TÓM TẮT:
Hiện nay, các môn học thuộc chuyên ngành Kế toán nói chung và môn Kế toán quản trị nói riêng chủ yếu vẫn được giảng dạy theo phương pháp truyền thống. Xu thế hội nhập quốc tế về giáo dục đại học đòi hỏi cần có sự chuyển biến tích cực và đổi mới toàn diện về cả nội dung chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Bài viết tập trung nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy; Phân tích các phương pháp giảng dạy Kế toán quản trị; Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số phương pháp giảng dạy phù hợp với môn Kế toán quản trị.
Từ khóa: đổi mới phương pháp giảng dạy, kế toán quản trị, các trường đại học ở Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Theo Từ điển Tiếng Việt, đổi mới là “Thay đổi cho khác hẳn so với trước, tiến bộ hơn, khắc phục tình trạng lạc hậu, trì trệ và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển”. Điều này cho thấy đổi mới được hiểu theo nghĩa thông thường là sự thay đổi những cái cũ đã lạc hậu, lỗi thời bằng một cái mới tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tiếp cận về mặt hoạt động thì đổi mới còn được hiểu theo nghĩa là thay đổi cách làm cũ bằng cách làm mới có hiệu quả hơn.
Bản chất của phương pháp giảng dạy là hành động tương tác giữa người dạy và người học, trong đó người dạy là chủ thể của phương pháp giảng dạy, người học vừa là đối tượng của phương pháp giảng dạy vừa là chủ thể của phương pháp học. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy thực chất là đổi mới hoạt động của người dạy và người học nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu dạy học. Từ sự phân tích trên, theo tác giả, đổi mới phương pháp giảng dạy là thay đổi cách thức tương tác giữa người dạy với người học nhằm giúp người học tiếp thu trọn vẹn những kiến thức, kỹ năng trong từng môn học và có thể vận dụng thành thạo những kiến thức đã học vào thực tiễn nghề nghiệp.
Đổi mới phương pháp giảng dạy là để giúp người học phát triển năng lực, trí tuệ sáng tạo,ngoài ra, còn giúp thực hiện những bước thay đổi từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang việc tiếp cận năng lực của người học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy giúp người dạy quan tâm đến người học nhiều hơn, định hướng cho việc học của người học trở nên dễ dàng hơn, qua đó cũng cho thấy vai trò, vị trí hàng đầu của giáo dục, đó chính là đổi mới phương pháp dạy học, để có thể đáp ứng một cách năng động hơn và hiệu quả hơn. Từ đó, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
2. Phân tích các phương pháp giảng dạy Kế toán quản trị
2.1. Phương pháp giảng dạy truyền thống:
Phương pháp giảng dạy truyền thống dựa trên cách tiếp cận “Làm thế nào”. Theo phương pháp này, người dạy đóng vai trò trung tâm của hoạt động giảng dạy, giảng viên sẽ chịu trách nhiệm bao quát và truyền đạt mọi khái niệm, nội dung của môn học tới cho người học. Sau mỗi nội dung được truyền đạt, người dạy sẽ thực hiện việc kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra việc học thuộc lòng các kỹ thuật và kiến thức đã truyền đạt cho học viên. Kết quả học tập được đánh giá khi hết môn bằng bài tập trắc nghiệm hoặc bài tập tính toán.
Có thể thấy, phương pháp giảng dạy truyền thống không còn phù hợp với giảng dạy môn Kế toán quản trị trong điều kiện hội nhập, với đòi hỏi người được đào tạo phải có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
2.2. Các phương pháp giảng dạy tích cực:
Về cơ bản, các phương pháp giảng dạy tích cực có thể áp dụng đối với môn học Kế toán quản trị dựa trên cách tiếp cận “Tại sao”. Theo các nghiên cứu từ những năm 1976 của các nhà khoa học nước ngoài, cách tiếp cận này mang lại hiệu quả và thành công lớn hơn so với cách tiếp cận “Làm thế nào” kể trên. Các phương pháp giảng dạy tích cực cần hội đủ các yếu tố:
- Chú trọng đến mục tiêu và động cơ của người học ngay khi nhập môn;
- Chú trọng đến mức độ và bản chất kiến thức cần cung cấp;
- Chú trọng và nâng cao vai trò, sự chủ động, sáng tạo của người học;
- Chú trọng đến tương quan giữa hàm lượng kiến thức và kỹ năng;
- Có phương án sử dụng nguồn lực tối ưu cho giảng dạy và học tập.
Một số phương pháp giảng dạy tích cực có thể vận dụng trong giảng dạy Kế toán quản trị:
- Phương pháp ứng dụng phương tiện công nghệ thông tin vào trong dạy học: Phương pháp dạy học này đóng vai trò quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học nâng cao hơn, tăng cường sự phát triển của người học trong việc thực hành các bài tập tình huống. Ngoài ra, việc sử dụng các phương tiện thiết bị phục vụ cho giảng dạy, người dạy cũng nên sử dụng những phần mềm dạy học hoặc các ứng dụng điện tử như ( E - Learning) để phục vụ trong công tác giảng dạy được tốt hơn.
- Phương pháp đặt vấn đề và giải quyết vấn đề: Theo phương pháp này, người học sẽ tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng thông qua quá trình phát hiện và giải quyết các vấn đề nghiên cứu liên quan đến môn học, cả về lý luận và thực tiễn. Giảng viên sẽ xuất phát từ việc đảm nhận vai trò là người định hướng vấn đề nghiên cứu, và người đánh giá kết quả giải quyết vấn đề của sinh viên. Tính tự chủ của người học sẽ tăng dần khi sinh viên tự phát hiện và giải quyết vấn đề, giảng viên chỉ là người đánh giá kết quả cuối cùng.
Phương pháp giảng dạy này có khả năng phát triển tốt tư duy tìm tòi và giải quyết vấn đề của người học, người học có thể tiếp cận được thực tế nhanh hơn, đồng thời, cũng ghi nhớ nhanh và lâu hơn các kiến thức lĩnh hội được. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi lòng nhiệt tình, tính chủ động cũng như nền tảng kiến thức cơ bản của người học phải khá cao.
- Phương pháp thảo luận nhóm: Theo phương pháp này, giảng viên chia lớp học thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ nghiên cứu các vấn đề do giảng viên phân công.
Phương pháp thảo luận nhóm cho phép người học ngoài việc phát huy tính chủ động và năng lực của bản thân, còn phát triển kỹ năng phối hợp với người khác, tư duy lãnh đạo, tư duy tổng hợp, khả năng so sánh. Thảo luận nhóm sẽ có hiệu quả cao hơn nếu giảng viên tạo ra được sự tương tác hợp lý giữa các nhóm. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm nhất định như: nếu thiếu sự tích cực của từng cá nhân và sự giám sát chặt chẽ của giảng viên, sẽ phát sinh sự ỷ lại vào cá nhân chủ chốt của nhóm; Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm có thể bị chệch hướng do một cá nhân có ảnh hưởng lớn.
- Phương pháp mô phỏng thực tế kết hợp với nhập vai hoặc bài tập tình huống: Tuy đây là 2 phương pháp tương đối độc lập, nhưng theo quan điểm của tác giả đối với giảng dạy môn Kế toán quản trị ở bậc đại học, có thể kết hợp 2 phương pháp này cho phù hợp với đặc điểm môn học. Theo đó, giảng viên sẽ đưa ra các tình huống thực tế, hoặc tạo ra một doanh nghiệp ảo và yêu cầu người học đảm nhận một vai trò cụ thể trong tình huống hoặc doanh nghiệp đó. Người học cần ý thức được vị trí và nhiệm vụ giả định của mình để đưa ra cách giải quyết vấn đề. Trong mỗi tình huống, người học không chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến kiến thức, mà còn phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ với các cá nhân, bộ phận khác trong tình huống nhập vai.
Qua việc mô phỏng và nhập vai, người học có thể vừa tiếp thu được những kiến thức cơ bản, vừa trau dồi được các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, phát triển kỹ năng giao tiếp. Điều này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi các nhà tuyển dụng ngày càng quan tâm tới nguồn nhân lực trên góc độ “tư duy và chiến lược” hơn là trên góc độ “kỹ thuật”.
Thành công của phương pháp này sẽ là rất lớn nếu được áp dụng hợp lý. Tuy nhiên, để có thể đạt được điều đó, cần có những đảm bảo về mặt điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như thời gian giảng dạy.
Nhìn chung, các phương pháp giảng dạy tích cực kể trên đều thể hiện các đặc tính:
- Dạy và học theo hướng chú trọng rèn luyện khả năng tự học;
- Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động của người học;
- Tăng cường học tập hợp tác kết hợp với nỗ lực cá nhân;
- Kết hợp đánh giá của người dạy với đánh giá của người học.
3. Lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với môn Kế toán quản trị
Như đã phân tích ở trên, để có thể đạt được kết quả đào tạo tốt nhất, phương pháp giảng dạy được lựa chọn cần phù hợp với mục tiêu cung cấp kiến thức cũng như kỹ năng cho người học. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy được lựa chọn cũng cần phù hợp với điều kiện thực tế về trình độ sinh viên, nhu cầu của sinh viên, điều kiện tổ chức lớp học, điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện về thời gian học tập...
Mỗi phương pháp giảng dạy, từ phương pháp truyền thống hay các phương pháp hiện đại, tích cực, đều có những thế mạnh cũng như những hạn chế riêng.
Từ những luận điểm trên, có thể khẳng định sẽ không có phương pháp giảng dạy duy nhất nào là tối ưu khi giảng dạy môn học Kế toán quản trị cho mọi đối tượng sinh viên.
Theo quan điểm của tác giả, chỉ có phương án tối ưu khi lựa chọn phương pháp giảng dạy, đó là kết hợp một cách hài hòa các phương pháp giảng dạy đối với từng nội dung của môn học. Cụ thể: trong giai đoạn cung cấp khái niệm căn bản nên áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, đồng thời, giảng viên kết hợp định hướng và gợi mở các phương pháp giảng dạy tích cực cho các giai đoạn tiếp theo. Trong thời lượng còn lại của chương trình môn học, phương pháp đặt vấn đề, thảo luận nhóm và nhập vai, bài tập tình huống được kết hợp một cách hợp lý tùy thuộc vào trình độ của sinh viên và điều kiện vật chất, tổ chức khác. Bên cạnh đó, cần được ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm dạy học vào trong giảng dạy cũng như tổ chức trao đổi thông tin về môn học trên các diễn đàn của các khóa học E-learning để người học có thể trao đổi tương tác thêm về môn học. Sự kết hợp đa dạng các phương pháp giảng dạy tích cực sẽ cho phép mỗi đối tượng người học có thể tự lựa chọn cho mình một phương pháp tiếp cận và học tập phù hợp với năng lực và nhu cầu bản thân.
Để thực hiện tốt phương án lựa chọn phương pháp giảng dạy Kế toán quản trị nêu trên, cần đáp ứng được các điều kiện sau:
Thứ nhất, cần có thông tin đầy đủ về trình độ, năng lực của người học, ít nhất, cần có kết quả học tập của mỗi sinh viên trước khi môn học bắt đầu;
Thứ hai, duy trì quy mô lớp hợp lý, quy mô tối ưu cho việc áp dụng các phương pháp giảng dạy kể trên nên ở mức từ 30 - 40 sinh viên.
Thứ ba, cần có cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp: Các trường cần được trang bị hệ thống phòng học phù hợp, hệ thống máy tính, dữ liệu mô phỏng;
Thứ tư, cần nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên cả về môn học và phương pháp giảng dạy.
4. Kết luận
Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Kế toán quản trị là một yêu cầu khách quan và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đổi mới nội dung giảng dạy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ và có sự quan tâm thích đáng, tích cực của mọi giảng viên, học viên cũng như các tổ chức, đơn vị có liên quan. Thành công của sự đổi mới phương pháp giảng dạy sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và góp phần to lớn vào quá trình hội nhập của nền giáo dục Việt Nam với nền giáo dục thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hoàng Phê (2003). Từ điển Tiếng Việt, trang 337, NXB Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng.
- Tuhkanen, J. (1976). Bookeeping and Accounting: The “Why” Approach in Teaching Accounting. Business Education, 31(3), 15-16.
- Hill, Mary Callahan (1998). Class size and Student Performance in Introductory Accounting Courses: Further Evidence. Issues in Accounting Education, 3(1), 47-64.
- Mateo, Miguel, A. & Fernadez, Juan (1996). Incidence of Class size on Evaluation of University Teaching quality. Educational and Psychological Measurement, 56(5), 771-778.
- Adler, R., & Milne, M. (1998). The Challenges of Learner-Centred Education. Chartered Accountants Journal of New Zealand, Feb 1998, 12-17.
INNOVATING MANAGEMENT ACCOUNTING TEACHING
METHODS OF VIETNAM’S HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS
• Master. NGUYEN THI MY AN
Tra Vinh University
ABSTRACT:
Many accounting courses, including management accounting course, are taught by traditional methods. The international integration process of Vietnam’s higher education sector requires educational institutions to change comprehensively and innovate their curriculum content and teaching methods. This paper analyzes current management accounting teaching methods, and proposes some innovative management accounting teaching methods.
Keywords: teaching method innovation, management accounting, universities in Vietnam.