Nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc


CHG - Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững - nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, xây dựng, định vị cho đất nước phát triển hiện đại. Đây là động lực xuyên suốt và bao trùm, thể hiện sự kết hợp hài hòa động lực về vật chất và động lực về tinh thần; giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích của từng người dân, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân, người lao động tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi_Ảnh: TTXVN

Sau gần 40 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2008 và đang bước vào kỷ nguyên mới, trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030; nước có thu nhập cao vào năm 2045 theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đây là giai đoạn phát triển khác về chất và việc đạt được các mục tiêu này sẽ khó hơn rất nhiều so với việc đạt được các mục tiêu của giai đoạn trước, bởi vì:

Thứ nhất, thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới cho thấy, chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới (chiếm khoảng ¼ dân số thế giới) vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao.

Thứ hai, Việt Nam đang phải chịu tác động nhiều chiều từ bối cảnh thế giới, vốn đang thay đổi rất nhanh, mạnh, khó lường, khó dự báo, chưa có tiền lệ dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh truyền thống, như xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền…; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… trong điều kiện nền kinh tế có độ mở rất cao(1).

Thứ ba, mặc dù đạt được những thành tựu rất đáng tự hào(2), nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế đã tồn tại từ trước, chưa được xử lý dứt điểm. Điều này đã được chỉ ra rất rõ trong bài viết về chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm(3).

Thứ tư, tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI/người) của Việt Nam đang ở mức khá thấp so với mục tiêu đặt ra, trong khi thời gian cần có để đạt được mục tiêu này không còn nhiều. Năm 2023, GNI/người của Việt Nam đạt mức 4.180 USD, trong khi theo phân loại của Ngân hàng Thế giới năm 2024, để trở thành nước thu nhập trung bình cao, mức GNI/người phải đạt là 4.466-13.845 USD và để trở thành nước thu nhập cao, thì mức GNI/người phải đạt trên 14.000 USD, chưa nói đến việc mức chuẩn GNI/người liên tục được nâng cao thêm hằng năm. Thêm vào đó, so với GDP, GNI/người của Việt Nam lại đang ngày càng nhỏ hơn: Giai đoạn 2010 - 2022, bình quân GNI/người chiếm khoảng 95,37% GDP, trong khi giai đoạn 2001 - 2009, GNI/người là 97,24%.

Bảng 1: Phân loại các nước theo tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI/người): Thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao và thu nhập cao

Thứ năm, với GNI/người ở mức 4.284 USD, theo phân loại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2014, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cần tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đồng thời, tạo dựng các nền tảng cho giai đoạn phát triển chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo(4).

Bảng 2: Trọng số của các nhóm yếu tố trong các giai đoạn phát triển

Mặc dù đã được nâng lên một bước, nhưng hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế(5) vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Đối với nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ(6); tỷ lệ thất nghiệp thấp(7); năng suất lao động liên tục tăng(8); chỉ số phát triển con người (HDI) luôn được duy trì ở mức trên 0,7, là mức cao trong số các nước có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là cho những ngành kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo có bằng, chứng chỉ, đến năm 2023 mới đạt 27,2%; tỷ lệ lao động đủ trình độ tiếng Anh để làm việc chỉ chiếm 5% lực lượng lao động(9). Cơ cấu lao động bất hợp lý không chỉ theo trình độ, mà cả theo các vùng, miền; tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” khá phổ biến: Năm 2023, tỷ lệ tương quan giữa trình độ đại học trở lên - cao đẳng - trung cấp - sơ cấp tương ứng là 1 - 0,32 - 0,33 - 0,49. Tỷ lệ lao động phi chính thức cao (khoảng 65% tổng lực lượng lao động).

Tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, năng suất lao động thấp và tốc độ tăng năng suất lao động đang có xu hướng giảm dần, không đạt được các mục tiêu đặt ra. Năng suất lao động năm 2023 tăng 3,65% so với năm trước, bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,53%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 tăng 4,35%/năm.

Đối với nguồn vật lực

Tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, khoáng sản, tài nguyên biển, đảo, đa dạng sinh học, nước) được khai thác, quản lý và sử dụng hợp lý hơn. Nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, cung cấp điện, cung cấp nước, thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ (KH&CN), giáo dục và đào tạo, y tế…) ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế và xã hội. Các doanh nghiệp (cả nhà nước và tư nhân), hộ kinh doanh cá thể hoạt động ngày càng hiệu quả hơn(10); xuất hiện một số doanh nghiệp lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững và tiết kiệm; vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới; thiếu kết nối nội vùng, giữa các vùng, giữa các cực phát triển và kết cấu hạ tầng chiến lược; khả năng chống chịu với thiên tai, thời tiết khắc nghiệt và thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Các doanh nghiệp chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực thấp cả về vốn, công nghệ, lao động và kỹ năng quản lý. Chưa có doanh nghiệp lớn có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.

Khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhân lực KH&CN thiếu cả về số lượng và chất lượng. Tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN hiện đang thấp hơn so với mục tiêu chiến lược 1% GDP vào năm 2025, mà Chính phủ đã đề ra. Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu và triển khai của các doanh nghiệp cũng ở mức hạn chế, chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi cho KH&CN cả nước.

Đối với nguồn tài lực

 Nguồn lực tài chính công đã được phân bổ, quản lý, đầu tư hợp lý và tập trung hơn. Các chỉ số về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài đều ở trong ngưỡng an toàn, dưới mức trần theo quy định của Quốc hội(11). Nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ (tín dụng, ngoại hối), hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, được huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng hợp lý hơn. Chỉ số hiệu quả đầu tư công (ICOR) cao và có xu hướng tăng, từ 5,39 những năm 2011 - 2015 lên 6,58 những năm 2016 - 2020 và 9,29 trong những năm 2021 - 2023.

Hiệu quả đầu tư còn được thể hiện qua chỉ số lan tỏa kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2023, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% - 6% tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế, nhưng khu vực này đã tạo ra 12% - 16% GDP của cả nước; trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tuy tạo ra 33% - 38% GDP, nhưng vốn đầu tư của khu vực này chiếm tới 38% - 48% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước; khu vực dịch vụ tạo ra 39% - 43% GDP, nhưng vốn đầu tư chiếm tới 47% - 58%.

Chi phí đầu vào cho sản xuất biểu hiện qua tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam có xu hướng tăng dần qua từng năm, tăng từ mức 62,20% năm 2010 lên mức 63,82% năm 2015 và mức 65,54% năm 2023. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của Việt Nam luôn ở mức trên 75% kể từ năm 2010, tăng lên mức 78,21% năm 2023.

Cường độ năng lượng(12) có xu hướng tăng lên. Giai đoạn 2016 - 2020, cường độ năng lượng tăng từ 3,65 MJ/USD năm 2016 lên 4,03 MJ/USD năm 2020; bình quân mỗi năm trong giai đoạn này, cường độ năng lượng tăng 0,098 MJ/USD. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua đã cải thiện đáng kể, giai đoạn 2011-2015 đạt 27%, giai đoạn 2015 - 2021 đạt mức 36%, nhưng tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa trên đóng góp của vốn và lao động.

Nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm còn chứa đựng nhiều rủi ro, chưa bền vững, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế và yêu cầu phát triển mới.

Để tạo ra 1 đồng GDP, chúng ta đang phải tiêu tốn nhiều vốn, năng lượng và lao động hơn, trong khi tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, cạnh tranh về vốn ngày càng khốc liệt hơn; những tác động tiêu cực của các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng mạnh hơn… Nếu tình trạng này tiếp tục, thì nguy cơ phụ thuộc vào bên ngoài, tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ là rất lớn.

Để đất nước vươn mình, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được các mục tiêu đã đặt ra và vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tiên tiến, văn minh, hiện đại(13), cần có những giải pháp mang tính đột phá, giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực, nhất là tạo sự đột phá trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế theo các định hướng sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ và thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực(14).

Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; qua đó, giúp thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; giúp tránh được nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình; tạo động lực đưa nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao theo định hướng XHCN.

Thứ hai, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực. Tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; lấy người dân làm trung tâm, người dân tham gia, thụ hưởng kết quả quản lý và sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát về trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Thứ ba, kiên trì và phát huy ở mức cao nhất các động lực phát triển, nhất là các động lực mới, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là các nguồn lực mới.

Kiểm tra sản phẩm thấu kính tại Công ty TNHH Nghiên cứu Kỹ thuật R Việt Nam có số vốn 100% nước ngoài tại tỉnh Hòa Bình_Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở đó, có thể xác định một số mục tiêu động lực sau:

Một là, mục tiêu phát triển đất nước được xác định là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là động lực xuyên suốt và bao trùm, thể hiện sự kết hợp hài hòa động lực về vật chất và động lực về tinh thần; giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích của từng người dân; trong đó, lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết, trước hết.

Hai là, “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững”(15); đây là động lực quan trọng nhất, là sự kết nối giữa mục tiêu, nguồn lực và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, văn hóa là nền tảng của sự phát triển, con người có trí tuệ, năng lực, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức, nhân cách, trung thực, nhân ái là trung tâm; đồng thời, là mục tiêu, vừa là nguồn lực nội sinh, vừa là động lực của sự phát triển. Sự phát triển là vì con người và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Khát vọng phát triển, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, sự đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc là những động lực tinh thần không có giới hạn cho phát triển, nếu được động viên và phát huy đúng cách vì sự phát triển chung. Ba là, đổi mới nền kinh tế, cụ thể là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là động lực mang tính cách mạng, là cuộc cách mạng về hoàn thiện quan hệ sản xuất, giải phóng và mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Bởi vì, nó giúp phá bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp; phá bỏ cơ chế phát triển kinh tế cô lập, khép kín để tạo dựng cơ chế phát triển kinh tế mới: Hiện đại, hội nhập, theo các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng XHCN. Đổi mới và hội nhập vừa giúp các nguồn lực được phân bổ vào những nơi được sử dụng hiệu quả nhất, vừa giúp thu hút thêm được nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển.

Bốn là, “Phát triển mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế”(16); đây là động lực mang tính đột phá, là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh và mạnh. Phát huy tốt động lực này sẽ giúp cho nền kinh tế bắt nhịp được với xu thế phát triển chung của thế giới, tận dụng được những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, đây là động lực mới và mang tính cách mạng, là cuộc cách mạng về phát triển lực lượng sản xuất; qua đó, thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sản xuất mới, tiên tiến, phù hợp. Bởi vì đây là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu trở thành nguồn tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng; là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện về cách sống, cách làm việc, được tiến hành đồng bộ, toàn diện, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội(17); là quá trình không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, mà còn góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Nếu như chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, gắn với hội nhập quốc tế được bắt đầu vào năm 1986, cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế và sau gần 40 năm, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp và tạo nền tảng để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao thì chuyển đổi số, gắn với chuyển đổi xanh là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa(18), góp phần giúp Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao, tạo nền tảng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tiên tiến, văn minh, hiện đại, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để đạt được mục tiêu là nước thu nhập cao theo định hướng XHCN.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế quản lý và sử dụng các nguồn lực phù hợp, với thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là các thể chế tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai; các thể chế mở đường cho các mô hình sản xuất và kinh doanh mới; có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực như nguồn lực số, nguồn lực KH&CN, nguồn lực văn hóa, lịch sử, truyền thống, nguồn lực thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam.

Thực hiện tốt các quy hoạch đã được ban hành, đổi mới công tác quy hoạch, lấy quy hoạch làm căn cứ pháp lý để quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển đầy đủ, đồng bộ, thông suốt các loại thị trường, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn, thị trường KH&CN.

Thứ năm, đầu tư thích đáng cho công tác kiểm kê, đánh giá, cập nhật các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm cả các nguồn lực vật chất và phi vật chất, hiện đại, liên thông, số hóa, là cơ sở để hoạch định chiến lược, chính sách quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Áp dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý, sử dụng các nguồn lực, gắn với triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu để phòng, chống lãng phí, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực trong toàn xã hội.

Bối cảnh phát triển mới với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó khó khăn có phần nổi trội hơn; khát vọng phát triển đất nước lại rất lớn; do vậy, để đạt được các mục tiêu đặt ra cần phải có những nỗ lực “phi thường”, cần phải “vượt qua chính mình”. Chúng ta đã thực hiện được điều đó trong hai cuộc kháng chiến để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, nên có niềm tin sâu sắc nhất định sẽ thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong kỷ nguyên mới, gắn với việc huy động được ở mức cao nhất các động lực cho phát triển và sử dụng, quản lý có hiệu quả, tiết kiệm và bền vững các nguồn lực của nền kinh tế./.

…………………………

(1) Tổng xuất nhập khẩu trên GDP đạt gần 200% năm 2023
(2) Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 3-2-2020, https://media.qdnd.vn/long-form/co-do-vi-the-dat-nuoc-hom-nay-49895
(3) Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chống lãng phí”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13-10-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/chong-lang-phi
(4) Trên cơ sở phân tích định lượng sự phát triển của 150 quốc gia, báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2014 đã chỉ ra các giai đoạn phát triển của các quốc gia trên thế giới tương ứng với mức GDP bình quân đầu người
(5) Bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực, như được xác định trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15-1-2019, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế”
(6) Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 48,6% năm 2010, xuống còn 26,9% năm 2023
(7) Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, trong đó khu vực thành thị là 2,75%
(8) Từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011, lên 199,3 triệu đồng/lao động năm 2023
(9) https://workforce-resources.manpowergroup.com/the-total-workforce-index/2023-total-workforce-index-summary-report
(10) Năm 2024, Việt Nam có 735,5 nghìn doanh nghiệp, gấp 2,6 lần năm 2010. Năm 2022, tỷ trọng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chiếm 0,25% tổng số doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 96,63%; doanh nghiệp FDI chiếm 3,12%. Tổng số dự án FDI được cấp giấy phép thời kỳ 1988 - 2023 là 43.832 dự án, tổng số vốn đăng ký là 592,6 tỷ USD và tổng số vốn thực hiện là 296,8 tỷ USD; đóng góp 24,6% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Riêng năm 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 36,6 tỷ USD, tổng số vốn thực hiện xấp xỉ 23,2 tỷ USD, là mức cao kỷ lục tính từ năm 2018
(11) Nghị quyết số 23/2021/QH15, 28-07-2021, của Quốc hội, “Về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025”, thì nợ công/GDP khoảng 37% so với trần 60%; nợ Chính phủ/GDP khoảng 34% so với trần 50%
(12) Cường độ năng lượng là lượng năng lượng được sử dụng để sản xuất một đơn vị sản lượng kinh tế, đo bằng MJ/USD. Mức cường độ năng lượng sơ cấp là tỷ lệ giữa nguồn cung năng lượng và tổng sản phẩm trong nước theo sức mua tương đương năm 2017
(13) Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2-9-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/ /asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/chuyen-doi-so-dong-luc-quan-trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-thien-quan-he-san-xuat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi
(14) Như các nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; về nâng cao chất lượng chính sách xã hội; về chính sách tiền lương; về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; về bảo đảm an ninh nguồn nước; về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; về phát triển bền vững kinh tế biển; về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030; về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; về phát triển bền vững đô thị Việt Nam; về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập...
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 206
(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 227
(17) Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2-9-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/chuyen-doi-so-dong-luc-quan-trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-thien-quan-he-san-xuat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi
(18) Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Nguồn: Tạp chí cộng sản

Còn lại: 1000 ký tự
Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam

Đề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025

CHG - Năm 2024 đánh dấu một năm Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách vĩ mô. Lạm phát cơ bản được kiểm soát, sản xuất phục hồi ấn tượng, đầu tư nước ngoài khởi sắc, sẵn sàng tâm thế đón nhận làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu đạt mốc lịch sử mới. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt 7,09% - là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới, mở ra một bước chuyển mình mới, giai đoạn phát triển kinh tế Việt Nam trong 2025 - 2030, nấc thang mới, thể hiện tinh thần vươn mình, nỗ lực vượt bậc nhằm đạt được mức tăng trưởng đột phá và phát triển bền vững.

Xem chi tiết
Triển vọng và xu hướng ngành F&B tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Triển vọng và xu hướng ngành F&B tại Việt Nam" do ThS. Hoàng Nguyên Phương (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một) thực hiện.

Xem chi tiết
Phát triển trung tâm Logistic Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với xu hướng Logistic xanh

Bài báo nghiên cứu "Phát triển trung tâm Logistic Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với xu hướng Logistic xanh" do TS. Bùi Thúy Vân - Nguyễn Thị Nguyệt - Nguyễn Thị Ngọc - Nguyễn Thị Phương Mai - Nguyễn Thị Phương Anh (Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3