(CHG) Khi áp dụng ISO 22000, cơ sở phải làm nhiều việc hơn so với không áp dụng tiêu chuẩn này, chi phí cũng tăng. Tuy nhiên, nếu so với lợi ích mà nó mang lại thì các chi phí này là rất đáng để đầu tư.
Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đang phải đối mặt với yêu cầu khắt khe về đảm bảo an toàn thực phẩm từ khách hàng, đồng thời phải đảm bảo đạo đức kinh doanh và lợi ích cho doanh nghiệp. Việc lựa chọn phương pháp quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với sản phẩm, công nghệ, trình độ nhân viên và định hướng phát triển của doanh nghiệp là hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo uy tín, cạnh tranh và phát triển bền vững.
Mối nguy an toàn thực phẩm có thể là mối nguy vật lý, hoá học và sinh học. Chúng có thể phát sinh, tồn tại và nhân lên trong các công đoạn hình thành sản phẩm thực phẩm, từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến nguyên liệu, đến khâu bảo quản, vận chuyển đồ ăn uống, đến người tiêu dùng. Để ngăn ngừa những mối nguy đó thì việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến (ISO 22000) là rất cần thiết.
ISO 22000 có tên gọi đầy đủ là Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm. Điều này có nghĩa tiêu chuẩn áp dụng cho mọi tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có tác động, trực tiếp hay gián tiếp tới an toàn thực phẩm, từ cơ sở trồng trọt. Chăn nuôi, chế biến, lưu trữ, vận chuyển, phục vụ thực phẩm đến cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật liệu bao gói.
ISO 22000 đưa ra các yêu cầu rất toàn diện, từ việc cung cấp, bố trí cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ, môi trường đến kiến thức và nhận thức của cá nhân, tập thể, quy trình sản xuất luôn phải phù hợp, các hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá. Một cơ sở áp dụng ISO 22000 với nhiều việc phải làm hơn so với những cơ sở không áp dụng tiêu chuẩn này, từ việc đầu tư đến huấn luyện, xây dựng quy trình, thực hiện giám sát… xét từ góc độ đó rõ ràng cần chi phí nhất định cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, nếu so với lợi ích mà nó mang lại thì các chi phí này là rất đáng để “đầu tư”.
Mặc dù ISO 22000 mang lại nhiều thành công cho doanh nghiệp nhưng việc áp dụng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có một số vấn đề cần được quan tâm ngay khi bắt tay vào việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn này, có thể kể đến như: Cơ sở hạ tầng không được thiết kế ngay từ đầu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu nên khi sửa đổi thường mang tính chắp vá, gượng ép.
Thói quen vệ sinh và tính tự giác của nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm không dễ thay đổi. Thông tin lẫn nhau trong chuỗi cung cấp thực phẩm về nguy cơ, mối nguy nào đó không dễ thực hiện được trong điều kiện hiện nay khi mà hầu hết đơn vị sản xuất cũng như người tiêu dùng còn nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề vệ sinh an toàn đối với thực phẩm mà họ sản xuất, tiêu dùng. Sự chủ quan do trong một thời gian dài không có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra…..
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Những lợi ích của chứng nhận ISO 22000 mang lại bao gồm:
Xác định, quản lý, giảm thiểu và cải thiện các quy trình an toàn thực phẩm của bạn và truyền thông trong toàn bộ chuỗi cung ứng mang lại cho nhà cung cấp và các bên liên quan niềm tin và các biện pháp kiểm soát mối nguy.
Giảm thiểu và thậm chí loại bỏ các thực hành an toàn thực phẩm gây phản ứng, bao gồm cả việc thu hồi sản phẩm và kiện tụng.
Cho phép doanh nghiệp đo lường sự tiến bộ đối với việc cải tiến liên tục của mình. Tạo hình ảnh thương hiệu thành công, tiếp thị và xếp hạng sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng trong số những sản phẩm tốt nhất
ISO 22000 đã có nhiều cải tiến hoàn chỉnh để cập nhật thêm các yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày nay. Với những thay đổi mang tính tích cực hơn như cấu trúc cấp cao, cách tiếp cận rủi ro và cũng giúp doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh trên toàn thế giới./.
0