà loài người đã tạo ra, kể cả những thành tựu văn minh do nhân loại tạo ra trong lòng chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, quá trình đó không phải là tiến trình đơn tuyến, một chiều. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội còn cần phải chú trọng mặt hiện thực lịch sử cụ thể của đất nước, phải gắn với hoàn cảnh và trình độ phát triển cụ thể, những đặc thù, bản sắc của Việt Nam. Đây là nguyên tắc phương pháp luận để bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa tuân thủ quy luật chung với điều kiện đặc thù trình độ phát triển của Việt Nam. Việc phát triển kinh tế tri thức trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa chính là sự thể hiện việc nắm bắt quy luật phát triển chung để rồi vận dụng, thích ứng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam.
Thứ ba, muốn xây dựng xã hội ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, việc thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất là cách thức tối ưu để sớm đạt mục tiêu.
Xã hội chủ nghĩa đích thực phải là xã hội giàu có, con người được sung sướng, thụ hưởng những thành tựu văn minh tốt đẹp cũng như có cơ hội để được phát triển toàn diện trong sự nhân văn và bình đẳng thực chất. Muốn đạt được trình độ như vậy, tất yếu phải phát triển lực lượng sản xuất. Muốn phát triển lực lượng sản xuất, tất yếu phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Muốn thực hiện hiện đại hóa thành công trong bối cảnh phát triển của nhân loại hiện nay, tất yếu phải tích hợp quá trình đó trong mối quan hệ với phát triển kinh tế tri thức. Hiện nay, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thực chất cũng là sự thể hiện trên bề mặt nền sản xuất xã hội của quá trình tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Đó cũng là biểu hiện sinh động của kinh tế tri thức. Do vậy, hiển nhiên, việc thực hiện phát triển lực lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa phải gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đây là cách phát triển tối ưu theo phương thức rút ngắn về trình độ phát triển nhằm vừa tạo ra tiềm lực vật chất nội tại của Việt Nam, vừa tạo ra tiền đề để trên cơ sở đó, có thể hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đặc trưng nhằm đưa đến sự ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Tóm lại, phát triển kinh tế tri thức trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa là điều kiện và cũng là phương thức tối ưu để xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây chính là tư duy lý luận sâu sắc và biện chứng trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư có tựa đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Quan điểm lý luận của đồng chí Tổng Bí thư có giá trị định hướng sâu sắc cho sự phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta./.
---------------------------
(1) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 22
(2), (3), (4), (5) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 23, 24, 20, 21
(6), (7), (8) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 21, 22, 24 - 25
Nguồn: Tạp chí cộng sản
Đề tài Giải pháp thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp theo xu hướng đổi mới mở do ThS. Chu Văn Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp - Trường Đại học Điện lực) - TS. Phạm Văn Hải (Giám đốc Trung tâm Đào tạo thường xuyên - Trường Đại học Điện lực) - ThS. Nguyễn Thúy Ninh (Giảng viên Khoa Quản lý Công nghiệp và năng lượng - Trường Đại học Điện lực) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Chống trục lợi bảo hiểm từ hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ" do Mai Đăng Lưu (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo "Nghiên cứu giải pháp về quản trị chất lượng cho hệ thống cửa hàng Circle K" do Bùi Tùng Lâm (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Rào cản pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Trần Thị Nhật Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Khảo sát các tính chất của vật liệu đá bazan sử dụng làm phụ gia hoạt tính" dp ThS. Lê Minh Sơn (Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiết