Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thuốc lá điện tử của sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh


Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thuốc lá điện tử của sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm xác định, đo lường và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng thuốc lá điện tử của sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu vận dụng phương pháp định lượng để khảo sát 122 sinh viên. Kết quả khảo sát cho thấy có 4 yếu tố tác động đến ý định sử dụng thuốc lá điện tử gồm: Yếu tố tâm lý; Đặc điểm cá nhân; Gia đình và người thân; Yếu tố môi trường. Từ kết quả đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm giúp nhà trường, gia đình và sinh viên giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, cải thiện sức khỏe của bản thân sinh viên cũng như mọi người xung quanh.

Từ khóa: thuốc lá, thuốc lá điện tử, ý định sử dụng, sinh viên, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, cả thế giới có hơn 8 triệu người chết do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất. Hàng năm có hơn 40.000 người chết do các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2022, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Đặc biệt, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng trong thời gian gần đây. Năm 2015, tỷ lệ này mới ở mức 0,2%, đến năm 2022 tăng lên 3,8%. Những năm gần đây, trào lưu hút thuốc lá điện tử của sinh viên, học sinh ngày càng gia tăng, theo Lê Minh Đạt và cộng sự (2021) có 7,3% thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 - 24 sử dụng thuốc lá điện tử, gây ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe, thể trạng và tâm sinh lý cho lứa tuổi mới lớn. Xuất phát từ những trăn trở trên, nghiên cứu muốn tìm kiếm và xác định các nguyên nhân dẫn đến hành vi sử dụng thuốc lá điện tử của sinh viên đang học ở các trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp cho sinh viên và các trường đại học có giải pháp để hạn chế tối đa trong việc sử dụng thuốc lá điện tử của sinh viên hiện nay.

2. Cơ sở lý luận

- Thuốc lá điện tử: Theo WHO, đó là thiết bị điện tử làm nóng chất lỏng để tạo ra khói để người dùng hút vào, có thể chứa nicotin hoặc chứa các chất phụ gia, hương vị và hóa chất có thể gây hại tới sức khỏe con người.

- Ý định sử dụng: Theo Ajzen (1991), ý định mang tính thúc đẩy và thể hiện nỗ lực của một cá nhân sẵn sàng thực hiện một hành vi cụ thể. Ý định sử dụng trong nghiên cứu này là động lực tích cực khiến người sử dụng thuốc lá điện tử.

- Mô hình nghiên cứu tiền đề sử dụng mô hình lý thuyết hành vi được lập kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991), Mô hình nghiên cứu được xây dựng dựa trên 3 yếu tố chủ yếu tác động đến ý định hút thuốc lá điện tử như là thái độ hướng tới hành vi, chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định hút thuốc lá điện tử: Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra ý định hút thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên, sinh viên bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, cụ thể như sau:

+ Yếu tố tâm lý: theo Tajidah Talip & cộng sự (2016), các yếu tố khiến sinh viên có ý định sử dụng thuốc lá điện tử bao gồm: hút để giải tỏa căng thẳng tránh áp lực cuộc sống, thể hiện bản thân, lòng tự trọng và sự xa lánh xã hội. Người lớn sử dụng thuốc lá điện tử do nghiện ở độ tuổi thanh thiếu niên và để giải tỏa về những vấn đề cá nhân hoặc tài chính gây áp lực. Các nghiên cứu có sử dụng yếu tố cá nhân như: Premila Devi Jeganathan và các cộng sự (2013), Varun Kumar & các cộng sự (2014).

Giả thuyết H1: Nghiên cứu các yếu tố tâm lý tác động cùng chiều tới ý định hút thuốc lá điện tử.

+ Đặc điểm cá nhân: theo Tajidah Talip & cộng sự (2016), lý do khiến sinh viên có ý định sử dụng thuốc lá điện tử bao gồm: tò mò hương vị của thuốc lá điện tử, nhận thức và kiến thức hiểu biết về thuốc lá điện tử. Những người nghiện thuốc lá có xu hướng nghiện rượu và các chất gây nghiện khác. Các nghiên cứu có sử dụng yếu tố cá nhân như: Đoàn Thị Ngọc Trâm & cộng sự (2016), Trần Thị Phượng & Phạm Bích Diệp (2019), Trần Đình Thoan & cộng sự (2020), Nguyễn Ngọc Nghĩa & các cộng sự (2023), Abraham Kojo Brown & cộng sự (2010), Mahmood Karimy & các cộng sự (2013), SoonBok E. Park và các cộng sự (2014), Varun Kumar & các cộng sự (2014), Jin Suk Ra và Mi Sook Jung (2018), Ijeoma U. Itanyi và các cộng sự (2020).

Giả thuyết H2: Nghiên cứu các đặc điểm cá nhân tác động cùng chiều đến ý định hút thuốc lá điện tử của sinh viên.

+ Gia đình & người thân: Theo Abraham Kojo Brown & cộng sự (2010), những người trẻ tuổi có nhiều khả năng hút thuốc hơn nếu cho rằng việc sử dụng thuốc lá là bình thường ở những người cùng trang lứa. Rõ ràng là trong bối cảnh xã hội, hành vi của thanh thiếu niên phần lớn được hình thành bởi hành vi của bạn bè hoặc thành viên gia đình, có thể ảnh hưởng thông qua việc làm mẫu hoặc hành vi bắt chước của bạn bè và những hành vi tiêu cực của cha mẹ hoặc anh chị em ruột khi hút thuốc. Các nghiên cứu có sử dụng yếu tố này như: Trần Thị Phượng & Phạm Bích Diệp (2019), Trần Đình Thoan & cộng sự (2020), Nguyễn Ngọc Nghĩa & các cộng sự (2023), Abraham Kojo Brown & cộng sự (2010), Premila Devi Jeganathan và các cộng sự (2013), SoonBok E. Park và các cộng sự (2014), Varun Kumar & các cộng sự (2014), Tajidah Talip & các cộng sự (2016), Jin Suk Ra và Mi Sook Jung (2018), Ijeoma U. Itanyi và các cộng sự (2020).

Giả thuyết H3: Nghiên cứu các yếu tố gia đình và người thân tác động cùng chiều đến ý định hút thuốc lá điện tử của sinh viên.

+ Yếu tố môi trường: thuốc lá điện tử là mặt hàng cấm quảng cáo, nhưng trên thực tế dễ dàng bắt gặp các quảng cáo thuốc lá trên các nền tảng mạng xã hội. Cần lưu ý là, đối tượng của các quảng cáo này nhắm đến là giới trẻ và đang nhanh chóng xâm nhập vào trường học.

Rahul Sharma & cộng sự (2010) đã chỉ ra “Hành vi của những người quan trọng trong môi trường trực tiếp của thanh thiếu niên mà họ có thể coi là hình mẫu có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của thanh thiếu niên”. Những người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng yêu thích của giới trẻ cũng dẫn đến ý định hút thuốc lá điện tử của sinh viên. Cuối cùng, về mặt pháp luật hiện chưa có quy định nào đưa ra việc cấm sử dụng loại mặt hàng này, vì thế nhà trường vẫn chưa có biện pháp mạnh để hạn chế sinh viên sử dụng thuốc lá điện tử trong khuôn viên trường. Các nghiên cứu có sử dụng yếu tố này như: Trần Thị Phượng & Phạm Bích Diệp (2019), Trần Đình Thoan & cộng sự (2020), Nguyễn Ngọc Nghĩa & các cộng sự (2023), Abraham Kojo Brown & cộng sự (2010), Premila Devi Jeganathan và các cộng sự (2013), SoonBok E. Park và các cộng sự (2014), Varun Kumar & các cộng sự (2014), Tajidah Talip & các cộng sự (2016), Jin Suk Ra và Mi Sook Jung (2018), Ijeoma U. Itanyi và các cộng sự (2020).

Giả thuyết H4: Nghiên cứu các yếu tố môi trường tác động cùng chiều đến ý định hút thuốc lá điện tử của sinh viên.

3. Mô hình nghiên cứu

Sau khi tiến hành lược khảo các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, nhóm tác giả dựa vào nghiên cứu của Tajidah Talip & cộng sự (2016) để làm tiền đề cho mô hình nghiên cứu. Mô hình nghiên cứu này được xây dựng dựa trên 4 yếu tố tác động đến ý định hút thuốc lá điện tử gồm: Yếu tố tâm lý; Đặc điểm cá nhân; Gia đình và người thân; Yếu tố môi trường chưa được điều chỉnh qua các nghiên cứu sau này. 

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

thuốc lá điện tử

4. Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định hút thuốc lá điện tử, từ đó đánh giá sơ bộ thang đo lường thông qua hệ số tin cậy Cronbach’ Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và phân tích hệ số hồi quy tuyến tính. Cấu trúc bảng câu hỏi gồm 4 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc. Dữ liệu được thu thập từ việc khảo sát ngẫu nhiên 122 sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 2/2023 và được xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0.

5. Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định thang đo Cronbach's Alpha, cho thấy hệ số tin cậy của các biến độc lập đều thỏa điều kiện  0,6 và các biến quan sát đều > 0,3 .Vậy kết quả giữ nguyên 22 biến quan sát. Đối với hệ số KMO = 0.860, sig Barlett’s Test = 0.000, như vậy phân tích hệ số là phù hợp. Phân tích nhân tố khám phá EFA loại 3 biến quan sát không đạt điều kiện hệ số tải lớn hơn 0.5 và phân tích lại 19 biến quan sát để đảm bảo các biến gom thành 4 nhân tố.

Tiến hành kiểm định mô hình hồi quy cho ra kết quả (Bảng 1) cho thấy R bình phương hiệu chỉnh bằng 0,493 cho thấy các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy ảnh hưởng 49,3% sự biến thiên của biến phụ thuộc, còn lại là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Hệ số Durbin-watson = 2.041 < 3; VIF<5. Nhân tố trung gian có giá trị sig 0.281 > 0.05, do đó nhân tố này không có ý nghĩa trong mô hình hồi quy. Các biến còn lại gồm đặc điểm cá nhân, yếu tố gia đình và người thân, yếu tố môi trường đều có giá trị sig < 0.05, do đó các biến này đều có ý nghĩa thống kê và tác động cùng chiều lên biến phụ thuộc. Mô hình hồi quy chuẩn hóa có dạng như sau:

KQHT = 0,371*GĐ + 0,301*CN + 0,291*MT + ɛ

Bảng 1. Phân tích hệ số hồi quy

thuốc lá điện tử

Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện

Nhân tố của bản thân sinh viên tác động tới quyết định hành vi hút thuốc. Bởi lẽ, nhân tố này đã cho thấy sinh viên có động cơ để hút thuốc lá điện tử như: tò mò về hương vị, giải tỏa căng thẳng, trầm cảm hay lo lắng trong cuộc sống.

Mối quan hệ xung quanh tác động đến hành vi hút thuốc của sinh viên. Từ nhân tố xã hội cho thấy, sinh viên dễ bị rủ rê hút thuốc lá điện tử từ bạn bè hoặc các mối quan hệ bên ngoài hơn là người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, sự giám sát, quan tâm của gia đình không đáng kể, mâu thuẫn gia đình kéo dài cũng là nguyên nhân khiến sinh viên đến với thuốc lá điện tử.

Nhân tố môi trường xung quanh tác động đến hành vi hút thuốc của sinh viên. Mạng xã hội là nơi mà giới trẻ dễ dàng tiếp xúc và tìm hiểu về thuốc lá điện tử nhất. Sinh viên có thể học theo những người ảnh hưởng trên mạng xã hội để sử dụng.

6. Kết luận và kiến nghị

Đề tài thực hiện nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định hút thuốc lá điện tử của sinh viên trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên mẫu 122 sinh viên. Đây cũng là những ý kiến cá nhân của sinh viên về các nhân tố tác động đến ý định hút thuốc lá điện tử. Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị sau:

+ Đối với nhà trường: cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về những tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và hành vi từ bỏ hút thuốc lá trong sinh viên. Cần triển khai sớm từ những năm đầu khi sinh viên mới bước vào giảng đường đại học để phòng ngừa và thay đổi hành vi hút thuốc lá của sinh viên.

+ Đối với gia đình: dành thời gian quan tâm, lắng nghe sinh viên và quan sát tất cả các hoạt động trong đời sống của sinh viên trên tinh thần tôn trọng, tránh dẫn đến các hành động chống đối và phụ huynh phải làm gương bằng cách bỏ thuốc lá khi đang sử dụng để tránh con trẻ có hành vi bắt chước sử dụng thuốc lá điện tử.

+ Đối với sinh viên: nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại của thuốc lá, chủ động không tiếp xúc với thuốc lá nhằm gìn giữ, bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân trong gia đình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đoàn Thị Ngọc Trâm và cộng sự (2016). Kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan đến hút thuốc lá ở nam thanh niên từ 15-24 tuổi, tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, Số 8(105), 35-38.
  2. Lê Minh Đạt và cộng sự (2021). Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên 15-24 tuổi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 và một số yếu tố liên quan. Tạp chí Y tế Công cộng, Số 57, tháng 12/2021, 51-62.
  3. Nguyễn Ngọc Nghĩa và cộng sự (2023). Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến thói quen hút thuốc lá ở nam học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thành phố Yên Bái năm 2023. Tạp chí Y học Việt Nam, Tập 529 - Tháng 8 - Số 1, 139-143.
  4. Trần Đình Thoan và cộng sự (2020). Thái độ của nam sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình và một số yếu tố liên quan đối với hút thuốc lá và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Viện Sức khỏe cộng đồng nghiên cứu khoa học, Số 3 (56), 113-118.
  5. Trần Thị Phượng, Phạm Bích Diệp (2019). Ý định hút thuốc lá điện tử của nam giới Hà Nội - Ứng dụng lý thuyết hành vi được lập kế hoạch. Tạp chí nghiên cứu Y học, 121 (5), 146-154.
  6. Abraham Kojo Brown at el. (2010). The association of normative perceptions with adolescent smoking intentions. Journal of Adolescence, 33(5), 603-614.
  7. Icek Ajzen (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211.
  8. Ijeoma U. Itanyi at el. (2020). Predictors of current tobacco smoking by adolescents in Nigeria: Interaction between school location and socioeconomic status. Tobacco Induced Diseases, 1-13.
  9. Jin Suk Ra, M. S. (2018). School-related factors affecting smoking intention among Korean middle school students. Applied Nursing Research, 39, 34-40.
  10. Karimy M. at el. (2013). Prevalence and determinants of male adolescents' smoking in iran: an explanation based on the theory of planned behavior. Iranian Red Crescent Medical Journal, 15(30), 187-93.
  11. Kumar V. at el. (2014). Psychosocial Determinants of Tobacco Use among School Going Adolescents in Delhi, India. Hindawi Publishing Corporation Journal of Addiction, 6 pages.
  12. Premila Devi Jeganathan at el. (2013). Smoking Stage Relations to Peer, School and Parental Factors among Secondary School Students in Kinta, Perak. Asian Pacific Journal of Cancer Prevention, 14, 3483-3489.
  13. Sharma R., Grover V.L., Chaturvedi S. (2010). Tobacco Use Among Adolescent Students and the Influence of Role Models. Indian Journal of Community Medicine,35(2), 272-275.
  14. SoonBok E. Park, K.-s. L.-N. (2014). Structural model of factors influencing smoking behavior among Korean - Chinese adolescent boys. Applied Nursing Research, 27(3), 192-197.
  15. Tajidah Talip at el. (2016). Systematic Review of Smoking Initiation among Asian Adolescents, 2005-2015: Utilizing the Frameworks of Triadic Influence and Planned Behavior. Asian Pacific Journal of Cancer Prevention, 17, 3341-3355.
  16. World Health Organization. Tobacco: E-cigarettes. Available at: https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/tobacco-e-cigarettes.

 

ThS. Lưu Chí Danh - Nguyễn Thị Hoa - Nguyễn Yến Nhi - Nguyễn Huỳnh Quang Trí (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện

 

Factors affecting the intention of university students

in Ho Chi Minh City to use e-cigarettes

Master. Luu Chi Danh1

Nguyen Thi Hoa1

Nguyen Yen Nhi1

Nguyen Huynh Quang Tri1

1Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University

ABSTRACT:

This study identified, measured, and evaluated the factors that influence the intention of university students in Ho Chi Minh City to use e-cigarettes. Quantitative methods were used to survey 122 students in this study. The study’s results showed that there are four factors affecting the intention of students to use e-cigarettes, including psychological factors, personal characteristics, family and relatives, and environmental factors. Based on the study’s findings, some recommendations were made to help school administrators, families, and students reduce the use of e-cigarettes and improve the health of students and people around them.

Keywords: cigarettes, e-cigarettes, intention to use, student, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp

Đề tài Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp do TS. Đinh Thị Kim Xuyến (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP

Đề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.

Xem chi tiết
Cần biết quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng...

(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới, trong đó quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”.

Xem chi tiết
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam

Đề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.

Xem chi tiết
Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam

Đề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3