(CHG) Nhiều vụ việc pháo tự chế phát nổ gây thương tích, thương tâm của học sinh, do học tự chế pháo nổ từ những video được phát tán trên mạng internet, Youtube... đang là thực trạng nhức nhối. Nhưng vì sao những kênh Youtube này vẫn tồn tại trên mạng mà không bị khóa vĩnh viễn hoặc bị xử lý nghiêm khắc, hoặc răn đe ?
Tài khoản Youtube Trần Văn Hùng đăng tải nhiều video hướng dẫn tự làm pháo nổ từ diêm, được rất nhiều người theo dõi và tương tác.
Nhu cầu chơi pháo vào dịp Tết Nguyên đán như là một nét văn hóa được hình thành từ thời xa xưa ở nước ta. Quan niệm năm mới đốt pháo để xua đuổi tà ma, xua đuổi những thứ không tốt... và đón lộc vào nhà đầu năm, cầu mong một năm bình an, may mắn và hạnh phúc. Nhưng do những tác hại do việc đốt pháo nổ gây ra, từ ngày 08/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 406/TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
Tuy nhiên việc lén lút sản xuất, buôn bán pháo, đốt pháo vẫn diễn ra, và những hành vi này đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như các lực lượng chức năng các địa phương có các biện pháp xử lý nghiêm khắc suốt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện trên không gian mạng đang xuất hiện nhiều tài khoản sử dụng Youtube đăng tải những video hướng dẫn chi tiết việc tự chế pháo nổ từ diêm cho đến việc sử dụng các loại hóa chất để tự sản xuất pháo.
Không chỉ hướng dẫn chế tạo ra các loại pháo nổ với các mức độ sát thương khác nhau, các kênh Youtube này còn hướng dẫn người xem tìm mua các loại hóa chất tương ứng tại những địa chỉ có gắn đường link phía dưới kênh, thậm chí còn xuất hiện nhiều kênh cung cấp những loại hóa chất này....
Có thể nói rằng những kênh Youtube đăng tải những video hướng dẫn làm pháo nổ là một thực trạng nguy hiểm của xã hội, rất cần sự lên án, bài trừ mạnh mẽ. Nhưng do tò mò, thích khám phá mà rất nhiều người đã “thực hành” theo, và đã có rất nhiều vụ việc gây thương tích, thương tâm do pháo tự chế phát nổ gây ra...
Nguy hiểm hơn, các kênh Youtube này xuất hiện dày đặc vào dịp cuối năm, thời điểm học sinh các trường trong học vừa kết thúc học kỳ 1, nên có nhiều thời gian lên mạng tìm đọc, xem và học làm theo. Hậu quả là đã có nhiều vụ việc thương tích do pháo phát nổ, khiến cuộc sống của nhiều trẻ em bị ảnh hưởng suốt đời như những vụ việc chúng tôi đã phản ánh trong bài viết trước.
Liên tục xuất hiện những kênh Youtube hướng dẫn làm pháo nổ.
Không chỉ xem các kênh trên Youtube để học làm pháo nổ để chơi Tết, nhiều em đã tự chế pháo nổ rồi bán kiếm lời. Cụ thể đêm 12/12/2022, Công an xã Nghĩa Thọ (huyện Nghĩa Đàn) phát hiện hai học sinh lớp 8 có hành vi sản xuất pháo nổ. Lực lượng chức năng đã thu giữ 8kg nguyên liệu làm pháo và 7 quả pháo đã thành phẩm. Các em cũng cho biết đã học cách làm pháo nổ và mua các nguyên liệu trên mạng rồi tự chế thành pháo nổ và đã cho nổ thử 4 quả.
Trước đó, ngày 30/11/2022 Công an xã Nam Thanh (huyện Nam Đàn) phát hiện bốn em nhỏ độ tuổi học sinh THCS mang các nguyên liệu và công cụ đến trường học để sản xuất pháo nổ.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết mặc dù hằng năm trước dịp Tết Nguyên đán, công an đã phối hợp nhà trường tổ chức tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ và ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, vật liệu nổ..., nhưng số lượng vụ việc phát hiện học sinh liên quan đến pháo nổ vẫn không hề giảm. Ngoài sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, các bậc phụ huynh cần có các biện pháp quản lý, giáo dục con em mình để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do tự chế tạo pháo nổ.
Cơ quan công an bắt quả tang và thu giữ lượng lớn pháo nổ tự chế của học sinh ở tỉnh TBình.
Việc thanh thiếu niên, học sinh "học" theo mạng chế tạo pháo đã được báo chí đăng tải cảnh báo từ nhiều năm về trước. Nhưng các kênh Youtube này cho đến nay vẫn cứ tồn tại trên mạng xã hội, phát tán những video nguy hiểm như thách thức mọi sự tuyên truyền về tác hại của pháo.
Cũng không thể không nghi ngờ mối liên hệ giữa nơi bán hóa chất làm pháo nổ (nhiều khi núp bóng bán... phân bón) trên các trang mạng và những video hướng dẫn làm pháo trên Youtube. Bởi qua những video, người xem được chỉ tận nơi bán nguyên liệu chế tạo và những nguyên liệu "độc" để tăng hiệu quả gây nổ...
Chẳng hạn như kênh Youtube Trần Văn Hùng có trên 100.000 lượt đăng ký. Chủ tài khoản của kênh này thường xuyên tương tác hướng dẫn người xem, chi tiết cách mua hóa chất gây cháy nổ, giải đáp thắc mắc bằng cách review sản phẩm và giới thiệu trang bán hàng có chủ ý với đường link dẫn bên dưới video có đề cập đến pháo...
Tác hại từ các kênh Youtube hướng dẫn làm pháo nổ, cũng như giới thiệu, bán hóa chất làm pháo này vô cùng nguy hiểm cho xã hội, cho thanh thiếu niên, học sinh... vì những nội dung này thu hút khá đông người thích, trong số đó là không nhỏ thanh thiếu niên và học sinh theo dõi.
Những hậu quả do việc làm pháo tự chế gây ra trong những ngày giáp tết vừa qua là thực tế đáng báo động về việc trẻ em, học sinh bắt chước YouTube làm pháo nổ chơi Tết. Đây là vấn đề rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để những kênh Youtube hướng dẫn làm pháo nổ cũng như cung cấp hóa chất làm pháo nổ, nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 406/TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
12
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết
Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử
(CHG) Trong thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đe dọa cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hợp pháp. Trong guồng quay đó, tỉnh Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường trực tuyến trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xem chi tiết