(CHG) Với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, cả năm 2022 xuất khẩu rau quả sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD. Đáng chú ý, dự báo năm 2023 xuất khẩu rau quả còn có thể bùng nổ hơn nữa với đích khoảng 4 tỷ USD.
Dự báo, xuất khẩu rau quả có nhiều điều kiện thuận lợi trong năm 2023. Ảnh: ST
“Bẻ khoá” thị trường, khởi sắc tại Trung Quốc
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan thông tin, 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu rau quả ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc nhiều khởi sắc. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu rau quả sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 11 tháng qua, xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả khả quan. Đáng chú ý, sầu riêng, thanh long, chuối… đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc nhờ những nghị định thư được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Mới đây, hai bên đã ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, cũng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu khoai lang vào thị trường này…
Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu- nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Sau 2 năm đại dịch, nhờ có sự chuẩn bị tốt, xuất khẩu rau quả đạt được thành tựu đáng mừng. Đáng chú ý trong năm 2022, mặt hàng sầu riêng, bưởi... của Việt Nam đã mở cửa vào được các thị trường “khó tính”. Chánh Thu cũng như không ít doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có tăng trưởng khá cao trong năm 2022”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) phân tích: Trong năm 2022 cần đặc biệt nhấn mạnh mạnh sự uy tín của các doanh nghiệp, của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực. Sản phẩm trái cây của Việt Nam có nhiều khác biệt so với nhiều quốc gia khác nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, sự vào cuộc kịp thời của công tác xúc tiến thương mại cũng là một yếu tố giúp cho việc “bẻ khóa” thị trường tốt hơn.
Riêng với ngành bảo vệ thực vật, trong năm 2022 đạt được không ít thành tựu. Đối với thị trường Trung Quốc, ngay đầu năm là xuất khẩu ớt trở lại, rồi đến mở cửa thị trường cho chanh leo, cuối năm là mở cửa xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang. Với các thị trường khác cũng rất thuận lợi như xuất khẩu bưởi sang New Zealand. “Thời gian tới hy vọng có thêm nhiều loại nông sản của Việt Nam được xuất sang nhiều thị trường trên thế giới”, ông Hiếu nói.
Xuất khẩu 2023 dự kiến 4 tỷ USD
Về “bức tranh” xuất khẩu rau quả năm 2023, trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, đây có thể là năm bùng nổ của ngành rau quả.
“Hiện nay, thị trường đang dần mở cửa, giảm bớt kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu tốt hơn. Ngoài ra, dần dần những khó khăn về logistics, về vận chuyển được tháo gỡ, giá cước càng ngày càng giảm, càng rẻ cũng taọ điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam”, ông Nguyên nói.
Các mặt hàng xuất khẩu mới được mở cửa ở nhiều thị trường trong năm 2022 cũng như tác động tích cực từ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết, thực thi chắc chắn tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả. “Năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD”, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu cho răng, tiếp nối thành công của năm 2022, năm 2023 ngành bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam. Ví dụ, tại thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục với sản phẩm cây có múi như cam, bưởi. Với thị trường các nước phát triển như Mỹ sẽ tiếp tục với sản phẩm chanh dây, dừa… Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả nhãn...
Đó là chiến lược theo đuổi, mở cửa tại các thị trường lớn, các thị trường với sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục nghiên cứu các biện pháp xử lý mới cho trái cây Việt xuất khẩu, thay thế các biện pháp xử lý mà các nước đề xuất có chi phí, công sức bỏ ra lớn. Mục tiêu là tìm giải pháp phù hợp với Việt Nam để giúp các DN có lợi thế hơn về cạnh tranh.
“Bên cạnh mở cửa thị trường, ngành bảo vệ thực vật sẽ tiếp duy trì thành quả đạt được thời gian qua. Hiện nay, hiểu biết quy định của người sản xuất còn hạn chế. Do vậy, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn. Cục đã xây dựng website: sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để đăng tải thông tin dữ liệu cơ sở từ vùng trồng, đóng gói… nhanh nhất tới người sử dụng, đồng thời xây dựng tài liệu tập huấn, video, sách nói…”, ông Hiếu chia sẻ.
Bà Ngô Tường Vy cũng cho biết vừa qua, giá bán sầu riêng của Công ty Chánh Thu tại thị trường Trung Quốc không thua kém các thương hiệu của Thái Lan. Đây là bước đệm và năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của Chánh Thu, nhất là với sản phẩm sầu riêng. Doanh nghiệp sẽ tăng cường liên kết với nông dân, hợp tác xã để tăng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhiều hơn cho thị trường Trung Quốc.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm sầu riêng mang thương hiệu Chánh thu vào thị trường Trung Quốc. Khi làm sản phẩm có thương hiệu, chúng tôi có quyền lựa chọn khách hàng để tăng lợi thế cạnh tranh. Vì thế, chúng tôi mong các địa phương, nông dân cùng đồng hành”, bà Vy nói.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xuat-khau-rau-qua-bung-no-trong-nam-2023-170728.html
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết