Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển bền vững, toàn diện thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045


CHG -  Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Nhận thức rõ điều này, thành phố Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, tạo chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện của thành phố.

Những chuyển biến tích cực

Trong những năm qua, xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã đối với sự phát triển bền vững, toàn diện thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong sự phát triển của thành phố. Nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” (Nghị quyết số 13-NQ/TW), kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực.

Trước tiên, công tác quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để học tập, quán triệt và chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết, giao Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Đề án về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố; định kỳ tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm, 10 năm, 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW trên địa bàn thành phố, qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo ban hành các nghị quyết, kết luận, kế hoạch để lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp ở Hội chợ thương mại - du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông - Tây được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng_Nguồn: baodanang.vn

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã(1). Các ban, sở, ngành, quận, huyện và hội, đoàn thể đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị ban hành 26 chính sách hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực quản lý, trọng tâm về thuế, phí; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ; chính sách hỗ trợ củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, phát triển hợp tác xã; chính sách về hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Quỹ) được cấp vốn điều lệ 6 tỷ đồng để cho hợp tác xã, tổ hợp tác vay với hình thức vay có thế chấp tài sản.

Thứ ba, các hợp tác xã của Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật, thực hiện các cơ chế quản lý mới để hợp tác xã thích ứng với nền kinh tế thị trường khi thành phố bước vào thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của thành phố Đà Nẵng có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và quy mô tổ chức. Các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, quy mô tổ chức hợp tác xã được nâng lên, mức lãi kinh doanh và sự đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và quản lý được cải thiện đáng kể, làm thay đổi hình ảnh của hợp tác xã so với trước đây. Không ít đơn vị đã mạnh dạn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tiến hành củng cố, đổi mới, mở rộng phát triển, tăng thêm các dịch vụ mới, đặc biệt là đối với các hợp tác xã nông nghiệp.

Thứ tư, nhiều mô hình hợp tác xã mới ra đời và ngày càng phát huy hiệu quả(2). Đặc biệt, đã xây dựng được mô hình hợp tác xã đầu tư quản lý kinh doanh chợ trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất, kinh doanh tổng hợp Hòa Cường từ lĩnh vực nông nghiệp (bị thu hồi đất sản xuất theo quy hoạch của thành phố) sang đầu tư quản lý và kinh doanh chợ - một mô hình đầu tiên của khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế có sự thay đổi lớn, hướng đến hỗ trợ hoạt động kinh tế, đời sống của thành viên thông qua cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, phát triển cộng đồng. Tính đến ngày 30-6-2022, trên địa bàn thành phố có 132 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động. Tổng số vốn điều lệ của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là 261,44 tỷ đồng, thu hút 9.395 thành viên và 15.097 lao động. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 là gần 128 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 3,15 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người của thành viên và người lao động khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.
Có 532 cán bộ quản lý hợp tác xã, trong đó: cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học là 133 người; cán bộ có trình độ trung cấp là 133 người; số còn lại là trình độ phổ thông trung học và sơ cấp. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 274 tổ hợp tác, vốn kinh doanh 40,025 tỷ đồng, thu hút 2.159 thành viên và 4.500 lao động, tổng giá trị tài sản 46,492 tỷ đồng; trong đó có 61 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp (chiếm 22,27%) và 213 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 77,73%). Lĩnh vực nông nghiệp hiện có 52 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã, vốn điều lệ là 54,1 tỷ đồng, thu hút 7.642 thành viên và 12.898 lao động; ngành, nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất lúa, lúa giống, rau hữu cơ, rau an toàn, trồng nấm, hoa, cây cảnh, sản xuất nước mắm truyền thống Nam Ô, giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, chế biến rong biển, cà phê, đồ khô hải sản... Công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng hiện có 23 hợp tác xã, số vốn điều lệ của các hợp tác xã là 38,64 tỷ đồng, thu hút 254 thành viên và 947 lao động; ngành, nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất thủ công mỹ nghệ, mây tre đan. Về thương mại, dịch vụ có 13 hợp tác xã và 1 liên hiệp hợp tác xã, vốn điều lệ của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là 63,7 tỷ đồng, thu hút 565 thành viên và 124 lao động. Về giao thông vận tải có 44 hợp tác xã, vốn điều lệ của các hợp tác xã là 105 tỷ đồng, thu hút 934 thành viên và 1.128 lao động; ngành, nghề hoạt động chủ yếu vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn bộc lộ một số hạn chế, như: Việc ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn chậm, chưa đồng bộ; một số hợp tác xã thiếu vốn, thiếu nhân lực; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy hợp tác xã kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu; công tác tuyên truyền, vận động phát triển hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chưa đáp ứng toàn diện nhu cầu của cơ sở; chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng chưa có bước đột phá sau đào tạo.

Phương hướng, giải pháp thời gian tới

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Theo đó, Nghị quyết nêu 5 quan điểm chỉ đạo trọng tâm là: 1- Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2- Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó hợp tác xã là nòng cốt; 3- Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp; 4- Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; 5- Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Mô hình trồng lan mokara ở Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng_Nguồn: baodanang.vn

Quán triệt quan điểm chỉ đạo trên và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay, thành phố Đà Nẵng đặt ra mục tiêu tổng quát: 1- Đến năm 2030, thực hiện tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 100 hợp tác xã, 250 tổ hợp tác và từ 2 đến 3 liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn thành phố; đối với quận, huyện, mỗi năm xây dựng và hỗ trợ thành lập mới ít nhất 2 mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình; đối với xã, phường, mỗi năm xây dựng và thành lập mới 5 tổ hợp tác điển hình; phấn đấu 100% số xã, phường có hợp tác xã gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, phục vụ đời sống sinh hoạt dân cư đô thị và du lịch; Liên minh hợp tác xã thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mô hình và tư vấn, hỗ trợ thành lập từ 1 đến 2 liên hiệp hợp tác xã trong giai đoạn 2026 - 2030, tư vấn, hỗ trợ xây dựng có ít nhất 60% số hợp tác xã hoạt động và 80% cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng. Khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các hợp tác xã quy mô nhỏ, cùng lĩnh vực, ngành, nghề thành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô lớn để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; 2- Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng gần 500 tổ hợp tác, 250 hợp tác xã, 20 liên hiệp hợp tác xã. Thành lập các liên hiệp hợp tác xã quy mô cấp quận, huyện; các hợp tác xã chuyên ngành, nghề sản xuất theo dây chuyền khép kín từ nuôi trồng đến chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt được những mục tiêu trên, thành phố Đà Nẵng quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành và thành phố. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội, hiệp hội khác trong việc phối hợp với Liên minh hợp tác xã thành phố tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả các thể chế, pháp luật, khung pháp lý về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đánh giá đúng vai trò, vị trí của Liên minh hợp tác xã thành phố theo quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 158-KL/TW, ngày 2-1-2020, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW, của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng trong tình hình mới”...; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ và bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách cán bộ, hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tổng số biên chế lao động và các nguồn lực tài chính để tạo điều kiện cho liên minh hợp tác xã các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và nguồn nhân lực thích ứng với nền kinh tế thị trường, trong đó chú trọng rà soát, củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố, bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030”; đồng thời, kiện toàn, củng cố vai trò của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã từ thành phố đến quận, huyện. Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia phát triển kinh tế thị trường, thành lập hợp tác xã theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025”.

Bốn là, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế, với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm các nguyên tắc của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và pháp nhân tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã, bảo đảm tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên, thực hiện các mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhanh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Năm là, chỉ đạo tập trung các nguồn lực để nâng cao vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế phát triển nhanh, đô thị hóa mở rộng và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay; đề ra những giải pháp đồng hành, hỗ trợ để kinh tế tập thể, hợp tác xã kịp thời thích ứng với nền kinh tế thị trường bằng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, mang tính cạnh tranh và khẳng định vị thế so với các thành phần kinh tế khác.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, thành phố về phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển bền vững, toàn diện thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững, văn minh và hiện đại./.

---------------

(1) Như: Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND, ngày 7-7-2017, “Về quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND, ngày 12-7-2018, “Quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; Nghị quyết số 305/2020/NQ-HĐND, ngày 08-7-2020, “Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”... Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-UBND, ngày 17-5-2002, “Về Đề án tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thành phố Đà Nẵng”; Kế hoạch số 9322/KH-UBND, ngày 16-11-2017, “Về thực hiện phong trào thi đua đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”; Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025...
(2) Như: Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ An Hải Đông; Hợp tác xã rau, hoa, củ quả Hòa Vang; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan; Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường; Hợp tác xã nấm Nhơn Phước; Hợp tác xã công nghệ cao Mặt Trời Việt; Hợp tác xã hoa cây cảnh Vân Dương; Hợp tác xã nước mắm truyền thống Nam Ô - thương hiệu Ô Long, Bình Minh,...

Nguồn: Tạp chí cộng sản

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3