Kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia


(CHG) Thời gian qua, lực lượng chức năng trên nhiều địa phương đã liên tiếp phát hiện và xử phạt nhiều cửa hàng xăng dầu về những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng, những sai phạm bị xử lý mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” của ngành hàng này, bởi cùng với diễn biến của thị trường xăng dầu những ngày qua, nhiều nghịch lý và hiện tượng gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã dần bộc lộ, làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Người dân xếp hàng mua xăng trước giờ điều chỉnh giá.

“Bề nổi của tảng băng chìm”

Liên tục trong nhiều tháng qua, hiện tượng thiếu xăng để phục vụ nhu cầu của người dân có những lúc đã diễn ra ở nhiều địa phương. Điều này đã làm cho người dân phải chạy đôn đáo qua nhiều cây xăng mới mua được vài chục nghìn tiền xăng, hay phải xếp hàng dài chờ đợi rất lâu mới mua được số nhiên liệu đủ dùng cho phương tiện. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cung cấp cho thị trường đã, đang và sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, làm xáo trộn nghiêm trọng tới đời sống của người dân. 
Nói về nguyên nhân thiếu hụt xăng dầu thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện tượng này là bởi tác động của giá xăng dầu thế giới lên giá trong nước, do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022, cùng với xung đột Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực rất lớn lên mặt hàng này.
Tại Việt Nam, mặc dù Nhà nước đã chủ động chuyển đổi cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng linh hoạt (điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/1 lần); sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, giảm thuế môi trường lên mặt hàng xăng dầu... tuy nhiên tình trạng khan hiếm và thiếu hụt xăng dầu cục bộ vẫn thường xuyên diễn ra, thậm chí có những thời điểm hiện tượng thiếu hụt xăng dầu diễn ra trên diện rộng.
Tại nhiều tỉnh thành, tình trạng một vài cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa “bất thường”, dừng bán hàng, không thông báo với cơ quan chức năng... thực chất đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” cho một ngành hàng được xếp vào vị trí an ninh quốc gia. Theo giới kinh doanh xăng dầu, chủ yếu “phần chìm” của tảng băng không phải ai cũng nhận thấy, bởi những “mánh khóe” gian lận trong kinh doanh xăng dầu đó thường khó nhận biết. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng có kiểm chứng cụ thể bằng thiết bị chuyên dụng mới có thể phát hiện ra.
Dẫn chứng cụ thể cho vấn đề trên là vụ việc ngày 30/7/2022, cửa hàng kinh doanh xăng dầu Bình Thúy kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, sau khi người tiêu dùng đồng loạt lên tiếng, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm nghiệm và cho kết quả xăng dầu kém chất lượng. Hay như, thắc mắc của chị Đ.T.N, một người tiêu dùng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội): “Tôi thấy nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu không có cột bơm xăng E5/A92, chỉ có cột bơm A95. Nhiều lúc tự hỏi, có khi nào mình mua xăng A95 nhưng thực chất lại đang sử dụng E5/A92, bởi tôi thấy chênh lệch giá xăng giữa A95 và xăng E5/A92 là khá lớn”.
Chị Đ.T.N cũng cho biết thêm: “Thời gian vừa qua tôi thấy rất nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu thường xuyên dùng “tiểu xảo” để trì hoãn việc bán xăng dầu cho khách hàng trước thời điểm tăng giá. Cụ thể, họ thường xuyên lấy lý do đang nhập hàng, vì an toàn nên tạm dừng bán hàng. Tuy nhiên, thời gian bơm xăng dầu vào bể chứa của cửa hàng kéo dài bất thường, lên tới nhiều giờ, chỉ đến khi có thông báo điều chỉnh giá xăng dầu họ mới tiếp tục mở bán...”.
Hành vi ngừng bán xăng dầu trước giờ lên giá không những gây ra sự xáo trộn cho đời sống tiêu dùng bình thường của người dân trong một thời điểm cụ thể, mà còn là hành vi gian lận về thời điểm bán hàng mà cửa hàng đã đăng ký với cơ quan chức năng. Hành vi trên nhằm mục đích “móc túi” của người tiêu dùng, nhằm trục lợi cho phía doanh nghiệp. Có thể số tiền với một khách hàng là không lớn (chỉ 500 đồng - 1.000đồng/1 lít xăng dầu), nhưng với hàng nghìn, hàng vạn khách hàng thì số tiền trục lợi bất chính của thương nhân bán lẻ sẽ rất lớn.
Nghịch lý trong kinh doanh xăng dầu
Trao đổi trực tiếp với ông N.V.T, một thương nhân bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông T. cho rằng: “Thời gian qua, chúng tôi rất khó khăn trong việc nhập hàng từ phía thương nhân phân phối xăng dầu (đơn vị ký hợp đồng cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ). Mặc dù biết thương nhân phân phối khác có thể cung ứng được xăng dầu cho phía cửa hàng, tuy nhiên phía doanh nghiệp không dám nhập bổ sung hàng thiếu hụt. Bởi nếu theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được nhập hàng từ một thương nhân phân phối. Nếu chúng tôi nhập ở đầu mối khác, sẽ bị cơ quan chức năng phạt rất nặng, thậm chí nếu hành vi lặp lại nhiều lần rất có thể bị thu hồi giấy phép”.


Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu thiếu hụt nguồn cung ứng.

Một nghịch lý đối với thương nhân bán lẻ bán xăng dầu trong thời gian qua, đó là chính là tâm lý “sợ đông khách”. Đây có lẽ là tâm lý ngược trong hoạt động kinh doanh, nhưng lại đang phản ánh những điều hết sức thực tế trong kinh doanh xăng dầu thời điểm vừa qua. Bởi với mức triết khấu không đồng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu sẽ bị lỗ rất nhiều trong việc vận hành, quản lý và vận chuyển... Điều đó dẫn tới nguy cơ nhiều cửa hàng kinh doanh xăng không thể “cầm cự” nổi cuộc chơi mà phải chủ động đóng cửa.
Điều bất thường diễn ra trong thời gian những tháng cuối năm 2022, đầu 2023, đó là hiện tượng khan hiếm xăng dầu diễn ra trên diện rộng, ngay cả với thời điểm có sự điều chỉnh giảm giá trong kỳ điều hành. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề trên chính là sự trông ngóng vào việc điều chỉnh giá xăng dầu lũy kế sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Việc thương nhân phân phối “om” hàng, hoặc cung cấp nhỏ giọt cho các thương nhân bán lẻ, nhất là vào thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đã tạo nên khan hiếm thực sự tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Ông T.V.S, một thương nhân đầu mối xăng dầu thẳng thắn chia sẻ: “Đúng là thời gian qua các doanh nghiệp kinh doanh về xăng dầu thiếu hụt nguồn cung ứng thực sự, nhất là đảm bảo cho nguồn cung ứng xăng dầu trong thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhiều thương nhân phân phối xăng dầu (khâu trung gian) cố tình tìm mọi cách “lách luật” để “om hàng”, hoặc cung ứng “nhỏ giọt”. Điều đó dẫn đến tình hình khan hiếm cục bộ, thậm chí có nơi khan hiếm “ảo”, khi xăng dầu lên giá họ mới tiếp tục cung ứng cho thương nhân bán lẻ”.
Vấn đề không thể phủ nhận đó chính là việc thiếu hụt dòng tiền để nhập hàng. Mặc dù, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối được phép nhập xăng dầu từ nhiều nguồn và là khâu trung gian để cung cấp xăng dầu cho các thương nhân bán lẻ. Thế nhưng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (cả thương nhân đầu mối và thương nhân bán lẻ) thời gian qua lỗ triền miên, có những doanh nghiệp số tiền lỗ hàng tháng lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều đơn vị số tiền lỗ có thể lớn hơn rất nhiều. Cùng với đó là việc siết chặt tín dụng từ phía các ngân hàng, cũng như quá trình hồi phục của doanh nghiệp sau đại dịch chưa ổn định, bởi vậy nhiều doanh nghiệp đầu mối không còn đủ năng lực tài chính để nhập xăng dầu dự trữ.
Chia sẻ nghịch lý trên, một thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho hay: “Chưa bao giờ kinh doanh xăng dầu lại khó khăn như thời điểm này. Những tháng gần đây, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, thực hiện kế hoạch của cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, tránh đứt gãy nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân, doanh nghiệp của tôi đã chủ động trong việc dự trữ xăng dầu để cung cấp cho các thương nhân bán lẻ, cũng như các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp. Để thực hiện được diều đó, doanh nghiệp của chúng tôi chịu rất nhiều áp lực về mặt tài chính. Doanh nghiệp phải huy động nguồn lực tài chính qua rất nhiều kênh, trong đó giá trị gia tăng lợi nhuận có thể nói là bằng không, thậm chí là lỗ chi phí khác”.
Việc nguồn cung ứng xăng dầu bị đứt gãy cục bộ tại một số địa phương trong thời gian qua, không chỉ gây khó khăn cho đời sống tiêu dùng của người dân trên địa bàn, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Nếu tình trạng nêu trên không sớm được khắc phục, và còn kéo dài sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp bị suy yếu, tổn thương.
Được biết, Chính phủ đã dự kiến các quyết sách để hạn chế tối đa những nghịch lý và gian lận thương mại diện rộng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, an lòng người dân và doanh nghiệp... trong đó có cả việc điều chỉnh Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, điều mà dư luận mong đợi là dù bất cứ trong hoàn cảnh, điều kiện nào cũng không được để đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu của xã hội, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế. 

Còn lại: 1000 ký tự
Đà Nẵng: Xử phạt 02 cửa hàng trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.

Xem chi tiết
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường

(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.

Xem chi tiết
Gia Lai: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 03 tháng cuối năm 2024

(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xem chi tiết
Phú Yên: Kịp thời thu giữ 1.563 hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.

Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà

(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.

Xem chi tiết
2
2
2
3