Hợp đồng theo mẫu: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện


Bài nghiên cứu "Hợp đồng theo mẫu: Bất cập và kiến nghị hoàn thiện" do ThS. Đinh Đình Phú Đức (Trường Đại học Phan Thiết) thực hiện.

Tóm tắt:

Hợp đồng theo mẫu đóng vai trò quan trọng khi hiện diện ở nhiều lĩnh vực thiết yếu trong cuộc sống. Pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể để điều chỉnh về Hợp đồng theo mẫu. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận về Hợp đồng theo mẫu, chỉ ra một số bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp đồng theo mẫu đối với 3 nội dung, gồm: (i) Khái niệm Hợp đồng theo mẫu; (ii) Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký Hợp đồng theo mẫu; (iii) Sự thỏa thuận của các bên khi giao kết Hợp đồng theo mẫu. Các nội dung được trình bày trong bài viết hướng đến mục tiêu hoàn thiện pháp luật về Hợp đồng theo mẫu, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên khi giao kết Hợp đồng theo mẫu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hợp đồng đặc biệt này.

Từ khóa: hợp đồng, hợp đồng theo mẫu, khách hàng.

1. Khái quát về hợp đồng theo mẫu

Theo từ điển Deluxe Black’s Law Dictionary, Hợp đồng theo mẫu (HĐTM) là dạng hợp đồng in sẵn có chứa các điều khoản đã định, được sử dụng nhiều lần bởi một doanh nghiệp hoặc trong một ngành cụ thể và chỉ có thể bổ sung hoặc sửa đổi nhỏ để đáp ứng tình huống cụ thể[1]. Qua định nghĩa này, có thể thấy HĐTM được hình thành từ sự kết hợp của các yếu tố: (i). tính mẫu hay tính soạn sẵn và (ii). tính chấp nhận (ít sự lựa chọn về điều khoản). Trong đó, người bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ đề nghị giao kết hợp đồng với người tiêu dùng thông qua các điều khoản soạn sẵn; bên người tiêu dùng khi lựa chọn chấp nhận lời đề nghị giao kết sẽ đồng nghĩa với việc chấp nhận toàn bộ nội dung dự thảo hợp đồng đã được đề nghị. Như vậy, trong khi đối với hình thức giao kết hợp đồng truyền thống, các bên sẽ cùng nhau thương lượng, đàm phán để đi đến thống nhất ý chí về từng điều khoản cụ thể của hợp đồng thì đối với HĐTM, sự thống nhất ý chí chỉ nằm ở quyết định có tham gia hay không tham gia giao dịch của người tiêu dùng.

hợp đồng theo mẫu

Ở Việt Nam, khái niệm HĐTM lần đầu tiên được quy định tại Điều 406 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 là: “Hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lí; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung HĐTM mà bên đề nghị đã đưa ra”. Với tư cách là bộ luật tư, điều chỉnh mọi mối quan hệ dân sự giữa các bên, định nghĩa về HĐTM nêu trên không thay đổi trong BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015[2]. Như vậy, theo các quy định này, HĐTM có thể hiểu là loại văn bản bao gồm tất cả điều khoản do bên đề nghị soạn thảo và bên được đề nghị chỉ có thể trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận các điều khoản này mà không được đưa ra bất cứ sự sửa đổi hoặc yêu cầu sửa đổi nào khác.

Với tư cách là một khái niệm chuyên biệt thể hiện mối quan hệ tiêu dùng giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng (là bên chiếm số đông và thường là bên yếu thế hơn), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD) năm 2010 và cả Luật BVQLNTD năm 2023 cũng đưa ra định nghĩa HĐTM. Cụ thể, “HĐTM là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng”. Định nghĩa HĐTM trong các đạo luật này cũng nhấn mạnh tính chất đơn phương ban hành của HĐTM.

Từ những phân tích trên, có thể khái quát đặc điểm của HĐTM như sau:

Thứ nhất, việc hình thành điều khoản HĐTM mang tính chất ý chí đơn phương của một bên. Đây có thể coi là đặc điểm nổi bật nhất của HĐTM. Tính chất đơn phương của việc hình thành điều khoản HĐTM được thể hiện ở chỗ các điều khoản này không phải là kết quả của quá trình thương lượng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng mà xuất phát từ ý chí một chiều của bên đề nghị giao kết hợp đồng, do bên đề nghị soạn thảo trước và sử dụng trong quá trình giao dịch. Các điều khoản hợp đồng này được ban hành một cách đơn phương mà không có bất kỳ thỏa thuận nào giữa thương nhân và người tiêu dùng.

Thứ hai, HĐTM có thể được xem là một dạng đề nghị giao kết hợp đồng đặc thù. Tính “đặc thù” thể hiện ở việc lời đề nghị giao kết hợp đồng này không hướng đến một chủ thể cụ thể, không phản ánh các đặc điểm cụ thể trong từng giao dịch (chẳng hạn như giá cả, số lượng hàng hóa, địa điểm giao hàng...) mà là các nội dung mẫu, được “tiêu chuẩn hóa”. Khi sử dụng HĐTM, các điều khoản được soạn thảo trước ngay cả khi chủ thể kinh doanh chưa xác định đối tượng khách hàng và chưa gửi đi lời đề nghị giao kết hợp đồng tới một đối tượng cụ thể.

Thứ ba, HĐTM áp dụng cho nhiều người tiêu dùng và được sử dụng nhiều lần. HĐTM mà thương nhân soạn thảo không hướng đến một người tiêu dùng hay một trường hợp nào cụ thể mà nó như một “luật” riêng mà thương nhân áp dụng cho nhiều người tiêu dùng và sử dụng lâu dài. Các nội dung “tiêu chuẩn hóa” này được đúc kết từ quá trình tích lũy kinh nghiệm kinh doanh lâu dài của chính bản thân doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác trên thị trường nên mang tính ổn định cao để áp dụng cho nhiều lần và nhiều người mà dường như không có sự phân biệt nào giữa các người tiêu dùng với nhau.

Thứ tư, phương thức xác lập, tính công khai về nội dung và điều kiện có hiệu lực của HĐTM có sự khác biệt nhất định so với hợp đồng thông thường. Nếu hợp đồng thông thường được hình thành trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận trực tiếp của các bên về nội dung điều khoản thì HĐTM được xác lập thông qua sự chấp nhận của bên được đề nghị đối với những điều khoản mẫu do một bên đưa ra. Sự chấp nhận này là chấp nhận “cả gói”, hay chấp nhận toàn bộ nội dung HĐTM mà bên đề nghị đã đưa ra trên cơ sở “chấp nhận hoặc từ bỏ” (take it or leave it).

2. Bất cập trong quy định pháp luật về hợp đồng theo mẫu

Thứ nhất là, bất cập về khái niệm HĐTM. Hiện nay. khái niệm HĐTM không được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất mà được điều chỉnh bởi hai văn bản khác nhau, đó là BLDS và Luật BVQLNTD.

Xét về mức độ tương thích của hai khái niệm đưa ra bởi hai văn bản này thì có thể dễ dàng nhận ra rằng quy định của mỗi văn bản dường như đi theo hướng “mạnh ai nấy làm” chứ không có sự thống nhất. Luật BVQLNTD năm 2010 và cả Luật BVQLNTD năm 2023 hoàn toàn không đưa ra được bất kỳ một đặc điểm nào của HĐTM mà chỉ nêu ra việc đây là hợp đồng được giao kết giữa hai chủ thể là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng. Tuy nhiên, phải hiểu rằng không phải hợp đồng nào giữa hai chủ thể này cũng được coi là HĐTM nếu không thỏa mãn các điều kiện đặc thù riêng biệt của loại hợp đồng này. Do vậy, việc quy định vô cùng sơ sài như Luật BVQLNTD năm 2010 và Luật BVQLNTD năm 2023 là khó chấp nhận và còn khiến cho các quy định bị chồng chéo, gây khó hiểu khi nhiều người tưởng rằng HĐTM chỉ áp dụng giữa hai loại chủ thể này. Trong khi đó, khái niệm HĐTM theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam cũng tương tự như quan điểm nghiên cứu của các học giả đều xuất phát từ góc nhìn của hoạt động giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do này mà khái niệm được đưa ra dễ khiến chúng ta nhầm lẫn với khái niệm về việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tại Điều 393 BLDS năm 2015: “Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị”. Quy định tại Điều 393 BLDS năm 2015 nói về giao kết hợp đồng thông thường, tức là vẫn luôn đầy đủ 2 giai đoạn hình thành một hợp đồng, đó là: (i). Một bên đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và (ii). Bên kia chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thông qua việc chấp nhận toàn bộ nội dung được đề nghị (nếu chưa chấp nhận toàn bộ mà có đàm phán, trao đổi, sửa đổi, bổ sung về nội dung thì sẽ được xem là quay lại giai đoạn i. và vai trò của hai bên sẽ liên tục được hoán đổi cho nhau trong quá trình này). Trong khi đó, đặc trưng của HĐTM không có sự đàm phán về nội dung hợp đồng, không có sự trao đổi về vai trò của các bên như trong việc giao kết hợp đồng thông thường mà bên đề nghị sẽ luôn luôn và chỉ là một bên duy nhất mà thôi. Bên được đề nghị sẽ chỉ có lựa chọn là chấp nhận giao kết hợp đồng hoặc từ chối giao kết hợp đồng. Như vậy, khái niệm đưa ra bởi Điều 405 nêu trên chưa làm rõ được các nội dung quan trọng của HĐTM. Tóm lại, cả hai quy định về khái niệm HĐTM đang tồn tại trong văn bản chung là BLDS năm 2015 và văn bản chuyên ngành là Luật BVQLNTD năm 2010 và Luật BVQLNTD năm 2023 đều cho thấy những hạn chế, thiếu sót lớn, không thể hiện được sự khác biệt về mặt bản chất của HĐTM so với những loại hợp đồng khác.

Thứ hai là, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định rải rác, tản mạn, dẫn đến khó khăn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và kiểm soát.

Theo Luật BVQLNTD năm 2010 và cả Luật BVQLNTD năm 2023, thẩm quyền quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc về Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 13/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg quy định danh mục 09 hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM là: “1. Cung cấp điện sinh hoạt; 2. Cung cấp nước sạch sinh hoạt; 3. Truyền hình trả tiền; 4. Thuê bao điện thoại cố định; 5. Thuê bao di động trả sau; 6. Kết nối Internet; 7. Vận chuyển hành khách đường hàng không; 8. Vận chuyển hành khách đường sắt; 9. Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp”.

 Sau đó, ngày 20/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg. Theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, dịch vụ “Cung cấp nước sạch sinh hoạt” được sửa thành “Cung cấp nước sinh hoạt”; dịch vụ “Thuê bao điện thoại cố định” được sửa thành “Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất”; dịch vụ “Kết nối internet” được sửa thành “Dịch vụ truy nhập internet”. Bên cạnh đó, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg sửa đổi dịch vụ “Thuê bao di động trả sau” thành “Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau)”, đồng thời bổ sung thêm Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả trước). Ngoài ra, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg bổ sung thêm 02 loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM hoàn toàn mới là Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng)“Bảo hiểm nhân thọ”. Như vậy, tính đến thời điểm Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg) có hiệu lực pháp luật thì có 11 loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM.

Sau đó, ngày 5/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg loại bỏ Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) ra khỏi danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM. Đến ngày 13/8/2019, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg và không tiếp tục quy định “Bảo hiểm nhân thọ” nằm trong danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM.

Tính đến hiện nay, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM được điều chỉnh đồng thời trong 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg. Do nằm rải rác, tản mạn trong nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM khó được nhận diện một cách đầy đủ, chính xác. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người tiêu dùng - những người vốn dĩ đã là bên yếu thế khi giao kết HĐTM. Vấn đề có tính pháp lý đặt ra là tại sao cơ quan nhà nước có thẩm quyền không hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật này để có một danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM thống nhất, rõ ràng, dễ tiếp cận. Hiện nay, Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 quy định cụ thể về thẩm quyền và thời hạn hợp nhất văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Việc chậm trễ hợp nhất các quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM cho dù được giải thích như thế nào thì vẫn là chưa tuân thủ đúng theo yêu cầu của Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012.

Ngoài ra, hiện nay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tuy nhiên, bất cập đến từ tiêu chí “thiết yếu” để xác định đối tượng thuộc danh mục cần đăng ký.

Ba là, các điều khoản mẫu tạo ra sự bất lợi cho bên được đề nghị giao kết hợp đồng, từ đó, tạo ra sự bất lợi ở đây có thể hiểu là các điều khoản này đã làm tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ, giới hạn các quyền lợi chính đáng vốn thuộc về bản chất của hợp đồng đó mà nhẽ ra bên được đề nghị không phải thực hiện các trách nhiệm hoặc phải được huởng những lợi ích nhất định. Do đó, khoản 3 Điều 405 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp HĐTM có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra HĐTM, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Về nguyên tắc, các điều khoản mẫu tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng của các bên. Để đánh giá thế nào là mất cân bằng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể, cân đo đong đếm trong phạm vi toàn bộ hợp đồng chứ không chỉ nhìn vào riêng phạm vi của điều khoản đó. Do vậy, không thể đơn thuần cho rằng điều khoản loại trừ trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng là điều khoản bất công bằng chỉ vì nó miễn trách nhiệm cho bên này. Bên cạnh đó, còn phải xem xét đến bản chất nội dung của hợp đồng, tổng thể tất cả các quyền và nghĩa vụ khác của cả hai bên trong hợp đồng cũng như hoàn cảnh các điều khoản này được xây dựng thì mới có thể đánh giá chính xác liệu điều khoản đó có tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng hay không. Ngoài ra, khi đề cập đến nội dung của điều khoản theo mẫu, cũng cần tính đến trường hợp một hợp đồng vừa tồn tại các điều khoản theo mẫu, vừa có sự xuất hiện của điều khoản do các bên thỏa thuận và các điều khoản này có thể mâu thuẫn về nội dung với nhau. Trong trường hợp đó, cần ưu tiên các điều khoản do các bên thỏa thuận với nhau, vì đây là ý chí chung đã được các bên thể hiện để xây dựng nên nội dung đó, trong khi điều khoản theo mẫu về bản chất vẫn chỉ được xây dựng bởi một bên.

3. Kiến nghị hoàn thiện

Một là, hiện nay, mặc dù Luật BVQLNTD năm 2023 vừa được ban hành, nhưng nhìn chung pháp luật hiện hành vẫn chưa có một khái niệm chuẩn xác về HĐTM. Theo tác giả, một khái niệm hoàn chỉnh về HĐTM cần phải chứa đựng những nội dung sau đây: (i). yếu tố về các chủ thể tham gia giao kết có sự chênh lệch trong vị thế thương lượng do một bên thường là các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ, bên còn lại thường là người tiêu dùng; (ii). yếu tố về nội dung của hợp đồng, trong đó các điều khoản đã được soạn thảo từ trước; (iii). yếu tố sử dụng nhiều lần để áp dụng trên phạm vi quy mô lớn với nhiều khách hàng; (iv). yếu tố về hậu quả pháp lý của việc giao kết HĐTM, đó là chấp nhận toàn bộ nội dung hoặc từ chối giao kết hợp đồng. Từ đây, có thể chuẩn hóa quy định về HĐTM trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo tác giả, có thể quy định khái niệm HĐTM như sau: “HĐTM là hợp đồng được sử dụng nhiều lần, trong đó các điều khoản được đưa ra bởi một bên chiếm ưu thế trong thương lượng (thường là bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ) để giao kết với bên còn lại (thường là người tiêu dùng); bên được đề nghị chỉ có thể chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng hoặc từ chối giao kết hợp đồng”.

Hai là, Điều 6 Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 quy định người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung của Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất đối với văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, văn bản sửa đổi, bổ sung phải được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung để thực hiện việc hợp nhất văn bản. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung phải hoàn thành việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất. Do đó, tác giả đề xuất, trong thời gian tới, nếu Thủ tướng Chính phủ có ban hành quyết định mới quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký HĐTM thì Bộ Công Thương cần nhanh chóng thực hiện việc hợp nhất các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện dễ dàng trong tiếp cận các thông tin trong HĐTM của người tiêu dùng.

Ba là, pháp luật nên bỏ từ “thiết yếu”, đồng thời quy định rõ các tiêu chí xác định phạm vi danh mục dựa trên mức độ rủi ro, chẳng hạn như: (i). hàng hóa, dịch vụ do một hoặc một nhóm doanh nghiệp có vị trí độc quyền hoặc doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cung cấp; (ii). hàng hóa, dịch vụ được cung cấp liên tục, tác động trực tiếp, lâu dài tới nhiều người tiêu dùng; (iii). hàng hóa, dịch vụ mà qua rà soát phát hiện nhiều nội dung chưa phù hợp quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Các tiêu chí này cũng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc rà soát thường xuyên về thực tế áp dụng HĐTM, tránh tình trạng đánh giá, đề xuất mang tính chủ quan, hay áp đặt khiên cưỡng.

Bốn là, hợp đồng đề cao sự thỏa thuận. Do đó, cần tôn trọng ý chí chung hơn so với ý chí đơn phương. Điều này cũng tương thích với Điều 305b của BLDS Đức (sửa đổi năm 2002) khi ưu tiên điều khoản thỏa thuận hơn so với điều khoản theo mẫu. Do đó, tác giả kiến nghị sửa đổi về nội dung của HĐTM trong khoản 3 Điều 405 BLDS năm 2015 như sau:

“Điều 405

1...

2...

3. Hợp đồng có chứa đựng các điều khoản theo mẫu bất công bằng thì các điều khoản đó sẽ không có hiệu lực. Điều khoản mẫu bất công bằng là điều khoản có nội dung trái với các nguyên tắc cơ bản tại Điều 3 Bộ luật này, tạo ra sự mất cân bằng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng và gây ra bất lợi cho bên được đề nghị.

Điều khoản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn với điều khoản theo mẫu”.

Tài liệu trích dẫn:

1 Deluxe Black’s Law Dictionary (1990), Deluxe Tenth Edition, West Publishing Co, p. 397.

2 Điều 407 BLDS năm 2005 và Điều 405 BLDS năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (1995). Bộ luật Dân sự năm 1995.
  2. Quốc hội (2005). Bộ luật Dân sự năm 2005.
  3. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015
  4. Quốc hội (2010). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
  5. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
  7. Thủ tướng Chính phủ (2015). Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTG ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
  8. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi Quyết định số 35/2015/QĐ-TTG ngày 20/8/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTG ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
  9. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
  10. Deluxe Black’s Law Dictionary (1990). Deluxe Tenth Edition. United States: West Publishing Co.

STANDARD FORM CONTRACTS: SHORTCOMINGS AND PROPOSALS FOR IMPROVEMENT

Master. Dinh Dinh Phu Duc

Phan Thiet University

Abstract:

Standard form contracts play an important role in different fields. Current laws have specific provisions to regulate standard form contracts. This paper analyzes a number of theoretical issues about standard form contracts, points out some shortcomings, and proposes solutions to improve three contents of regulations on standard form contracts, including: (i) the concept of standard form contracts; (ii) the list of essential goods and services subject to registration of standard form contracts; and (iii) the agreement of the involved parties in a standard-form contract. This paper is expected to improve current regulations on standard form contracts, contributing to protecting the interests of the parties in standard form contracts and improving state management over this type of contract.

Keywords: contract, standard form contract, customers.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3