Hiện nay, chính sách đối với cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (sau đây gọi tắt là cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung) đã được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018, quy định hưởng ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư năm 2020 với các chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất. Các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được coi là một trong các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần ươm tạo, hỗ trợ tích cực trong hoạt động phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thực hiện tại Khoản 3 Điều 24 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN ngày 11/12/2020 hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo với các quy định hướng dẫn về chức năng, hạ tầng cơ sở vật chất - kỹ thuật và nguồn lực tài chính khi thành lập các cơ sở này.
Trong quá trình triển khai, còn một số vướng mắc: Theo quy định, các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, để được hưởng các chính sách ưu đãi cần cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thẩm định, chứng nhận thì khi đó việc hưởng ưu đãi, hỗ trợ sẽ đảm bảo thực hiện hiệu quả, thống nhất, giống như doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao. Đây chính là khoảng trống chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện.
Bên cạnh đó, một số địa phương, doanh nghiệp đã có công văn nêu khó khăn, vướng mắc khi hướng dẫn thành lập và hưởng chính sách ưu đãi thuế, đất đai, đầu tư cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Các cơ sở đã được thành lập trước khi Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN ban hành và hoạt động theo mô hình cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung nếu muốn được hưởng ưu đãi, hỗ trợ thì thực hiện như thế nào. Việc thiếu các quy định thẩm định, chứng nhận và hướng dẫn hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã làm quá trình thực hiện chính sách kém hiệu quả. Chính vì vậy trong khuôn khổ bài viết sẽ phân tích hiện trạng khi triển khai thực tiễn việc phát triển, thành lập các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đang vướng, bất cập trong hoạt động chứng nhận dẫn tới hiệu quả thực thi chính sách chưa được như mong đợi từ phía các cơ quan triển khai ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
a) Đối với cơ sở ươm tạo: Hệ thống các văn bản chính sách pháp luật liên quan đến ươm tạo tuy đã được ban hành từ rất sớm nhưng nhìn chung chưa hoàn chỉnh, thống nhất và còn nhiều khoảng trống. Hiện tại, các chính sách nói chung đối với cơ sở ươm tạo hiện nay gồm quy định việc chứng nhận, chính sách ưu đãi về đất đai và ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa hoàn thiện nên các cơ sở trên gặp khó khăn trong việc thành lập, ưu đãi và hỗ trợ. Vì vậy, cần tiếp tục đề xuất các quy định về ưu đãi thuế để đưa vào dự thảo Luật về Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai.
Các cơ sở ươm tạo này đã tạo ra một số thành công nhất định, nhưng cũng gặp phải khá nhiều khó khăn trong quản lý, thu hút nguồn lực tài chính, hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa cao. Mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp nhằm phục vụ công tác ươm tạo của nhiều cơ sở ươm tạo còn hạn hẹp. Các dịch vụ mà các cơ sở ươm tạo này cung cấp cho doanh nghiệp, do đó còn ở mức cơ bản, chưa hoàn thiện.
b) Đối với cơ sở kỹ thuật: Hiện nay, các cơ sở này được thành lập đang hoạt động chủ yếu theo 3 hình thức tương tự đối với cơ sở ươm tạo: Thứ nhất, do Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh/thành phố thành lập và hoạt động dưới hình thức là đơn vị sự nghiệp tự chủ (phụ thuộc một phần). Ví dụ: chi cục, trung tâm nghiên cứu, trung tâm kỹ thuật, văn phòng công nhận, phòng nghiên cứu,... Thứ hai, do các viện, học viện, trường đại học, bệnh viện thành lập theo hình thức là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoặc một doanh nghiệp trực thuộc, ví dụ: phòng thí nghiệm, trung tâm... Thứ ba, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức: công ty cổ phần, công ty TNHH hoặc là một bộ phận của doanh nghiệp và hoàn toàn tự chủ về kinh phí.
c) Đối với khu làm việc chung: Việc thành lập các khu làm việc chung thường theo các hình thức như sau:
- Đối tượng thành lập do Bộ, ban, ngành địa phương, tổ chức công lập đứng ra thành lập, ví dụ như: SIHUB do Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh thành lập và triển khai các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được mở cửa từ tháng 8/2016 và miễn phí hoàn toàn đối với các đối tượng tham gia, BIHUB là viết tắt của từ BinhDinh Innovation Hub - không gian “khởi nghiệp sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định triển khai, Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm là đơn vị trực tiếp quản lý vận hành. Đặc điểm của các mô hình này là sử dụng mặt bằng sẵn có là từ quỹ đất công và không phát sinh tiền thuê đất. Kinh phí cho hoạt động: từ ngân sách nhà nước thông qua việc triển khai các đề án, nhiệm vụ; Nhà tài trợ; vốn ODA. Các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp không mất phí khi tham gia tại đây.
- Đối tượng thành lập là viện, trường đại học, hoặc kết hợp giữa trường đại học với doanh nghiệp, ví dụ như: Không gian sáng tạo BKHUP là sự hợp tác giữa BK-Holdings (Hệ thống doanh nghiệp của Trường ĐHBK Hà Nội) và Công ty Up (UP Coworking Space) thực hiện triển khai.
- Đối tượng thành lập là các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần trong nước và một số công ty nước ngoài. Các loại hình này hiện nay đang phát triển rất nhanh chóng, thường là cung cấp đơn thuần không gian làm việc chung, có thu phí đối với các đối tượng tham gia. Hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận. Kinh phí cho hoạt động: từ nguồn vốn của doanh nghiệp, thu phí các đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ.
- Theo quy định Tại khoản 3 Điều 12 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Điều 12. Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, 3. Cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ sau đây: a) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; b) Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”; “Điều 24. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, 3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
- Tại khoản 6 Điều 13 Văn bản hợp nhất 14/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định như sau:
“6. Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại Điều này được tính từ năm đầu tiên dự án đầu tư mới của doanh nghiệp có doanh thu; đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đối với dự án ứng dụng công nghệ cao được tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao.”
- Theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
“Điều 11. Hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa..... 5. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua xây dựng mới cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng có sẵn để hình thành cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, máy móc, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin cho cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
“Điều 22. Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: 1. Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung: a) Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp; b) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê mặt bằng tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung nhưng không quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng.”
- Theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:
“Điều 19. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
“Điều 23. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư: 1. Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư quy định hình thức, căn cứ, điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Luật Đầu tư và Điều 19 của Nghị định này. 2. Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi. 3. Căn cứ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định này gồm: a) Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; b) Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; c) Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao; d) Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đ) Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. 4. Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 19 của Nghị định này, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.”
Xuất phát từ thực tiễn triển khai chính sách đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được những ý kiến, thắc mắc và đề nghị hướng dẫn từ phía Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp muốn được thành lập cơ sở ươm tạo hoặc các cơ sở đang hoạt động theo mô hình cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung về những chính sách ưu đãi và thủ tục để thực hiện. Bộ Khoa hoc và Công nghệ đã tổng hợp và đưa ra một số lý do cần thiết ban hành quy định về chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cụ thể như sau:
- Một là, hiện tại chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đã được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư trong đó các cơ sở này được hưởng ưu đãi đầu tư như: miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ theo chức năng. Vì vậy, cần có cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ thẩm định để chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung nhằm đảm bảo tính pháp lý (tương tự như hoạt động cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao). Đây là yêu cầu từ các cơ quan thực hiện chính sách ưu đãi cần một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoa học và công nghệ giúp xác định các đối tượng hưởng ưu đãi nhằm tránh thất thu thuế của nhà nước.
Theo quy định của pháp luật, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, có các đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước (về thuế, đất đai, các ưu đãi đầu tư khác) gồm: doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao.
Đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao: cách thức triển khai ưu đãi đối với các loại hình doanh nghiệp này là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Hằng năm, doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện thụ hưởng đối với từng loại ưu đãi và Giấy chứng nhận để tự kê khai và xác định mức ưu đãi với cơ quan thuế, cơ quan thực hiện chính sách ưu đãi khác.
Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong việc triển khai chính sách ưu đãi trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hạn chế những rủi ro pháp lý trong việc tiếp cận và thụ hưởng ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước (hạn chế tình trạng hiểu chưa đúng hoặc thực thi sai chính sách) thì các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cũng cần được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận giúp nhận diện, định danh tương tự như các đối tượng trên.
- Hai là, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập và hoạt động theo mô hình cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung muốn được định danh nhằm mục đích giúp nâng cao vị thế và vai trò, cũng như khẳng định đây là những cơ sở đã chứng nhận để doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo yên tâm tham gia ươm tạo, hỗ trợ tại các cơ sở này. Đồng thời, đảm bảo tính pháp lý và hạn chế rủi ro khi tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.
- Ba là, giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung sẽ là cơ sở để đảm bảo được thụ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Theo quy định hiện hành, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai; các cơ sở này tự xác định ưu đãi và thực hiện thủ tục ưu đãi tại cơ quan áp dụng ưu đãi. Tuy nhiên, trong thực tế từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, chưa có cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung báo cáo về việc được hưởng các chính sách ưu đãi, vì đây là loại hình tương đối mới và phức tạp, việc tự kê khai để hưởng chính sách ưu đãi còn gặp khó khăn, khiến việc triển khai thực thi chính sách kém hiệu quả.
Nếu không tiếp tục hoàn thiện chính sách và để các tổ chức này tự xác định và làm việc với cơ quan quản lý để được hưởng ưu đãi cũng rất khó khăn. Mỗi lần thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi thì tổ chức phải làm các hồ sơ để chứng minh thuộc đối tượng ưu đãi. Cơ quan thực hiện thủ tục ưu đãi có thể là cơ quan thuế, cơ quan quản lý về đầu tư, đất đai hoặc các cơ quan thực hiện việc hỗ trợ DNNVV (theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP thì DNNVV sẽ được hỗ trợ kinh phí khi tham gia vào các cơ sở này). Nếu như vậy, việc lặp đi lặp lại để chứng minh tổ chức đó là cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung sẽ mất nhiều thời gian.
Đồng thời, để được hưởng các chính sách ưu đãi thì cần quy định về thủ tục, hồ sơ, tiêu chí xác định cũng như cơ quan nào thực hiện. Tuy nhiên, các quy định này còn thiếu, chưa đồng bộ khiến doanh nghiệp không biết thực hiện như thế nào.
- Bốn là, khi các cơ sở này được thẩm định và chứng nhận sẽ tạo dựng hệ thống cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tiệm cận với các nước trong khu vực và quốc tế. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm bắt những thông tin để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, từ đó triển khai chính sách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.
Do đó, việc đề xuất để ban hành quy định về chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung là cần thiết, để đảm bảo đầu mối quản lý về chuyên môn, chức năng cũng như giám sát các cơ sở này hoạt động hiệu quả. Khi các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là điều kiện để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành. Từ đó sẽ khuyến khích các cơ sở trên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả. Việc quy định chứng nhận cũng sẽ giúp các cơ sở đã thành lập trước đó và đang hoạt động theo mô hình cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tham gia tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Việc xây dựng quy định chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hướng đến các mục tiêu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách về cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tạo sự thống nhất và đồng bộ trong triển khai.
Thứ hai, thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tiến tới ngang bằng với một số nước trong khu vực và thế giới.
Thứ ba, hỗ trợ triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi, từ đó khuyến khích hình thành và phát triển hệ thống cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giải pháp chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đồng bộ, nhất quán:
- Phương án 1: Đề xuất sửa đổi nội dung tại Điều 24 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, cụ thể:
Tại Khoản 3 Điều 24 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang quy định: “3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Đề xuất sửa đổi thành: “3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn việc thành lập và quy định thủ tục, thẩm quyền chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
Sau đó cần chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN và quy định thêm về thủ tục và thẩm quyền chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Khi đó chính sách đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được thực thi có hiệu quả, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giúp triển khai các Chương trình, đề án hỗ trợ đúng đối tượng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hỗ trợ nhằm hoàn thiện công nghệ, sản phẩm, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ khi tham gia vào cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được phát triển bền vừng; khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và phát triển các loại hình này, từ đó sẽ góp phần nâng cao hoạt động hỗ trợ và ươm tạo, tạo thêm nhiều doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Phương án 2: Đề xuất nội dung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đưa vào sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để từ đó đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong thực thi chính sách. Đồng thời, việc sửa Nghị định sẽ giúp đảm bảo thêm về thời gian, rút ngắn được việc triển khai chính sách đi vào cuộc sống.
Cần giao trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan có nhiệm vụ cụ thể như sau: Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm dự thảo các nội dung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đề xuất đưa vào sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất các nội dung đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu đối với cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà soát, thẩm định các nội dung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đảm bảo theo quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bài báo đã đề xuất quy định việc chứng nhận các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung trên cơ sở thực tiễn quản lý, triển khai từ đó đã phát hiện khoảng trống chính sách, khoảng trống chính sách này làm hạn chế sự phát triển của các cơ sở trên. Vì vậy, để hoàn thiện chính sách cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới để nghiên cứu đưa ra các quy định chính sách về hoạt động chứng nhận các cơ sở trên một cách thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cũng như theo chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Some recommendations to improve policies for incubators, technical facilities,
and co-working areas to effective implement the Law on
Support for Small and Medium-sized Enterprises
PhD. Dao Quang Thuy1
Master. Duong Thi Thu Nga1
Master. Truong Thi Hoai1
Nguyen Thi Tho1
Master. Tran Thi Van Anh1
Phung Thi Hong Van1
PhD. Trinh Minh Tam2
PhD. Le Thi Kim Chi3
Master. Tran Ngoc Ban3
1 Entrepreneurship and Commercialization Development (NATEC)
2 Vietnam Centre for Science and Technology Evaluation (VISTEC)
3 University of Economics - Technology for Industries (UNETI)
Abstract:
This paper proposes some recommendations to improve policies for incubators, technical facilities, and co-working areas to effective implement the Law on Support for Small and Medium-sized Enterprises. Completing the regulation on certifying these facilities would create consistency and synchronization in the implementation of policies and improve these facilities’ capacity and quality to support innovative start-ups. It would also help these facilities better support supporting small and medium-sized enterprises, and start-ups through incubators, technical facilities, and co-working areas.
Keywords: incubators, technical facilities, small and medium-sized enterprises.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết