TÓM TẮT:
Bằng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm cơ sở cho các phương pháp nghiên cứu khác, cụ thể như: phương pháp logic; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh;… Bài viết làm rõ cơ sở của việc ghi nhận hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm và mối liên hệ giữa hiệu lực hợp đồng bảo đảm với hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm.
Từ khóa: biện pháp bảo đảm, hợp đồng bảo đảm, hiệu lực đối kháng, cơ sở ghi nhận.
Trong xu thế toàn cầu hóa, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Sự chồng chéo móc xích giữa quan hệ giao dịch dân sự này với quan hệ giao dịch dân sự khác, giữa chủ thể ở giao dịch này với chủ thể ở giao dịch khác làm phát sinh các quyền lợi và nghĩa vụ đối kháng lẫn nhau, đồng thời đối kháng với người thứ ba nằm ngoài giao dịch. Pháp luật Việt Nam đang từng bước củng cố, xây dựng và hoàn thiện các quy định về biện pháp bảo đảm, hơn nữa còn đặc biệt coi trọng các quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Trải qua các đời của Bộ luật Dân sự, từ Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự 2005 đến Bộ luật Dân sự 2015, các quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba có tên gọi, khái niệm khác nhau, nhưng về nội dung vẫn có sự thống nhất và phát triển theo hướng tích cực đầy đủ hơn. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định vẫn còn bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc xác lập giao dịch bảo đảm, mà còn làm các cơ quan chức năng lúng túng khi giải quyết các tranh chấp. Trong phạm vi bài viết này, tác giả dựa trên phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm cơ sở cho các phương pháp nghiên cứu khác, cụ thể như: phương pháp logic; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh;… để làm rõ cơ sở của việc ghi nhận hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm và mối liên hệ giữa hiệu lực hợp đồng bảo đảm và hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm, từ đó liên hệ với thực tiễn thực hiện ở Việt Nam.
Cơ sở ghi nhận quy định về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm căn cứ trên các nguyên tắc của của Luật Dân sự Việt Nam đó là nguyên tắc các bên tham gia quan hệ dân sự có quyền tự do cam kết, thỏa thuận những gì không trái với pháp luật trong việc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự và nguyên tắc mọi cam kết, thỏa thuận đều được pháp luật bảo hộ.
Như vậy, với ý chí tự nguyện, tự do thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết thực hiện nghĩa vụ bằng biện pháp bảo đảm thì thỏa thuận này được pháp luật bảo hộ. Khi một trong các bên vi phạm nghĩa vụ của mình sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc ghi nhận hiệu lực đối kháng với người thứ ba tuân thủ theo hai nguyên tắc trên.
Hơn nữa, cơ sở của việc ghi nhận này còn xuất phát từ nguyên tắc cốt lõi của Luật Dân sự đó là mọi chủ thể phải tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản của các chủ thể khác. Đó là việc giao kết khi đã được pháp luật ghi nhận, các chủ thể khác cũng buộc phải công nhận và tôn trọng thỏa thuận này.
Trong giao dịch dân sự có biện pháp bảo đảm, hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm được xác định khi đăng ký hoặc bên nhận bảo đảm đang cầm giữ tài sản. Như vậy, các chủ thể khác, hay nói cách khác là chủ thể thứ ba nằm ngoài giao dịch bảo đảm này vì bất cứ lý do gì cũng đều phải tôn trọng sự thỏa thuận về tài sản bảo đảm kia. Quy định này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của Luật Dân sự Việt Nam. Không thể cho rằng, việc bên thứ ba cũng có quyền đối với tài sản bảo đảm thì cũng đều được bảo đảm như bên nhận bảo đảm, bởi lẽ theo nguyên tắc về tuân thủ pháp luật thì việc xác lập giao dịch bảo đảm làm phát sinh hiệu lực đối kháng phát sinh khi được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoặc tài sản bảo đảm đang được bên nhận bảo đảm cầm giữ. Khi các chủ thể khác tiếp tục thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm thì buộc phải biết sự tồn tại của giao dịch bảo đảm kia. Nếu các chủ thể khác không thực hiện việc đăng ký tài sản bảo đảm và cho rằng không biết sự tồn tại về giao dịch bảo đảm đã được đăng ký thì bản chất đã vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong việc xác lập giao dịch có biện pháp bảo đảm phải đăng ký với cơ quan nhà nước.
Hậu quả pháp lý tất nhiên, Nhà nước ưu tiên ghi nhận những trường hợp đã đăng ký biện pháp bảo đảm, vì nó đảm bảo đúng nguyên tắc của luật hơn các giao dịch không thực hiện đăng ký. Trường hợp các chủ thể khác đã biết về việc tồn tại một giao dịch bảo đảm trước đó, mà vẫn đồng ý trên ý chí tự nguyện tiếp tục thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm. Trường hợp này pháp luật mặc nhiên cho rằng chủ thể thứ ba chấp nhận tuân thủ theo quy định của pháp luật đặt ra và thứ tự ưu tiên thanh toán đối với tài sản bảo đảm.
Như vậy, các chủ thể này trên tinh thần tự nguyện giao dịch thì phải tự chịu những rủi ro pháp lý gặp phải. Mặt khác, cần phải xác định rõ rằng, việc đăng ký tài sản bảo đảm chỉ là biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ hoặc bảo đảm cho việc chịu trách nhiệm của bên vi phạm nghĩa vụ, nhưng tài sản bảo đảm không luôn luôn khấu trừ được hết phần trách nhiệm mà bên vi phạm nghĩa vụ phải chịu, tức là có thể giá trị tài sản bảo đảm không đủ để chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ vi phạm và tất nhiên phần trách nhiệm còn lại vẫn có giá trị bình thường, phía bên vi phạm phải bằng biện pháp khác để thực hiện phần trách nhiệm còn lại đó.
Thực tiễn cho thấy, việc ghi nhận hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm là hoàn toàn phù hợp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các giao dịch dân sự diễn ra đan xen và chồng chéo, tạo thành các mắt xích trong chuỗi các giao dịch dân sự. Có thể trong một mối quan hệ dân sự, hậu quả pháp lý của nó không chỉ ảnh hưởng đến hai bên chủ thể của giao dịch đó, mà còn móc xích tới các mối quan hệ khác. Đặc biệt, trong giao dịch dân sự có biện pháp bảo đảm, pháp luật thừa nhận và cho phép một tài sản có thể dùng bảo đảm cho nhiều giao dịch dân sự. Vì lẽ đó, dẫn đến trường hợp tranh chấp với nhau khi bên vi phạm nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý ra sao khi tài sản bảo đảm đó không đồng thời có thể khấu trừ được hết trách nhiệm dân sự đối với các chủ thể thực hiện giao dịch.
Vấn đề này đặt ra câu chuyện buộc Nhà nước phải thực hiện quy chuẩn và đưa ra quy định cho việc xử lý tài sản bảo đảm và ghi nhận về hiệu lực đối kháng trong giao dịch bảo đảm làm căn cứ để xử lý tài sản bảo đảm. Hiện nay, quy định về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm được thể hiện ở Điều 297 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể tại khoản 1 quy định về căn cứ pháp lý phát sinh hiệu lực đối kháng như sau:“Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm” và tại khoản 2 quy định về hậu quả pháp lý của hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm: “Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Trước hết phải cần phân biệt hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm với hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm. Có thể khẳng định, đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Điều này đã được khắc phục tại Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Theo đó, tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP nêu rõ: “1. Biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật”.
Trước đó, tại Bộ luật Dân sự 2005, không có quy định rõ ràng tách biệt về hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm và hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm. Điều 320 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về cầm cố tài sản phát sinh hiệu lực từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố, Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp.
Sang đến Bộ luật Dân sự 2015 và các Nghị định ban hành hướng dẫn kèm theo, việc quy định đã tách biệt giữa thời điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực và thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Cụ thể, tại Điều 310 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm cầm cố tài sản là tại thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác và thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản là tại thời điểm giao kết trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác và thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Đối với biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm và thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng tương tự như biện pháp thế chấp tài sản, điều này được quy định tại Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Dân sự 2015, cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và phát sinh hiệu lực đối kháng kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Ngoài ra, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm 3 trường hợp cũng phát sinh hiệu lực đối kháng, đó là: biện pháp đặt cọc, biện pháp ký cược và biện pháp ký quỹ. Theo đó, bàn về hiệu lực của hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược và hiệu lực đối kháng với người thứ ba cũng tương tự như hợp đồng cầm cố tài sản, riêng với hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ được phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ. Hơn nữa, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP cũng đã làm rõ hơn các trường hợp xác định thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng đối với biện pháp cầm cố, đặt cọc, ký cược, cụ thể như sau:
Xét về mối quan hệ giữa hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm với hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm, ta thấy rõ chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau, hay chúng có sự phụ thuộc vào nhau. Biện pháp bảo đảm vô hiệu thì sẽ dẫn đến hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm đó mặc nhiên chấm dứt.
Trong biện pháp bảo đảm là cầm cố tài sản, khi giao kết hợp đồng, tài sản cầm cố không thuộc sở hữu của người đi cầm cố, mà bằng một lý do có được như trộm cắp, cướp giật… thì việc giao kết cầm cố tài sản này bị vô hiệu do mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật (cụ thể đối tượng của giao dịch là tài sản do vi phạm pháp luật mà có). Theo quy định của pháp luật, hiệu lực đối kháng phát sinh kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm cầm giữ tài sản. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, giao dịch bảo đảm này bị vô hiệu, do đó không làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, vì vậy tài sản cầm đi cầm cố do trộm cắp sẽ bị cơ quan nhà nước tịch thu và xử lý theo quy định pháp luật.
Thực chất, xét về cơ sở lý luận, hiệu lực đối kháng với người thứ ba chỉ phát sinh khi có giao dịch bảo đảm, tức là các bên chủ thể phải có sự thỏa thuận về biện pháp bảo đảm thì mới phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Mặt khác, không phải tất cả các giao dịch bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng, mà giao dịch bảo đảm có các biện pháp như cầm cố tài sản, thế chấp, bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản, ký quỹ, ký cược, đặt cọc mới phát sinh hiệu lực đối kháng. Theo đó, các biện pháp bảo đảm như tín chấp, bảo lãnh mặc dù phát sinh hiệu lực biện pháp bảo đảm nhưng cũng không làm phát sinh hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm.
Tiếp nữa, khi nghĩa vụ được bảo đảm đã hoàn thành, biện pháp bảo đảm chấm dứt hiệu lực cũng đương nhiên làm chấm dứt hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm. Bởi lẽ, khi nghĩa vụ bảo đảm đã được hoàn thành, tài sản bảo đảm không được đem ra xử lý và vẫn thuộc nguyên quyền sở hữu của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm không có quyền đối với tài sản bảo đảm và mặc nhiên hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm cũng chấm dứt.
Tóm lại, về mối quan hệ giữa hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm với hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm đó là hiệu lực hợp đồng biện pháp bảo đảm có phát sinh hiệu lực thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm mới phát sinh.
Hiệu lực đối kháng với người thứ ba là một trong những chế định giúp giải quyết các tranh chấp trong giao dịch bảo đảm. Có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để ghi nhận quy định pháp luật về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm, đồng thời cũng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa hiệu lực đối kháng với người thứ ba và hiệu lực của hợp đồng bảo đảm. Theo đó, biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật, biện pháp bảo đảm vô hiệu sẽ dẫn đến hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm cũng đương nhiên chấm dứt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
The basis for recording the countervailing effect of guaranteed measures
against third parties and the relationship with the validity of guaranteed contract
Master. NGUYEN HOANG GIANG
Faculty of Law, Thanh Dong University
ABSTRACT:
By using the methods of dialectical materialism and historical materialism as a basis for other scientific research methods, such as methods of analysis and synthesis, the logical method, the comparative method, etc., this paper clarifies the basis for recording the countervailing effect of guaranteed measures and the relationship between the impact of a guaranteed contract and the countervailing effect of guaranteed measures.
Keywords: guaranteed measures, guaranteed contract, countervailing effect, the basis for recording.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19 tháng 9 năm 2023]
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết