Các yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn


Bài viết "Các yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn" do Phan Lê Nga - Đỗ Thị Hà Anh (Học viện Chính sách và Phát triển) thực hiện.

Tóm tắt:

Mục tiêu phát triển bền vững đi kèm với bảo vệ môi trường đã đặt ra cho các quốc gia, các ngành sản xuất trong nền kinh tế trước yêu cầu xây dựng và phát triển một mô hình tăng trưởng kinh tế mới do mô hình kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp. Các tổ chức quốc tế cũng như nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra mô hình nền kinh tế tuần hoàn là phù hợp để giải quyết yêu cầu này. Nghiên cứu này thực hiện tổng quan các tài liệu nghiên cứu đã được công bố để làm rõ hơn khái niệm về mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như chỉ ra các yếu tố là động lực và rào cản cho sự hình thành, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại các quốc gia, từ đó làm cơ sở cho việc tham khảo, xây dựng chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn.

Từ khóa: mô hình, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

1. Đặt vấn đề

Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành vấn đề cần thiết và được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ quan tâm và thực hiện trong bối cảnh môi trường trên toàn thế giới đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm chất thải do con người gây ra. Từ cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu chú trọng đến nội dung phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trong việc xây dựng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thực hiện, nhiều nghiên cứu thực nghiệm được công bố đã cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn không tách rời với suy thoái môi trường trên toàn cầu (Hickel & Kallis và cộng sự, 2019). Mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa chỉ khả thi khi tăng trưởng GDP toàn cầu bằng 0. Mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,50C không khả thi với kịch bản tăng trưởng GDP toàn cầu bằng 0 mà chỉ có thể đạt được trong kịch bản tăng trưởng GDP toàn cầu âm. Việc thực hiện mô hình kinh tế xanh (tập trung vào việc thúc đẩy chi tiêu công xanh, đầu tư xanh, tiêu dùng xanh, công nghệ và năng lượng sạch, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững) là xa xỉ, không phù hợp với các nước đang phát triển, các nước kém phát triển và các nước nghèo. Trước thực tế đó, việc phát triển mô hình KTTH được coi là một giải pháp hữu ích để có thể vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường đối với các quốc gia, các địa phương cũng như các ngành, lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế. Vậy những yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển KTTH là gì? Việc tìm hiểu các yếu tố này rất cần thiết đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khi muốn chuyển đổi từ mô hình sản xuất tuyến tính sang mô hình KTTH. Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ về các yếu tố hình thành và thúc đẩy sự phát triển của KTTH, các quốc gia từ thu nhập thấp đến thu nhập cao đều có thể xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển KTTH ở tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

2. Khái quát về kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh tế tuần hoàn

2.1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn

Mô hình kinh tế tuần hoàn không phải ra đời sau khi có những đề xuất về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh mà thực tế đã tồn tại trước đó từ lâu ở một số ngành với việc phế thải từ hoạt động kinh tế này trở thành đầu vào của hoạt động kinh tế khác (Desrochers và Leppala, 2010). Tuy nhiên, khái niệm “KTTH” (circular economy) chỉ được đưa ra từ những năm 1990 với tư cách một mô hình kinh tế cần được phổ rộng trong phạm vi toàn nền kinh tế chứ không phải chỉ trong một số ngành. Khác với nền kinh tế tuyến tính hiện nay đang hoạt động theo mô hình đi từ khai thác tài nguyên đến sản xuất - tiêu dùng rồi thải bỏ ra môi trường, nền KTTH đưa những tài nguyên đã qua sử dụng quay trở lại quá trình sản xuất - tiêu dùng và do đó, giảm thiểu lượng thải bỏ ra môi trường và giảm thiểu gánh nặng sinh thái. Như vậy, “KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng”. Theo cách tiếp cận này, tất cả các ngành từ nông nghiệp, công nghiệp, hay dịch vụ ở tất cả các nước từ thu nhập thấp đến thu nhập cao đều có cơ hội áp dụng KTTH. Đây là một giải pháp tốt để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến cạn kiệt tài nguyên nhiên nhiên và ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

2.2. Khái niệm về mô hình kinh tế tuần hoàn

Qua quá trình tổng quan, nhóm tác giả đã nhận thấy mô hình kinh tế tuần hoàn là mô hình có sự kết nối và quản lý các yếu tố: (i) đầu vào; (ii) đầu ra (chất thải); (iii) tài nguyên; (iv) hoạt động sản xuất; (v) phân phối và dịch vụ; (vi) tiêu dùng; (vii) quản lý chất thải; (viii) thiết kế; và (ix) giáo dục trong tất cả các khâu để quay trở lại vòng tuần hoàn như một nguồn tài nguyên (Suárez-Eiroa, 2019).

Đầu vào của hệ thống kinh tế gồm hai loại là đầu vào có thể tái tạo và đầu vào không thể tái tạo. Đầu ra của hệ thống gồm chất thải kỹ thuật và chất thải sinh học. Các yếu tố hoạt động bên trong hệ thống gồm tài nguyên - sản xuất - phân phối và dịch vụ - tiêu dùng - chất thải. Khác với nền kinh tế tuyến tính trong đó mối quan hệ giữa các yếu tố trên là tuyến tính và tất cả chất thải đều là đầu ra của hệ thống, trong mô hình KTTH được đề cập bởi Suárez-Eiroa (2019), chất thải được coi như một loại tài nguyên và tiếp tục quay trở lại quá trình sản xuất. Phần chất thải đi ra khỏi hệ thống gồm các chất thải sinh học và chất thải kỹ thuật được đề cập đến với mục tiêu đảm bảo lượng xả thải chất thải sinh học phải phù hợp với khả năng tiếp thu của môi trường tự nhiên và việc xả thải chất thải kỹ thuật cần được giảm đến mức thấp nhất và tiến đến loại bỏ. Mô hình này cũng đề cập đến sự kết nối của tất cả các khâu trong hệ thống kinh tế, trong đó, tất cả các khâu từ thu nhận tài nguyên, sản xuất, phân phối và dịch vụ, tiêu dùng đều có thể tạo ra chất thải. Chất thải, do đó, cần được quản lý ở tất cả các khâu để quay trở lại vòng tuần hoàn như một nguồn tài nguyên. Trong mô hình này, hoạt động thiết kế và giáo dục là những yếu tố thiết yếu cần được tính đến ở tất cả các khâu, do đó, bao trùm mọi hoạt động của nền KTTH, quyết định khả năng thành công của KTTH.

Hình: Mô hình tổng quát về kinh tế tuần hoàn được đề xuất bởi Suárez-Eiroa (2019)

kinh te

Nguồn: Suárez-Eiroa (2019)

3. Các động lực, rào cản và biện pháp thực thi tác động đến sự hình thành, phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn ở các quốc gia

3.1. Các động lực

Govindan & Hasanagic (2018) đã liệt kê 13 động lực chính thúc đẩy việc thực hiện KTTH. Các động lực này được chia thành các nhóm sau: (1) Chính sách và kinh tế; (2) Sức khỏe; (3) Bảo vệ môi trường; (4) Xã hội; và (5) Phát triển sản phẩm. Trong đó:

- Về chính sách: KTTH được thực hiện do chính phủ đưa ra các quy định pháp luật về sản xuất và tiêu dùng sạch hơn.

- Về kinh tế: động lực thực hiện KTTH là sự gia tăng cơ hội tạo ra thu nhập trong dài hạn thông qua các hoạt động tái chế và tái sử dụng một cách có hiệu quả.

- Về sức khỏe: động lực thực hiện KTTH là để hạn chế môi trường bị ô nhiễm do tiêu dùng quá mức tài nguyên và năng lượng.

- Về bảo vệ môi trường: biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu do ảnh hưởng của gia tăng chất thải và khí nhà kính bắt nguồn từ sự gia tăng sản xuất và tiêu dùng đã thôi thúc nhân loại nói chung và các quốc gia nói riêng hướng tới việc phát triển KTTH. Các hoạt động nông nghiệp hiện đại đã làm năng suất tăng nhanh, nhưng cái giá của việc tiêu dùng quá mức tài nguyên và năng lượng là quá đắt. Đây cũng là một động lực để các quốc gia hướng đến KTTH. Ngoài ra, nhu cầu về năng lượng có thể tái tạo đang tăng lên cũng là một động lực cho phát triển KTTH.

- Về xã hội: gia tăng dân số ở nhiều nơi dẫn đến tiêu dùng quá mức. Hơn nữa, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu cũng đã đẩy nhu cầu tiêu dùng lên cao hơn và dẫn đến gia tăng nhu cầu về tài nguyên trong tương lai. Điều này thôi thúc việc thực thi KTTH để đảm bảo đủ tài nguyên cho sự gia tăng dân số. Ngoài ra, việc gia tăng đô thị hóa cũng làm gia tăng áp lực môi trường và thôi thúc thực hiện KTTH. Cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng về ảnh hưởng của các ngành đến môi trường cũng là động lực cho phát triển KTTH. Tiềm năng tạo việc làm trong hệ thống KTTH cũng là một động lực đáng kể cho việc phát triển mô hình kinh tế này.

- Về phát triển sản phẩm: việc cải thiện hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu và năng lượng, việc gia tăng giá trị các sản phẩm nhờ gia tăng chất lượng và độ bền cũng tạo động lực cho sự phát triển KTTH.

3.2. Các biện pháp thực thi kinh tế tuần hoàn

Govindan & Hasanagic (2018) đã hệ thống được 34 các biện pháp thực thi KTTH được đề cập trong các bài báo, bài nghiên cứu về phát triển KTTH. Các biện pháp này được chia thành các nhóm:

- Các sáng kiến quản trị: gồm các biện pháp như xây dựng các quy định luật pháp và chính sách hướng đến KTTH; thực hiện các dự án thí điểm về KTTH; Xây dựng các chỉ tiêu về tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất; tiếp thị các sản phẩm tái sản xuất và tăng tỷ lệ việc làm trong nền KTTH;

- Các sáng kiến kinh tế: gồm các biện pháp (1) Tách các hoạt động kinh tế khỏi sự suy thoái môi trường; (2) Tăng cường hạch toán môi trường trong các doanh nghiệp; (3) Đánh thuế ngoại tác; (4) Ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thực hiện KTTH; (5) Đánh thuế những loại năng lượng không thể tái tạo để thu hút các nhà sản xuất sử dụng các loại sản phẩm và năng lượng có thể tái tạo; (6) Định giá hợp lý cho các sản phẩm theo cách có tính đến chi phí để tái sử dụng, tái sản xuất, hoặc tái chế sản phẩm đó; (7) Thực thi các sáng kiến kinh tế, đặc biệt là các sáng kiến tài chính để giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi họ phải đối mặt với chi phí đầu tư ban đầu cao để chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH.

- Các biện pháp sản xuất sạch hơn: gồm các biện pháp tăng cường hiệu quả sinh thái trong sản xuất, tiêu dùng sạch hơn và các biện pháp hợp tác giữa các công ty và thực hiện các phương pháp logistics mới.

- Phát triển sản phẩm: Thiết kế các sản phẩm lâu bền cho nhiều chu kỳ sử dụng và tạo ra các ưu đãi cho các công thực hiện việc mua lại sản phẩm. Sản phẩm cũng cần được thiết kế để có thể tháo rời và sử dụng lại.

- Hỗ trợ quản trị: Hỗ trợ các nhà quản trị cấp cao hướng tới việc áp dụng KTTH.

- Cơ sở hạ tầng: gồm các biện pháp như xây dựng mạng lưới khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp cho việc tái chế được thực hiện dễ dàng hơn; thiết kế lại hệ thống hạ tầng cho cung ứng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là các dịch vụ cho thuê thay cho hoạt động mua bán và sở hữu; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững với việc sử dụng tài nguyên được tối ưu hóa để giúp việc triển khai KTTH được dễ dàng hơn; và hệ thống thông tin hiệu quả để theo dõi vật liệu trong quá trình tái chế.

- Kiến thức: gồm các biện pháp như giáo dục về tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng; đào tạo về KTTH; đào tạo và trang bị tư duy nghĩ đến tầm nhìn mục tiêu trong KTTH.

- Xã hội và văn hóa: (1) Thay đổi thái độ toàn xã hội về tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất; (2) Chuyển đổi người tiêu dùng từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH; (3) Định hướng phong cách sống đơn giản hơn cho người tiêu dùng cuối cùng.

 3.3. Các rào cản đối với việc thực hiện kinh tế tuần hoàn

Các rào cản đối với việc thực hiện KTTH ở các quốc gia được chia thành 8 nhóm:

- Các vấn đề quản trị nhà nước: bao gồm (1) Thiếu hệ thống tiêu chuẩn để đo lường KTTH; (2) Các chính sách tái chế trong việc quản lý chất thải không hiệu quả để thu được các sản phẩm tái chế chất lượng cao; (3) Không có tầm nhìn rõ ràng về phát triển KTTH; (4) Pháp luật về KTTH không được thực hiện đầy đủ; (5) Các quy định hiện hành về quản lý chất thải không hỗ trợ phát triển KTTH.

- Các vấn đề kinh tế: bao gồm (1) Thiếu động lực kinh tế gây khó khăn cho doanh nghiệp để triển khai KTTH; (2) Không tính đủ các chi phí môi trường; (3) Khó khăn khi thiết lập đúng giá của các sản phẩm tái chế/tái sản xuất/tái sử dụng; (4) Chi phí đầu tư ban đầu lớn khi chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH; (5) Chi phí ngắn hạn cao và lợi ích kinh tế ngắn hạn thấp trong giai đoạn đầu thực hiện KTTH; (6) Chi phí liên quan đến các vật liệu tái chế thường cao và do đó chúng thường đắt hơn các sản phẩm sử dụng vật liệu nguyên sinh; (7) Chi phí mua các loại vật liệu thân thiện với môi trường thường cao hơn; (8) Chi phí sản xuất tăng lên khi chuyển sang KTTH.

- Các vấn đề công nghệ: bao gồm (1) Các giới hạn về công nghệ đối với việc tái chế các sản phẩm (Sự phức tạp ngày càng tăng của các sản phẩm làm cho việc thu hồi và tái sử dụng các sản phẩm và thành phần một cách hiệu quả và hiệu quả là một thách thức lớn); (2) Doanh nghiệp khó có thể quản lý chất lượng sản phẩm thông qua vòng đời của sản phẩm; (3) Duy trì chất lượng của các sản phẩm được làm từ vật liệu phục hồi; (4) Những thách thức về thiết kế để tái sử dụng và thu hồi sản phẩm; (5) Những thách thức về việc trở lại sinh quyên một cách an toàn; (6) Khó khăn trong việc đưa ra quyết định đúng đắn để triển khai KTTHtheo cách hiệu quả nhất; (7) Không có sẵn thông tin chính xác về vật liệu có thể tái chế hay không.

- Các vấn đề kỹ năng và kiến thức: bao gồm (1) Thiếu thông tin đáng tin cậy cho công chúng và điều đó gây khó khăn cho các sản phẩm tái sản xuất/tái chế/tái sử dụng; (2) Thiếu ý thức cộng đồng, điều đó dẫn đến những khó khăn trong việc tái sử dụng/tái chế/tái sản xuất các sản phẩm; (3) Nhân viên thiếu kỹ năng về KTTH; (4) Kiến thức và nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm tân trang chưa đúng. Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn sản phẩm tân trang.

- Các vấn đề quản lý: bao gồm (1) Lãnh đạo kém trong quản lý theo định hướng KTTH; (2) Sự lãnh đạo và quản lý kém làm tăng khả năng thiếu quan tâm đến việc thực hiện KTTH. Ví dụ, các doanh nghiệp không áp dụng kiểm toán sản xuất sạch hơn hoặc không thành lập bộ phận quản lý KTTH đặc biệt; (3) Các vấn đề khác được ưu tiên cao hơn so với mục tiêu thực hiện KTTH; (4) Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp làm cho việc thực hiện KTTH gặp khó khăn.

- Các vấn đề về khung hoạt động của mô hình KTTH: bao gồm (1) Thiếu những mô hình kinh doanh thành công và các khung hoạt động cho thực hiện KTTH; (2) Toàn bộ nhu cầu của chuỗi cung ứng không được đưa vào thực hiện KTTH; (3) Các biện pháp khác có thể được ưu tiên hơn việc thực hiện KTTH.

- Các vấn đề văn hóa và xã hội: bao gồm (1) Thiếu nhiệt tâm hướng đến KTTH; (2) Nhận thức của người tiêu dùng đối với các thành phần được tái sử dụng còn thiếu sót và do đó khiến việc triển khai KTTH trở nên khó khăn hơn; (3) Người tiêu dùng thiếu sự thích thú với cái mới.

- Các vấn đề về thị trường: bao gồm (1) Những thách thức của việc lấy lại sản phẩm đã được sử dụng từ các đơn vị khác; (2) Không có bộ tiêu chuẩn về các sản phẩm tân trang; (3) Các vấn đề về quyền sở hữu để tận dụng các cơ hội tái sử dụng trong KTTH (ví dụ, cần phải tăng cường sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với quyền "tiếp cận dịch vụ" thay vì quyền sở hữu); (4) Các nhà cung cấp dịch vụ không thể giữ quyền sở hữu một cách hợp pháp; (5) Số lượng sản phẩm tái sử dụng có hạn; (6) Tái sản xuất tiêu tốn và sử dụng nhiều lao động.

4. Kết luận

Thông qua tổng quan các nghiên cứu về xây dựng mô hình KTTH dưới góc độ vĩ mô, nhóm tác giả nhận thấy, KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Mô hình hoạt động của KTTH đề cập đến sự liên kết giữa các khâu của hoạt động kinh tế, trong đó đề cao vai trò bao trùm của giáo dục và thiết kế hướng tới KTTH. Các động lực, rào cản, và biện pháp thực thi KTTH không chỉ tính đến vai trò điều hành của khu vực nhà nước mà còn tính đến vai trò của các tổ chức, các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sự phối hợp của các bên liên quan là thiết yếu cho việc hình thành và phát triển mô hình KTTH.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Suarez-Eiroa et al. (2019). Operational principles of circular economy for sustainable development: Linking theory and practic. Journal of Cleaner Production, 214, 952-961
  2. Bonciu, F. (2014). The European Economy: From a linear to a circular economy. Romanian Journal of European Affairs, 14 (4), 78-91.
  3. Govindan & Hasanagic (2018). A systematic review on drivers, barriers, and practices towards circular economy: A supply chain perspective. International Journal of Production Research,56(2),1-34. DOI: 1080/00207543.2017.1402141.
  4. Ellen MacArthur Foundation (2015c). Growth within: A Circular Economy Vision for a Competitive Europe. Avaiable at: https://circulareconomy.europa.eu/platform/en/knowledge/growth-within-circular-economy-vision-competitive-europe.
  5. EU (2008). Directive 2008/98/EC of the European Parliament and of the Council of 19 November 2008 on Waste Repealing Certain Directives. Available at: http://eurlex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do?uri¼OJ:L:2008:312:0003:0030:en:PDF.

 

Factors supporting the development of circular economy model

Phan Le Nga

Do Thi Ha Anh

Academy of Policy and Development

Abstract:

The dual goals of sustainable development and environmental protection have pushed countries and industries to develop a new economic growth model to replace the current linear economic growth model. Many international organizations, researchers, and policymakers have recommended the circular economy model to fulfill the goal of sustainable development. This paper presents an overview of published research to clarify the concept of the circular economy model and points out factors that support and hinder the circular economy model’s development in countries. This paper is expected to serve as a reference for making circular economy development policies.

Keywords: model, circular economy, sustainable development, environmental protection.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3