Lo ngại chất lượng tín dụng ngân hàng khi nợ xấu gia tăng


(CHG) Chất lượng tín dụng của các ngân hàng sau 9 tháng năm 2023 đều có diễn biến không mấy khả quan, khi nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 1% hồi đầu năm thì nay đã ghi nhận tăng vượt mức này.
Chỉ còn 1 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Vietcombank báo lãi trước thuế 9 tháng năm 2023 hơn 29.550 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của ngân hàng này lại đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 30/09/2023 là 14.394 tỷ đồng, tăng tới 84% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) đều tăng hơn 6 lần so với hồi cuối năm 2022. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,68% hồi đầu năm lên 1,21%.

So sánh tỷ lệ nợ xấu từ cuối năm 2022 với 3 quý của năm 2023 tại một số ngân hàng. Biểu đồ: H.D
 
Tại Techcombank, lãi trước thuế 9 tháng của ngân hàng này đạt hơn 17.115 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do tăng mạnh chi phí dự phòng. Về chất lượng nợ vay, nếu như cuối năm 2022, ngân hàng này chỉ ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 0,73% thì sau 9 tháng năm 2023, tỷ lệ này đã tăng lên mức 1,4%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, còn nợ nhóm 5 tăng 79% lên hơn 1.791 tỷ đồng, chiếm gần 27,7% tổng nợ xấu.
Tương tự với ACB, lợi nhuận trước thuế tăng 11% lên hơn 15.024 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2023 dù tăng mạnh trích lập dự phòng nhưng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng từ mức 0,74% của cuối năm 2022 lên 1,21% với khối lượng nợ xấu của các nhóm 3,4,5 đều tăng khá mạnh. Tại TPBank, lợi nhuận trước thuế giảm 26% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 1.576 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ mức 0,84% hồi đầu năm lên 2,97% sau 9 tháng 2023.
Trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 đến nay, hiện chỉ còn BacABank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1% dù cũng đã tăng hơn. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của BacABank đã tăng từ 0,55% hồi cuối năm 2022 lên 0,77% vào cuối quý 3/2023. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng tới 245%, nợ nhóm 4 tăng 289%.
Nợ xấu còn tiềm ẩn, nhiều khó khăn trong xử lý nợ
4 ngân hàng nêu trên tuy tỷ lệ nợ xấu đều tăng nhưng vẫn ở mức thấp trong ngành. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng ở mức cao, vượt mức 3% tổng dư nợ, thậm chí có ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở mức hai con số.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của VPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ hiện đã tăng lên mức 3,96% so với mức 2,8% hồi cuối năm 2022; VIB cũng tăng lên 3,6% từ mức 2,5% vào cuối năm ngoái. Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận 9 tháng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng nợ xấu cũng tăng hơn 20% so với hồi đầu năm, nợ nhóm 3 tăng gần 5 lần, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ mức 1,89% hồi đầu năm lên 2,14% sau 9 tháng.
Với một số ngân hàng khác, tỷ lệ nợ xấu ở xu hướng tăng nhưng lợi nhuận lại giảm sâu. Như tại VietABank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2023 chỉ đạt hơn 63 tỷ đồng, giảm đến 67% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chất lượng nợ vay cũng giảm xuống khi có hơn 96% nợ xấu là nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn, nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,53% hồi đầu năm lên 1,69% sau 9 tháng năm 2023.
Eximbank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 1,712 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, trong khi tổng nợ xấu tăng 53% so với đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay tăng từ 1,8% vào cuối năm 2022 lên 2,64% tính đến 30/9/2023. TPBank cũng giảm 26% lãi trước thuế, chỉ còn gần 1.576 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ mức chỉ 0,84% đầu năm lên 2,97%.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng từ 2% hồi đầu năm lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023, tương đương hơn 440.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, DongABank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.
Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này là 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) tổng dư nợ tín dụng.
Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mới đây, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đã bày tỏ lo ngại khi nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực.
Đại biểu này còn cho biết, nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của 1 ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt. Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, các ngân hàng chia sẻ, việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng gặp thách thức. Hơn nữa, bối cảnh kinh tế gặp khó làm suy giảm khả năng trả nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách ưu đãi khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về tiền tệ là vấn đề cần được quan tâm và chú trọng hơn, trong đó kỳ vọng nhiều vào việc Quốc hội sẽ thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 này. Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng, trong đó lưu ý chất lượng tín dụng và tính hình xử lý nợ xấu để phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro, hành vi vi phạm để có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp.
 

Nguồn: Hải quan Online

Còn lại: 1000 ký tự
Tiền Giang: Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang thực hiện kiểm tra, phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính là không thể hiện đầy đủ tên cơ sở kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Xử phạt 180 triệu đồng vi phạm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Xem chi tiết
Bến Tre: Kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre thực hiện kiểm tra, phát hiện kinh doanh buôn bán dược phẩm nhưng không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở theo quy định pháp luật, kinh doanh mỹ phẩm là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem chi tiết
Khẩn trương thực hiện ngay thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thị trường vàng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng.

Xem chi tiết
An Giang: Kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Xem chi tiết
Kiên Giang: Truy cứu trách nhiệm hình sự vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

(CHG) Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định chuyển hồ sơ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm về buôn lậu để truy cứu trách nhiệm hình sự có giá trị 146 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3